Phân tích đoạn thơ "Xuân đương tới... chưa ngả chiều hôm"
Xuân Diệu được mệnh danh là ông hoàng thơ tình của nền văn học Việt Nam với những sáng tác vô cùng lãng mạn nhưng không kém phần ý nghĩa. Bài thơ Vội vàng cũng là một bài thơ mang phong cách sáng tác đặc trưng như vậy của ông. Để các bạn hiểu hơn về bài thơ Vội vàng, Topbee đã mang tới bài Phân tích đoạn thơ "Xuân đương tới... chưa ngả chiều hôm", mời các bạn tham khảo.
Dàn ý Phân tích đoạn thơ "Xuân đương tới... chưa ngả chiều hôm"
- Mở bài:
Giới thiệu tác phẩm, tác giả và đoạn thơ
- Thân bài:
+ Cái nhìn mới về thời gian của Xuân Diệu: Thời gian một đi không trở lại
+ Sự tiếc nuối tuổi trẻ và thời gian đang trôi qua
+ Biết bao điều muốn tận hưởng nhưng thời gian hữu hạn không dài thêm, tuổi trẻ không thể đến lần thứ hai
+ Sự tiếc nuối hóa thành nỗi buồn lên khung cảnh, mọi vật dường như đều đang vĩnh biệt thời gian trôi dần
+ Thông điệp thức tình mà Xuân Diệu dành cho độc giả và chính bản thân mình: Tất cả phải đứng lên, trân trọng khoảng thời gian mình có, tận hưởng cuộc sống và cống hiến hết mình cho cuộc đời cho con người vì thời gian luôn thấm thoát thoi đưa
- Kết bài:
Khái quát lại giá trị của đoạn thơ "Xuân đương tới... chưa ngả chiều hôm"

Phân tích đoạn thơ "Xuân đương tới... chưa ngả chiều hôm"
Xuân Diệu được mệnh danh là ông hoàng thơ tình của nền văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông luôn tràn ngập sự lãng mạn và bay bổng, cùng với đó là những thông điệp thật sâu sắc về cuộc đời, về tình yêu, tuổi trẻ. Cũng với những đặc điểm riêng biệt như vậy, Xuân Diệu đã sáng tác ra bài thơ Vội vàng, một bài thơ rất hay nằm trong tập “Thơ thơ” của ông. Tập thơ là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Xuân Diệu, khẳng định tên tuổi ông trong số những nhà thơ mới. Vội vàng đã bộc lộ được những quan điểm mới mẻ về nhân sinh của Xuân Diệu, đặc biệt gây ấn tượng đối với độc giả có lẽ là đoạn thơ:
“Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian;
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt....
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi ?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa ?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,...”
Ở đoạn thơ này, nhà thơ Xuân Diệu đã bày tỏ sự tiếc nuối vì thời gian trôi qua quá nhanh trong một kiếp nhân sinh. Ở những tác phẩm trung đại, chúng ta thường thấy thời gian được miêu tả tuần hoàn, vĩnh viễn và chậm rãi. Còn đối với Xuân Diệu, thời gian một đi sẽ không trở lại, giống như mùa xuân đến, trong hương hoa ngập tràn đất trời, tác giả hòa mình với thiên nhiên nhưng cũng thể hiện sự tiếc nuối, không thể níu giữ thời gian và cái đẹp mình đang tận hưởng. Xuân Diệu hiểu rõ thực tại, mùa xuân đang đến đồng nghĩa với mùa xuân sẽ qua đi, mùa xuân xinh đẹp thuở còn non đồng nghĩa với mùa xuân già cũng sẽ đến. Nhà thơ tiếc nuối vô cùng thời gian trôi qua trong cuộc đời, đặc biệt là thời gian của tuổi trẻ, khoảng thời gian tươi đẹp nhất đời người. Tuy trong lòng Xuân Diệu còn muốn tận hưởng nhiều điều của cuộc sống hơn nữa nhưng “lòng tôi rộng”, còn “lượng trời cứ chật”, không cho tuổi trẻ nhiệt huyết của con người dài thêm. Sự tiếc nuối ấy của nhà thơ dường như càng lúc càng được đẩy lên cao và bộc lộ ra bằng những câu thơ:
“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;”
Nhà thơ Xuân Diệu lần này đã khẳng định một cách trực tiếp nhận định của mình về thời gian, trái ngược với những tiền bối trung đại “Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn”. Đúng như vậy, xuân sẽ không tuần hoàn vì tuổi trẻ cũng vậy, đâu có đến lần thứ hai, mỗi người chỉ có một tuổi trẻ mà thôi. Đất trời luôn còn đó, nhưng con người không sống bất tử với đất trời, chính vì vậy mà nhà thơ Xuân Diệu không còn thể hiện sự tiếc nuối thời gian hữu hạn của đời người gián tiếp nữa mà trực tiếp bộc bạch qua câu thơ “Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”.
“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt....
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi ?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Sự tiếc nuối đó đã biến thành nỗi buồn đối với con người đa cảm như nhà thơ Xuân Diệu. Cảm xúc buồn bã, chia ly bao trùm lên toàn bộ các câu thơ sau. Thời gian nào cũng sẽ ẩn chưa vị chia phôi vì một đi không quay lại, cảnh vật như sông, núi, cơn gió, chiếc lá biếc, chim rộn ràng hót, tất cả như đang hòa chung khúc ly biệt với thời gian.
“Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,...”
Hai câu thơ cuối đoạn chính là lời thức tỉnh của nhà thơ Xuân Diệu không chỉ gửi đến độc giả mà còn là lời nhắc nhở chính bản thân mình. Tuổi xuân qua đi sẽ chẳng bao giờ quay trở lại nữa, tác giả đã điệp ngữ và sử dụng từ cảm thán “ôi” để nhấn mạnh lại điều này, tạo ra một âm điệu như giục giã tất cả chúng ta. Những con người còn đang và chưa đến tuổi xuân hay đang níu giữ chút xuân thì còn sót lại, tất cả hãy “Mau đi thôi”, mau đi tận hưởng cuộc sống, cống hiến cho cuộc đời, cho con người nhân lúc “Mùa chưa ngả chiều hôm”, nghĩa là thời gian tuổi trẻ chưa qua đi.
Qua đoạn thơ "Xuân đương tới... chưa ngả chiều hôm" nằm trong bài thơ Vội Vàng của nhà thơ Xuân Diệu, độc giả đã cảm nhận được những thông điệp thật ý nghĩa qua ngôn từ điêu luyện và lãng mạn của tác giả. Đó chính là những lời nhắc nhở chúng ta phải luôn biết trân trọng thời gian, vì thời gian khi qua đi sẽ không bao giờ trở lại nữa.
-------------------------------
Trên đây Topbee đã mang tới cho các bạn bài Phân tích đoạn thơ "Xuân đương tới... chưa ngả chiều hôm". Đây là đoạn thơ nổi bật nhất nằm trong bài thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu.