Phân tích Nếu ngày mai em không làm thơ nữa

icon-time28/7/2023
(1 đánh giá)

Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của người phụ nữ giàu tình cảm, vừa chân thành hồn nhiên, lại đằm thắm và đầy dữ dội. Đặc biệt đến với thi phẩm “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa” nữ thi sĩ đã bày tỏ tình yêu mãnh liệt của bản thân dành cho thơ ca. Dưới đây là bài Phân tích Nếu ngày mai em không làm thơ nữa mời thầy cô và các bạn cùng tham khảo


Dàn ý Phân tích Nếu ngày mai em không làm thơ nữa

I. Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác giả tác phẩm, vấn đề cần nghị luận

II. Thân bài

- Nội dung: Qua bài thơ, Xuân Quỳnh bày tỏ tình yêu mãnh liệt của bản thân dành cho thơ ca.

- Ngay từ những câu thơ đầu, nữ thi sĩ đã đặt ra một giả thiết đầy bất ngờ: “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa”

- “Ngày mai” là ngày nào? Tại sao không phải là hôm nay hay một ngày nào đó cụ thể? Có thể là một ngày nào đó, nhưng chính nhà thơ cũng chẳng biết, chỉ biết là bây giờ vẫn làm thơ, vẫn sống cùng thơ và yêu thơ bằng cả trái tim nhiệt huyết
=> Thơ Xuân Quỳnh nhẹ nhàng, tự nhiên nhưng rất sâu sắc, mang đậm tính triết lý.

III. Kết bài

Nêu cảm nhận của em sau khi đọc xong tác phẩm

Dàn ý Phân tích Nếu ngày mai em không làm thơ nữa

Phân tích Nếu ngày mai em không làm thơ nữa

      Xuân Quỳnh - nữ nhà thơ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bà được công chúng biết đến với nhiều sáng tác nổi tiếng như Sóng, Thuyền và biển, Nếu ngày mai em không làm thơ nữa, Tiếng gà trưa, Hoa cỏ may… Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của người phụ nữ giàu tình cảm yêu thương, vừa chân thành hồn nhiên, lại đằm thắm và đầy dữ dội. Đặc biệt đến với thi phẩm “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa” nữ thi sĩ đã bày tỏ tình yêu mãnh liệt của bản thân dành cho thơ ca.

      Người ta nói “Thơ Xuân Quỳnh tự nhiên như thể đã là phụ nữ thì phải sinh con đẻ cái vậy”. Thật vậy, với Xuân Quỳnh thơ đã là máu thịt, là một phần quan trọng không thể thiếu. Nhưng trong tác phẩm này, nữ thi sĩ đã đặt ra một giả thiết đầy bất ngờ:

“Nếu ngày mai em không làm thơ nữa”

      Thì:

“Cuộc sống sẽ trở thành bình yên

Ngày nối nhau trên đường phố êm đềm

Không nỗi khổ, không niềm vui kinh ngạc ...”

      Nếu một mai Xuân Quỳnh chẳng làm thơ nữa, thì khi ấy “cuộc sống” sẽ bình yên biết bao. “Ngày nối nhau” trôi theo dòng thời gian, cứ êm đềm yên ả, nhàn nhã đến chán nản. Cuộc sống không thơ- một cuộc sống tẻ nhạt và vô vị, sống mà không biết mình có đang thật sự tồn tại hay không, bởi:

“Trận mưa xuân dẫu làm ướt áo

Nhưng lòng em còn cảm xúc chi đâu..

Mùa đông về quên nỗi nhớ nhau

Không xôn xao khi nắng hè đến sớm ...”

      Khi còn thơ, là khi tâm hồn ta còn nhạy cảm, còn có thể cảm nhận được cái lành lạnh, tươi mới, mát lành của “trận mưa xuân” hay chút “xôn xao”, rạo rực khi “nắng hè đến sớm”. Xuân đã về rõ rệt, mưa xuân dẫu làm em “ướt áo”, thấm vào da vào thịt, nhưng bởi bây giờ em chẳng còn làm thơ nữa nên: “còn cảm xúc chi đâu”. Một sự chua xót đến nghẹn ngào.

Phân tích Nếu ngày mai em không làm thơ nữa

      Và rồi: 

“Chuyện hôm nay sẽ trở thành kỷ niệm

Màu phượng chẳng nồng nàn trên lối ta đi.”

      Ta lạc lõng trôi giữa dòng chảy của thời gian, cứ mãi hoài cổ về một ngày đã xa. Ta sống ảo, nghĩa là ta yêu ảo, tâm hồn ta sẽ dần trở nên chai sạn, chẳng còn cảm nhận được vị ngọt của cuộc sống muôn màu

“Gió thổi nơi này không lạnh tới nơi kia

Lời nói tâm tình trở nên nhạt nhẽo... 

Nghe tiếng con tàu em không thể hiểu

Tấm lòng anh trong mỗi chuyến đi xa

Em không còn thấy nhớ những sân ga

Những nơi đã đi, những nơi chưa hề đến”

      Đến “những lời nói tâm tình” em còn cảm thấy nhạt nhẽo, vô vị. Hay như “những sân ga” là vạch nối, là bến đợi, bến đỗ của những chuyến đi xa em cũng chẳng “thấy nhớ”. Đối với em, quá khứ đã dần trở nên nhạt nhòa, thực tại vô vị, tương lai thì mù mù mịt. Em sống vì cái gì? Mục đích, động lực và lý tưởng ở đâu? Lý do nào để em tồn tại? Khi đến chính bản thân mình em còn không yêu. Vậy làm sao em có thể yêu anh được:

“Âm điệu ấy chẳng còn gieo tiếng nhạc

Chất men nào làm em choáng váng

Cũng phai dần theo những năm tháng xa”

      Thơ tạo nên nhạc, nhạc như là chất men làm say đắm tâm hồn người thi sĩ. Ngòi bút đa tài, sự mẫn cảm, tinh tế ngày xưa giờ cũng dần phai nhạt theo năm tháng khi em chẳng làm thơ. Tất cả đều bắt nguồn từ có đến không, từ nồng nàn đến nhạt nhòa, vô vị, từ vô hạn đến hữu hạn, từ lãng mạn nồng nàn cho đến thực tế lạnh lùng:

“Hết ngọn lửa lạ lùng, thôi mùa mây phiêu bạt

Ơi trời xanh - xin trả cho vô tận

 Trời không xanh trong đáy mắt em xanh”

      Thơ là cuộc sống, là tất cả của Xuân Quỳnh, trong thi phẩm, nữ thi sĩ đã giả sử “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa”. Nhưng “ngày mai” là ngày nào? Tại sao không phải là hôm nay hay một ngày nào đó cụ thể? Có thể là một ngày nào đó, nhưng chính nhà thơ cũng chẳng biết, chỉ biết là bây giờ vẫn làm thơ, vẫn sống cùng thơ và yêu thơ bằng cả trái tim nhiệt huyết

      “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa” là một trong những sáng tác tiêu biểu của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Cho dù là ở quá khứ, hiện tại hay tương lai sau này, tác phẩm vẫn sẽ luôn sống mãi cùng với thời gian. Giống như nhà văn Nga từng nói: “Văn học nằm ngoài mọi sự băng hoại, mình nó không chấp nhận quy luật của cái chết”.

---------------------------------------

Trên đây Topbee đã cung cấp cho các bạn bài văn mẫu Phân tích Nếu ngày mai em không làm thơ nữa. Với giọng thơ nhẹ nhàng, tự nhiên nhưng rất sâu sắc, qua đó nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã thành công bộc lộ tình cảm yêu mến đối với nền thi ca nước nhà 

Nguyễn Phương Thảo
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question