image hoi dap
image hoi dap

Phân tích tiếng cười châm biếm của Trần Tế Xương qua bài thơ Năm mới chúc nhau

icon-time2/12/2023
(1 đánh giá)

Với người Việt Nam, Tết là dịp để mọi người trao nhau những câu chúc, là dịp để mọi người hy vọng một năm mới an lành, sung túc,…Thế nhưng, qua bài thơ “Năm mới chúc nhau”- Trần Tế Xương ta lai thấy được những lời chúc Tết trái ngược hẳn với phong tục chúc tết Việt Nam.


Dàn ý Phân tích tiếng cười châm biếm của Trần Tế Xương qua bài thơ Năm mới chúc nhau

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm 

- Nêu vấn đề cần nghị luận (Phân tích tiếng cười châm biếm của Trần Tế Xương qua bài thơ Năm mới chúc nhau)

2. Thân bài:

- Khái quát nội dung tác phẩm

- Từ láy “lẳng lặng” kết hợp với từ “nó”, “đứa” thái độ châm biếm của nhà thơ đối 

- “chúc bạc đầu râu” câu thơ như một tiếng cười, lời chế nhạo đầy khôi hài. 

- Chữ “râu” làm mất đi vẻ trang trọng, mang đến một tiếng cười chế nhạo 

- “ông” cách xưng hô ấy khiến cho những kẻ nhố nhăng, tham lam bị xếp xuống hàng dưới “đứa”, “nó”

=> Câu thơ đã bộc lộ trực tiếp thái độ khinh rẻ của tác giả đối với bọn quan tham, vì quyền lợi mà bán dân, bán nước

- Từ láy “lẳng lặng” thái độ khinh miệt, giọng điệu đầy châm biếm 

- Câu thơ “đứa thì mua tước, đứa mua quan” đã diễn tả trực tiếp thực trạng nhố nhăng của bọn quan vô học

=> Tiếng cười ấy không chỉ “độc” mà còn “thâm”, xoáy sâu vào tâm trí một hiện thực xã hội thời kỳ đó

* Nghệ thuật:

- Sử dụng các phương thức biểu biểu cảm 

- Tính chất châm biếm bật ra từ sự mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức 

- Giọng điệu thơ vừa dí dỏm, hài hước vừa chế giễu châm biếm đả kích sâu cay

- Cách diễn đạt theo kiểu ngoa ngôn kết hợp với các từ ngữ xưng hô hết sức nghệ thuật

3. Kết bài:

- Khái quát lại vấn đề nghị luận

- Nêu thực trạng xã hội + bài học


Phân tích tiếng cười châm biếm của Trần Tế Xương qua bài thơ Năm mới chúc nhau

Trần Tế Xương là nhà thơ với ngòi bút châm biếm quyết liệt, dữ dội. Thơ của Tế Xương có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình. Bức tranh hiện thực trong thơ Tế Xương là một bức tranh xám xịt, tái hiện lại hiện thực thối nát của xã hội thực dân nửa phong kiến. Sử dụng giọng văn châm biếm sâu cay, thơ ông đã đả kích bọn thực dân phong kiến, bọn quan làm tay sai cho giặc. Tiếng cười châm biếm ấy được tác giả đưa vào trong bài thơ nổi tiếng “Năm mới chúc nhau”. “Năm mới chúc nhau” qua đôi mắt Trần Tế Xương là những tiếng cười châm biếm chua cay, nực cười và toàn giả dối.

Phân tích tiếng cười châm biếm của Trần Tế Xương qua bài thơ Năm mới chúc nhau

Bài thơ năm mới chúc nhau là những tiếng cười, những lời chế giễu, mang tính châm biếm sâu cay, thể hiện sự khinh ghét của nhà thơ trước bọn người tham lam của xã hội cũ. Tết là dịp đặc biệt đối với người Việt Nam, là nơi để mỗi con người đi xa trở về, là nơi gắn kết sự yêu thương. Tết là dịp ta trao cho nhau những lời chúc, lời mong ước một năm mới bình an thuận hòa. Nhưng đọc tác phẩm “năm mới chúc nhau” của Tế Xương ta lại thấy một hiện thực không phải như vậy

“Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu”

Năm mới, chúng ta thường trao cho nhau những lời chúc. Chúc nhau sống lâu trăm tuổi là một lời chúc đẹp. Thế nhưng, qua hai câu thơ trên ta lại có cảm nhận khác. Từ láy “lẳng lặng” kết hợp với từ “nó”, “đứa”. Ta nhận ra rằng đó là thái độ châm biếm của nhà thơ đối với bọn chúc. Chúc nhau trăm tuổi là câu chúc thường được con cháu chúc ông bà, thể hiện thái độ trang trọng, thành kính. Thế nhưng, ở đây Trần Thế Xương lại “chúc bạc đầu râu”, câu thơ như một tiếng cười, lời chế nhạo đầy khôi hài. Bởi người ta chỉ thường chúc nhau trăm tuổi bạc đầu chứ không ai chúc trăm tuổi bạc đầu râu. Chữ “râu” làm mất đi vẻ trang trọng, mang đến một tiếng cười chế nhạo đầy sâu sắc. Thái độ châm biếm của tác giả còn được biểu hiện rõ hơn qua những lời dự định đầy căn cứ của mình:

“Phen này ông quyết đi buôn cối,

Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu”

Trần Tế Xương đã tự nhận mình là “ông”, một cách xưng hô đầy trịnh trọng thể hiện thái độ của bậc trên. Cách xưng hô ấy khiến cho những kẻ nhố nhăng, tham lam bị xếp xuống hàng dưới “đứa”, “nó”. Câu thơ đã bộc lộ trực tiếp thái độ khinh rẻ của tác giả đối với bọn quan tham, vì quyền lợi mà bán dân, bán nước. Chẳng có gì tốt đẹp khi “lũ bạc đầu râu” không còn răng để nhai trầu. Trần Thế Xương một lần nữa thể hiện thái độ châm biếm, mỉa mai. Vẫn giọng điệu châm biếm thâm thúy, sâu cay nhà thơ tiếp tục thể hiện tiếng cười đầy mỉa mai bọn Quang trưởng giả học làm sang.

“Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:

Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?

Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc,

Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:

Đứa thì mua tước, đứa mua quan.

Phen này ông quyết đi buôn lọng,

Vừa bán vừa la cũng đắt hàng”

Từ láy “lẳng lặng” tiếp tục được sử dụng trong câu thơ. Đó là thái độ khinh miệt, giọng điệu đầy châm biếm xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ. Khao khát được làm quan, được sống một cuộc sống giàu sang là một ước mơ chính đáng. Thế nhưng ở đây bọn quan lại là một thứ hàng hóa được bày ra để mua bán. Đồng tiền có thể mua được mọi chức vị trong xã hội, sẽ chẳng thể tìm ra được những người giỏi thật sự để đưa đất nước đi lên. Câu thơ “đứa thì mua tước, đứa mua quan” đã diễn tả trực tiếp thực trạng nhố nhăng của bọn quan vô học. Bao sự trơ tráo vô liêm sỉ của chúng đã bị Trần Tế Xương lột trần, vừa chửi vừa la cũng đắt hàng. Trần Tế Xương đã khiến cho người đọc được một phen hả hê, bật cười bởi lũ quan vô học ấy chỉ biết chửi, biết la như những kẻ đầu đường xó chợ. Câu thơ là tiếng cười châm biếm, hài hước mà sâu cay vô cùng.     

“Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:

Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.

Phố phường chật hẹp, người đông đúc,

Bồng bế nhau lên nó ở non”

Đó là thái độ mỉa mai giễu cợt về sự nhốn nháo của bọn người hợm của. Đọc những câu thơ trên, ta chỉ thấy buồn cười về một hiện thực nhố nhăng đầy lộn xộn của bọn quan trường. Qua những vần thơ trào phúng, ta càng thấm được tiếng cười đầy châm biếm của Trần Tế Xương. Tiếng cười ấy không chỉ “độc” mà còn “thâm”, xoáy sâu vào tâm trí một hiện thực xã hội thời kỳ đó. Nhà thơ không một chút e dè, kiêng nể mà đã mạnh miệng buông thẳng những tiếng chửi đầy ẩn ý, thâm độc dành cho chúng nó.
Tác giả đã sử dụng các phương thức biểu biểu cảm để làm rõ lên những tiếng chửi, lời chế nhạo, mỉa mai sâu cay của mình. Đó là tính chất châm biếm bật ra từ sự mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức chúc nhau mà thực ra là để chửi, là để thể hiện sự khinh ghét. Cùng với đó là giọng điệu thơ vừa dí dỏm, hài hước vừa chế giễu châm biếm đả kích sâu cay. Trần Thế Xương còn sử dụng cách diễn đạt theo kiểu ngoa ngôn kết hợp với các từ ngữ xưng hô hết sức nghệ thuật. Tất cả thể hiện cho phong cách nghệ thuật trào phúng sắc sảo của bậc thầy Trần Tế Xương.

“Năm mới chúc nhau” là bài thơ đặc sắc, tiêu biểu cho phong cách thơ Trần Tế Xương. Thơ viết về những lời chúc tết nhưng thực ra lại là tiếng chửi, là tiếng cười mỉa mai. Qua tác phẩm Trần Tế Xương đã tái hiện lại hiện thực xã hội đen tối, chế giễu khinh ghét lối sống của bọn giàu sang, của bọn quan trường. Qua tác phẩm Tế Xương mang đến một tiếng chuông cảnh tỉnh, phê phán. Nhà thơ thể hiện niềm khao khát được sống trong một xã hội tốt đẹp.

Trần Thùy Dương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question