Phân tích truyện ngắn Nghề của mẹ

icon-time9/5/2023
(1 đánh giá)

Người mẹ luôn sẵn sàng hy sinh tất cả để mang đến cho con một cuộc sống đủ đầy. Trên trang văn, trang thơ Việt Nam đã có biết bao những tác phẩm hay viết về công việc của mẹ và hình ảnh của người mẹ. Nghề của mẹ là một truyện ngắn như thế. Tác phẩm này ngắn, rất ngắn nhưng đã truyền tải được rất nhiều những thông điệp ý nghĩa của cuộc sống. Qua phân tích truyện ngắn Nghề của mẹ dưới đây các em sẽ hiểu thêm về những thông điệp được tác giả gửi gắm qua tác phẩm này.


Dàn ý phân tích truyện ngắn Nghề của mẹ 

1, Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

- Khái quát giá trị của tác phẩm.

2, Thân bài

- Lần lượt phân tích các yếu tố làm nên đặc sắc của truyện ngắn này

+ Hình ảnh người mẹ: lam lũ, vất vả với công việc mưu sinh.

+ Mẹ tảo tần buôn bán để giành hết tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con, yêu thương con vô điều kiện

+ Hình ảnh nhân vật tôi có sự trưởng thành theo năm tháng: ban đầu xấu hổ vì công việc của người mẹ, sau này mới nhận ra chưa bao giờ làm tròn chữ hiếu cùng mẹ.

=>Từ đó tác phẩm nhắc nhở chúng ta phải luôn biết ơn, trân trọng mẹ, làm tròn đạo hiếu với cha mẹ.

- Phân tích thành công về mặt nghệ thuật

+ Cốt truyện ngắn, không có bất kỳ tình huống kịch tính nào.

+ Người kể chuyện ngôi thứ nhất góp phần làm cho câu chuyện sinh động, chân thực hơn.

3, Kết bài

+ Khẳng định giá trị của tác phẩm.

+ Liên hệ bản thân.


Bài văn phân tích chi tiết truyện ngắn Nghề của mẹ 

       Nghề của mẹ của nhà văn Võ Thành An là một truyện ngắn xuất sắc về đề tài người mẹ. Cốt truyện không có quá nhiều chi tiết, rất ngắn gọn nhưng thông qua đó nhà văn truyền tải rất nhiều điều ý nghĩa về cuộc sống, nhắc nhở con người phải biết làm tròn đạo hiếu với bậc sinh thành.

Bài văn phân tích chi tiết truyện ngắn Nghề của mẹ

 

       Câu chuyện mở đầu bằng hình ảnh người mẹ với công việc buôn thúng bán bưng ngoài chợ. Mẹ làm nghề bán cá linh, công việc bán cá vất vả, cá lại nhanh ươn nên mỗi khi đưa cá lên bờ mẹ lại vội vã, tất bật đi giao bán khắp nơi. Qua một vài nét giới thiệu như vậy người đọc đều cảm nhận được công việc lênh đênh, phụ thuộc và quá vất vả của mẹ. Mẹ làm việc ngoài trời, sóng gió, mưa nắng đều phải nếm trải, những hôm thời tiết thuận thì không sao, phải những hôm mưa gió, nắng gắt thì không biết mẹ phải vất vả như thế nào. Tuy nhiên cũng chỉ vì gánh nặng mưu sinh, vì đồng tiền nuôi các con nên mẹ chẳng quản ngại điều gì cả, vẫn vất vả ngược xuôi theo năm tháng cuộc đời.

       Dẫu cuộc sống khó khăn, nghề nghiệp vất vả là thế nhưng mẹ luôn quan tâm, hy sinh và dành hết những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Mỗi buổi chợ dù rất vội nhưng mẹ luôn tranh thủ ghé qua trường để gửi cho tôi - người con nắm xôi, chiếc bánh. Dáng mẹ vội vàng, vất vả, đưa cho con rồi lại vội đi cho kịp buổi chợ. Hình ảnh tương phản giữa người mẹ lam lũ và tấm áo trắng học sinh thấp thoáng của con nơi cổng trường làm người đọc thấu hiểu thêm phần nào những hy sinh của mẹ.

       Người mẹ là linh hồn của tác phẩm và song song với đó là người con. Người con cảm nhận về mẹ và cũng phần nào thể hiện được những nét phẩm chất, tính cách của mình. Lúc còn nhỏ nhân vật tôi chưa hiểu hết về công việc của mẹ nên luôn xấu hổ với bạn bè, che giấu công việc, nghề nghiệp bán cá của mẹ. Nhưng theo thời gian, con ngày càng trưởng thành hơn và thấu hiểu được những sự hy sinh của mẹ. Đó cũng là lúc con nhận ra mình chưa làm tròn đạo hiếu với mẹ. Càng trưởng thành con càng cảm nhận được sự hy sinh vất vả, những cực nhọc của cuộc đời mẹ, những nhận thức có phần lệch lạc của mình và vì thế người con càng ân hận, day dứt hơn vì mình. Dù mẹ có làm nghề gì, công việc có bần hàn ra sao thì mẹ vẫn là chỗ dựa, là điểm tựa vững chãi nhất của cuộc đời con.

       Tác phẩm xây dựng một cốt truyện ngắn và có một vài chi tiết đời thường. Với một cốt truyện như thế người đọc sẽ dễ dàng theo dõi câu chuyện, đồng cảm với những suy nghĩ, tình cảm được tác giả gửi gắm. Người kể chuyện ngôi thứ nhất chính là người con xưng tôi đã giúp cho câu chuyện trở nên chân thực hơn, người kể chuyện cũng dễ dàng đánh giá, cảm nhận được về nhân vật khác. Thể hiện được tình cảm của mình gửi đến mẹ.

phân tích chi tiết truyện ngắn Nghề của mẹ

       Thông qua tác phẩm Nghề của mẹ tác giả Võ Thành An đã gửi gắm rất nhiều những bài học ý nghĩa về cuộc sống: đó là sự biết ơn vô hạn với người mẹ đã lam lũ, tảo tần cả đời nuôi nấng các con; về trách nhiệm phải làm tròn đạo hiếu của mình để báo đáp những sự hy sinh to lớn của mẹ. 

       Trang văn khép lại bằng những dòng suy nghĩ của người con về trọng trách của mình. Cũng là đặt ra trách nhiệm cho bản thân mỗi người, hãy luôn biết trân trọng, yêu thương mẹ, làm tròn đạo hiếu với những bậc sinh thành đã dành cả đời để lo toan cho mình.

----------------------------------------

Trên đây Topbee đã cùng các bạn phân tích truyện ngắn Nghề của mẹ . Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

Phạm Liên
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question