Qua bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, hãy làm sáng tỏ ý kiến: Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh (Chế Lan Viên)
Thơ ca là tiếng nói tình cảm. Đằng sau lớp ngôn ngữ nổi trên bề mặt giấy đó là biết bao tâm tư của người nghệ sĩ. Văn chương với mục đích chủ yếu của nó là nhận thức, giáo dục đã khơi nguồn cảm xúc, thức tỉnh biết bao thế hệ độc giả. Sau đây, mời các bạn cùng Topbee tìm hiểu bài viết Qua bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, hãy làm sáng tỏ ý kiến: Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh (Chế Lan Viên).
Nội dung chính ý kiến Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh (Chế Lan Viên).
“Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh”, câu nói của nhà thơ Chế Lan Viên được hiểu như sau: Thơ là lời ca tiếng hát có khả năng làm rung động trái tim độc giả để hòa mình vào tâm hồn của người nghệ sĩ. Bên cạnh việc khơi gợi cảm xúc, thơ còn có chức năng cao cả hơn, ấy chính là khám phá chiều sâu tư tưởng, nhận thức, tâm tư tình cảm cũng như thông điệp, lời nhắn gửi ẩn sau đó.
Dàn ý Qua bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, hãy làm sáng tỏ ý kiến: Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh (Chế Lan Viên).
Mở bài
Giới thiệu vấn đề.
Thân bài
Giải thích ý kiến:
- “Đưa ru” là những lời êm ái, ngọt ngào. Đó là sự vỗ về đưa cảm xúc của người đọc đến gần hơn với cảm xúc của người nghệ sĩ. Nó khiến tôi nhớ đến câu nói “Thơ là một điệu hồn đi tìm các hồn đồng điệu”.
- “Thức tỉnh” hiểu một cách gần gũi nghĩa là đánh thức tình cảm ở con người. Sự đánh thức này có tác động rất lớn. Bởi lẽ, nó làm cho con người hiểu những điều mình chưa hiểu hoặc hiểu chưa sâu. Nó làm cho con người nhận thức được những vấn đề tròn cuộc sống về cái tốt, cái xấu, cái cần loại bỏ, cái cần phát huy.
- Ý kiến “Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh” mang hàm nghĩa dẫu thơ là lời ca tiếng hát có khả năng làm rung động trái tim độc giả để hòa mình vào tâm hồn của người nghệ sĩ. Bên cạnh việc khơi gợi cảm xúc, thơ còn có chức năng cao cả hơn, ấy chính là khám phá chiều sâu tư tưởng, nhận thức, tâm tư tình cảm cũng như thông điệp, lời nhắn gửi ẩn sau đó.
Bình luận, chứng minh
Ý kiến của Chế Lan Viên xuất phát từ bản chất của thơ ca là bắt rễ, nảy sinh từ lòng người. Như Nguyễn Đình Thi từng nói rằng “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống”. Lấy cảm hứng từ hiện thực cuộc sống, người nghệ sĩ đã “phù phép” cho bối cảnh trần trụi thêm một lớp áo ngôn từ màu mỡ. Qua lời thơ đó, các tác giả đã bày tỏ cảm xúc của riêng mình, thậm chí, đó còn là một bài học sâu sắc dành cho tất cả mọi người.
Bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt đã làm rõ tư tưởng này của nhà thơ Chế Lan Viên.
Trước hết, thơ là lời đưa ru được thể hiện qua ba khía cạnh chính:
- Bài thơ đưa người đọc trở về kí ức tuổi thơ qua dòng hồi tưởng những ngày tháng bên bà tuy vất vả, nghèo khó nhưng lại chất chứa sự ấm áp.
- Bài thơ thể hiện tình cảm dấu yêu của người cháu dành cho bà của mình. Tình cảm ấy được chuyển hóa sang thành sự biết ơn, luôn khắc ghi công ơn nuôi dưỡng của bà.
- Hình ảnh bếp lửa gợi cho người đọc nỗi nhớ xót xa. Đó là hình ảnh biểu tưởng, gắn liền với kí ức tuổi thơ mà suốt đời này cháu chẳng thể nào quên.
Bên cạnh đó, bài thơ còn là lời thức tỉnh:
- Những ngày tháng sống với bà trong quá khứ đã nuôi lớn cháu ngày hôm nay. Đó chính là lí do cháu trở thành chiến sĩ yêu nước, tham gia chiến đấu để bảo vệ những gì thân thuộc nhất.
- Khơi gợi tình cảm gia đình, không chỉ riêng tác giả mà ngay cả bạn đọc khi “hòa mình” vào bài thơ cũng cần quan tâm, yêu thương và biết ơn người bà. Đó là khởi nguồn hình thành nên tình yêu nước.
Đánh giá
Bài thơ chạm đến trái tim độc giả, gợi lên đạo đức sống “uống nước nhớ nguồn” của ông cha đã răn dặn từ thuở xưa. Làm được bài thơ có nội dung hay, không thể không nói đến hình thức thơ ca. Chính việc sử dụng thể thơ, các biện pháp nghệ thuật… làm nổi bật bài thơ lên tầm cao mới.
Ý kiến của nhà thơ Chế Lan Viên đã khẳng định được thơ ca xuất phát từ tâm hồn. Từ sợi dây tâm hồn kết nối những con người lại với nhau, từ đó hình thành nên thông điệp có ý nghĩa trong cuộc sống cho đến ngày hôm nay.
Kết bài
Khẳng định lại vấn đề.

Qua bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, hãy làm sáng tỏ ý kiến: Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh (Chế Lan Viên)
Thơ ca là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tinh thần… Thơ hiện diện trong đời sống con người như liều thuốc tinh thần giúp con người tìm về sự gặp gỡ, đồng điệu tâm hồn. Hơn tất cả, thơ còn làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử. Điều này làm tôi nhớ đến ý kiến của nhà thơ Chế Lan Viên từng bình phẩm “Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh”. Ý kiến này được làm sáng tỏ thông qua bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt.
Đưa ru” là những lời êm ái, ngọt ngào. Đó là sự vỗ về đưa cảm xúc của người đọc đến gần hơn với cảm xúc của người nghệ sĩ. Nó khiến tôi nhớ đến câu nói “Thơ là một điệu hồn đi tìm các hồn đồng điệu”. “Thức tỉnh” hiểu một cách gần gũi nghĩa là đánh thức tình cảm ở con người. Sự đánh thức này có tác động rất lớn. Bởi lẽ, nó làm cho con người hiểu những điều mình chưa hiểu hoặc hiểu chưa sâu. Nó làm cho con người nhận thức được những vấn đề tròn cuộc sống về cái tốt, cái xấu, cái cần loại bỏ, cái cần phát huy. Câu nói của nhà thơ Chế Lan Viên “Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh” mang hàm nghĩa dẫu thơ là lời ca tiếng hát có khả năng làm rung động trái tim độc giả để hòa mình vào tâm hồn của người nghệ sĩ. Bên cạnh việc khơi gợi cảm xúc, thơ còn có chức năng cao cả hơn, ấy chính là khám phá chiều sâu tư tưởng, nhận thức, tâm tư tình cảm cũng như thông điệp, lời nhắn gửi ẩn sau đó.
Ý kiến của Chế Lan Viên xuất phát từ bản chất của thơ ca là bắt rễ, nảy sinh từ lòng người. Như Nguyễn Đình Thi từng nói rằng “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống”. Lấy cảm hứng từ hiện thực cuộc sống, người nghệ sĩ đã “phù phép” cho bối cảnh trần trụi thêm một lớp áo ngôn từ màu mỡ. Qua lời thơ, các tác giả đã bày tỏ cảm xúc của riêng mình, thậm chí, đó còn là một bài học sâu sắc dành cho tất cả mọi người. Có lẽ, người xưa trong ý có giấu những điều không thể nói ra mới mượn vần thơ để truyền đi những điều mình muốn nói. Nếu trong lòng không cảm xúc mà chỉ vẽ vời lòe loẹt thì làm sao mà có thể có những vần thơ tuyệt diệt.
Quả vậy, đến với bài thơ “Bếp lửa” – một bài thơ được sáng tác vào năm 1963 là dòng tâm sự của người cháu phương xa hướng về quê nhà dấu yêu trong những ngày tháng chiến trường vất vả.
“Thơ là lời ru” được mô phỏng qua dòng hồi tưởng về tuổi thơ, nổi bật với hình ảnh bếp lửa:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!”
Như ngọn lửa bập bùng của bếp, tâm trí lẫn cảm xúc của người cháu lúc này chờn vờn trong nỗi nhớ về bà. “Nắng mưa” ẩn dụ cho một đời vất vả, lo toan của bà vào những ngày cháu ở bên,
Bắt đầu từ đây, nhà thơ dẫn dắt người đọc trở về tuổi thơ với những kỉ niệm đơn giản mà đẹp đẽ:
“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy,
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!”
Bếp lửa đã trở thành một biểu tượng đẹp của quá khứ của người cháu. Mùi khói bếp đã “nuôi” cháu lớn lên từng ngày cho đến tận bây giờ, khi nhớ lại, mọi thứ như tường tận trước mắt khiến cháu “sống mũi còn cay”. Cái nghèo, cái đói vào năm 1945 một thời đã khiến cuộc sống trở nên khốn khổ hơn. Cháu nhớ tới bố “khô rạc ngựa gầy” mà ai oán xót thương!
Nhà thơ tiếp tục “ru” bạn đọc qua những dòng tâm tình thổ lộ về một chặng đường mới:
“Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.”
Hình ảnh bếp lửa được gợi lại lần nữa. Ngọn lửa ấy đã gợi lên một miền kí ức tuổi thơ cứ âm ỉ âm ỉ mãi trong lòng. Không chỉ vậy, âm vang của chim tu hú với nhiều sắc thái khác nhau gợi sự hoài niệm. Tuổi thơ là một phần quan trọng hình thành nên tính cách, tâm tư của một người. Những ngày tháng sống với bà, được bà chăm sóc, dạy bảo, kể chuyện; ngày này qua tháng nọ, cháu lớn lên trong vòng tay yêu thương ấy. Người cháu trong bài thơ và chắc hẳn rằng, người đọc khi đọc những dòng thơ tự sự đều cảm nhận được công ơn to lớn của bà.
“Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,”
Lời tâm tình về bà, về bếp lửa được viết một cách nhẹ nhàng, dẫn dắt người đọc qua miền cảm xúc yêu thường trìu mến. Đó là tình yêu người cháu dành cho bà. Tình cảm ấy được chuyển hóa sang thành sự biết ơn, luôn khắc công ơn nuôi dưỡng của bà. Chỉ hai bà cháu bên nhau, bố mẹ đi xa, bà một tay chăm bẵm cháu từ những điều nhỏ nhặt nhất. Với cháu, công ơn của bà chẳng thể báo đáp nổi. Bà làm tất cả, hi sinh tất cả vì cháu!

Thơ còn là sự thức tỉnh! Xuyên suốt bài thơ là tình cảm của người cháu dành cho bà. Có thể thấy, người cháu của quá khứ giờ đã trở thành người chiến sĩ yêu nước đang tham gia kháng chiến bảo vệ quê hương. Song có lẽ, bảo vệ quê hương của người cháu đối với cháu, chính là bảo vệ những kỉ niệm thân thuộc, gắn bó với bà từ những ngày còn bé. Bếp lửa đơn sơ đã nhen nhóm lên những bếp lửa khác trên con đường tương lai của cháu. Bếp lửa trở thành biểu tượng cho tình cảm gia đình, khơi gợi lên đạo lí “uống nước nhớ nguồn”.
Bài thơ chạm đến trái tim độc giả, gợi lên đạo đức sống “uống nước nhớ nguồn” của ông cha đã răn dặn từ thuở xưa. Làm được bài thơ có nội dung hay, không thể không nói đến hình thức thơ ca. Chính việc sử dụng thể thơ, các biện pháp nghệ thuật… làm nổi bật bài thơ lên tầm cao mới. Một bài thơ hay là bài thơ đọc lên không còn thấy câu thơ mà chỉ còn tình người. “Bếp lửa” đã đẩy cảm xúc lên một tầm cao mới, mang đến bài học đạo đức sâu sắc. Ý kiến của nhà thơ Chế Lan Viên đã khẳng định được thơ ca xuất phát từ tâm hồn. Từ sợi dây tâm hồn kết nối những con người lại với nhau, từ đó hình thành nên thông điệp có ý nghĩa trong cuộc sống cho đến ngày hôm nay.
Như vậy, bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt đã làm sáng tỏ ý kiến của nhà thơ Chế Lan Viên “Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh”. Thơ ca hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, một sức mệnh đồng thời song hành với con người chức năng thức tỉnh lương tri đang ngủ. Không chỉ khơi gợi cảm xúc, thơ hướng đến sự giáo dục, hình thành nên nhân cách.
Câu nói hay về thơ
Lê Quý Đôn: “Thơ phát khởi trong lòng người ta”
Tiết Tuyết: “Thơ không thể làm không vì mục đích gì cả. Thử xem những bài thơ hay của người xưa, có bài thơ nào mà không vì mục đích gì không?”
Lawrence Ferlinghetti: “Thi ca là những hình vẽ vĩnh cửu trong trái tim của tất cả mọi người”
Tố Hữu: “Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã tràn đầy”
Voltaire: “Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”
Tố Hữu: “Nhịp điệu của câu thơ là nhịp điệu của sóng gió và cũng là nhịp điệu náo nức xôn xao và biết bao sung sướng êm ái trong lòng người trở về quê cũ, nơi đã nuôi mình”
Chu Văn Sơn: “Câu thơ hay là câu thơ có khả năng đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người”
-----------------------
Trên đây là bài viết Qua bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, hãy làm sáng tỏ ý kiến: Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh (Chế Lan Viên) do Topbee biên soạn. Hi vọng bài viết giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn học tốt môn Văn!