So sánh quan niệm về con người trong văn học trước và sau 1975

icon-time15/9/2023

Văn chương chính là quyển nhật kí chung của con người qua các giai đoạn lịch sử. Vì thế mà các tác phẩm nói về con người luôn được đánh giá cao về giá trị. Văn học phát triển qua nhiều giai đoạn, liên kết chặt chẽ với lịch sử. Chính vì thế mà quan niệm về con người trong văn học ở mỗi giai đoạn cũng khác nhau. Cùng Topbee so sánh quan niệm về con người trong văn học trước và sau 1975 để thấy rõ hơn sự khác biệt này nhé!

So sánh quan niệm về con người trong văn học trước và sau 1975

Nam Cao từng nói: "Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có..." (Đời thừa). Nhà văn phải luôn biết sáng tạo, đổi mới cái nhìn về con người thì mới có thể đứng vững trên văn đàn. Cùng nhìn lại chặng đường đổi mới của văn học Việt Nam qua bài viết so sánh quan niệm về con người trong văn học trước và sau 1975 để hiểu rõ hơn nhé.

       Văn chương là người bạn tri kỉ của con người, suốt đời theo gót người bạn của mình để lượm nhặt những giá trị quý báu rồi lưu lại vào thời gian. Có thể nói, văn chương chính là quyển nhật kí chung của con người qua các giai đoạn lịch sử! Hay nói như ngươi xưa: “Văn học là tấm gương phản ánh thời đại”. Hơn nữa, mỗi thời đại đều xây nên một quan niệm nghệ thuật mới về con người qua lăng kính của các văn nhân. Với mỗi nhà văn, phong cách nghệ thuật là điều không thể thay đổi trong suốt đời cầm bút nhưng tư tưởng của họ có thể bị biến chuyển theo thời kì lịch sử trọng đại của dân tộc. Vì vậy, qua từng giai đoạn lịch sử, tư tưởng cũng sẽ chi phối cái nhìn của các nhà văn về hiện thực cuộc sống, trong đó có cả quan niệm về con người.

       Như lời tâm sự của Giáo sư Trần Đình Sử: “Quan niệm nghệ thuật về con người là một cách cắt nghĩa, lí giải tầm hiểu biết , tầm đánh giá, tầm trí tuệ, tầm nhìn, tầm cảm của nhà văn về con người trong tác phẩm của mình”. Tuy nhiên, thời đại nào con người ấy, trải qua các thời kì lịch sử, con người sẽ bắt đầu nhận thức và đổi mới tư duy. Đất nước ta trải qua các thời kì dựng nước và giữ nước, sau những năm tháng chiến tranh cùng những chiến thắng vang dội đã đưa Việt Nam sang một trang mới: độc lập, thống nhất đi lên Chủ nghĩa xã hội. Nếu bạn là người yêu văn học, thích tìm hiểu về văn chương thì chắc hẳn bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự khác nhau về nhân sinh quan qua mỗi chặng đường lịch sử của các nhà văn.

So sánh quan niệm về con người trong văn học trước và sau 1975 - ảnh 1

     Trước hết, đó là con người trong văn học trước năm 1975. Có thể nói con người trong giai đoạn này là con người gắn với tập thể, với kháng chiến. Văn học trong giai đoạn này như hiện lên với vẻ đẹp sử thi, đại diện cho cộng đồng. Hơn nữa, những bài ca thời đại này luôn phơi phới niềm tin chiến thắng, là hành khúc rộn ràng thúc giục lớp lớp người xung phong ra trận tuyến và ngợi ca hậu phương tay súng,  tay cày nuôi quân, cứu thương, tải đạn…. Văn học trước 1975 - văn học thời chiến luôn thể hiện sự tin tưởng, niềm tự hào về những người anh hùng, người chiến sĩ ngày đêm quên mình vì đất nước. Không những vậy, trong thời đại văn học này, có biết bao nhà văn vừa cầm bút vừa chiến đấu, họ là những nhà văn chiến sĩ “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”. Còn nhớ nhà văn chiến sĩ Nguyễn Thi, người anh hùng ấy đã ra đi mãi mãi ở tuổi bốn mươi nhưng các tác phẩm của ông sẽ còn mãi trong lòng độc giả với các nhân vật như chị Út Tịch, anh Phạm Văn Cội, chị Nguyễn Thị Hạnh…

   Tôi nhớ có ai đó từng nói: "Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đang đúc nên nền văn nghệ mới của chúng ta". Suốt thời kì lịch sử, sứ mệnh của văn học là đem đến sự đổi mới về tư duy, nhận thức của con người. Đặc biệt, trong thời chiến sứ mệnh của văn chương còn quan trọng hơn hết. Thông qua các tác phẩm văn học, chiến tranh sẽ được nhìn qua các lăng kính khác nhau. Nhưng tất cả đều có điểm chung là ngợi ca, tung hô tinh thần dũng cảm, ý chí quyết tâm và sự hi sinh cao thượng của những người lính cụ Hồ. Không dừng lại ở đó, con người trong văn chương ở thời đại này như không hề có cảm giác về riêng bản thân mình, không có cá tính, không nhu cầu, đòi hỏi. Nhân vật lúc bấy giờ giống như loa phát ngôn của nhà văn, là đại diện cho một tập thể. Xuất hiện trong các tác phẩm văn xuôi viết về đêm trước của cuộc Cách mạng là kiểu con người sống cuộc đời lầm than đói nghèo, họ cất tiếng nói phê phán chế độ thực dân, phát xít đang đè nén, áp bức dân tộc. Đó là sự bóc lột của cường quyền bạo lực khiến cho Chí phèo chọn cái chết để được chết với tư cách là con người. Là sự áp bức tàn khốc của Bá kiến, của bọn Tay sai biến anh Chí hiền như đất, có ước mơ, có khát khao một gia đình nhỏ hạnh phúc trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Thế rồi Chí sống một cuộc đời của một con vật và chính anh lựa chọn chết với tư cách là một con người cùng câu nói xé lòng ném vào hiện thực bấy giờ: “Ai cho tao lương thiện?”. Qua đó Nam Cao không chỉ phản ánh số phận nghèo đói của người nông dân trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 mà còn đi sâu khai thác vào nỗi khổ về tinh thần của con người, đặt ra vấn đề về quyền làm người, quyền được sống lương thiện của con người. Đây là điều ít ai nghĩ tới bởi trong hoàn cảnh lúc bấy giờ,  cái đói đã ám ảnh vào các trang văn của hầu hết các tác giả nên họ chỉ tập trung khai thác vấn đề miếng cơm manh áo-vấn đề bức thiết nhất của cả dân tộc!

     Tiếp đến ta không thể không kể đến hình ảnh cả dân tộc Việt Nam một lòng tham gia cách mạng trong các trang viết của Trần Đăng Khoa, Nam Cao hay Nguyễn Tuân. Cùng với thời gian, phong trào khánh chiến ngày càng vang dội thì đề tài về con người trong kháng chiến ngày càng mở rộng, cách nhìn con người trong cuộc sống cũng ngày càng được khẳng định hơn. Nhân vật trung tâm của nó là những con người đại diện cho giai cấp, cho dân tộc và cả thời đại, đó là những con người sống chết với cộng đồng và là kết tinh một cách chói lọi những phẩm chất cao quý của cộng đồng. Lúc này, mọi lợi ích cá nhân đều đặt sau  lợi ích của dân tộc. Toàn thể nhân dân Việt Nam giờ đây chỉ có một mục đích duy nhất là giữ nước, một lòng “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng hi sinh tất cả kể cả tính mạng của mình vì độc lập tự do của đất nước:

“Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…”

(Chế Lan Viên)

     Tóm lại, văn học trước năm 1975 tái hiện lại số phận con người trong những năm tháng trường kì kháng chiến của dân tộc. Đó là những anh Núp của Nguyên Ngọc, chị Út của Nguyễn Thi, ông Tám xẻo đước của Anh Đức, bà mẹ đào hầm của Dương Hương Ly…họ đâu phải là những cá nhân. Hay đó là “Đất Nước đứng lên”, là những “Người mẹ cầm súng”, là hình dung của Lê Anh Xuân về anh giải phóng quân hy sinh trên sân bay Tân Sơn Nhất như một tượng đài hùng vĩ hiện lên trên cái nền bát ngát của không gian Tổ quốc. Như vậy, văn học trước năm 1975 luôn bám sát cuộc sống của nhân dân trong quá trình đấu tranh bảo vệ đất nước.Hơn nữa, văn học còn sáng tạo nhiều dáng vẻ cụ thể để tô đậm hơn biểu tượng con người trong đời sống cộng đồng với những lo toan, vất vả cùng niềm tự hào chung của Tổ Quốc.

        Cuối cùng, không thể không nhắc đến con người trong thời kì văn học sau năm 1975. Lúc này, nhiệm vụ giải phóng dân tộc hoàn thành, nhường chỗ cho những nhiệm vụ thời bình. Ở giai đoạn đổi mới, con người được nhìn qua nhiều góc độ khác nhau. Như Nguyễn Minh Châu từng tâm niệm: “Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Từ chỗ là những ca sĩ ngợi ca đất nước và nhân dân bằng cái nhìn sử thi và cảm hứng lãng mạn, giờ đây các nhà thơ chuyển từ “bè cao” sang “giọng trầm”. Văn chương của các nhà thơ, nhà văn không còn gắn với cộng đồng, với tập thể mà đã nói lên được cái tôi cá nhân hay thậm chí nhiều khi số phận của đất nước được đo ướm bằng nỗi đau của cá nhân: 

“Một mình một mâm cơm 
Ngồi bên nào cũng lệch 
Chị chôn tuổi xuân 
Trong má lúm đồng tiền”

(Đường tới thành phố – Hữu Thỉnh)

        Giờ đây, trong thời kì đổi mới con người trong văn chương trở thành con người trong cuộc sống đời thường, họ cũng có những lo toan vật chất cho cuộc sống riêng của họ. Ta lại nhớ tới thơ Nguyễn Duy sau 1975 như một điển hình cho tiếng nói của con người cá nhân. Ông viết về mình một cách chân thật và trào phúng. Hơn nữa, ông còn có quan niệm : “ta hát những lời của ta”, và đau đáu một nguyện ước cất lên “những tâm tình ở đằng sau tâm tình”. Hay đó là cái nhìn của Svetlana Avexievich trong tác phẩm “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”, tác phẩm được viết trong thời bình lập lại với cái nhìn của con người sống trong hoà bình nhìn về chiến tranh đã qua cùng những suy tư sâu xa. Khi viết về chiến tranh, những nhà văn trong gia đoạn trước năm 1975 đều hướng ngòi bút của mình về những chiến thắng vang dội, những hình tượng người anh hùng đứng lên trong bom đạn. Nhưng với tác phẩm viết trong thời đại này, nhà văn lại đi sâu vào những nỗi đau trong chiến tranh - điều mà ít người nói được một cách sâu sắc. Ở đó không còn bóng dáng của những anh hùng, những chiến công mà chỉ còn gương mặt tàn khốc của chiến tranh với những câu chuyện ly biệt, những sự thật đau đớn mà con người phải trải qua.

So sánh quan niệm về con người trong văn học trước và sau 1975 - ảnh 2

     Không chỉ vậy, văn học sau 1975 đòi hỏi người cầm bút phải có cái nhìn mới về thời đại và con người. Bởi khi chiến tranh đi qua, văn học dần trở về với bản chất đích thực của nó, nhà văn cần có nhu cầu thể hiện những trải nghiệm riêng và ý‎ thức ‎cá tính của mình. Ở thời đại văn học này, không thể không nhắc tới Nguyễn Minh Châu với số phận con người cùng bản chất vốn có của họ. Bởi theo Nguyễn Minh Châu: “nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại” cho nên nhiệm vụ của những người cầm bút hay chính ông là phải phản ánh chân thật nhất hình tượng con người sống trong thời đại đó. Trong đó, tâm điểm trong những khám phá nghệ thuật của ông là con người trong cuộc mưu sinh và hành trình nhọc nhằn tìm kiếm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Tiêu biểu phải kể đến đó là tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, tái hiện những con người hoạt động và tự thể hiện mình trong cuộc sống thường ngày. Đó là hình ảnh người đàn bà không tên không tuổi với dáng người thô kệch. Một người mẹ yêu thương con vô bờ, vì các con bà có thể chịu đựng mọi thứ. Đứng trước sự khó hiểu của Phùng và Đẩu ,bà nhận hết lỗi về mình, bà thấu hiểu chồng mà giãi bày:chồng mình vốn hiền lành chăm chỉ nhưng chỉ vì khổ quá mới trở nên tàn bạo như vậy. Người đàn bà còn trách bản thân đẻ nhiều nên nhà mới khổ! Hơn nữa, bà còn là người mẹ thương con khi xin chồng đưa lên bờ đánh cho con tránh những tổn thương về tinh thần. Quyết không bỏ chồng vì muốn giữ cho con một gia đình bằng cách nói thật bao dung:” vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chong con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.” Chị hạnh phúc khi “ngồi nhìn đàn con chúng nó được ăn ngon”, ngay lúc ấy “khuôn mặt xám xịt của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười”! Bởi vậy, con người trong văn học sau 1975 là con người thế sự, đời tư với những lo toan cơm áo gạo tiền cùng những mối quan hệ giữa người với người đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các văn nhân.

       Suy cho cùng, con người trong văn học giai đoạn sau 1975 là con người với những cảm xúc, suy nghĩ riêng tư, cùng những khát khao, trăn trở hay những mối quan hệ cá nhân. Nó khiến cho các nhân vật trở nên sinh động. Họ là hiện thân cho tiếng nói cá nhân, cho số phận cá nhân. Họ cũng là hiện thân của đời sống hiện thực không giản đơn, ít bị tô vẽ hay thi vị hóa. Con người thời đại ấy giống như Nguyễn Minh Châu từng nhận xét: “Trong mỗi con người đang sống, có lẫn người tốt kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ. Chúng ta là con người, không thể tránh khỏi sai lầm, để phần con lấn át phần người”.

       Như vậy, Trong văn học trước năm 1975, con người trước khi là mình, nó phải là con người của giai cấp, của “phe ta”, đại diện cho sức mạnh và khát vọng của cả dân tộc. Còn trong giai đoạn văn học sau năm 1975, con người trước hết là đại diện cho chính họ, là con người cá nhân - có cái tôi của riêng mình. Từ sự khác nhau về hình tượng nhân vật qua hai thời đại ta càng thấy rõ hơn sự khác nhau trong quan niệm nghệ thuật của các nhà văn. Điều đó như đánh dấu một bước phát triển mới trong nền văn học Việt Nam. Vì vậy, yêu cầu người cầm bút phải luôn tìm tòi, sáng tạo để có thể bắt kịp thời đại. Không những vậy, nhà văn còn phải trau dồi thêm kinh nghiệm để có thể tạo cho mình cái nhìn đa chiều về con người trong từng thời kì đổi mới của đất nước. Thêm vào đó, độc giả cũng cần có hiểu biết trước khi tìm hiểu những tác phẩm, để có thể hiểu hơn dụng ý của nhà văn cũng như hiểu hơn về con người thời hậu thế được phản ánh trong văn phong.

        “Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương, loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người .(Nguyễn Văn Siêu). Quả đúng như thế, văn chương muôn đời luôn phải phản ánh con người, phục vụ con người và hướng con người tới những giá trị cao cả của cuộc sống! 

---------------------------

Trên đây là bài viết So sánh quan niệm về con người trong văn học trước và sau 1975 do Topbee biên soạn. Hi vọng bài viết giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn học tốt môn Văn!

Phạm Liên
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question