Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học
Những tác phẩm văn học trong kho tàng văn học Việt Nam là một sự đồ sộ mà ta không thể nào tìm hiểu được hết. Hãy cùng Topbee đi Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học nhé!

Thuyết minh về tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân
Những tác phẩm viết về thời kì nạn đói năm 1945 là một con số không nhỏ cũng không còn xa lạ gì đối với độc giả cả nước. Trong số những tác phẩm ấy, nổi bật lên là tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân được in trong tập “Con chó xấu xí” xuất bản năm 1962.
Tác giả Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài (1/8/1920 - 20/7/2007) là một nhà văn, diễn viên Việt Nam. Ông được mệnh danh là “ nhà văn của nông thôn Việt Nam”. Những tác phẩm của ông mang tính chất tự truyện nhưng đã thể hiện được không khí tiêu điều, ảm đạm của nông thôn Việt Nam và cuộc sống lam lũ, vất vả của người nông dân thời kỳ đó. Ông được dư luận chú ý nhiều hơn khi đi vào những đề tài độc đáo như tái hiện sinh hoạt văn hóa phong phú ở thôn quê như chọi gà, đánh vật,… Trong đó hai tác phẩm “Làng” và “Vợ nhặt” đã được đưa vào chương trình giảng dạy trong chương trình sách giáo khoa Việt Nam.
"Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người." - đó là những lời tâm sự của nhà văn khi viết “ Vợ nhặt”. Được viết năm 1954 theo đơn đặt hàng của báo Văn nghệ, “ Vợ nhặt” được lấy cảm hứng từ bản thảo còn đang dang dở “ Xóm ngụ cư” của Kim Lân. Sau này tác phẩm được biên soạn lại và in trong tập “ Con chó xấu xí” xuất bản năm 1962. Câu truyện trong “ Vợ nhặt” là về cuộc sống của con người trong nạn đói. Cái đói đã khiến con người bán rẻ danh dự của mình vì miếng ăn nhưng không vì thế mà khiến câu truyện tăm tối, không tìm thấy lối thoát. Câu truyện đã đưa chúng ta nhìn thấy ánh sáng nơi cuối con đường, thấy được lối thoát không chỉ cho bản thân mà còn là lối thoát cho cả dân tộc.Bố cục có thể chia làm 4 đoạn: Đoạn 1 cảnh Tràng đưa cô vợ nhặt về nhà; đoạn 2 hoàn cảnh Tràng và Thị trở thành vợ chồng; đoạn 3 Tràng ra mắt cô vợ nhặt với mẹ và nỗi lòng của bà cụ Tứ; đoạn 4 bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới.
Nạn đói năm 1945 khiến người chết như ngả rạ, người sống xanh sám như những bóng ma. Cả xóm ngụ cư bị bao trùm bởi cái đói và cái chết. Gia đình Tràng cũng thuộc diện đói khát ở xóm ngụ cư ấy. Ngôi nhà rúm ró trên mảnh vườn lổn nhổn những bụi cỏ dại. Bà mẹ già mặt bủng beo u ám. Anh con trai (Tràng) có lớn mà chưa có khôn, làm nghề kéo xe bò mưu sinh. Bất ngờ một ngày nọ, Tràng nhặt được 1 người đàn bà xa lạ về làm vợ chỉ bằng 4 bát bánh đúc và vài câu nói bông đùa. Bà cụ Tứ sau khi hiểu ra cơ sự của anh con trai và con dâu đã " mừng lòng" vun vén cho hạnh phúc hai con. Bà thương con khi nghĩ tới " cơn đói khát này" nên nước mắt chảy xuống ròng ròng. Sáng hôm sai, người mẹ già chuẩn bị bữa cơm đạm bạc đón nàng dâu mới. Ngòi bút Kim Lân rất trữ tình khi miêu tả quang cảnh ngôi nhà và sự thay đổi của Tràng vào sáng hôm sau. Hoá ra giữa khung cảnh tối sầm vì đói khát vẫn có ánh sáng của cuộc sống bình yên hạnh phúc. Chỉ có hạnh phúc thật sự của tình yêu thương mới là điểm tựa vững chắc giúp con người " hồi sinh", trưởng thành. Đang ăn cơm thì tiếng trống thúc thuế lại dội lên ngoài đình. Người vợ nhặt đã kể câu chuyện về Việt Minh, về những người dân nghèo không chịu đóng thuế trong đầu Tràng thấy hình lên hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới.
Tác phẩm là bản án viết nên những tội trạng của phát xít Nhật và thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Không chỉ vậy, đó còn là sự cảm thông, sự thấu cảm với những đau khổ mà nhân dân ta phải chịu đựng trong thời kì đen tối của dân tộc. Là bài ca ca ngợi sự sống, tình thương, sự cưu mang, đùm bọc, khát vọng hạnh phúc.Tác phẩm còn chỉ ra con đường giải phóng cho những con người nghèo khổ: chỉ có thể đi theo cách mạng để tự giải phóng, để thoát khỏi đói nghèo cơ cực. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện lôi cuốn, miêu tả tâm lí nhân vật sâu xa, logic, sắc bén cùng với ngôn ngữ đối thoại độc đáo đã tạo nên một thành công không thể bàn cãi cho “ Vợ nhặt”.
"Chỉ với ba truyện "Vợ Nhặt", "Làng", "Con chó xấu xí"… Kim Lân đã có thể đàng hoàng ngồi vào chiếu trên trong làng văn Việt Nam". Tác phẩm “Vợ nhặt” nói riêng và tác giả Kim Lân nói chung vẫn mãi là ngôi sao sáng trong lòng bạn đọc cả nước. Dù ông đã rời xa cõi tạm để về với cõi vĩnh hằng, nhưng những giá trị mà ông mang lại cho nền văn học nước nhà vẫn còn tồn tại mãi với thời gian.
Thuyết minh về tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao
Được đặt tên theo tên nhân vật chính của truyện ngắn cùng tên, “ Chí Phèo” đã không còn là cái tên xa lạ đối với bạn đọc yêu văn chương trên cả nước. Tác phẩm là một bản tuyên án những thế lực độc ác, xấu xa trong xã hội cũ đã đẩy số phận của một người nông dân hiền lành vào bước đường cùng.
Tác giả Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Tri ( 29/10/1915-30/11/1951) là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo và cũng là một chiến sĩ, liệt sỹ người Việt Nam. Ông là một nhà văn hiện thực lớn của nền văn học nước nhà, góp một phần công lao không nhỏ đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20. Không chỉ vậy, ông được coi là một trong những nhà văn tiêu biểu và có sức ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20. Các tác phẩm của ông mang tính hiện thực đời sống cao, qua đó còn là những giá trị nhân đạo sâu sắc khiến độc giả đồng cảm và thấu hiểu cùng các nhân vật qua từng dòng chữ. Những tác phẩm nổi tiếng có thể kể đến như: Sống mòn, Tư cách mõ, Một bữa no,… Thế nhưng, “ Chí Phèo” lại là cái tên gắn liền với sự nghiệp của ông hơn cả.
Truyện ngắn “ Chí Phèo” ban đầu có tên là “Cái lò gạch cũ”, sau này khi được in thành sách năm 1941 đã bị đổi tên thành “Đôi lứa xứng đôi”. Đến khi in lại trong tập “Luống cày” (do Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1946) thì lại được tác giả đổi lại tên thành “Chí Phèo'. Có thể nói, “Chí Phèo” là nốt son sáng trong sự nghiệp viết lách của Nam Cao, khi ông đã bắt đầu sáng tác từ những năm 1936 nhưng mãi đến khi “Chí Phèo” ra đời, tên tuổi của ông mới được đông đả độc giả đón nhận và ghi nhớ. Khác với các truyện ngắn cùng đề tài, Chí Phèo có phạm vi hiện thực được phản ánh trải ra cả bề rộng không gian (một làng quê) và cả bề dài thời gian. Cũng có thể nói, làng Vũ Đại trong truyện chính là hình ảnh thu nhỏ, mô phỏng lại xã hội nông thôn Việt Nam lúc đương thời.
Giữa bối cảnh những năm 1940-1945, các tác phẩm lấy đề tài về nông thôn Việt Nam là vô kể. Thế nhưng hầu hết các câu truyện chỉ xoay quanh các quan hệ trong gia đình, hay là các phong tục, tập quán của các vùng địa phương. Ấy vậy mà “Chí Phèo” nổi lên như một hiện tượng bất ngờ. Giống như các tác phẩm “Tắt đèn”( Ngô Tất Tố) hay “Vợ nhặt”( Kim Lân),… thì “Chí Phèo” cũng là "bức tranh xã hội rộng lớn với những xung đột giai cấp quyết liệt".
Câu truyện xoay quanh về cuộc đời của nhân vật chính - Chí. Là trẻ mồ côi được nhận nuôi, ban đầu Chí cũng như biết bao chàng trai khác: chân chất, thật thà, hiền lành. Ấy mà ông trời lại trêu đùa với Chí khi anh bị Bá Kiến gán tội ném vào ngục tù vì vợ ba của ông ưng mắt Chí. Sống trong chốn song sắt, Chí từ anh chàng hiền lành ngày nào giờ đây đã trở thành một “con quỷ sống” khiến cả làng Vũ Đại phải khiếp sợ. Trở về sau nhiều năm xa rời quê hương, giờ đây Chí đã trở thành một tay sai đắc lực cho Bá Kiến để ngày ngày kiếm tiền mua rượu uống. Lúc nào hắn cũng trong tình trạng say xỉn và hắn chửi. Hắn chửi trời, chửi đất, chửi ai đã sinh ra hắn để hắn phải sống kiếp đời khó khăn, khốn khổ tới mức này và hơn hết hắn chửi cả làng Vũ Đại. Tiếng chửi của hắn là phản ứng của bản thân với tất cả cuộc đời đầy bi kịch của hắn. Hắn bị cả làng hắt hủi, loại trừ khỏi xã hội. Kết quả, Chí Phèo đã bị hủy hoại hoàn toàn - cả về thể xác lẫn tâm hồn, dẫn hắn đến kết cục tồi tệ nhất của mình. Sau một đêm ở cùng với Thị Nở, Chí lần đầu tiên tỉnh rượu sau những ngày tháng sống với cơn say. Bát cháo hành của Thị đã đánh thức phần người tưởng như đã chết trong hắn. Giờ đây, hắn muốn có một gia đình nhỏ cho riêng mình, được xã hội công nhận và hơn hết: Hắn muốn trở thành người lương thiện. Hắn tìm tới Bá Kiến- người mà chính là hung thủ của đời hắn, đòi lấy lại sự lương thiện đã mất của mình. Chí Phèo đã đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình, kết thúc một cuộc đời đau khổ. Thế nhưng, ở cuối câu truyện khi hình ảnh cái lò gạch cũ lại một lần nữa hiện lên, chúng ta như nhìn thấy được một vòng lặp vô tận sẽ lại bắt đầu.
Khác với những tác giả khác, Nam Cao không đi sâu vào câu truyện về sưu cao thuế nặng, nạn tham ô, hay nạn đói,… mà ông tiếp cận câu truyện ở một phương diện khác: người nông dân bị xã hội tàn phá về tâm hồn, hủy diệt cả nhân tính, do đó, bị phủ nhận giá trị, tư cách làm người. Giá trị con người rẻ mạt, không đáng giá một xu trong mắt bọn quan lại tham nhũng. Với nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế, sắc sảo, cùng với ngôn ngữ bình dị, đời thường, có lẽ tác giả Nam Cao đã thành công trong việc bóc tách từng lớp suy nghĩ của các nhân vật, khiến cho người đọc càng cảm nhận sâu sắc hơn nữa những khó khăn, những đau đớn tột cùng của người nông dân trong thời kỳ ấy.
Tác phẩm không chỉ mang giá trị hiện thực mà còn mang giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện tấm lòng yêu thương, trân trọng của Nam Cao đối với những người khốn khổ. Đó còn là tiếng kêu cứu thảm thiết của những con người bất hạnh đang đòi quyền được sống, được tự do, được “làm người lương thiện”. Sống cho đúng nghĩa là sống, chứ không phải sống như những bóng ma vật vờ không được ai nhắc tên. Truyện "Chí Phèo" là một trong những truyện ngắn hay nhất viết về đề tài nông dân trong nền Văn học Việt Nam hiện đại, cũng là đỉnh cao của truyện ngắn Nam Cao.
----------------------------------------
Trên đây là bài viết Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học. Hi vọng bài viết trên của Topbee sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn học tốt môn văn!