image hoi dap
image hoi dap

Cảm nghĩ về khổ 3, 4 bài "Nếu mai em về Chiêm Hóa" của Mai Liễu

icon-time25/10/2023

Giữa muôn vàn mảnh đất phồn hoa đô hội, ta chỉ chọn một nơi để trở về, để nương náu và tìm chút hương bình yên cho tâm hồn, ấy là quê hương. Hãy cùng Topbee đến với mảnh đất vùng cao qua “Nếu mai em về Chiêm Hóa” của Mai Liễu.


Dàn ý cảm nghĩ về khổ 3,4 bài “Nếu mai em về Chiêm Hóa” của Mai Liễu

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả: tên tuổi, vị trí văn học,…

Tác phẩm: hoàn cảnh xuất xứ, nội dung,… 

- Nêu vấn đề cần nghị luận ( Cảm nghĩ về khổ 3,4 bài Nếu mai em về Chiêm Hóa của Mai Liễu)

2. Thân bài:

Đánh giá nhan đề: “nếu mai em về Chiêm Hoá” mở đầu gợi cảm hứng cho tâm hồn nhà thơ hướng về những ấn tượng đặc biệt của thiên nhiên con người và mùa xuân trên quê hương mình

- Tóm tắt nội dung: vẻ đẹp về sự hoài niệm của tác giả, tác giả đã cho thấy nỗi nhớ đầy vơi, tình cảm sâu đậm với quê hương

- Khái quát 2 khổ thơ đầu: bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp vào tháng Giêng ở Chiêm Hoá. Khung cảnh thiên nhiên thật gần gũi, giản đơn nhưng có hồn tạo nên một mùa xuân tràn đầy sức sống

- Khổ 3+4: bức tranh con người

- Khổ 3: nét đẹp cô gái Dao: vẻ đẹp tràn đầy sức sống

+ “Vòng bạc rung rinh cổ tay” phép đảo trật tự câu

+ Tính từ “mơn mởn” gợi sự tươi mới, căng tràn sức sống, sự vô tư hồn nhiên

- Khổ 4: nét đẹp cô gái Tày: : vẻ đẹp duyên dáng, tràn đầy sức sống áo chàm “như cũng pha hương”, “nụ cười môi mọng”

- Hình ảnh nhân hóa “Mùa xuân e cũng lạc đường” mùa xuân dường như cũng lạc bước mải mê say đắm trước sự duyên dáng, tình tứ của con người, độc đáo trong trang phục

- Nội dung: Bài thơ là tình cảm, sự nhớ nhung cũng như mong muốn trở về quê hương của thi sĩ. Muốn trở về với hội xuân, với những người có duyên

- Nghệ thuật: Với lời thơ giản dị, giàu cảm xúc, ngôn từ gần gũi, cách hình ảnh thiên nhiên sinh động, nên thơ, cùng với các biện pháp tu từ được sử dụng linh hoạt

3. Kết bài: tình cảm của tác giả.

Cảm nghĩ về khổ 3, 4 bài Nếu mai em về Chiêm Hóa của Mai Liễu

Cảm nghĩ về khổ 3, 4 bài “Nếu mai em về Chiêm Hóa” của Mai Liễu

Giữa muôn vàn mảnh đất phồn hoa đô hội, ta chỉ chọn một nơi để trở về, để nương náu và tìm chút hương bình yên cho tâm hồn, ấy là quê hương. Với Mai Liễu cũng vậy, nỗi nhớ và tình cảm sâu đậm của tác giả dành cho quê hương được gửi gắm qua tác phẩm “nếu mai em về Chiêm Hoá”. Ông là nhà thơ dân tộc Tày, nổi tiếng với những vần thơ thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, đặc biệt là những vần thơ về đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao. Thơ Mai Liễu khá phong phú về đề tài. Nhà thơ viết về Bác Hồ, về quê hương, về tình yêu….. Thơ ông lặng lẽ, hồn hậu, nguyên sơ của tình người miền núi. Tác giả để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó phải nói đến tập “ Thơ Mai Liễu”. Bài thơ “nếu mai em về Chiêm Hoá” được trích từ tập “ Thơ Mai Liễu”, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2015. Đây là nỗi nhớ quê hương vùng cao yên bình của ông:

“Phố đông cứ mải tìm nhau
Cô gái Dao nào cũng đẹp
Vòng bạc rung rinh cổ tay
Ngù hoa mơn mở ngực đầy

Con gái bản Tày duyên quá
Sắc chàm như cũng pha hương
Chỉ riêng nụ cười môi mọng
Mùa xuân e cũng lạc đường.”

Bài thơ có nhan đề “nếu mai em về Chiêm Hoá” đây là dòng mở đầu gợi cảm hứng cho tâm hồn nhà thơ hướng về những ấn tượng đặc biệt của thiên nhiên con người và mùa xuân trên quê hương mình. Đây tác phẩm thơ mang một vẻ đẹp về sự hoài niệm của tác giả, tác giả đã cho thấy nỗi nhớ đầy vơi, tình cảm sâu đậm với quê hương. Nỗi nhớ qua những hình ảnh, cái rét trong tháng Giêng, một mùa măng mới. Nỗi nhớ ấy trải dài hơn qua các địa danh của quê hương, cho thấy được nỗi niềm mến thương của tác giả về cảnh vật yên bình nơi đây. Khung cảnh đẹp đẽ nhất có lẽ là khung cảnh đường phố với những cô gái Dao và cô gái Tày trong bộ váy đẹp. Tác giả đã mở đầu bài thơ bằng bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp vào tháng Giêng ở Chiêm Hoá qua hai khổ thơ đầu. Với những hình ảnh quen thuộc “mưa tơ rét lộc”, “mùa măng”, “Sông Gâm đôi bờ cát trắng”, “Đá ngồi dưới bến”, “non thần” xanh ngút ngát…Bức tranh được tái hiện lại khung cảnh thiên nhiên thật gần gũi, giản đơn nhưng có hồn tạo nên một mùa xuân tràn đầy sức sống. Trong hai khổ thơ tiếp con người và những nét văn hóa đặc sắc của Chiêm hóa đã được thể hiện rất rõ nét:

“Phố đông cứ mải tìm nhau

Cô gái Dao nào cũng đẹp

Vòng bạc rung rinh cổ tay

Ngù hoa mơn mở ngực đầy”

Qua khổ thơ thứ ba hình ảnh con phố với các cô gái dân tộc Dao đã tái hiện lại khung cảnh đường phố và người dân Chiêm Hoá. Đây là những ấn tượng về vẻ đẹp đang độ xuân thì,  tràn đầy sức sống của các cô gái dân tộc Dao, cô nào cũng đẹp, cổ tay rung rinh vòng bạc, ngù hoa mơn mởn ngực đầy. Câu thơ “Vòng bạc rung ring cổ tay” Nhà thơ đã sử dụng phép đảo trật tự câu rất ấn tượng. Những cô gái Dao thì cổ tay đeo vòng bạc rung ring, nhà thơ đã đảo từ “rung rinh” lên đầu như để nhấn mạnh nhịp điệu. Những cô gái Dao đeo rất nhiều vòng bạc ở tay, vừa đi vừa rung rinh, tạo ra một âm thanh vui tươi, tràn đầy sức sống, cho thấy nét đẹp duyên dáng của cô gái người Dao. Tính từ “mơn mởn” gợi sự tươi mới, căng tràn sức sống, sự vô tư hồn nhiên của các nàng thiếu nữ Dao khi xuống phố.

“Con gái bản Tày duyên quá

Sắc chàm như cũng pha hương

Chỉ riêng nụ cười môi mọng

Mùa xuân e cũng lạc đường”.

Cô gái Tày duyên dáng hiện ra trong sắc áo chàm “như cũng pha hương”, “nụ cười môi mọng”.  Không cầu kỳ, nhiều màu sắc và họa tiết hoa văn như các bộ trang phục dân tộc khác, áo dài chàm truyền thống của phụ nữ dân tộc Tày gần như chỉ có một màu chàm đơn giản. Bộ áo dài đó là biểu tượng của phụ nữ Tày với những giá trị nhân văn mang vẻ đẹp nữ tính thuần hậu và giản dị, hiền lành của người miền núi. Hình ảnh áo chàm với màu sắc bền bỉ khó phai còn xuất hện trong hai câu thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu:

“Áo chàm đưa buổi phân ly

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...”

Màu chàm của dân tộc đã đi vào thơ ca như một biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc của người miền núi với miền xuôi trong thời kỳ kháng chiến. Dù trong thơ Mai Liễu hay thơ Tố Hữu, những giá trị nhân văn sắc màu chàm của dân tộc Tày dù đơn giản không phô trương nhưng càng tôn lên vẻ đẹp hiền hòa, chịu khó, hiếu khách của phụ nữ Tày vùng cao. Những cô gái Tày khiến người ta mê mẩn trong sắc áo chàm của bộ trang phục truyền thống cùng nụ cười tỏa nắng khiến người ta lạc quên lối về. Hình ảnh nhân hóa “Mùa xuân e cũng lạc đường” mùa xuân dường như cũng lạc bước mải mê say đắm trước sự duyên dáng, tình tứ của con người, độc đáo trong trang phục. Người ta thường cho rằng người con gái miền xuôi là đẹp nhất, thế nhưng ở đây người con gái Tày trong thơ Mai Liễu hiện lên với những nét đẹp giản dị, căng tràn sức sống, nét đẹp của thiên nhiên Tây Bắc. Hay cũng giống như trong thơ của Dương Thuấn, vẻ đẹp người con gái Tày hiện lên qua sự cảm nhận của các chàng trai Tày:

“Nàng ngồi lặng bên bếp lửa một mình đun cám

Ôi da trắng, ngực đầy, khoeo dày, chân vững”

Hai câu thơ trên thể hiện sức sống sung mãn của các cô gái. Đó phải chăng là những người con gái núi, leo dốc với đôi chân mạnh vững, khác với vẻ đẹp liễu yếu đào tơ, chân đi lướt ngọn cỏ của quan niệm thẩm mỹ Phương Đông xưa. Cái đẹp của người con gái Tày ở đây là vẻ đẹp trời ban cho, chẳng cần điểm tô, là vẻ đẹp sức sống tươi ngời, hòa nhập với thiên nhiên trữ tình. Bài thơ là tình cảm, sự nhớ nhung cũng như mong muốn trở về quê hương của thi sĩ. Muốn trở về với hội xuân, với những người có duyên. Với lời thơ giản dị, giàu cảm xúc, ngôn từ gần gũi, cách hình ảnh thiên nhiên sinh động, nên thơ, cùng với các biện pháp tu từ được sử dụng linh hoạt, bài thơ thể hiện nỗi nhớ tha thiết trước vẻ đẹp thiên nhiên và con người mỗi dịp xuân về. Là cái tình tứ, đắm đuối, say mê, tình yêu, niềm tự hòa của nhà thơ dành cho quê hương mình. 

“Quê hương là chùm khế ngọt” là nơi để mỗi người con xa quê quay về, là tinh yêu niềm tự hào của mỗi người. Qua bài thơ trên Mai Liễu thể hiện tình yêu, nỗi nhớ quê hương, mang những nét đẹp quê hương vùng cao vào trong thơ, sự tươi đẹp của thiên nhiên hòa cùng những cô gái Tày, Dao tạo nên một vẻ đẹp lay động lòng người.

Trần Thùy Dương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question