image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận bài thơ Đưa con đi học của Tế Hanh

icon-time8/5/2024

“Đưa con đi học” là một trong những tác phẩm thơ đặc sắc của tác giả Tế Hanh. Thông qua tác phẩm này, người đọc cảm nhận được tình cảm sâu sắc của người cha dành cho con.

Cảm nhận bài thơ Đưa con đi học của Tế Hanh

Tế Hanh sinh năm 1921, quê ở một làng chài ven biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Con người, cuộc sống của làng chài quê hương đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm của ông. Nhà thơ Tế Hanh dễ đi vào lòng người nhờ cảm xúc chân thành mà tinh tế, thiết tha. Ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam nhiều tập thơ gây ấn tượng với bạn đọc như “Hoa niên”, “Lòng miền Nam”,... Bài thơ “Đưa con đi học” là một tác phẩm mang đặc trưng phong cách nghệ thuật của tác giả.

“Sáng nay mùa thu sang
Cha đưa con đi học
Sương đọng cỏ bên đường
Nắng lên ngời hạt ngọc

Lúa đang thì ngậm sữa
Xanh mướt cao ngập đầu
Con nhìn quanh bỡ ngỡ
Sao chẳng thấy trường đâu?

Hương lúa toả bao la
Như hương thơm đất nước
Con ơi đi với cha
Trường của con phía trước”

Bài thơ gồm có bố cục ba phần, được viết theo thể ngũ ngôn chan chứa tình cảm với những ngôn từ dung dị, đời thường. “Đưa con đi học” nằm trong tập thơ “Khúc ca mới” và được sáng tác vào mùa thu năm 1964.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã mở ra trước mắt người đọc một buổi sáng mùa thu với những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp:

“Sáng nay mùa thu sang
Cha đưa con đi học
Sương đọng cỏ bên đường
Nắng lên ngời hạt ngọc”

Mùa thu thường đi vào văn chương nghệ thuật với những nét đẹp rất riêng, nào là hoa thơm quả ngọt, tết Trung thu quây quần bên gia đình,... Và khi đến với những vần thơ Tế Hanh, ta bắt gặp những hình ảnh náo nức, hân hoan của ngày tựu trường. Từ câu thơ đầu “Sáng nay mùa thu sang”, nhà thơ đã khéo léo vẽ nên một bức tranh thiên nhiên sinh động, hấp dẫn với những hình ảnh quen thuộc “Sương đọng cỏ bên đường/ Nắng lên ngời hạt ngọc”. Những hình ảnh ấy rất đỗi đời thường, nhưng khi được nhìn qua lăng kính của nhà thơ đã trở nên lung linh dưới nhiều góc độ. Thế nhưng, điều nổi bật nhất ở bài thơ này không nằm ở cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng khi mùa thu sang, mà còn ẩn chứa tình yêu nước, và tình cảm tha thiết mà người cha dành cho đứa con bé bỏng của mình. Qua những câu thơ gợi hình gợi cảm, người đọc còn như cảm nhận được nỗi lòng của người cha khi trông thấy con mình đã lớn khôn, chập chững những bước đi đầu tiên bước vào ngưỡng cửa trường học, tạm rời xa vòng tay ấm áp của mẹ cha.

Cảm nhận bài thơ Đưa con đi học của Tế Hanh

Nếu khổ thơ đầu tiên ẩn chứa tấm lòng người cha, thì đến với khổ thơ thứ hai là đến với tâm trạng của trẻ thơ vào ngày đầu đến lớp:

“Lúa đang thì ngậm sữa
Xanh mướt cao ngập đầu
Con nhìn quanh bỡ ngỡ
Sao chẳng thấy trường đâu?”

Bằng việc sử dụng phép nhân hóa, nhà thơ đã khắc họa thành công cảnh vật dưới góc nhìn con trẻ: “Lúa thì đang ngậm sữa/ Xanh mướt cao ngập đầu”. Theo bước chân của hai cha con, khung cảnh hiện lên bình dị mà tươi đẹp làm sao với cánh đồng lúa chín thơm mùi sữa và trải dài xanh mướt như đến tận chân trời. Tất cả những điều ấy nhằm cho thấy được sự hồn nhiên và non nớt của đứa trẻ trong ngày đầu tiên đi học, đặc biệt là ở câu thơ: “Sao chẳng thấy trường đâu?”. Câu hỏi ngây ngô vang lên khiến cho nhịp thơ thêm phần nhẹ nhàng, sinh động.

Khổ thơ cuối cùng khắc sâu hơn tình cảm chan chứa trong trái tim của người cha:

“Hương lúa toả bao la
Như hương thơm đất nước
Con ơi đi với cha
Trường của con phía trước”

Bằng cách sử dụng một cách tài tình nghệ thuật so sánh: “Hương lúa tỏa bao la/ Như hương thơm đất nước”, những câu thơ dường như trở nên có sức gợi hình, gợi cảm. Cụm từ “hương thơm đất nước” mang một ý nghĩa sâu xa, là hình ảnh ẩn dụ cho vẻ đẹp thiêng liêng nhưng cũng rất đời thường. Khi so sánh “hương thơm đất nước” với “hương lúa”, nhà thơ đã giúp cho người đọc cảm nhận được tình yêu quê hương Tổ quốc khó diễn tả bằng lời qua những gì gần gũi, thân thuộc nhất với con người Việt Nam. Chính những cánh đồng lúa chín thơm mùi sữa, những thảm cỏ xanh như ngọc dưới ánh mặt trời,... dù dung dị, giản đơn, nhưng lại là biểu tượng của quê hương, xứ sở. Đây là những hình ảnh có sức mạnh vỗ về tâm hồn và nâng đỡ cho bước chân của những mầm non tương lai chinh phục ước mơ. Bên cạnh tình yêu đất nước thường trực còn là sự quan tâm của người cha đối với con qua hai dòng thơ: “Con ơi đi với cha/ Trường của con phía trước”. Phía trước kia là ngôi trường của con, cũng là nơi bắt đầu cho tương lai tươi sáng của con. Trong lời nhắn nhủ con mình tìm tòi, khám phá và lĩnh hội tinh hoa tri thức nhân loại của nhà thơ là xiết bao tình cảm và sự kỳ vọng của bậc làm cha làm mẹ.

Với giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng cùng lời thơ giản dị, giàu hình ảnh, nhà thơ đã gợi được những rung cảm trong lòng người đọc. Qua những hình ảnh mộc mạc mà đầy ý nghĩa, người đọc như cũng cảm nhận được trọn vẹn tình yêu thương của người cha, lời nhắn nhủ yêu thương, lời dặn dò, niềm mong mỏi, hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ đến với người con của nhân vật trữ tình. Là một độc giả, và hơn cả là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, tôi càng thêm tự tin, vững vàng đón nhận những thách thức trong cuộc sống để không phụ sự kỳ vọng của mẹ cha, cũng như gắng sức xây dựng Tổ quốc.

Hoàng Thảo
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question