Cảm nhận bài thơ Gánh mẹ
image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận bài thơ Gánh mẹ

icon-time18/8/2023

Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý, sâu thẳm trong trái tim mỗi người. Đó là thứ tình cảm không gì có thể cân đo đong đếm. Rất nhiều người con đã lấy nguồn cảm hứng này để sáng tác những bài văn, bài thơ, bài ca… nhằm bày tỏ tình cảm của mình. Sau đây, mời các bạn theo dõi bài viết Cảm nhận bài thơ Gánh mẹ.                                             


Dàn ý Cảm nhận bài thơ Gánh mẹ

a. Mở bài: 

- Dẫn dắt câu ca dao về tình mẹ: “Ơn dưỡng dục một đời con ghi tạc, / Nghĩa sinh thành trọn kiếp mãi không quên”.

- Bàn về công lao của mẹ.

- Giới thiệu cảm nhận tác phẩm “Gánh Mẹ” của nhà thơ Trương Minh Nhật.

b. Thân bài: 

- Tóm tắt nội dung, ý nghĩa của bài thơ.

- Chỉ ra các biện pháp tu từ, hình ảnh đặc sắc trong bài thơ

- Thông điệp nhà thơ muốn nhắn gửi tới bạn đọc

- Liên hệ mở rộng với ca dao, tục ngữ hoặc câu chuyện về mẹ. 

c. Kết bài: 

- Khẳng định sức sống và thông điệp tác phẩm với độc giả. 

Cảm nhận bài thơ Gánh mẹ

Cảm nhận bài thơ Gánh mẹ

"Ơn dưỡng dục một đời con ghi tạc,

Nghĩa sinh thành trọn kiếp mãi không quên"

Tình mẹ bao la rộng lớn chẳng gì sánh được. Nói về công ơn của mẹ thì thật không có từ ngữ nào có thể tả hết được vẻ đẹp và sự hi sinh, tình thương yêu dành cho các con của mình. Chính vậy mà mẹ trở thành mạch nguồn cảm xúc cho biết bao thi sĩ, là cảm hứng dệt nên biết  bao bài thơ, bài văn lay động tận trái tim bạn đọc. Để cảm ơn và báo đáp công lao trời biển của mẹ, nhà thơ Trương Minh Nhật đã sáng tác bài “Gánh mẹ”. Ấn tượng nhất là đoạn trích:

"Cho con gánh Mẹ một lần

Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con

Cho con gánh Mẹ đầu non

Cả lòng Mẹ đã sắt son biển trời

Ngày xưa Mẹ gánh à ơi

Cho con gánh lại những lời Mẹ ru

Đường đời sương gió mịt mù

Vì con hạnh phúc chẳng từ gian nan

Để con gánh... Mẹ đừng can

Sợ khi Mẹ mất... muộn màng gánh ai?

Cho con gánh cả tháng dài

Gánh qua năm rộng những ngày đắng cay

Cho con gánh cả đôi vai

Thân cò lặn lội sớm mai thân gầy

Mẹ già... lá sắp xa cây

Lỡ đâu Mẹ mất... tội này gánh sao

Mẹ ơi sóng biển dạt dào

Con sao gánh hết công lao một đời."

Mỗi tác phẩm là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, và nhà thơ Trương Minh Nhật đã thật sự kì công khi tắm đẫm cảm xúc cho đứa con tinh thần của mình. Bài thơ chính là lời cảm ơn, lời tri ân của người con dành cho mẹ. Trong những năm tháng con khôn lớn chính là công lao, sự hi sinh vô bờ bến của mẹ. Phải chăng mà cha ông ta xưa có câu “Lên non mới biết non cao / Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền”.

Nhà thơ Trương Minh Nhật đã thật sự thành công khi sử dụng biện pháp điệp từ “cho con gánh” lặp lại năm lần trong toàn bộ bài thơ. Việc khéo léo dung biện pháp nghệ thuật ấy chắc hẳn là có dụng ý, và lí do để có câu nói đó là vì “mẹ đã cả đời gánh con”. “Gánh” là mang hay vác một vật nặng bằng cách mắc vào hai đầu một cái đòn đặt lên vai. Trong bài thơ, từ “gánh” được hiểu theo nghĩa chuyển chính là sự lam lũ, tảo tần của người mẹ trong hành trinh mưu sinh, nuôi con khôn lớn “tảo tần gánh con", “gánh à ơi", “gánh cả tháng dài", “gánh qua năm ròng những ngày đắng cay”, … Mẹ không chỉ tần tảo thức khuya dậy sớm làm lụng nuôi con, không chỉ là ngọn núi vững chắc cho con dựa vào, không chỉ là những câu hát ru đưa con vào giấc ngủ say mà mẹ đã vì con mà hy sinh rất nhiều. Đặc biệt bạn đọc ấn tượng với cách dùng từ của nhà thơ, mặc dù “mẹ” không phải là danh từ riêng nhưng luôn được viết hoa dù đứng ở đầu, giữa hay cuối. Qua đó ta thấy được sự trân trọng, biết ơn đối với mẹ của nhà thơ. 

Cảm nhận bài thơ Gánh mẹ

Những câu thơ với từ ngữ gần gũi, đơn giản nhưng đủ để miêu tả được những công lao trời biển của mẹ. Cả cuộc đời mẹ làm không ngại khó ngại khổ là đều vì con, vì mong con có cuộc sống tốt đẹp hơn. Mẹ gánh con cả cuộc đời , “lặn lội sớm mai” khiến người đọc liên tưởng đến “Cánh cò cõng nắng cõng mưa / Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương". Dù cuộc đời ngoài kia có giông tố, hay có khắc nghiệt đến nhường nào mẹ vẫn luôn một lòng mong con được sống đầy đủ, ấm no. Và bởi vì có con nên mẹ chấp nhận đánh đổi tất cả, dù là tính mạng của bản thân . 

“Cho con gánh Mẹ một lần

Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con

Cho con gánh Mẹ đầu non

Cả lòng Mẹ đã sắt son biển trời

Ngày xưa Mẹ gánh à ơi

Cho con gánh lại những lời Mẹ ru

Cho con gánh cả tháng dài

Gánh qua năm rộng những ngày đắng cay

Cho con gánh cả đôi vai

Thân cò lặn lội sớm mai thân gầy"

Năm cặp câu thơ với điệp cấu trúc “cho con gánh" đã thể hiện được tấm chân tình, công ơn muốn báo đáp mẹ của người con. Quả thật, nhà thơ Trương Minh Nhật là một đứa con có hiếu, bởi ông đã hiểu hết công lao của mẹ, muốn báo đáp cho mẹ thật nhiều. Nhưng có lẽ: 

"Mẹ ơi sóng biển dạt dào

Con sao gánh hết công lao một đời"

Công ơn mẹ nặng như núi, nhiều như sóng biển dạt dào không bao giờ vơi cạn. Công ơn mẹ nuôi dưỡng sinh thành cho con biết đi, tập nói, dạy con cách viết, nuôi con thành người,… nặng quá con không thể gánh hết dù là cả cuộc đời. Thế mới thấm thía nửa cuộc đời mẹ đã không thể sống cho bản thân mình mà chỉ sống vì con cái, vì hạnh phúc của con. 

     "Để con gánh... Mẹ đừng can

Sợ khi Mẹ mất... muộn màng gánh ai?

Mẹ già... lá sắp xa cây

Lỡ đâu Mẹ mất... tội này gánh sao"

Dẫu biết quy luật tuần hoàn của cuộc sống là “sống – chết" nhưng thật khó để chịu được nỗi đau mất mẹ. Người con muốn báo đáp công ơn nên muốn mẹ “đừng can”. Có lẽ anh sợ rằng ngày nào đó, mẹ không còn nữa, anh không thể báo đáp công ơn dưỡng dục của mẹ. Đoạn thơ này làm tôi nhớ đến câu chuyện “Hoa hồng tặng mẹ" kể về một cô bé đứng trước cửa tiệm hoa nhưng do dự mãi không vào, thế rồi, một lúc sau có người đàn ông cũng đến tiệm đó mua hoa tặng mẹ đã giúp cô bé mua hoa và đưa cô đến tặng mẹ. Nhưng người đàn ông không ngờ là cô bé đưa anh ta đến một ngôi mộ vừa mới đắp. Cô bé đã đưa hoa đến đặt bên phần mộ của mẹ và cảm ơn anh. Hành động của cô bé đã lay động trái tim anh, bởi lâu nay, đến ngày lễ thì anh chỉ gửi hoa về cho mẹ bằng đường bưu điện, sau đó anh lập tức lái xe về nhà tặng hoa cho mẹ. Qua câu chuyện “Hoa hồng tặng mẹ" và đoạn thơ trên đều mang đến thông điệp nhắn nhủ tới tất cả mọi người “Hãy yêu thương, dành thời gian bên cha mẹ khi còn có thể, để rồi không phải hối hận mà thốt lên hai từ "giá như”. 

Bài thơ “Gánh Mẹ” thật sự ý nghĩa và xúc động với tất cả độc giả. Sau tác phẩm, nhà thơ muốn bạn đọc quan tâm cha mẹ nhiều hơn, dành thời gian để trò chuyện cùng gia đình, báo hiếu cha mẹ một cách tử tế, để sau này không phải hối tiếc. 

-------------------------------------

Trên đây là bài viết Cảm nhận bài thơ Gánh mẹ do Topbee biên soạn. Hi vọng bài viết giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn học tốt môn Văn!

Tác giả : Topbee
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question