image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ: "Em ơi em! Hãy nhìn rất xa..."

icon-time5/2/2024

Đất Nước là hai từ vô cùng thiêng liêng. Bởi để tạo ra Đất Nước dễ, còn duy trì phát triển Đất Nước như thế nào mới khó. Hãy cùng đến với bài cảm nhận đoạn thơ Em ơi em! Hãy nhìn rất xa... Nhưng họ đã làm ra Đất Nước để thấy được hình ảnh một Đất Nước gan dạ, kiên cường, không khuất mình trước một thế lực thù địch để có được độc lập tự do.


Dàn ý Cảm nhận về đoạn thơ: "Em ơi em! Hãy nhìn rất xa..."

1. Mở bài

- Dẫn bài gián tiếp đến đoạn trích 

- Lấy chủ đề về Đất Nước, lòng biết ơn đối với những người đã bảo vệ đã dựng nước và bảo vệ Đất Nước

2. Thân bài

* Phân tích đoạn thơ

- Câu mở đầu “Em ơi em!”

+ Em ở đây là nhân vật trữ tình nào

+ Dấu! thể hiện sự trân trọng và thân mật

- 2 câu tiếp “Hãy nhìn rất xa  - Vào bốn ngàn năm Đất Nước”

+ Phân tích từ 4 ngàn năm Đất Nước

+ Chữ Đất Nước viết hoa, giải thích lý do

- 3 câu tiếp: ““Năm tháng nào cũng người người lớp lớp - Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta  - Cần cù làm lụng” 

+ Phân tích lớp lớp người của đất nước, ca ngợi sự chăm chỉ cần cù của người dân Việt

- 6 câu tiếp “Khi có giặc người con trai ra trận  - Người con gái trở về nuôi cái cùng con - Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh - Nhiều người đã trở thành anh hùng  - Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ”

+ Phân tích lòng yêu nước của nhân dân khi có quân xâm lược

+ Nêu ví dụ những người phụ nữ trở thành anh hùng trong lịch sử

- 7 câu cuối “Nhưng em biết không  - Có biết bao người con gái, con trai - Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi  - Họ đã sống và chết - Giản dị và bình tâm  - Không ai nhớ mặt đặt tên  - Nhưng họ đã làm ra Đất Nước ”

+ Phân tích cấu trúc sóng đôi, những người vô danh

+ Họ tạo ra Đất nước. Họ là ai

- Liên kết đến quan niệm về người anh hùng của nhà thơ

3. Kết bài

- Đưa ra lời kết về nội dung đoạn thơ:

- Truyền tải lòng yêu nước

- Sự biết ơn quá khứ, những người đã xây dựng và giữ vững hòa bình cho đất nước

- Trách nhiệm của thế hệ mai sau

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ: "Em ơi em! Hãy nhìn rất xa..."

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ: "Em ơi em! Hãy nhìn rất xa .."

Đất Nước là hai từ vô cùng thiêng liêng. Bởi để tạo ra Đất Nước dễ, còn duy trì phát triển Đất Nước như thế nào mới khó. Nhất là trong những giây phút quyết định sinh diệt, hoà bình hay đau thương, tự do hay thuộc địa. Ấy thế mới biết, để có được hai sự tự do là vô cùng khó khăn, và chịu nhiều mất mát, đau thương. Do đó, dù sau này, trải qua thêm hàng ngàn năm, trong nhận thức mỗi người dân Việt vẫn có một lòng biết ơn ông cha đã dốc công dựng nước và nhân dân đã gan dạ, đồng lòng chiến đấu hết mình bảo vệ tổ quốc. Viết về chủ đề này,  trong Đoạn trích “Đất Nước” - phần đầu chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng”, của tác giả tài hoa Nguyễn Khoa Điềm có chắp bút viết:

"Em ơi em! 
Hãy nhìn rất xa 
Vào bốn ngàn năm Đất Nước 
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp 
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta 
Cần cù làm lụng 
Khi có giặc người con trai ra trận 
Người con gái trở về nuôi cái cùng con 
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh 
Nhiều người đã trở thành anh hùng 
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ 
Nhưng em biết không 
Có biết bao người con gái, con trai 
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi 
Họ đã sống và chết 
Giản dị và bình tâm 
Không ai nhớ mặt đặt tên 
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước"

Mở đầu đoạn thơ, tác giả nhẹ nhàng gọi tên một cách thật thân tình và nồng thắm:

“Em ơi em!”

Dấu chấm than đặt ở cuối câu khiến người đọc cảm giác vô cùng thân quen, gần gũi  và trân trọng. Em ở đây không nhất thiết là một người con gái hay người yêu. Em ở đây có thể  đại diện cho những lớp trẻ sau này.  Một cách gọi em nhẹ nhàng để gửi tới những lời nhắn nhủ từ tận đáy lòng đến thế hệ mai sau:

“Hãy nhìn rất xa 
Vào bốn ngàn năm Đất Nước”

Để giữ được non sông như hôm nay, trước hết hãy nhìn về quá khứ. Bốn ngàn năm ông cha ta dựng nước và giữ nước từ thời Văn Lang,  u Lạc, trải qua 18 đời vua Hùng, một nghìn năm bị đô hộ bởi phong kiến phương Bắc, 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 21 năm chống Mỹ. Nếu giữ nguyên những con số này nhưng thay vào đó và những thành tựu có lẽ thật tuyệt vời. Nhưng không, có những giây phút nhân dân được hưởng sự yên bình trong bốn ngàn năm ấy, nhưng cũng có những phút giây thật sự chứa đựng sự mất mát và đau thương. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, hai tiếng Đất Nước vẫn còn vững. Khi nào nước còn thì nhà còn, nước mất thì nhà tan. Từ “Đất Nước” được tác giả trang trọng viết hoa như một danh từ riêng cụ thể, chứ không phải là một khái niệm trừu tượng, xa vời, thể hiện sự trân trọng, nâng niu. Đất Nước như một con người có linh hồn.Và những người dân sống trong Đất Nước chính là tế bào. Mỗi tế bào một lòng một dạ, vận chuyển những giọt máu đào nhiệt huyết và sục sôi mang tên “yêu nước”, đoàn  kết hướng đến trái tim và chữa lành những sự  tổn thương bởi mưa đạn của Đất Nước. Mỗi tế bào đồng lòng chiến đấu vì hoà bình mới tạo nên một Đất Nước khoẻ mạnh, hoà bình và tươi đẹp.

“Năm tháng nào cũng người người lớp lớp 
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta 
Cần cù làm lụng”

Chỉ khi có người sinh sống tại Đất Nước, Đất Nước mới tồn tại và duy trì. Bởi con người  là linh hồn của mảnh đất. Linh hồn thắp lên ngọn lửa, ngọn lửa sưởi ấm tình yêu quê hương, Đất Nước của mỗi người. Kể cả quá khứ, cũng như hiện tại, niên đại thời gian tuần hoàn trôi, năm tháng nào cũng người người lớp lớp. Từ người và lớp được lặp lại hai lần. Càng chứng tỏ sự hiện diện, sự có mặt  của Đất Nước từ xa xưa, và con người Việt Nam luôn kiên cường bất khuất giữ nước ở mọi thời điểm dù thời bình hay thời chiến.  Ở đoạn thơ này, tác giả ca ngợi sự cần cù, chăm chỉ của người dân Việt Nam. Trước hết, trong việc làm lụng. Sâu xa hơn chính là sự chịu khó, sự kiên trì trong việc giữ vững hòa bình của Đất Nước, sự bất khuất trong việc đấu tranh bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc:

“Khi có giặc người con trai ra trận 
Người con gái trở về nuôi cái cùng con”

Khi Đất Nước xảy ra chiến tranh, đầy mùi bom đạn, sặc sụa khói nổ, đây cũng là khoảnh khắc không ai muốn xảy ra - khoảnh khắc chia ly. Đó là người chồng xung phong ra tiền tuyến khi vợ con còn đỏ hỏn, là  người con trai rời xa người con gái khi mới vừa dạm ngõ, là người cha ra trận để vợ con ở nhà an toàn. Trong khoảnh khắc ấy, tình yêu nước vượt lên trên tất cả. Có lẽ, sau tình yêu nước chính là tình yêu gia đình. Những người ở mặt trận chiến đấu vì non sông. Non sông có hoà bình, gia đình mới an toàn và yên ổn. Và chính tình cảm gia đình chính là động lực để người con trai nơi chiến trường không từ bỏ cây súng, luôn luôn sục sôi trong đầu 4 tiếng “độc lập, tự do”. Người hậu phương hy sinh tình cảm sự bao bọc, cưng chiều mỗi ngày của người chồng, ở nhà “nuôi cái cùng con”, thuỷ chung một lòng son sắc đợi chồng. Vào những năm tháng ấy, có những cô gái mòn mỏi đợi chờ và vui mừng khôn xiết khi nhận những bức thư tay từ người yêu đang ở nơi tiền tuyến hết mình bảo vệ tổ quốc. Có những cô gái đợi chờ chàng trai của mình cả thanh xuân. Đây chính là bàn đạp để ngọn giáo, cây súng của người chồng nơi chiến trường luôn đầy sức sống để chống trả mọi đòn hiểm lũ giặc mưu mô, độc ác. 

“Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh 
Nhiều người đã trở thành anh hùng 
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ”

Tác giả khéo léo sử dụng câu tục ngữ “Giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”. Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng của dân tộc ta là một chủ nghĩa bất phân già trẻ, đàn ông hay đàn bà. Người dân Việt Nam, ngay cả những người con gái là người vợ, người mẹ, người em, người chị - thoát khỏi sự dịu dàng, nết na hằng ngày, dũng cảm,đứng lên đánh đuổi lũ xâm lăng. Trải qua những giai đoạn khắc nghiệt của lịch sử, ta bắt gặp hình ảnh người con gái Việt Nam dũng cảm, kiên cường, bất khuất.  Họ không tiếc thân mình, hy sinh cả tính mạng để giành lấy độc lập, tự do cho nhân dân, giúp nước nhà sạch bóng quân thù. Họ xứng đáng với tám chữ vàng Bác dành tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Đó là hai Bà Trưng tài giỏi đánh đuổi Tô Định tháo chạy về nước.  Là bà Triệu đứng lên khởi nghĩa chống lại giặc Ngô. Là chị Võ Thị Sáu nguyện chết trong mùa hoa lê ki ma chứ không phản bội lại dân tộc, phản bội lại tinh thần yêu nước và Đảng Cộng Sản.

“Nhưng em biết không 
Có biết bao người con gái, con trai 
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi 
Họ đã sống và chết 
Giản dị và bình tâm 
Không ai nhớ mặt đặt tên 
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”

Trong bốn ngàn năm Đất Nước, bốn ngàn năm lịch sử, biết bao thăng trầm, ở đó có biết bao lớp người con gái và con trai giống “em” và “anh” bây giờ. Họ không nổi bật, họ vô danh không ai biết tới. Cấu trúc sóng đôi sống và chết, giản dị và bình tâm. Tác giả sử dụng cụm từ sống và chết đối lập nhau, nhằm nhấn mạnh lớp lớp người đã sống ở đó - sống ở Đất Nước của chúng ta, sống một cách giản dị và chết,ra đi  một cách bình tâm,thanh thản, cống hiến một cách âm thầm và lặng lẽ. Họ là những người dân hằng ngày cần cù chịu thương chịu khó, làm lụng vất vả. Là những bà mẹ đợi con ngày bình trở về. Là những người vợ mòn mỏi,một lòng một dạ đợi chồng nơi tiền tuyến. Là những người chiến sĩ dốc lòng vì non sông Đất Nước, luôn cháy trong mình khát khao giành lại độc lập dân tộc. Là những người con trai tuổi mười tám đôi mươi sẵn sàng tham gia chiến đấu nơi bom đạn. Họ là những người dân của Đất Nước chúng ta, Đất Nước Việt Nam kiên cường,bất khuất. Họ chiến đấu hết mình vì độc lập, tự do của dân tộc, dù có hy sinh cả hạnh phúc riêng, hy sinh cả tính mạng của bản thân mình. Ở thời chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, biết bao lớp người đã anh dũng xung phong đi chống giặc rồi biết bao lớp lớp người ngã xuống, dũng cảm hy sinh giành lấy độc lập cho Đất Nước. Họ ngã xuống một cách thanh thản và bình tâm. Họ hy sinh không phải vì để được ngợi ca, họ hy sinh vì 2 tiếng thiêng liêng “Đất Nước”. Có lẽ là người trực tiếp chiến đấu tại chiến khu Trị Thiên lúc bấy giờ - nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và các lực lượng hùng hậu, thiện chiến nhất của quân đội Mỹ và ngụy, Nguyễn Khoa Điềm hiểu rõ hơn hết cảm giác mất mát khi chứng kiến những người đồng đội ngã xuống hy sinh vì Đất Nước và sự ra đi thanh thản khi họ ra đi vì bảo vệ Đất Nước. Và tất cả họ chính là những người làm ra “Đất Nước”. Và  những người làm ra “Đất Nước” - đều chính là anh hùng.  Những người anh hùng ở đây, không chỉ là những người có tên tuổi mà còn còn những người vô danh. Họ là tất cả những người có công lao tạo ra sự hoà bình cho dân tộc Việt, cho Đất Nước Việt.

Qua đó, với lời mở đầu đầy tha thiết, ân tình “Em ơi em!” với thể thơ tự do, không gò bó theo khuôn khổ văn chương nào, càng làm toát ra sự tự do, độc lập và dân chủ của Đất Nước - một Đất Nước gan dạ, kiên cường, không khuất mình trước một thế lực thù địch nào. Với chất thơ nồng nàn suy tư sâu lắng, pha giữa chất trữ tình và chính luận với cảm xúc dồn nén thể hiện tâm tư của người tri thức - Nguyễn Khoa Điềm  thông qua ngòi bút trữ tình mà sâu lắng của mình  đã bộc lộ tấm lòng yêu nước thiết tha, lòng tự hào dân tộc cao độ của mình, lòng biết ơn đối với những người anh hùng làm ra Đất Nước.  Nhà thơ muốn truyền lại cảm xúc trào dâng ấy đến với thế hệ hôm nay với mong ước những thế hệ trẻ hôm nay đừng bao giờ quên đi truyền thống tốt đẹp ấy của dân tộc, phải biết kế thừa để gìn giữ sự tự do, độc lập trân quý và phát triển Đất Nước ngày càng tiến bộ hơn để tiếp tục cùng nhau thực hiện lời Bác Hồ nói: “Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Mai Hồng Nhung
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question