image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận của anh chị về hình ảnh người lính trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân

icon-time3/5/2024

“Dáng đứng Việt Nam” là một trong những bài thơ tiêu biểu viết về người lính. Phân tích tác phẩm này, người đọc sẽ hiểu rõ hơn về một thi phẩm đặc sắc mang nặng hồn thơ Lê Anh Xuân với tấm lòng nồng nàn yêu nước.


Dàn ý Cảm nhận về hình ảnh người lính trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả: Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiển, sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước có truyền thống làm giáo dục và nghệ thuật ở Bến Tre.

- Giới thiệu tác phẩm: Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” là một thi phẩm mang đặc trưng phong cách nghệ thuật của tác giả. 

- Trích dẫn

II. Thân bài

- Thể thơ: Tự do

- Khổ 1: 

+ Cụm từ “ngã xuống” là cách nói giảm nói tránh làm giảm nhẹ cảm giác buồn thương trước mất mác của người lính.

+ Mặc dù anh đã ra đi, những trái tim nồng nàn tình yêu nước của anh vẫn sống mãi, ngọn lửa lý tưởng trong tim anh luôn rực cháy: “Anh chết trong khi đang đứng bắn”.

+ Tác giả luôn viết hoa đại từ nhân xưng “Anh” như một cách để thể hiện sự kính trọng và ngợi ca trước sự can trường quyết không đầu hàng của anh.

Cảm nhận của anh chị về hình ảnh người lính trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân (ảnh 1)

- Khổ 2: Dù anh đã ra đi, nhưng dường như anh vẫn còn đứng sững ở đó “đứng đường hoàng nổ súng tiếng công”, khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ và nâng cao hơn tinh thần chiến đấu các những đồng đội cùng vào sinh ra tử.

- Khổ 3 + 4:

+ Trong cuộc trường kỳ kháng chiến khó khăn gian khổ để giữ nước, đã có biết bao người đã ngã xuống để lá cờ Tổ quốc được bay cao.

+ Câu thơ tràn đầy tình cảm như lời tâm tình giữa những người con trong cùng một gia đình “Anh tên gì hỡi Anh yêu quý”.

+ Dòng thơ cuối cùng của khổ thơ này tuy ngắn gọn, cô đọng nhưng lại đắt giá và giàu tình cảm đến lạ: “Anh là chiến sĩ Giải phóng quân”. 

- Khổ 5: Mùa xuân là hình ảnh ẩn dụ cho sự hồi sinh, rực rỡ và căng tràn sức sống. Ấy là mùa xuân của hòa bình, tự do và độc lập, là mùa xuân mà dân ta đã mong mỏi từ lâu.

III. Kết bài

- Ý nghĩa: Qua bài thơ này, tác giả đã chắt lọc được những chi tiết đắt giá và gợi hình gợi cảm để đề cao phẩm chất cao đẹp của những người chiến sĩ Giải phóng quân.

- Liên hệ bản thân: Là một độc giả, tôi chân thành cảm ơn tác giả vì thi phẩm ấn tượng này. Từ đó, tôi càng thêm kính yêu dân tộc, quê hương mình.


Cảm nhận về hình ảnh người lính trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân

Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiển, sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước có truyền thống làm giáo dục và nghệ thuật ở Bến Tre. Ông là một nhà thơ có tài năng thiên bẩm, một chiến sĩ dũng cảm và yêu văn học, làm thơ từ nhỏ. Thơ của ông đậm đà bản sắc dân tộc, gắn bó máu thịt với đất nước và con người nơi mảnh đất Việt Nam thân yêu. Suốt cuộc đời ngắn ngủi mình, ông đã đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị vào kho tàng văn học nước nhà với “Tiếng gà gáy”, “Hoa dừa thơ”,... Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” là một thi phẩm mang đặc trưng phong cách nghệ thuật của tác giả.

“Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.”

Với thể thơ tự do không bị gò bó bởi khuôn khổ, tác giả đã tự do nêu bật nỗi lòng mình và mở ra trước mắt người đọc một khung cảnh nhuốm màu bi thương nhưng lại vô cùng hào hùng:

“Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.”

Chỉ với bốn câu thơ đầu, tác giả đã khiến cho người đọc phải sững sờ trước sự ra đi anh hùng với khí thế hiên ngang lẫm liệt của người chiến sĩ. Cụm từ “ngã xuống” là cách nói giảm nói tránh làm giảm nhẹ cảm giác buồn thương trước mất mác của người lính. Nhưng mạch thơ sau đó không bi lụy, mà lại hết sức ý chí bất diệt bất khuất của người lính Việt Nam anh dũng kiên cường “Anh gượng đứng lên”. Mặc dù anh đã ra đi, những trái tim nồng nàn tình yêu nước của anh vẫn sống mãi, ngọn lửa lý tưởng trong tim anh luôn rực cháy: “Anh chết trong khi đang đứng bắn”. Ôi một sự ra đi lấy đi bao giọt nước mắt nhưng lại hào hùng làm sao. Ấy chính là bức tượng đài vững chắc của tấm lòng người lính kiên trung bất khuất, một lòng với lý tưởng cách mạng. Ta nhận thấy ở bài thơ này, tác giả luôn viết hoa đại từ nhân xưng “Anh” như một cách để thể hiện sự kính trọng và ngợi ca trước sự can trường quyết không đầu hàng của anh.

“Chợt thấy Anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công.”

Chính sự hy sinh oanh liệt của anh cũng khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ. Những dòng thơ như một lời khẳng định: quân giặc dù có mạnh hơn ta về vũ khí, hiện đại ơn ta về công nghệ máy móc, đông hơn ta về số lượng thì cũng buộc phải chịu thua, đầu hàng và sợ hãi trước ý chí bất diệt, hy sinh thân mình vì Tổ quốc của các chiến sĩ Việt Nam ta. Dù anh đã ra đi, nhưng dường như anh vẫn còn đứng sững ở đó “đứng đường hoàng nổ súng tiếng công”, khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ và nâng cao hơn tinh thần chiến đấu các những đồng đội cùng vào sinh ra tử.

“Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong.
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng - đứng - Việt - Nam tạc vào thế kỷ
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.”

Không phải những điều lớn lao mới làm nên những con người vĩ đại, cũng không phải thời thế tạo anh hùng như người ta thường bảo, mà chính lòng nhiệt thành yêu nước đã tiếp thêm cho anh sức mạnh và động lực để làm được những điều không tưởng. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến khó khăn gian khổ để giữ nước, đã có biết bao người đã ngã xuống để lá cờ Tổ quốc được bay cao. Chính những người lính đã ngã xuống mà ta không biết tên đó là những người anh hùng vô danh đã bảo vệ vẹn nguyên Tổ quốc thân yêu này mà không đòi hỏi một điều chi. Khi đối diện với kẻ thù và cái chết thường trực, tâm hồn họ “vẫn một màu bình dị, sáng trong”. Câu thơ tràn đầy tình cảm như lời tâm tình giữa những người con trong cùng một gia đình “Anh tên gì hỡi Anh yêu quý” gợi ta nhớ đến những dòng thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:

“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.”

Cảm nhận của anh chị về hình ảnh người lính trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân (ảnh 2)

Dòng thơ cuối cùng của khổ thơ này tuy ngắn gọn, cô đọng nhưng lại đắt giá và giàu tình cảm đến lạ. Tất cả những lý tưởng cao đẹp của anh, sự can trường của anh, sự hy sinh oanh liệt không sợ hãi của anh chỉ đơn giản là vì “Anh là chiến sĩ Giải phóng quân”.

“Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên ngát ngát mùa xuân.”

Trong bài thơ, đã nhiều lần trận chiến khốc liệt ở sân bay Tân Sơn Nhứt được nhắc đến và đặt bên cạnh “dáng đứng của Anh” như có tác dụng tô đậm và làm nhấn mạnh dáng đứng của con người Việt Nam bất khuất kiên cường, không sợ hãi trước mưa bom bão đạn. Ở khổ thơ cuối này, không gian trong tác phẩm đã được mở rộng ra, không chỉ ở đường băng Tân Sơn Nhứt mà còn là hình ảnh của một đất nước “bát ngát mùa xuân”. Mùa xuân là hình ảnh ẩn dụ cho sự hồi sinh, rực rỡ và căng tràn sức sống. Ấy là mùa xuân của hòa bình, tự do và độc lập, là mùa xuân mà dân ta đã mong mỏi từ lâu. Thời khắc này, người chiến sĩ ấy không còn là một vị anh hùng vô danh nữa, bởi “Tên Anh đã thành tên đất nước”. Người chiến sĩ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã hòa vào đất nước, về với vòng tay của đất mẹ thân yêu.

Thật xúc động làm sao khi được biết bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” được sáng tác trước khi tác giả hy sinh chỉ ba tháng, trong một đêm không ngủ. Qua bài thơ này, tác giả đã chắt lọc được những chi tiết đắt giá và gợi hình gợi cảm để đề cao phẩm chất cao đẹp của những người chiến sĩ Giải phóng quân. Nhà thơ đã khắc họa người chiến sỹ kiên trung, bất khuất và khái quát nên cả một tập thể những người chiến sĩ đã hy sinh quên mình trong các cuộc kháng chiến. Là một độc giả, tôi chân thành cảm ơn tác giả vì thi phẩm ấn tượng này. Từ đó, tôi càng thêm kính yêu dân tộc, quê hương mình.

Hoàng Thảo
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question