Cảm nhận của em về 3 khổ thơ cuối bài Đồng dao mùa xuân
image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận của em về 3 khổ thơ cuối bài Đồng dao mùa xuân

icon-time1/9/2023

Đặc trưng trong thơ Nguyễn Khoa Điềm là chất triết lý, trí tuệ, cảm hứng chính trị đậm nét. Ông sáng tác khá nhiều và thành công đặc biệt trong mảng thơ ca viết về người lính. Hãy cùng Topbee nêu cảm nhận của em về 3 khổ thơ cuối bài Đồng dao mùa xuân, qua đó thấy được vẻ đẹp của người lính trên trang thơ của ông nhé


Ý nghĩa nhan đề bài thơ Đồng dao mùa xuân

    Tên bài thơ Đồng dao mùa xuân mà không phải một mùa nào khác vì mùa xuân gắn liền với tuổi trẻ, mùa xuân và hy vọng. Đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em dùng để hát khi đi làm trên đồng, khi tham gia văn nghệ. Mùa xuân là mùa đầu tiên trong năm, gợi lên những cảm nhận tươi đẹp của thiên nhiên vạn vật, gợi lên sức sống mãnh liệt của vạn vật và con người khi vào mùa xuân. Nhan đề Đồng dao mùa xuân có nghĩa là khúc hát tuổi thanh xuân của người lính, sự bất tử của những người lính trẻ. Các anh còn sống mãi trong lòng trái tim nhân dân giống như mùa xuân mãi trường tồn cùng vũ trụ. Nhan đề bài thơ chính là khúc hát ca ngợi những người lính trẻ tuổi, bày tỏ sự biết ơn, trân trọng về sự hy sinh của các anh vì độc lập của dân tộc. 

Cảm nhận của em về 3 khổ thơ cuối bài Đồng dao mùa xuân

Cảm nhận của em về 3 khổ thơ cuối bài Đồng dao mùa xuân

    Bài thơ Đồng dao mùa xuân của Nguyễn Khoa Điềm là một trong những bài thơ xúc động, ý nghĩa về người lính. Hình ảnh người lính hiện lên trong thơ là những chàng trai trẻ, cà phê chưa uống, chưa một lần yêu, còn mê thả diều. Họ bước vào trận chiến với tư thế sẵn sàng chiến đấu, không tiếc thân mình để hy sinh vì độc lập, tự do. Bài thơ có nhiều khổ thơ hay trong đó tôi đặc biệt ấn tượng với ba khổ cuối, đó chính là hình ảnh hóa thân của anh vào đất nước, non sông.

Anh ngồi lặng lẽ 

Dưới cội mai vàng

Dài bao thương nhớ

Mùa xuân nhân gian

   Hai khổ thơ được mở đầu bằng hình ảnh “Anh ngồi lặng lẽ”, “Anh ngồi rực rỡ”, gợi tư thế dáng vẻ trầm mặc của người lính. Sự hy sinh của anh đã hoá vào rừng cây đại ngàn Trường Sơn, hoà vào non sông đất nước. Ở khổ thơ đầu tiên hình ảnh “anh ngồi lặng lẽ” được đặt trong một bối cảnh rất đặc biệt. Đó là dưới cội mai vàng trong rừng đại ngàn của Trường Sơn. Cây mai vàng là biểu tượng của mùa xuân, gợi đến mùa xuân tươi vui, mùa khởi đầu của một năm mới. Anh đã ngã xuống đương lúc tuổi xuân đẹp nhất, rực rỡ nhất. Hai câu thơ “Dài bao thương nhớ/ Mùa xuân nhân gian” có thể hiểu là người lính hy sinh khi còn trẻ và vẫn thương nhớ, nuối tiếc mùa xuân, tuổi trẻ ở nhân gian.

   Khổ thơ tiếp theo tô đậm thêm hình ảnh rực rỡ của người lính khi ngã xuống “Anh ngồi rực rỡ/ Màu hoa đại ngàn”. Máu thịt anh đã hoà vào núi non, linh hồn anh vẫn ẩn hiện đâu đó nơi núi rừng Trường Sơn, vĩnh viễn giữ chặt tay súng để bảo vệ non sông, gấm vóc. Hình ảnh so sánh ẩn dụ độc đáo “mắt như suối biếc/ vai đầy núi non” gợi tư thế, dáng vẻ đầy hùng dũng, oai phong của người lính. Đẹp và kiêu hãnh làm sao hình ảnh người lính trẻ trở thành biểu tượng của non sông đất nước, ánh mắt, đôi vai hóa thân rực rỡ vào non sông, đôi vai vẫn đau đáu trọng trách gánh vác “núi non”, sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự hy sinh của anh đã đồng nghĩa với sự hoá thân bởi vậy càng  ý nghĩa hơn nhiều.

Cảm nhận của em về 3 khổ thơ cuối bài Đồng dao mùa xuân ảnh 2

    Khổ thơ cuối cùng khép lại bài thơ bằng giọng điệu trầm, buồn, đó là những trăn trở và suy tư, đó là xót xa của nhà thơ trước sự hy sinh của những người lính trẻ: “Tuổi xuân đang độ/ Ngày xuân ngọt lành/ Theo chân người lính/ Về từ núi xanh”. Sự ra đi của những người lính trẻ trong chiến tranh không phải là câu chuyện của một nhà, mà là câu chuyện của cả một dân tộc. Những người lính đương độ 18, 20 còn rất trẻ và có rất nhiều dự định, hoài bão dang dở. Tuổi xuân đang ở độ đẹp nhất, ngày xuân ngọt lành, tất cả đã ở lại nơi núi rừng Trường Sơn đại ngàn. Nhà thơ không dấu được sự xót xa, tiếc nuối trước cái chết còn quá trẻ của người lính. Giọng thơ trầm buồn, thể hiện được tình cảm yêu thương, trân trọng, tiếc nuối của nhà thơ. 

    Là một người lính cũng đã trực tiếp vào sinh ra tử nơi chiến trường, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, ông thấu hiểu hơn bao giờ hết sự khốc liệt của chiến tranh. Đau đớn và xót xa vô cùng nhưng ông tin rằng sự hy sinh của các anh không vô nghĩa, các anh ngã xuống là động lực và sức mạnh cho những người ở lại. Tiếp tục viết tiếp ước mơ hòa bình, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

    Sóng Hồng đã từng nói “Thơ là hoạ, là nhạc, làm chạm khắc theo một cách riêng”, Đồng dao mùa xuân chính là một thi phẩm như thế. Dù nhiều năm đã đi qua nhưng sức hấp dẫn của tác phẩm vẫn còn mãi, là một minh chứng cho hồn thơ triết lý, trữ tình của Nguyễn Khoa Điềm.

-------------------------------------

Trên đây là hướng dẫn nêu cảm nhận của em về 3 khổ thơ cuối bài Đồng dao mùa xuân. Một bài thơ xúc động về hình ảnh những người lính trẻ. Bài thơ đã giúp thế hệ trẻ chúng ta hiểu thêm về một thời kỳ đau thương, mất mát nhưng vô cùng hào hùng của dân tộc.

Tác giả : Topbee
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question