image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận của em về bài thơ Hương Giang Hiểu Phiếm của vua Thiệu Trị.

icon-time8/1/2024

Bài thơ “Hương Giang hiểu phiếm” của vua Thiệu Trị là một bài thơ hay viết về sông Hương. Hãy cùng Topbee tham khảo bài văn Cảm nhận về bài thơ Hương Giang hiểu phiếm của vua Thiệu Trị.


Dàn ý cảm nhân bài thơ Hương giang Hiểu Phiếm của vua Thiệu Trị. 

a. Mở bài: Khái quát chung về tác giả, tác phẩm 
b. Thân bài:
* Khái quát về tác giả Thiệu Trị:
- Vua Thiệu Trị tên thật là Nguyễn Phúc Tuyền, là con trưởng của vua Minh Mạng.
- Khi vua Minh Mạng băng hà đã truyền ngôi vua cho ông, và trở thành vị vua thứ ba của triều Nguyễn.
- Vua Thiệu Trị đặc biệt yêu thích thơ văn, ông có để lại rất nhiều bài thơ hay.
- Nổi tiếng nhất là hai bài thơ chữ Hán có tên là “Vũ Trung Sơn Thủy’” và “Phước Viên Văn hội lương dạ mạn ngâm” 
* Khái quát về bài thơ "Hương Giang hiểu phiếm”
- Bài thơ “Hương Giang hiểu phiếm” là một trong những bài thơ hay nhất của vua Thiệu Trị.
-  Bài thơ được trích trong chùm thơ “Thần Kinh Nhị Thập Cảnh”.
- Bài thơ tả một buổi sáng vua dùng thuyền ngự ngược dòng sông Hương dạo chơi lên phía thượng nguồn.
* Cảm nhận về bài thơ:
- Hai câu thơ mở đầu đã vẽ lên bức tranh của dòng sông Hương sống động và tính cảm của vua Thiệu Trị:
+ Khi xây dựng kinh thành Huế, sông Hương đã được chọn làm “Minh đường” đồng thời là chiếc bào tự nhiên che chắn cho tòa thành ấy
+ Cảm nhận cảnh vật ở đây vào buổi sáng sớm-> tạo ra cảm giác của sự yên bình và bình dị trong sáng sớm.
-> Câu thơ đánh dấu sự hòa hợp giữa người và cảnh, làm sống bức tranh dòng sông Hương.
- Bốn câu thơ tiếp theo là cảm nhận của vua Thiệu Trị về dòng sông Hương nhẹ nhàng và bức tranh cảnh vật thiên nhiên: 
+ thời điểm “Mùa xuân”- “ xuân thủy”.
-> bức tranh mùa xuân tươi mới và đầy sức sống gợi vẻ mênh mang, rộng lớn của không gian.
+Âm thanh: tiếng chèo đẩy thuyền đi trong gió -> gợi sự gắn kết, hòa mình vào bức tranh thiên nhiên và sự tương tác với môi trường. 
+"Cây cối" và "bờ sông còn đẫm ướt sương"-> mở ra bức tranh mát mẻ, tươi mới.
+ Sự hòa quyện, đan cài giữa hoa và mây -> đem lại một vẻ đẹp tinh tế và duyên dáng
- Hai câu thơ cuối là tâm trạng của thi nhân:
+ hành trình dài và không biết đến bao giờ mới kết thúc
+"Dòng nước trong": biểu tượng cho cuộc sống, cho thời gian, hoặc sự chuyển động của đời người. 
+ Hình ảnh mặt trời - “song khuyết” -> mở ra những điều tốt đẹp, mang lại cảm giác tích cực và lạc quan..
* Đánh giá giá trị nội dung, nghệ thuật:
- Nghệ thuật:
+Thể thất ngôn bát cú đường luật.
+ Ngôn ngữ phong phú, lãng mạn. 
+ Nhiều hình ảnh tươi đẹp, trù phú, như hình ảnh của dòng sông, cây cỏ, thuyền, hoa và mây 
- Nội dung:
+ Bài thơ là tình cảm yêu mến thiên nhiên. Thiên nhiên và con người gắn bó, hòa quyện với nhau. 
c. Kết bài: Khái quát lại vấn đề


Bài văn cảm nhận của em về bài thơ Hương Giang Hiểu Phiếm.

Nếu phải tìm bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Bởi chỉ khi đến với văn chương, người nghệ sĩ mới được tự do để trái tim dẫn dắt, được thể hiện quan niệm của chính mình và rồi mang đến cho người đọc biết bao giai điệu cảm xúc với nhiều cung bậc. Và nhà vua Thiệu Trị đã để tác phẩm “ Hương Giang hiểu phiếm” của mình là nốt ngân đầy sáng tạo trong bản hòa tấu của văn học Việt Nam. Bài thơ là một sáng tạo độc đáo về nội dung và nghệ thuật.

Vua Thiệu Trị tên thật là Nguyễn Phúc Tuyền, là con trưởng của vua Minh Mạng. Khi vua Minh Mạng băng hà đã truyền ngôi vua cho ông, và trở thành vị vua thứ ba của triều Nguyễn. Đương thời ông nổi tiếng là vua thi sĩ - "thi sĩ ngự ngai vàng". Vua Thiệu Trị đặc biệt yêu thích thơ văn, ông có để lại rất nhiều bài thơ hay, nổi tiếng nhất là hai bài thơ chữ Hán có tên là “Vũ Trung Sơn Thủy’” (cảnh trong mưa) và “Phước Viên Văn hội lương dạ mạn ngâm” (Đêm thơ ở Phước Viên). Dưới thời nhà Nguyễn, vua Thiệu Trị nổi tiếng văn hay chữ tốt, chăm chỉ, siêng năng nhưng chỉ tại vị được gần 7 năm.

Bài thơ “Hương Giang hiểu phiếm” là một trong những bài thơ hay nhất của vua Thiệu Trị. Bài thơ được trích trong chùm thơ “Thần Kinh Nhị Thập Cảnh”. “Thần kinh nhị thập cảnh” là tên chùm thơ của hoàng đế Thiệu Trị viết nhằm xếp hạng và vịnh thơ 20 thắng cảnh của đất Huế. Bài thơ tả một buổi sáng vua dùng thuyền ngự ngược dòng sông Hương dạo chơi lên phía thượng nguồn. Nước sông rất xanh, và trên mặt nước sông ban mai có nhiều bọt sóng trôi xuôi. Gió sông mát rười rượi, cây cành hai bên còn vương những giọt sương đêm, hoa rừng chúm chím nụ thẹn thùng trong sớm mai. Khung cảnh thật hữu tình khiến người dâng lên niềm cảm xúc. 

Từ lâu nay, dòng sông Hương yêu kiều diễm lệ trở thành dòng sông thơ. Sông Hương sống động. Sông Hương nghĩa tình. Sông Hương – dòng thi ca tuôn chảy bất tận trong các tâm hồn người nghệ sĩ ở Huế hay ghé thăm Huế: khẳng khái, cương trực như Chu Thần – Cao Bá Quát: “Dòng sông dài như lưỡi gươm dựng giữa trời xanh” (Buổi sáng qua sông Hương) hay phóng khoáng qua ngòi bút Tản Đà khi “Chơi Huế”. Sông Hương bỗng hóa thành cõi “Thiên Thai” qua lời ca của nhạc sĩ Văn Cao và những đêm đàn ca trên dòng Tiêu Kim Thủy (tên gọi khác của Sông Hương):

“Tay nhấn tơ chùng đã ngấm sương

Hò ngân cung Bắc lướt cung Thương

Dòng Tiêu Kim Thuỷ gà xao xác

Ngẩng thấy kinh kỳ khói vấn vương”.

Trong muôn vàn lời ngợi ca, Hoàng đế Thiệu Trị cũng đã ngợi ca dòng sông Hương trong buổi sớm mai – “Hương Giang Hiểu Phiếm” qua “Thần kinh nhị thập cảnh”.
Hai câu thơ mở đầu đã vẽ lên bức tranh của dòng sông Hương sống động và tính cảm của vua Thiệu Trị:

“Nhất phái uyên nguyên hộ đế thành,

Thanh lưu sấn tảo nhạ lương sinh.”

Dịch nghĩa:

“Một dòng nước sâu cuộn chảy bảo vệ kinh thành,

Trong sáng sớm (dùng thuyền) tiến theo dòng nước trong, cảm thấy hơi mát lạnh.”

Sông Hương cùng núi Ngự là biểu tượng của xứ thơ. Sông Hương nhẹ nhàng, chậm rãi chảy qua các làng mạc trù phú trung du Huế, chảy vào giữa lòng thành phố, rồi tiếp tục uốn lượn qua các miền quê ở hạ lưu trước khi hòa vào biển lớn. Lòng sông rộng rãi, nước chảy hiền hoà uốn khúc như mái tóc huyền buông dài của người thiếu nữ Huế tạo nên một khoảng nước trời mênh mang hữu tình. Khi xây dựng kinh thành Huế, sông Hương đã được chọn làm “Minh đường” đồng thời là chiếc bào tự nhiên che chắn cho tòa thành ấy. Dòng sông quyến rũ này là nơi các vị vua Nguyễn thường dạo thuyền đi thưởng lãm và hết lời ca ngợi vẻ đẹp tuyệt mỹ của nó.

Câu thơ thứ hai, người cảm nhận cảnh vật ở đây vào buổi sáng sớm:  "Trong sáng sớm (dùng thuyền) tiến theo dòng nước trong". Hình ảnh này tạo ra cảm giác của sự yên bình và bình dị trong sáng sớm khi người đi thuyền đang hòa mình vào dòng nước. "Tiến theo dòng nước trong" có thể thể hiện sự tuân theo, theo dõi sự luân phiên tự nhiên của cuộc sống. Câu thơ đánh dấu sự hòa hợp giữa người và cảnh, làm sống bức tranh dòng sông Hương. 

Bốn câu thơ tiếp theo là cảm nhận của vua Thiệu Trị về dòng sông Hương nhẹ nhàng và bức tranh cảnh vật thiên nhiên: 

“Ba bình xuân thủy lung yên sắc,

Chu trục thần phong động lỗ thanh.

Thiên tửu vị can nhu ngạn thụ,

Sơn hoa do luyến kết vận anh.

Dịch nghĩa:

“Dòng sông vào mùa xuân sóng lặng bao trùm khói mờ,

Vang tiếng chèo đẩy thuyền đi trong gió sớm.

Cây cối hai bên bờ sông còn đẫm ướt

Hoa trên núi còn vương vấn với mây đẹp đẽ.”

Bức tranh thiên nhiên được thi nhân cảm nhận vào thời điểm “Mùa xuân”- “ xuân thủy”. Câu thơ “Ba bình xuân thủy lung yên sắc” tạo ra hình ảnh của một mùa xuân tươi mới và đầy sức sống gợi vẻ mênh mang, rộng lớn của không gian. Âm thanh hiện lên ở đây là tiếng chèo đẩy thuyền đi trong gió. Âm thanh ấy gợi cho người đọc cảm giác của sự gắn kết, hòa mình vào bức tranh thiên nhiên. Bức tranh thiên nhiên ấy hiện lên cùng với hình ảnh của cây cối, bờ sông.  "Cây cối" và "bờ sông còn đẫm ướt sương" mở ra một bức tranh mát mẻ, tươi mới. “Sơn hoa do luyến kết vận anh.” Câu thơ là sự hòa quyện, đan cài giữa hoa và mây, đem lại một vẻ đẹp tinh tế và duyên dáng. Bốn câu thơ là bức tranh thiên nhiên mùa xuân thanh khiết hòa với con người. Phải chăng thi nhân có một tình yêu sâu đậm với cảnh vật quê hương mới có thể viết lên những vần thơ hay như vậy!

Hai câu thơ cuối là tâm trạng của thi nhân:

“Kỳ hồi hà hiết thương lang khúc,

Song khuyết phương thăng thụy nhất minh.”

Dịch nghĩa:

“ Đi không biết bao lâu rồi mà dòng nước trong vẫn chưa dứt,

Qua cửa sổ thuyền nhìn thấy mặt trời tốt lành sáng tỏ đang lên cao”.

Câu thơ đầu, nhà thơ miêu tả hành trình chiêm ngưỡng vẻ đẹp bất tận của dòng sông Hương và không biết đến bao giờ mới kết thúc. Câu thơ đã tạo ra một cảm giác bất tận, lâu dài. "Dòng nước trong" có thể là biểu tượng cho cuộc sống, cho thời gian, hoặc sự chuyển động của đời người. Hình ảnh mặt trời - “song khuyết” hiện lên mở ra những điều tốt đẹp, mang lại cảm giác tích cực và lạc quan. Đó là niềm khao khát, hy vọng về một điều tốt đẹp, về sự tươi mới mà mặt trời mang lại.

Bài thơ "Hương Giang Hiểu Phiếm" của Vua Thiệu Trị là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú đường luật. Bên cạnh đó, thi nhân đã sử dụng ngôn ngữ phong phú, lãng mạn. Bài thơ chứa đựng nhiều hình ảnh tươi đẹp, trù phú, như hình ảnh của dòng sông, cây cỏ, thuyền, hoa và mây đã giúp thi nhân tạo ra một bức tranh sống động và hấp dẫn, giúp người đọc hòa mình vào không gian và thời gian của bài thơ. Bài thơ là tình cảm yêu mến thiên nhiên. Thiên nhiên và con người gắn bó, hòa quyện với nhau. Thi nhân cảm nhận bức tranh thiên nhiên nhiên quê hương bằng cả tâm và tài của một vị hoàng đế.  

Thời gian vẫn trôi đi và bốn mùa luôn luân chuyển. Con người chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật đích thực thì vẫn còn mãi mãi với thời gian. Tác phẩm “ Hương Giang hiểu phiếm” của hoàng đế Thiệu Trị là một trong số những tác phẩm nghệ thuật như thế.

Ngọc Huyền
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question