image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận của em về vẻ đẹp anh thanh niên qua đoạn trích sau Anh hạ giọng... Mỗi người viết một vẻ

icon-time21/12/2023

Vẻ đẹp Thiên nhiên dữ dội, hùng vĩ là phông nền cho vẻ đẹp của con người. Cảm nhận đoạn trích sau: “Anh hạ giọng... Mỗi người viết một vẻ” để thấy được vẻ đẹp anh thanh niên.


Dàn ý Cảm nhận về vẻ đẹp anh thanh niên qua đoạn trích: “Anh hạ giọng... Mỗi người viết một vẻ.”

1. Mở bài: Khái quát vấn đề nghị luận- nhân vật anh thanh niên

2. Thân bài: 

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long: nhà văn trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp

- Giới thiệu tác phẩm “ Lặng lẽ SaPa” ( hoàn cảnh sáng tác, nhan đề,...)

- Cảm nhận về vẻ đẹp anh thanh niên:

+ Anh thanh niên là một người yêu nghề, gắn bó với công việc.

+ Là người có lý tưởng sống cao đẹp, có trách nhiệm với công việc.

+ Là người cởi mở, chân thành

+ Có đời sống tinh thần lạc quan

- Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật

+ Nội dung: vẻ đẹp anh thanh niên tiêu biểu cho vẻ đẹp của những con người sống thầm lặng, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì lý tưởng sống, vì quê hương, đất nước.

+ Nghệ thuật: tình huống truyện, hình ảnh, nhân vật, phương thức biểu đạt

3. Kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận


Cảm nhận về vẻ đẹp anh thanh niên qua đoạn trích: “Anh hạ giọng... Mỗi người viết một vẻ.”

Puskin từng viết: “Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút”. Và nhà văn Nguyễn Thành Long đã để tiếng lòng của mình cất lên, để linh hồn của tác phẩm " Lặng lẽ Sa Pa ”bay lên. Tác phẩm đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật anh thanh niên. Đặc biệt, vẻ đẹp của anh thanh niên được tác giả miêu tả qua đoạn văn: “ Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều…. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.”

Nguyễn Thành Long là một trong những nhà văn tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, các tác phẩm của ông chủ yếu được viết theo xu hướng lãng mạn và chưa để lại nhiều dấu ấn cho người đọc. Ông là nhà văn trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp. Nguyễn Thành Long là nhà văn chuyên viết về truyện ngắn và ký. Ông đã cho xuất bản ra nhiều tác phẩm văn xuôi, gồm các tập: Khúc hát của người cán bộ, Ta và chúng nó, Gió bấc gió nồm, Giữa trong xanh,...

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được nhà văn sáng tác năm 1970. Đây là kết quả chuyến đi thực tế Lào Cai của Nguyễn Thành Long. Đó là giai đoạn miền Bắc đang bước vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội, miền Nam bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất. Tác phẩm chủ yếu xoay quanh cuộc sống, con người trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. “Lặng lẽ Sa Pa” được in trong tập “Giữa trong xanh” xuất bản năm 1972.

Cảm nhận của em về vẻ đẹp anh thanh niên qua đoạn trích sau: Anh hạ giọng... Mỗi người viết một vẻ

Nhà văn Nguyễn Thành Long đã đặt nhan đề cho đứa con tinh thần là “Lặng lẽ Sa Pa”. Các nhân vật không có một cái tên cụ thể mà được nhà văn  gọi tên theo nghề nghiệp, tác giả muốn nói đến nhiều người với nhiều ngành nghề khác nhau ở Sapa đang ngày đêm cống hiến sức mình xây dựng quê hương đất nước. Lặng lẽ Sa Pa, đó chỉ là cái vẻ lặng lẽ bên ngoài của một nơi ít người đến, nhưng thật ra nó lại không lặng lẽ chút nào, bởi đằng sau cái vẻ lặng lẽ của Sa Pa là cuộc sống sôi nổi của những con người đầy trách nhiệm với công việc, đối với đất nước, với mọi người mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng một mình trên đỉnh núi cao.

Bê-ông Brit đã từng nói rằng: “Các nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật không phải đơn giản là những bản dập của những con người sống mà là hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả”. Nhà văn Nguyễn Thành Long đã khắc họa thành công vẻ đẹp của anh thanh niên, thể hiện niềm ngưỡng mộ, trân trọng với những con người thầm lặng nơi Sapa đất trời. Trong tác phẩm, hoàn cảnh sống của anh thanh niên vô cùng khắc nghiệt và gian khổ. “Lặng lẽ Sa Pa” là câu chuyện kể về nhân vật anh thanh niên 27 tuổi, là người làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m. Nơi anh sống heo hút hẻo lánh quanh năm không một bóng người, và anh luôn có cảm giác thèm người. Công việc và nhiệm vụ hàng ngày đó là thực hiện công tác khí tượng, kiêm nhà vật lý địa cầu. Nhiệm vụ của anh là đo nắng, đo mưa, đo gió, tính mây rồi đo chấn động mặt đất đều đặn bốn lần trong một ngày đêm rồi báo về cơ quan. Mục đích của công việc này là dự báo tình hình thời tiết hằng ngày đến với người dân nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Vì vậy, đây là một công việc gian khổ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và tinh thần trách nhiệm vô cùng cao.

Trước hết, anh thanh niên hiện lên là một người yêu nghề, có niềm đam mê với nghề. Anh thanh niên chia sẻ suy nghĩ, tâm sự với ông họa sĩ một cách chân thành: “Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình.” Nơi anh sinh sống và làm việc hẻo lánh giống như ngôi sao lẻ loi một mình trên bầu trời rộng lớn vậy. Gian khổ nhất là vào lúc một giờ sáng, dù mưa gió, tuyết lạnh thế nào cũng phải trở dậy ra ngoài làm việc. Công việc của anh tuy vất vả, nhưng anh luôn cảm thấy yêu công việc của mình “Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?”.  Anh coi công việc như một người bạn thân thiết của mình, thiếu nó anh như thiếu đi hơi thở của cuộc sống. Hơn nữa, anh còn tìm thấy niềm vui ở trong đó bởi công việc của anh còn “gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia.” Đó là những con người ngày đêm thầm lặng cống hiến cho quê hương, đất nước.

Không chỉ yêu nghề, anh thanh niên còn là một người sống có lý tưởng cao đẹp, có trách nhiệm cao cả.  Anh ý thức một cách rất rõ ràng: Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?. Anh sống trên đỉnh núi cao một mình nhưng anh không hề cô đơn vì lúc nào trong tư tưởng của anh mục đích sống, lẽ sống vẫn luôn luôn tồn tại và nhắc nhở. Làm một công việc đơn độc, phải dậy vào lúc nửa đêm, phải ra ngoài trời lúc mưa bão, lạnh lẽo, giá rét anh có thể nằm ở trong nhà, lấy những số liệu cũ mà gọi bộ đàm về để báo cáo. Thế nhưng anh không bao giờ làm điều đó. Bởi vì anh thanh niên hiểu rõ trách nhiệm của mình. Công việc của anh có ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống lao động và chiến đấu của rất nhiều người lúc bấy giờ. Một con người như anh thật đáng để ta trân trọng biết bao.

Cùng với vẻ đẹp của yêu nghề, tinh thần trách nhiệm công việc, anh thanh niên còn là một người sống cởi mở, chân thành và rất quý trọng tình cảm. Cuộc gặp gỡ với ông họa sĩ và cô kĩ sư trẻ tình cờ trong khoảng 30 phút, thế nhưng anh đã chia sẻ biết bao điều về công việc của mình với họ. Anh không hề giấu diếm họ một điều gì hết. Anh trò chuyện tâm tình với mọi người như những người thân quen từ bao lâu rồi. Với anh, được gặp người, trò chuyện với mọi người là niềm một niềm mong mỏi, hạnh phúc bởi nơi anh sống heo hút lạnh giá không một bóng người. Nơi đây chỉ có anh và công việc cực nhọc.   

Công việc của anh ở nơi đây thật là vất vả và đơn điệu, phải lặp đi lặp lại những con số nhưng anh không cảm thấy nhàm chán, bởi anh tìm thấy niềm vui trong cuộc sống của mình. Anh xoay sang người con gái đang một mắt đọc cuốn sách, một mắt lắng nghe, chân cô đung đưa khe khẽ, nói:“Cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện . Nghĩa là có sách ấy”. Sống nơi Sa Pa lặng lẽ, sách là người bầu bạn, tâm tình với anh. Sách giúp đỡ đời sống tinh thần của anh thêm phong phú hơn, giúp anh  mở rộng tri thức vốn sống  để không ngừng theo kịp thời đại. Sách không chỉ giúp anh nâng cao hiểu biết, nâng cao kiến thức, sách còn giúp anh thư giãn sau những giờ làm việc vất vả, gian khổ.

Nhà văn Nguyễn Thành Long đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật anh thanh niên. Trên nền khắc nghiệt của thiên nhiên, hình ảnh con người hiện lên thật cao cả, đáng yêu, đáng ngưỡng mộ. Nhà thơ xây dựng tình huống truyện hợp lý với cách kể chuyện tự nhiên, mộc mạc, giàu chất thơ. Qua truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, nhân vật anh thanh niên giúp tác giả khẳng định vẻ đẹp của những người lao động mới trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, thống nhất đất nước. Anh thanh niên thật đẹp sống với lý tưởng cao đẹp giữa non xanh lặng lẽ nhưng vẫn tự giác cống hiến cho quê hương đất nước. Có lẽ anh đã hiểu sâu sắc tâm niệm của Tố Hữu:

Nếu là con chim chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

Trần Thùy Dương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question