Cảm nhận đoạn thơ: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi … Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận đoạn thơ: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi … Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

icon-time15/11/2023

Tây Tiến là một trong số những tác phẩm được coi là “Tượng đài bất tử về hình tượng người lính”, không chỉ khắc họa hình ảnh người lính với vẻ đẹp hào hùng mà nhà thơ Quang Dũng còn bày tỏ nỗi nhớ da diết về thiên nhiên và con người nơi núi rừng Tây Bắc. Cùng Topbee tìm hiểu qua bài văn Cảm nhận đoạn thơ: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi … Mai Châu mùa em thơm nếp xôi để hiểu rõ hơn về bài thơ nhé !


Dàn ý: Cảm nhận đoạn thơ: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi … Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

A. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

B. Thân bài

- Phân tích bốn câu đầu

+ Hình ảnh sông Mã

+ Nỗi nhớ da diết của tác giả dành cho thiên nhiên, dành cho đồng đội

+ Những khó khăn trên chặng đường hành quân

- Phân tích bốn câu tiếp

+ Sự hoang vu, hiểm trở của núi rừng

+ Vẻ đẹp bí ẩn,huyền ảo và hùng vĩ của tự nhiên

- Phân tích bốn câu tiếp

+ Sự hi sinh, gian khổ trong những chặng đường hành quân vất vả

+ Những nguy hiểm đe dọa đến người lính tiềm ẩn trong thiên nhiên

- Phân tích hai câu cuối

+ Nỗi nhớ về những tháng ngày bình dị, gắn bó trong tình quân dân ấm áp

C. Kết bài

- Khái quát lại nội dung và giá trị bài thơ

- Nêu cảm nhận của bản thân


Cảm nhận đoạn thơ: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi … Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

 

Một trong số những nhà thơ chuyên viết về hình tượng người lính và đất nước ta trong những năm tháng kháng chiến đó chính là nhà thơ Quang Dũng. Ông là một nghệ sĩ đa tài, làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Nhưng trước hết ông là một nhà thơ có hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa đặc biệt là khi ông viết về hình tượng người lính Tây Tiến. “Tây Tiến” là một tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ được viết vào khoảng thời gian khi ông đang là một người lính được chuyển sang đơn vị mới, vì nhớ những ngày tháng gắn bó, đồng cam cộng khổ cùng đồng đội nên ông đã sáng tác ra bài thơ. Tác phẩm “ Tây Tiến” được in trong tập “Mây đầu ô”(1986). Với cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng luôn gắn bó với nhau đoạn thơ sau đã làm rõ được nỗi nhớ về những chặng đường hành quân của bộ đội Tây Tiến và khung cảnh rừng núi miền Tây Bắc.

Cảm nhận đoạn thơ: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi … Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

“Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Ở bốn câu thơ đầu nhà thơ đã bày tỏ nỗi nhớ da diết với cảnh vật, thiên nhiên núi rừng . “Sông Mã” là con sông đã gắn liền với kỉ niệm cuộc đời của những người lính, không đơn thuần chỉ là con sông về mặt địa lí mà Sông Mã chính là dòng chảy hào hùng xuyên suốt mạch kí ức của bài thơ. 

Nỗi nhớ được nhà thơ miêu tả là “chơi vơi”, một nỗi nhớ vô hình vừa thực lại vừa là mộng ảo. Rừng núi được hiện lên qua nỗi nhớ ấy cũng trở nên kì ảo, xa xôi những không kém phần bí ẩn. Cách gieo vần “ơi” cùng phép điệp từ  “nhớ” tạo cho câu thơ độ vang vọng, góp phần làm tăng màu sắc bí ẩn, mờ ảo của khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc qua dòng kí ức.

Hình ảnh những người lính hành quân trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã được nhà thơ khắc họa trong hai câu thơ tiếp. Hành quân trong sự bao phủ của làn sương mờ, làn sương ấy không chỉ là làn sương lạnh của núi rừng tự  nhiên mà còn là làn sương mờ ảo của kí ức. Hình ảnh những người lính hiện lên trong làn sương mờ cũng chính là nỗi nhớ da diết của nhà thơ về những năm tháng đồng cam cộng khổ cùng đồng đội. Dù khó khăn là vậy, nhưng sự hào hoa ẩn chứa bên trong người lính vẫn còn đó. Khắc sâu trong tâm trí họ không chỉ có kí ức về những năm tháng vất vả mà còn là hình ảnh thơ mộng của thiên nhiên, những bông hoa của núi rừng xen lẫn vào màn đêm sương lạnh, lung linh, huyền ảo và làm xao xuyến tâm hồn người lính.

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Bốn câu thơ tiếp nhà thơ đã khắc họa rõ nét về khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ  cũng như chặng đường hành quân đầy trắc trở và nguy hiểm của những người lính. Với những hình ảnh miêu tả đoạn dốc “khúc khuỷu” , “thăm thẳm” và độ cao đến nỗi “ súng ngửi trời”, cùng với đó là sự chập trùng lên cao xuống thấp của núi rừng. Tất cả những hình ảnh đó đều là nét đặc trưng của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc, hoang sơ, heo hút và hiểm trở nhưng cũng hùng vĩ biết bao.

Bốn câu thơ đều mang đậm chất nhạc và chất họa, chất họa nằm trong khung cảnh núi rừng vắng lặng, bí ẩn được miêu tả vô cùng chi tiết. Chất nhạc nằm trong cách mà nhà thơ tạo nên những thanh bằng trắc qua từng câu chữ. Tuy nhiên ở câu cuối “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” lại toàn thanh bằng mang lại cảm giác nhẹ nhàng, bay bổng như trút bớt đi phần nào những gánh nặng, những khó khăn, gian khổ đè nén trên vai người lính.

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

Sau những chặng đường hành quân gian nan, vất vả, hình ảnh người lính lại hiện lên với những mệt mỏi, khó khăn. “ Không bước nữa” và “ gục lên súng mũ bỏ quên đời”, ở những chi tiết này chúng ta có hai cách hiểu. Có thể là sau những lần hành quân nặng nhọc, những người lính bị kiệt sức nên gục trên súng mũ để nghỉ ngơi và giây phút ấy họ quên đi những gian khổ vừa qua. Nhưng cũng có thể đó không đơn thuần là giấc ngủ ngắn mà họ sẽ chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng, họ từ biệt đồng đội, gác lại chặng đường dài để trút hơi thở cuối cùng đưa linh hồn về với Tổ quốc.

Núi rừng Tây Bắc không chỉ có sự hoang vu, vắng lặng mà còn tiềm ẩn những nguy hiểm đe dọa đến sự an toàn của người lính. “Chiều chiều”, “ đêm đêm”  gợi ra không gian và thời gian u tối, bí ẩn. “Thác gầm thét” và “cọp trêu người” những nguy hiểm nơi rừng thiêng nước độc ấy khiến cho sự an nguy của người lính không chỉ bị đe dọa bởi nòng súng của kẻ thù mà còn bởi những điều hoang dại ẩn mình trong tự nhiên.

“Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Trong kí ức của nhà thơ không chỉ có nỗi nhớ về khung cảnh thiên nhiên và bóng hình những người đồng đội mà còn cả nỗi nhớ về sự giản dị, mộc mạc của người dân nơi đây. Sự gắn bó, gần gũi giữa quân và dân trong những năm tháng kháng chiến, thời kì vất vả mà hào hùng của đất nước. Nhà thơ nhớ những bữa cơm giản dị ấm áp tình người, nhớ những khung cảnh sinh hoạt thường ngày vô cùng bình dị, ấm áp.

Nhà thơ Quang Dũng đã thành công khắc họa nên bức tranh ngôn từ vô cùng xuất sắc bằng bút pháp lãng mạn và ngôn từ vô cùng phong phú. Qua bài thơ “Tây Tiến”, vẻ đẹp hùng vĩ, bí ẩn và huyền ảo của núi rừng Tây Bắc đã hiện lên vô cùng chân thực. Bài thơ còn là bản trường ca hào hùng, bi tráng về những gian khó, vất vả của những người lính trẻ, dù cho mệt mỏi, dù cho phải hi sinh họ vẫn quyết tâm phục vụ cho Tổ quốc vì nền hòa bình, tự do.Xuyên suốt bài thơ là nỗi nhớ da diết, sự tiếc nuối về những ngày tháng gắn bó cùng đồng đội, cùng nhân dân nay chỉ còn là kỉ niệm đã qua.

 

 

Tác giả : Topbee
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question