image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận đoạn thơ "Trước muôn trùng sóng bể...Cả trong mơ còn thức"

icon-time24/12/2023

Thơ của Xuân Quỳnh hồn nhiên, yêu đời mong ước về tình yêu lứa đôi giản dị tràn đầy cảm xúc lãng mạn. Sóng là tiếng nói của người phụ nữ về khát khao được sống trong tình yêu. Hãy cùng Topbee Cảm nhận đoạn thơ "Trước muôn trùng sóng bể...Cả trong mơ còn thức"


Dàn ý cảm nhận đoạn thơ

a. Mở bài

- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm

- Nêu vấn đề nghị luận

b. Thân bài

* Khổ 1: Khái quát về hình tượng “sóng”

- Hình tượng trung tâm và nổi trội trong bài thơ là hình tượng "sóng", bao trùm cả bài thơ là hình tượng sóng.

+ Sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ trẻ cũng như mọi sáng tạo nghệ thuật trong bài thơ đều gắn liền với hình tượng sóng. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình của một người phụ nữ được khơi dậy khi đứng trước biển cả.

+ “Sóng” là một trong những hình tượng ẩn dụ, nó là sự hóa thân của cái tôi trữ tình của Xuân Quỳnh. 

==> Xuân Quỳnh đã tìm được một cách thể hiện thật xác đáng tâm trạng của người phụ nữ trong tình yêu.

- Hình tượng sóng đã gợi ra trong cả bài thơ bằng âm điệu:  (“Khi nào ta yêu nhau”… “Con sóng dưới lòng sâu”).

==> Nhịp sóng đó là một tâm trạng đang xao động, trào dâng, miên man và chất chứa những khát khao, rạo rực.

* Khổ 2: Một khám phá về sóng, mỗi khổ thơ sóng lại hiện ra một ý nghĩa khác

- Đến khổ tiếp của bài thơ, sóng lại hiện lên với một ý nghĩa khác: Nguồn gốc của sóng cũng là nguồn gốc bí ẩn của tình yêu. Đứng trước biển, người phụ nữ muốn cắt nghĩa về nguồn gốc của sóng để tìm lời đáp cho câu hỏi về sự khởi nguồn của tình yêu trong trái tim mình.

“Sóng bắt đầu… ta yêu nhau”

==> Mọi nỗ lực để cắt nghĩa về tình yêu của Xuân Quỳnh cuối cùng trở nên bất lực. Nhà thơ “thú nhận” thành thực, hồn nhiên mà không kém ý nhị, sâu sắc: “Em cũng không biết nữa – Khi nào ta yêu nhau”.

*Khổ 3: Tình yêu là nỗi nhớ

Sóng như nỗi lòng của người con gái vậy: “Lòng em nhớ đến anh - Cả trong mơ còn thức” => Em “thức” cả trong mơ => Nỗi nhớ không chỉ chiếm lĩnh ý thức mà còn thấm sâu vào tiềm thức.

c. Kết bài

- Tổng kết nội dung nghệ thuật 

- Kết luận giá trị văn bản.

Cảm nhận đoạn thơ "Trước muôn trùng sóng bể...Cả trong mơ còn thức"

Cảm nhận đoạn thơ "Trước muôn trùng sóng bể...Cả trong mơ còn thức"

“Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em

Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”

(Tự hát – Xuân Quỳnh)

Tình yêu là gì mà khiến ngàn trái tim thổn thức khôn nguôi, triệu tấc lòng nồng nàn say đắm, bao kiếp sống khát khao chờ mong? Yêu là say, là đợi là chờ; yêu là cất lòng mình để mong nhớ; yêu là lo, là bồn chồn, thao thức, hay đơn giản chỉ là rung động cõi lòng… Chẳng có định nghĩa nào là trọn vẹn chữ “tình” ấy; chỉ biết tự rất lâu, tình đã rải khắp dòng chảy vô tận, rực tràn vạn nẻo văn chương. Với quan niệm, tình yêu chân thành sẽ vượt qua mọi biên giới, mọi hạn định của thời gian; Xuân Quỳnh – đã sáng tác “Sóng” như khắc sâu tình yêu mãnh liệt, da diết khát vọng hạnh phúc giữa đời thường vào nền thi ca. Nổi bật lên là khổ thơ: “Trước muôn trùng sóng bể…Cả trong mơ còn thức” thể hiện những thắc mắc, băn khoăn, mơ hồ trong tình yêu đôi lứa. 

Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời kì chống Mỹ. Nhà thơ có một tuổi thơ nhiều thiệt thòi: mẹ mất sớm, không được ở gần cha, có thể vì thế mà Xuân Quỳnh luôn khao khát tình yêu thương, khao khát mái ấm gia đình và tình mẫu tử. Xuân Quỳnh là một người phụ nữ có cuộc đời đa đoan, có trái tim đa sầu đa cảm, gắn bó hết mình với cuộc sống hằng ngày và luôn trân trọng, nâng niu, chắt chiu cho thường ngày bình dị. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằn thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường. Nhà thơ cho ra dời các tập thơ: Tơ tằm – Chồi biếc, Hoa dọc chiến hào, Gió Lào cát trắng, Lời ru trên mặt đất, Tự hát, Hoa cỏ may,... Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), in trong tập “Hoa dọc chiến hào” (1968). Qua hìnhtượng sóng, trên cơ sở khám phá sự tương đồng, hòa hợp giữa sóng và em, bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ tha thiết, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian vàsự hữu hạn của đời người. Từ đó ta thấy được tình yêu là một tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người.

Ở hai khổ thơ đầu, tác giả đã truy tìm căn nguyên của sóng nhưng cũng là cuộc truy tìm căn nguyên, nguồn gốc của tình yêu: 

"Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau"

Sau cuộc hành trình rời bỏ sự chật hẹp, tù túng khỏi vòng tay của sông, ước muốn “tìm ra tận bể” của sóng cũng như “em” giờ đây đã trở thành hiện thực. Trước “muôn trùng biển lớn” không gian như trở nên bao la, rợn ngợp hơn, khiến cho con sóng không tránh khỏi sự ngỡ ngàng, bất ngờ trước nỗi mênh mông, vô tận ấy. Trong phút chốc, người phụ nữ chợt thấy bản thân mình bé nhỏ, lọt thỏm giữa muôn trùng xa khơi, khiến cho “em” lập tức chìm dòng miên man suy nghĩ mà “nghĩ về anh, em". Không còn bởi hỏi, quyết liệt như hai khổ thơ đầu, nhân vật trữ tình ở khổ thơ này chỉ còn lại sự lắng đọng và những suy nghiệm về tình yêu, người phụ ấy nghĩ đến “anh” như một lẽ tự nhiên rồi lại nghĩ về bản thân, nghĩ về tình yêu tha thiết, dạt dào của chính bản thân mình. Dấu phẩy cách ngăn giữa hai người như bày tỏ nỗi lòng kín đáo, e ấp của người phụ nữ Á Đông, tuy hiện đại, phóng khoáng nhưng vẫn luôn giữ gìn những nét đẹp văn hóa cổ truyển, đồng thời cũng là ranh giới chính đáng giữa “anh” và “em”. Nghĩ về “anh” bằng một nỗi niềm khó tả, như cách ta ngồi giữa chiều hoàng hôn lặng lẽ nắng vàng trước biển cả rộng lớn, nghĩ về một người thân thương trong trái tim từng mang rất nhiều phiêu bạt, ta như dừng chân ở nơi người ấy, trên gương mặt họ, trong trái tim họ, ta nghĩ về họ bằng tất cả sự dũng cảm và dịu dàng. Trong muôn vàn cung bậc của yêu thương, nghĩ về, nhớ về là một cung bậc đặc biệt, nâng tình yêu của người với người thêm sâu đậm và son sắt. Chỉ khi dành trọn lòng thành để yêu, người ta mới cho mình những giây phút sống chậm lại giữa đời tấp nập mà “nghĩ”, mà đọng trong tim những bóng hình:

"Trong em trời mùa Hạ

Nhớ anh chợt sang thu

Heo may thêm lạnh buốt 

Trăn trở sấu ưu tư"

(Hoàng Mai)

Để rồi khi nhìn gợn sóng tung bọt nơi bể biếc, ngắm đường chân trời xa xăm vô tận ngoài khơi xa, “em” nghĩ về biển lớn, về sự mênh mang, vô cùng, nghĩ về chính bản thân mình trên con đường mà mình chọn. Sóng đã rời khỏi sông, đã can đảm bước đi theo tiếng gọi trái tim mình, đã dám từ bỏ những giới hạn chật hẹp mông lung, ấy thế mà trong những giây phút đứng trước nơi mình hằng mong, sóng không khỏi chênh chao nghĩ ngợi, lặng nhìn một hành trình can đảm mình đã đi. Điệp từ “em nghĩ” là sự thổ lộ tha thiết trong trái tim người phụ nữ đang yêu, bật ra tiếng lòng của bản thân không e dè giấu kín. Trái tim vì lẽ ấy mà trở nên xốn xang, cồn cào một niềm riêng đi về cội nguồn của tình yêu liệu rằng có ai thấu: “Từ nơi nào sóng lên?". PSG.TS Lưu Khánh Thơ từng nhận xét về tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh rằng: “Tình yêu trong thơ chị đẹp và trong sáng. Dù có gian truân, tình cảm luôn trọn vẹn, đến tận cùng hạnh phúc như con sóng nhỏ đến với bờ xa. Vì lẽ đó, thơ chị đầy ắp lo âu, e ngại”. Những “lo âu, e ngại" ấy đã như một dấu nhấn đặc biệt trong thơ chị, bộc lộ vẻ đẹp nữ tính và sâu sắc của một người phụ nữ không ngừng khám phá và trân quý tình yêu.

Chiều liên tưởng của bài thơ đi từ sóng biển đến tình yêu của người phụ nữ, từ cảm xúc ngân rung trong trái tim “em” để rồi lại suy ra “sóng” - một ẩn dụ cho tâm hồn của người con gái đang yêu với biết bao cảm xúc và suy tư. Xuyên suốt bài thơ là cặp hình tượng sóng và em, đan cài quấn quýt, có lúc phân tách, lúc hòa nhập trong cái tôi trữ tình của Xuân Quỳnh. Nữ sĩ đã mượn hình tượng sóng để lí giải về tình yêu: những câu hỏi nổi tiếp nhau mang theo niềm khao khát khám phá sự bí ẩn của quy luật tình yêu nhưng không tìm thấy câu trả lời:

“Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau"

Nếu như ở khổ thơ trước, người phụ nữa trăn trở trong lòng câu hỏi : “từ nơi nào sóng lên?” thì đến những vần thơ tiếp theo, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã để cho “em” tự mình lý giải: “Sóng bắt đầu từ gió”. Từ những làn gió mang theo hơi muối mặn mà của biển khơi, không khí chuyển động đã tạo nên những gợn sóng miên man chưa một ngày thôi vỗ về bờ bãi ngoài kia và lúc này đây còn là ngọn nguồn gỡ đi mới tơ lòng của người phụ nữ. Sự lí giải bằng tấm chân tình thực thà của người phụ nữ đang yêu, không mang theo lý tính hay một chút gượng gạo nào của sắp đặt. Đó là sự lí giải từ trái tim để một lần nữa, cõi lòng ấy lại cuộn xoắn: “Gió bắt đầu từ đâu?" trong bỏi hỏi, nghĩ suy. Trạng thái tâm lí băn khoăn, trăn trở liên hỏi và ngỡ ngàng trước mọi biến chuyển chính là một phần trong những cung bậc cảm xúc của người phụ nữ khi yêu. Đứng trong thế giới của tình yêu, dường như người ta đã trở nên dịu dàng và say sưa hơn, là say trong cơn nắng, cơn mưa hay say trong cơn sóng tình trong lòng, chỉ có người yêu thương sâu đậm mới hiểu thấu. Và nhân vật trữ tình lúc này chính là người yêu thương sâu đậm ấy, từ “nghĩ” ở khổ ba đến “không biết” và “khi nào” ở khổ bốn đã bộc lộ được niềm khắc khoải mông lung trong tâm trạng. Bởi lẽ khi say trong men tình chuếnh choáng cùng với khát khao yêu cháy bỏng đến tận cùng, những trăn trở ấy là điều không thể tránh khỏi, ngược lại, đó còn là minh chứng cho sự tha thiết của “em”. Vì yêu nên mới suy tư, vì suy tư, nghĩ ngợi nên lại càng đắm say hơn nữa trước biển lớn xa xăm vô cùng:

“Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau"

“Em cũng không biết nữa”, “em” không biết gió đến từ đâu, không biết "khi nào ta yêu nhau". "Em nghĩ”, “em cũng không biết", "em" chìm sâu trong thế giới muôn màu của biển cả, của “anh” và của tình yêu. “Em” ru mình trong một dạ khúc réo rắt, diết da, xoay vần trong đó mà không có lối ra để tìm thấy sự lí giải hợp lí nào. Tiếng “em” vang lên thật nhẹ nhàng, bối rối nhưng cũng lẫn chút ngọt ngào đắm say. Giờ đây “em” cứ lạc vào miên man câu hỏi chưa có lời giải đáp... "em" phải làm sao đây? Tình yêu đến với ta lúc nào ta không biết, chiếm lấy tim ta lúc nào ta cũng không hay, một ánh mắt bâng quơ, một nụ cười bất chợt, một câu nói vô tình cũng làm cho trái tim nhạy cảm bất ngờ loạn nhịp. “Em” không biết “Khi nào ta yêu nhau”. Là khoảnh khắc “em” bắt gặp “anh” giữa dòng người rộng lớn. Một câu hỏi nhẹ nhàng đã khái quát được bản chất muôn đời của tình yêu rằng: “Tình yêu chỉ có thể cảm nhận được chứ không thể cắt nghĩa được”. Khổ thơ với những câu hỏi liên hồi mong chờ giải đáp, giọng điệu nhẹ nhàng, ngọt ngào, nhịp điệu dồn dập dần trong từng câu hỏi đã làm tăng thêm sự mong đợi của người phụ nữ khi yêu. 

Khổ thơ cuối thể hiện khát vọng tình yêu thương chân thành qua nỗi nhớ da diết, cháy bỏng khi yêu: 

"Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức"

Điệp từ “sóng” được lặp lại ba lần liên tiếp như điệp khúc của bản tình ca với những giai điệu da diết của tình yêu và nỗi nhớ. Khổ thơ gồm sáu câu như đứng riêng biệt và độc lập trong thi phẩm, minh chứng cho một nỗi nhớ cuộn trào thiết tha, nhịp thơ cũng là nhịp sóng, nhịp đập của một trái tim khao khát yêu thương. Dưới lòng sâu thăm thẳm của biển cả, nhịp nhàng trên mặt nước đong đưa, con sóng tự tại trong không gian to lớn mà chính mình hằng tìm kiếm. Trong thi phẩm “Sóng”, hình tượng sóng chính là ẩn dụ cho người phụ nữ trong tình yêu, sóng sánh tính cách con người với những diễn biến tâm trạng sâu sắc, sinh động hiện lên qua từng vần thơ. Đặc biệt, trong khổ thơ này, nữ sĩ dành riêng trọn bốn câu để nói về nỗi “nhớ bờ” của con sóng nhỏ. Từng ý thơ hiện lên thật mới mẻ và táo bạo. Con sóng nhỏ được soi chiếu ở những vị trí khác nhau: “dưới lòng sâu” khi sóng ẩn giấu bản thân mình tận sâu dưới đáy biển và e ấp một cuộc đời dịu yên; “trên mặt nước” là những con sóng kiêu hãnh, tự tin, luôn xuất hiện ở bể nổi bên trên để khoe những gợn nước lóng lánh ánh sáng. Cho dù ở vị trí nào, dù ẩn giấu hay tự tin khoe mình, con sóng nhỏ đều “nhớ bờ” đến “ngày đêm không ngủ được”. Khi bao mạnh liệt ập ào vào thơ, nữ sĩ lại thốt lên tiếng “ôi" một lần nữa, nhưng lần này thốt lên để nhớ, để cồn cào cháy bỏng cùng con sóng. Đó cũng là tiếng “ôi” luyến lưu mà ta từng bắt gặp trong thơ Xuân Diệu: “Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa.../ Mau đi thôi mùa chưa ngã chiều hôm”. “Con sóng nhớ bở", một nỗi nhớ trải rộng ra không gian, dù “dưới lòng sâu" hay “trên mặt nước”. Giọng thơ nhẹ nhàng như tiếng thủ thỉ, tâm tình của “em”. Trạng từ chỉ thời gian “ngày đêm” cùng từ phủ định “không” trong cụm từ “không ngủ được" đã nói lên tiếng lòng trọn vẹn của sóng: Vì nhớ thương bờ nên mọi sinh hoạt đều biến động, đến giấc ngủ đêm đêm vẫn không êm đềm; sóng khắc khoải thao thức nhớ bờ - một nỗi nhớ thường trực mênh mang. Sự đối lập và đảo lộn trật tự trong cách diễn tả "dưới" và "trên", "lòng sâu” và “mặt nước" cho thấy sự đảo lộn trong lòng con sóng nhỏ khi yêu thương và nhớ nhung bờ. Sóng được nhân hoá như một con người với sinh hoạt thức - ngủ mỗi ngày, vậy mà nỗi nhớ bờ cồn cào da diết đến cháy bỏng đã khiến sóng "không ngủ được" cả những đêm dài, khiến tâm tư tình cảm của con sóng đều gửi trọn nơi bờ bãi xa xôi. Hình tượng sóng được diễn tả đầy sức gợi, đầy cuốn hút, biểu hiện cho một phong cách thơ vừa sáng tạo vừa tinh tế của Xuân Quỳnh.

Yêu là cùng nhau đi qua đêm ngày bằng nỗi nhớ, bằng sự tin tưởng và niềm vui. Tình yêu dâng tràn trong tiếng lòng người phụ nữ, để rồi “ngày đêm không ngủ được”, nhớ cuộn dâng, nhớ da diết, nhớ khắc khoải miên man. Nữ sĩ như say trong tình yêu, dù ngày hay đêm, nỗi nhớ ấy vẫn luôn thường trực mạnh mẽ, chiếm lấy, phủ kín cả thời gian. Đó là biểu hiện của một tiếng yêu thực lòng thực dạ, chân thành đằm thắm của người phụ nữ hiện đại, dám yêu và dám nhớ cổn cào, dám tha thiết vào thơ không chút bận lòng. Nỗi nhớ trong tình yêu có một sức mạnh khôn cùng, cất lên từng vọng âm của riêng nó để xoá nhoà mọi ranh giới của không gian và thời gian “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người" (Nguyễn Bính):

“Bỗng dưng sao lại nhớ ai

Nhớ ai - ai nhớ kéo dài dài đêm

Sương buông giọt lệ bên thềm

Nhớ ai thêm cũng nhữn mềm như sương"

(Phan Huy Hùng)

“Chín nhớ mười mong một người đến “ngày đêm không ngủ được”, đến “cả trong mơ còn thức” thì nỗi nhớ ấy đã minh chứng cho một tình yêu đẹp đẽ của đời người. Nếu như ở bốn câu thơ trên, nhà thơ mượn hình ảnh sóng để bộc bạch nỗi lòng, thì đến hai câu thứ năm và thứ sáu, chị đã mạnh mẽ “tỏ tình” “anh” đầy xúc cảm: “Lòng em nhớ đến anh - Cả trong mơ còn thức”. Không còn là “em nghĩ”, “em không biết", không còn là tiếng lòng ẩn giấu sau hình tượng sóng một cách e dè kín đáo, mà đến đây, nữ sĩ đã mạnh dạn tỏ bày lời thương trong trái tim mình. “Thơ là cái nhuy của cuộc sống, nên nhà thơ phải đi hút cho được cái nhuy ấy và phấn đấu làm sao cho cuộc đời của mình cũng có nhuỵ” (Phạm Văn Đồng). Neo đậu trong cái nhuy tình yêu của cuộc sống là nỗi nhớ thương thường trực của những người thật lòng thương yêu nhau, nhà thơ thấu hiểu tường nhận “cái nhuy” ấy của cuộc sống, “hút” “cái nhuy” tuyệt vời này và thể hiện chân thật từng xúc cảm da diết vào trang thơ. Nỗi nhớ là điều thường trực trong tình yêu lứa đôi trên cuộc đời, nhưng đồng thời nỗi nhớ ấy cũng là điểu thiêng liêng đẹp đẽ gìn giữ tình yêu của mỗi người lớn lên và bền vững. Không có nỗi nhớ thì không có tình yêu; không có nỗi nhớ thì không có cảm giác mong chờ đến cháy bỏng giữa những người đang yêu. Làm sao không xúc động và bùi ngùi khi đứng trước lời tỏ bày “Lòng em nhớ đến anh"? Bởi lẽ không chỉ “em” nhớ “anh”, mà đó là “lòng em" - tình yêu của em, nỗi nhớ của em chất chứa tận sâu trong từng huyết quản của em. Tình yêu của “em” đến giai đoạn này đã cháy lên rực rỡ, gạt bỏ những e ngại, những dè chừng thuở ban đầu. Nếu như con sóng đắm chìm trong nỗi nhớ giữa không gian và thời gian, thì “em” xuất hiện trong nỗi nhớ của tâm hồn. Nỗi nhớ ấy đã phá vỡ quy luật thường tình: “Cả trong mơ còn thức”. Ai có thể thức được trong giấc mơ khi đang ngủ? Điều kì diệu ấy chỉ xảy ra khi nỗi nhớ về người thương quá cồn cào mãnh liệt, người phụ nữ đang yêu tưởng chừng như nỗi nhớ ấy đã xâm chiếm cuộc sống và tâm trí của mình. Ngày đến đêm, dù thức hay ngay cả trong cơn mơ màng, “em” vẫn dành trọn cả tâm hồn này để nhớ về “anh”.
Văn học có khả năng bồi đắp những rung động thẩm mĩ trong tâm hồn con người và “ Sóng” đã làm được điều đó. Qua tiếng lòng của cái tôi trữ tình, Xuân Quỳnh đã cho người đọc thật sự rung động và đáng học hỏi khi thấy vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm, luôn khao khát hạnh phúc giữa cuộc sống bình dị đời thường.

Trong đại dương nghệ thuật mênh mông, có những viên ngọc ngàn đời bất tử, nhưng cũng có những con thuyền nghệ thuật đắm chìm khi chỉ vừa ra khơi. Đoạn thơ và sự tồn tại của “Sóng” là một viên ngọc ngàn đời bất tử như thế. Bởi lẽ, những giá trị của “Sóng” không chỉ dừng lại ở nỗi nhớ và cảm xúc, những phẩm chất thủy chung trong tình yêu lứa đôi, mà còn như một đốm sao trời sáng lấp lánh niềm tin về một tương lai tươi sáng trong những đêm đen của lịch sử dân tộc. Chính điều đó đã khiến bài thơ vượt qua được sự băng hoại về thời gian, cho dù qua bao biến cố thăng trầm vẫn vẹn nguyên và làm bao trái tim thổn thức xúc động.

Hoàng Khánh Nhi
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question