Cảm nhận về Bài Thơ "Tiếng Thu" của Lưu Trọng Lư
Nhắc tới những tác phẩm viết về mùa thu trong kho tàng văn học Việt Nam có lẽ phải kể đến đầu tiên là bài thơ Tiếng thu của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Bài thơ đã giúp tác giả trở thành một trong những nhà thơ đi đầu trong phong trào thơ mới. Để các bạn hiểu hơn về bài thơ, Topbee đã mang tới bài Cảm nhận về Bài Thơ "Tiếng Thu" của Lưu Trọng Lư sau đây.
Dàn ý Cảm nhận về Bài Thơ "Tiếng Thu" của Lưu Trọng Lư
- Mở bài:
Giới thiệu chung về bài thơ
- Thân bài:
+ Bức tranh mùa thu được gợi mở trong câu hỏi thứ nhất: Mùa thu với ánh “trăng mờ” thơ mộng đã về nhưng lại khiến cho chúng ta thấy buồn man mác và mơ hồ
+ Hình ảnh người cô phụ nhớ chồng đang chinh chiến nơi xa khiến cho chúng ta hiểu được sao mùa thu lại man mác buồn, vì mùa thu lãng mạn là vậy nhưng hạnh phúc của người cô phụ đang không được trọn vẹn
+ Khung cảnh mùa thu thật đẹp hiện ra rõ nét nhưng lại không còn lãng mạn vì tiếng lá thu “xào xạc” và hình ảnh chú nai vàng đang đứng một mình ngơ ngác thật cô đơn giống nàng cô phụ và như tâm hồn tác giả vậy
- Kết bài:
Khái quát cảm nhận về bài thơ

Cảm nhận về Bài Thơ "Tiếng Thu" của Lưu Trọng Lư
Trong tất cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, có lẽ mùa thu là mùa lãng mạn và dịu dàng nhất. Chính vì vậy, với tâm hồn bay bổng của mình, có rất nhiều nhà thơ, nhà văn đã lựa chọn mùa thu làm chủ đề sáng tác cho các tác phẩm của mình. Một trong số đó chính là nhà thơ Lưu Trọng Lư với tác phẩm “Tiếng thu”. Tên tuổi của Lưu Trọng Lư đã gắn liền với bài thơ này, đưa ông trở thành một trong những nhà thơ đi đầu trong phong trào thơ mới. Qua khung cảnh mùa thu nên thơ, tác giả đã thể hiện tâm trạng sâu lắng, man mác buồn của nhân vật trữ tình:
“Em không nghe mùa thu
dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
hình ảnh kẻ chinh phu
trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu.
lá thu kêu xào xạc
con nai vàng ngơ ngác
đạp trên lá vàng khô?”

Mở đầu bài thơ, là câu hỏi thứ nhất của nhà thơ Lưu Trọng Lư dành cho tất cả người đọc qua đại từ phiếm chỉ “Em”. Nội dung của câu hỏi đã làm khơi gợi cảm xúc sâu lắng, trữ tình trong lòng chúng ta về mùa thu. Mùa thu đã về đến rồi, với hình ảnh “ánh trăng mờ” đặc trưng, khiến cho tâm hồn chúng ta thổn thức, rạo rực trong sự chuyển đổi của đất trời. Nhưng câu thơ gợi mở ra không gian màu thu này lại không hề mang tới cho chúng ta sự vui vẻ hay nhẹ nhàng mà lại mang tới một cảm xúc man mác buồn và một sự mơ hồ không rõ tên. Để giải đáp cho cảm xúc của người đọc, nhà thơ đã tiếp tục mang tới hình ảnh thứ hai, đó là một người “cô phụ”, đang nhớ về một “kẻ chinh phụ”. Mùa thu trong “Tiếng thu” man mác buồn vì trong không gian mùa thu trữ tình đó lại xuất hiện một người vợ cô độc không có chồng ở bên, bởi chồng của cô là một người chinh phụ đang đi chinh chiến bảo vệ Tổ quốc. Chính điều này làm cho tâm hồn Lưu Trọng Lư “rạo rực” lên một nỗi buồn khó tả, không thể thốt thành lời rõ ràng mà chỉ có thể tâm sự với người đọc qua dòng thơ “Em không nghe…?”. Một khung cảnh mùa thu thật đẹp được mang tới trong những câu thơ cuối không được lãng mạn và vui vẻ như những mùa thu khác, vì người “cô phụ” không có được hạnh phúc trọn vẹn ở cạnh bên người mình ngày đêm nhớ mong. Rừng thu cây thay lá rụng xuống khắp nơi thật đẹp làm sao nhưng lại tĩnh lặng và ảm đạm vì tiếng lá thu kêu “xào xạc”, một âm thanh làm tăng thêm sự cô đơn, trống vắng trong tâm hồn chúng ta và người “cô phụ”. Trong khung cảnh đó, bỗng nhà thơ Lưu Trọng Lư khắc họa một chú “nai vàng” đang ngơ ngác đạp lên đống lá khô. Không gian rộng lớn của rừng thu lại chỉ có một chú nai vàng đang thơ thẩn đạp lên lá vàng chứ không phải là tung tăng vui đùa cùng những con vật khác càng làm khung cảnh mùa thu trở nên mơ mộng nhưng cũng man mác buồn thêm. Vì chú nai một mình giống như là nàng cô phụ, hay cũng có thể đó là hình ảnh nhà thơ tự nhắc đến sự cô đơn, trống vắng của mình vậy.
Bài thơ “Tiếng thu” quả là một kiệt tác văn học viết về mùa thu trong khô tàng văn học Việt Nam. Qua bài thơ, độc giả chúng ta vừa cảm nhận được không khí mùa thu nên thơ, dịu dàng đặc trưng nhưng đồng thời cũng thấy được tâm hồn nhạy cảm, đầy tâm trạng của nhân vật trữ tình qua hình ảnh người cô phụ nhớ chồng. Nhà thơ Lưu Trọng Lư thật tài tình khi có thể khắc họa thành công một mùa thu đầy cảm xúc tới vậy để gửi tới độc giả chúng ta.
-----------------------------------------
Trên đây là bài viết Cảm nhận về Bài Thơ "Tiếng Thu" của Lưu Trọng Lư mà Topbee mang tới cho các bạn. Đây được đánh giá là một kiệt tác viết về mùa thu trong kho tàng văn học Việt Nam, ghi lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả.