image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận về đoạn thơ “Con sóng dưới lòng sâu...Dù muôn vời cách trở”

icon-time11/11/2023

“Sóng là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh”. Tình yêu ấy được thể hiện rõ nhất qua ba khổ thơ 5,6,7. Hãy cùng Topbee tìm hiểu tình yêu mãnh liệt của người con gái qua bài viết cảm nhận về đoạn thơ “Con sóng dưới lòng sâu…Dù muôn vời cách trở


Dàn ý cảm nhận về đoạn thơ “Con sóng dưới lòng sâu...Dù muôn vời cách trở”:

Mở bài: 

- Giới thiệu thác giả, tác phẩm

- Giới thiệu đoạn trích cần phân tích

Thân bài:

- Giới thiệu đôi nét về Xuân Quỳnh: tiểu sử,…

- Giới thiệu tác phẩm: hoàn cảnh ra đời, nội dung chính

Luận điểm 1: nỗi nhớ tha thiết của của tác giả về tình yêu(khổ 5)

- Điệp ngữ “con sóng” nhấn mạnh hình tượng con sóng đang cuộn chảy, trào dâng, cũng như nỗi nhớ thường trực trong lòng thi sĩ

- Không gian “dưới lòng sâu- trên mặt nước”, thời gian “ngày- đêm” tạo nên cấu trúc song hành, đối lập

- Phép ẩn dụ “Ôi con sóng nhớ bờ”, biện pháp nhân hóa “nhớ” khiến cho con sóng mang những cảm xúc của con người

- “Lòng em nhớ đến anh” là câu nói giản dị khẳng định chân thành tình 

- “Cả trong mơ còn thức” quy luật của tình yêu=> nỗi nhớ trong trái tim người con gái đáng yêu không chỉ tồn tại trong ý thức mà còn len lỏi vào cõi vô thức, xâm nhập cả vào giấc mơ

Luận điểm 2: lòng chung thủy trong tình yêu(khổ 6)

- Cách nói ấy đầy nghịch lí xuôi Bắc ngược Nam

- Các cặp từ đối lập “xuôi- ngược”, “Bắc- Nam” đã cho thấy không gian bao la rộng lớn

- Hai động từ “nghĩ”, “hướng” đã nhấn mạnh rằng dù ở bất kỳ nơi đâu em vẫn không thôi trăn trở, nhớ mong

- “Phương anh” tình yêu thủy chung
- Đoạn thơ đã diễn tả về đẹp tâm hồn của người con gái trong tình yêu, đó là tấm lòng thuỷ chung duy nhất

Luận điểm 3:niềm tin mãnh liệt vào tình yêu đôi lứa(khổ 7)

- “Ở ngoài kia đại dương” tượng trưng cho những xa cách của cuộc đời đầy giông bão

- “Muôn vời cách trở” ẩn dụ cho những khó khăn thử thách của dòng đời
- Là một người phụ nữ, hơn nữa còn là một nhà thơ với tâm hồn nhạy cảm, Xuân Quỳnh hiểu rõ hơn ai hết rằng thử thách là điều khó tránh khỏi trong tình yêu.

Nội dung và nghệ thuật:

Ba đoạn thơ trên đã nói lên âm điệu dạt dào của những đợt sóng tình yêu. Nhịp điệu của bài thơ là nhịp điệu của con sóng, nhưng có lẽ dào dạt, náo nức và mãnh liệt nhất là ba đoạn thơ trên. Âm điệu bài thơ được tạo lên nhờ thể thơ năm chữ, nhờ các thủ pháp đối lập, phép điệp từ, điệp ngữ được Xuân Quỳnh sử dụng một cách khéo léo và tài hoa. Sóng và em- cái tôi trữ tình của nhà thơ, hai hình tượng này luôn quấn quýt gắn bó với nhau. Chính những lời thơ giản dị kết hợp với nhịp thơ linh hoạt đã tạo lên một bức tranh về tình yêu tuyệt đẹp.

Kết bài:

Khát quát lại nội dung đoạn trích, nỗi lòng tác giả muốn gửi gắm

Cảm nhận về đoạn thơ “Con sóng dưới lòng sâu...Dù muôn vời cách trở”

Viết bài văn cảm nhận về đoạn thơ “Con sóng dưới lòng sâu...Dù muôn vời cách trở”

Đã có biết bao nhiêu thi nhân lựa chọn hình ảnh sóng làm hình tượng chính trong những tác phẩm của mình. Bởi lẽ đây là hình tượng động, cũng giống như: “Tình yêu muôn thuở/ Có bao giờ đứng yên. Nếu như ông hoàng thơ tình Việt Nam- Xuân Diệu lựa chọn hình ảnh sóng để biểu hiện cho tình yêu của anh dành cho em, một tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, muốn ôm trọn em vào lòng, muốn hôn lấy em…Thì Xuân Quỳnh lại lựa chọn hình tượng này, viết về sóng để gửi gắm tình yêu của trái tim người phụ nữ. Tác giả đã nói lên khát vọng trong tình yêu của mình qua những dòng thơ sau:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

…..…………………

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở”
 

 Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của lớp nhà thơ trẻ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm, luôn da diết trong những khát vọng bình dị đời thường. Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Bài thơ được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” xuất bản năm 1968. Tác phẩm viết về tình yêu, một tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người. Mở đầu đoạn trích trên là những nỗi nhớ tha thiết của của tác giả về tình yêu:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

Nhà thơ đã thể hiện nỗi nhớ trong tình yêu, đó luôn là một cảm xúc mãnh liệt, làm rung động trái tim bao người từ xưa đến nay. Tác giả đã sử dụng điệp ngữ “con sóng” để nhấn mạnh hình tượng con sóng đang cuộn chảy, trào dâng, cũng như nỗi nhớ thường trực trong lòng thi sĩ. Đó là không gian “dưới lòng sâu- trên mặt nước”, thời gian “ngày- đêm” tạo nên cấu trúc song hành, đối lập khiến cho lời thơ trở nên hài hòa. Dù dưới lòng sông biển cả hay trên mặt nước bao la, dù là ngày hay đêm thì sóng vẫn dạt dào vỗ bờ. Cũng vậy trái tim người con gái đang yêu luôn thường trực nỗi nhớ nhung. Nỗi nhớ ấy khiến lòng người chẳng thể nào nguôi được dù ở bất kỳ nơi đâu, bất cứ khoảng thời gian nào thì “em” vẫn luôn nhớ về “anh”, tâm hồn “em” vẫn tràn ngập hình bóng “anh”. Để diễn tả hết nỗi nhớ của người con gái đang yêu, tác giả đã tìm đến hình tượng sóng xuyên suốt bài thơ như một phép ẩn dụ. “Ôi con sóng nhớ bờ”, biện pháp nhân hóa “nhớ” khiến cho con sóng như mang những cảm xúc của con người. Con sóng ấy trở nên có hồn, chất chứa bao suy tư tình cảm của con người. Đó là nỗi nhớ da diết, một nỗi niềm nhớ thương ẩn mình trong hình tượng sóng. Nỗi nhớ ấy, da diết mãnh liệt đến mức nào khiến cho người con gái ấy không ngủ được. Thế nhưng dường như mượn hình tượng sóng vẫn chưa thể nói hết nỗi lòng mình. Nhân vật trữ tình còn phải trực tiếp bộc lộ nỗi lòng thương nhớ của mình

“Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

Người con gái ấy đã mạnh mẽ bộc lộ trực tiếp tình cảm của mình, không hề giấu giếm niềm thương nhớ đang tràn ngập trong lòng. “Lòng em nhớ đến anh” là câu nói giản dị khẳng định chân thành tình yêu của “em” dành cho “anh”. Đó là một tình yêu mãnh liệt, nồng cháy, nỗi nhớ ấy trải dài “cả trong mơ còn thức”. Câu thơ tưởng chừng như rất phi lý với logic thông thường nhưng lại vô cùng hợp lý trong logic tình yêu- điều mà chỉ những người đang yêu mới có thể cảm nhận được. Có lẽ đây là quy luật của tình yêu chăng? Cách diễn đạt độc đáo của Xuân Quỳnh giúp ta nhận ra: nỗi nhớ trong trái tim người con gái đáng yêu không chỉ tồn tại trong ý thức mà còn len lỏi vào cõi vô thức, xâm nhập cả vào giấc mơ.

Nếu như khổ thơ thứ năm thể hiện nỗi nhớ tha thiết của tình yêu thì khổ thơ thứ sáu lại nói lên một khía cạnh khác trong tâm hồn thi sĩ- đó là lòng chung thủy trong tình yêu:

“Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh- một phương”

Đọc hai câu thơ đầu ta cảm nhận cách nói ấy đầy nghịch lí. Thông thường người ta thường nói xuôi Nam ngược Bắc. Nhưng ở đây Xuân Quỳnh lại nói theo chiều ngược lại xuôi Bắc ngược Nam. Cái nghịch lí ấy chỉ là vỏ bên ngoài để chứa đựng cái hợp lý bên trong. Kết hợp với các cặp từ đối lập “xuôi- ngược”, “Bắc- Nam” đã cho thấy không gian bao la rộng lớn. Dẫu xuôi ngược về đâu lòng em vẫn chung thủy, chỉ có một hướng mà thôi. Hai động từ “nghĩ”, “hướng” đã nhấn mạnh rằng dù ở bất kỳ nơi đâu em vẫn không thôi trăn trở, nhớ mong. Trong câu thơ thứ bốn nhà thơ đã tạo ra một phương hướng vô cùng đặc biệt: phương hướng nhớ người yêu. Nếu như Xuân Diệu từng đặt tên một loài hoa là hoa “anh ơi”, Hoàng Cầm lại khai sinh ra “lá riêu bông” ảo rượu, thì Xuân Quỳnh đã sáng tác ra cái “phương anh” của tình yêu thủy chung. Phương hướng đó không có tên trên bất kỳ bản đồ địa lí nào, đó chỉ là bản đồ của riêng em, chỉ những người đang yêu mới có thể cảm nhận được. Đoạn thơ đã diễn tả về đẹp tâm hồn của người con gái trong tình yêu, đó là tấm lòng thuỷ chung, son sắt. Tình yêu của người con gái ở đây vừa tha thiết mãnh liệt, vừa trong sáng giản dị, vừa thuỷ chung duy nhất.
Xuân Quỳnh tiếp tục mượn hình tượng sóng để diễn tả tình yêu trong lòng người con gái trẻ. Tình yêu của người con gái ấy không chỉ đẹp đẽ bởi nỗi nhớ và lòng thuỷ chung mà còn bởi niềm tin mãnh liệt vào tình yêu đôi lứa:

“Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở”

Ngoài kia là hình ảnh biển cả đại dương cũng là tượng trưng cho những xa cách của cuộc đời đầy giông bão. Những con sóng ở ngoài đại dương sẽ tới được bờ dù bão táp phong ba, dù muôn vời cách trở. Đúng vậy, tình yêu sẽ tạo nên sức mạnh giúp con người vượt qua những thử thách của cuộc đời và những người yêu nhau sẽ tìm được đến với nhau dù phải trải qua muôn vàn bão tố. Cũng như tình yêu của đôi ta, phải cùng nhau cố gắng, cùng vun đắp, cùng trải qua bao giông tố cuộc đời mới đến được cái kết đẹp, là trái ngọt của tình yêu. Muôn vời cách trở mà sống phải vượt qua trên hành trình tìm về bờ bãi chính là ẩn dụ cho những khó khăn thử thách của dòng đời. Là một người phụ nữ, hơn nữa còn là một nhà thơ với tâm hồn nhạy cảm, Xuân Quỳnh hiểu rõ hơn ai hết rằng thử thách là điều khó tránh khỏi trong tình yêu. Thử thách còn là phép thử, là minh chứng cho tình yêu vững bền. Chỉ khi vượt qua được những gian nan ấy, con người mới thực sự hiểu được giá trị của tình yêu. Khi đấy sống sẽ tới được bờ cũng như em vậy anh mới đến Đích của tình yêu. Cũng như câu ca dao xưa:

“Yêu nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”

Ba đoạn thơ trên đã nói lên âm điệu dạt dào của những đợt sóng tình yêu. Nhịp điệu của bài thơ là nhịp điệu của con sóng, nhưng có lẽ dào dạt, náo nức và mãnh liệt nhất là ba đoạn thơ trên. Âm điệu bài thơ được tạo lên nhờ thể thơ năm chữ, nhờ các thủ pháp đối lập, phép điệp từ, điệp ngữ được Xuân Quỳnh sử dụng một cách khéo léo và tài hoa. Sóng và em- cái tôi trữ tình của nhà thơ, hai hình tượng này luôn quấn quýt gắn bó với nhau. Chính những lời thơ giản dị kết hợp với nhịp thơ linh hoạt đã tạo lên một bức tranh về tình yêu tuyệt đẹp.

  “Sóng” là một bài thơ tình rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.  Qua đoạn trích trên ta nhận ra được vẻ đẹp tâm hồn luôn khao khát tình yêu, biết sống hết mình cho tình yêu. Dòng thơ là nỗi lòng sâu sắc mà tác giả muốn gửi gắm đến trái tim của bao người đang yêu và được yêu, đặc biệt là thanh niên trẻ. Bài thơ đã để lại những ấn tượng riêng trong lòng người đọc về tình yêu giữa con người với nhau.

Hoàng Dung
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question