image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận về đoạn thơ Mình về mình có nhớ ta…Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay

icon-time28/5/2024

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ Mình về mình có nhớ ta…Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay là một trong những 100 dàn ý được Topbee tổng hợp và biên soạn cho các bạn thi tốt nghiệp THPT 2024. Mời các bạn đón đọc

Đề bài

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau đây:

- Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

- Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân ly

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

(Theo Ngữ văn 12 – Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2008, tr.109)

Từ đó, nhận xét về tính dân tộc được thể hiện trong đoạn thơ.

Hướng dẫn làm bài

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Tố Hữu là nhà thơ lớn của dân tộc, đỉnh cao của thơ ca cách mạng Việt Nam.

Việt Bắc là bản tình ca và cũng là bản hùng ca mà cội nguồn sâu xa của nó là tình cảm quê hương đất nước, là truyền thống ân nghĩa, đạo lý thuỷ chung của dân tộc. Bài thơ đã kết tinh đậm đà tính dân tộc - một trong những đặc điểm nổi bật của phong cách thơ Tố Hữu.

- Dẫn vào vấn đề cần nghị luận: Bài thơ là khúc hát ân tình giữa người người Việt Bắc và cán bộ kháng chiến về xuôi. Khúc hát ấy mở ra bằng cảnh chia tay giữa kẻ ở và người về với âm hưởng ngọt ngào tha thiết qua đoạn thơ:

“Mình về mình có nhớ ta

….

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”.

2. Thân bài

2.1. Khái quát

- Hoàn cảnh sáng tác: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), miền Bắc được giải phóng, Trung ương Đảng và chính phủ rời căn cứ địa cách mạng - chiến khu VB về thủ đô Hà Nội (10/1954) sau 15 năm gắn bó (1940 – 1954). Sự kiện đó là nguồn cảm xúc để Tố Hữu  sáng tác bài thơ.

- Việt Bắc là khu căn cứ địa kháng chiến được thành lập từ năm 1940, gồm sáu tỉnh viết tắt là “Cao - Bắc - Lạng -Hà - Tuyên - Thái ”. Nơi đây, cán bộ chiến sĩ và nhân dân Việt Bắc đã có mười lăm năm gắn bó keo sơn, nghĩa tình (1940 – 1954).

- Tố Hữu diễn tả cảnh chia li đầy nỗi nhớ đó bằng thể thơ lục bát trữ tình, ngọt ngào tha thiết theo lối đối đáp giao duyên kết hợp cách xưng hô mình - ta trong ca dao.

2.2. Cảm nhận đoạn thơ:

a.  4 câu  thơ đầu là lời ướm hỏi chân thành của Việt Bắc với cán bộ kháng chiến trong giây phút ban đầu của cuộc chia tay:

“ -  Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”

- Cách xưng hô ”mình – ta”  mộc mạc, gần gũi, thân thiết như lời bày tỏ tình yêu đôi lứa trong dân gian Mình về ta chẳng cho về /Ta nắm vạt áo, ta đề câu thơ”.

→ Tác giả sử dụng cặp đại từ mình- ta để nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó tha thiết giữa cán bộ kháng chiến với nhân dân Việt Bắc

Câu hỏi tu từ “Mình về mình có nhớ ta”, “ mình về mình có nhớ không” như nỗi băn khoăn trở đi trở lại của người ở lại trong buổi chia tay. Hỏi nhưng đồng thời là nhắc nhớ những kỉ niệm gắn bó, nghĩa tình; hỏi là để dặn dò kín đáo những ân tình xa xưa.

- Thời gian: “mười lăm năm ấy ” (1940-1954) chỉ thời gian hoạt động cách mạng và kháng chiến chống Pháp (1941-1954) nhưng đồng thời cũng là mười lăm năm gắn bó thuỷ chung thiết tha mặn nồng  giữa cán bộ kháng chiến với nhân dân Việt Bắc.

-  Không gian : “ cây-núi”; “sông-nguồn” gợi được không gian đặc trưng của núi rừng Việt Bắc - là vùng căn cứ địa cách mạng.    

→ 4 câu đầu là lời nhắc nhở chân tình, lời dặn dò kín đáo mà rất đỗi chân thành: Việt Bắc là cội nguồn Cách mạng, là trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến, xin người về đừng quên cội quên nguồn và qua đó cũng  gợi nhắc truyền thống đạo lý: ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn

b. 4 câu sau là tâm trạng bâng khuâng, lưu luyến, bịn rịn của người cán bộ kháng chiến :

“- Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân ly

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…” 

- Đại từ phiếm chỉ  “ai” tạo nên một cõi mơ hồ, mông lung trong nỗi nhớ.

- Những từ láy “ tha thiết”, “bâng khuâng, “bồn chồn”  không chỉ tạo nên nhạc điệu thơ vừa ngọt ngào vừa sâu lắng mà còn thể hiện nỗi niềm nhớ thương chi phối cả suy tư (bâng khuâng trong dạ), chi phối cả hành động (bồn chồn bước đi). Ý thơ diễn tả chính xác con sóng lòng đang dấy lên trong tâm hồn nhà thơ lúc phân ly: dùng dằng nửa ở nửa về,  luyến tiếc, bịn rịn, nhớ thương. Mười lăm năm Việt Bắc cưu mang người cán bộ chiến sĩ, mười lăm năm gian khổ có nhau, mười lăm năm đầy những kỉ niệm chiến đấu, giờ phải chia tay rời xa nên tâm trạng của người về bịn rịn, nhớ thương.

- Hình ảnh “Áo chàm đưa buổi phân ly” là hình ảnh hoán dụ để chỉ con người Việt Bắc, những con người nghèo khổ mà thủy chung, mặn nồng.

- Cử chỉ “Cầm tay nhau” một cách ngập ngừng  kết hợp  nhịp 3/3/2 và kết thúc bằng dâu chấm lửng góp sức diễn tả được sự vấn vương, xúc động không thể giãi bày.

2.3.  Nhận xét tính dân tộc trong đoạn thơ

  - Về nội dung: Thơ Tố Hữu đã phản ánh đậm nét hình ảnh, con người Việt Nam, Tô quốc Việt Nam trong thời đại cách mạng, với truyền thống tinh thần, tình cảm, đạo lí của dân tộc. Bài thơ đã làm sống lại vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc, vẻ đẹp của cuộc sống chiến đấu gian khổ nhưng âm áp tình người, vẻ đẹp của lịch sử cách mạng Việt Nam một thời không quên.

- Về nghệ thuật:  Nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc:

+ Thể thơ lục bát đâm đà tính dân tộc.

+ Kết cấu theo lối đối đáp giao duyên,

+ Ngôn ngữ dung dị, sử dụng cặp đại từ nhân xưng “mình - ta” linh hoạt, khéo léo.

+ Hình ảnh thơ gần gũi, quen thuộc, tự nhiên 

+ Nhạc điệu ngọt ngào, lắng sâu, da diết 

2.4. Đánh giá chung:

-   Đoạn thơ viết về một sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại, viết về nghĩa tình cách mạng nhưng với giọng thơ tâm tình ngọt ngào và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc khơi dậy nhiều rung động sâu sắc cho độc giả. 

- Việt Bắc không chỉ là một bản hùng ca tráng lệ, mà còn là một bản tình ca tha thiết, sâu lắng, ngọt ngào.

3. Kết bài

- Đoạn thơ thể hiện được phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu 

- Đoạn thơ chỉ đơn thuần là tình cảm, ân tình sâu sắc giữa người Việt Bắc với người cán bộ kháng chiến về xuôi trong buổi chia tay mà còn là tình cảm, ân nghĩa, thủy chung giữa nhân dân và cách mạng, là đạo lí uống nước nhớ nguồn có tính truyền thống của dân tộc

Trần Thùy Dương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question