image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận về đoạn trích Mày muốn đi chơi à....không biết sáng từ bao giờ

icon-time17/4/2024

Đề bài: Cảm nhận về đoạn trích Mày muốn đi chơi à....không biết sáng từ bao giờ

- Mày muốn đi chơi à?

Mị không nói. A Sử cũng không hỏi thêm nữa. A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trỏi hai tay Mỹ. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xoã xuống, A Sử quân luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Trói xong vợ, A Sử thắt nốt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại.

Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào...". Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.

Chó sủa xa xa. Chừng đã khuya. Lúc này là lúc trai đang đến bên vách làm hiệu, rủ người yêu dỡ vách ra rừng chơi. Mị nín khóc. Mị lại bồi hồi. 

Cả đêm ấy Mị phải trói đứng như thế. Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ. Hơi rượu toả. Tiếng sáo. Tiếng chó sủa xa xa. Mị lúc mê, lúc tỉnh. Cho tới khi trời tang tảng rồi không biết sáng từ bao giờ.

(Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.8) 

Cảm nhận của anh/ chị về đoạn trích trên; từ đó, nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân miền núi trong đoạn trích.


Dàn ý Cảm nhận về đoạn trích Mày muốn đi chơi à....không biết sáng từ bao giờ

1. Mở bài

* Tác giả 
- Trải qua nhiều nghề kiếm sống, giúp ông tích lũy được kinh nghiệm sống, từng trải. Ông là người cần cù, chịu khó, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tác.

- Sức viết dồi dào với gần 200 đầu sách thuộc các thể loại khác nhau.

- Có sức sáng tạo dồi dào.

- Quan niệm văn chương: “Viết văn là quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không tầm thường cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc”.

- Đặc điểm phong cách:

+ Là một cây bút có sự am hiểu về phong tục tập quán của đồng bào miền núi.

+  Lối trần thuật hóm hỉnh, ngôn ngữ phong phú, có lối diễn đạt tài hoa.

- Vị trí: Là cây bút tiêu biểu cho đề tài về Tây Bắc.

* Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ 

- Hoàn cảnh ra đời.

+ Tô Hoài có sự hiểu biết sâu sắc về lối sống, phong tục tập quán và tâm lý của người dân Tây Bắc .

+ Là thành quả của chuyến đi thực tế 8 tháng của Tô Hoài ở cùng Tây Bắc năm 1952 với mục đích vận động nhân dân tham gia kháng chiến. Ở nơi đây, ông được cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với đồng bào Tây Bắc, nghe họ kể về cuộc sinh của mình trước khi cách mạng về => từ đó giúp cho Tô Hoài hiểu hơn về cuộc sống và tâm lý của con người tây Bắc.

+ Tô Hoài đã có sự gắn bó với thiên nhiên và con người Tây Bắc, mảnh đất Tây Bắc đã thành hình thành nét trong tâm trí của ông. Từ đó ông viết “ Vợ chồng A Phủ” dựa trên thiên nhiên và con người Tây Bắc

+ Tác giả nhận định: “ Mảnh đất Tây Bắc đã thành hình, thành nét trong tâm trí tôi”.

+ Sự trả nghĩa đối với mảnh đất ấy.

- Xuất xứ: In trong tập “Truyện Tây Bắc” xuất bản năm 1953 trong đó” Vợ chồng A phủ” được coi là tác phẩm xuất sắc nhất của tập truyện.

2. Thân bài

* Cuộc đời Mị, số phận Mị Trước khi phải về nhà Thống Lý:

- Số phận:

+ Gia đình phải chịu món nợ truyền kiếp: Cho vay nặng lãi, mang ra để cúng trình ma

=> Mị nhận thức được nên chăm chỉ làm lụng trả nợ.

+ Sống trong xã hội phong kiến chúa đất: độc ác, tàn bạo, ràng buộc người lao động bằng hai sợi dây: Đánh đập bóc lột thể xác, tinh thần.

Cảm nhận về đoạn trích Mày muốn đi chơi à....không biết sáng từ bao giờ (ảnh 1)

- Vẻ đẹp:

+ Là một cô gái xinh đẹp có tài thổi sáo (trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị).

+) Là một cô gái hiếu thảo chăm chỉ lao động yêu tự do( con nay….đừng bán con cho nhà giàu). Mị ý thức được rằng thà cần cù lao động còn hơn vào nhà giàu làm dâu.

=> Trước khi về làm dâu ,Mị là cô gái giàu sức sống, toả lên vẻ đẹp của những bông hoa ban rực rỡ giữa mây trời Tây Bắc .Nếu đặt trong hoàn cảnh sống khác, chắc chắn Mị sẽ có một tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên hoàn cảnh sống nghiệt ngã đã dần làm cho Mị bị tha hóa.

* Mị sau khi về làm dâu:

-  Hoàn cảnh: Mị bị bắt về làm dâu cho nhà thống lý Pá Tra trong sự cưỡng ép. Bản thân Mị  không mong muốn, không chấp nhận.

- Số phận: Là con dâu gạt nợ.

+ Không phải do tình yêu.

+ Mị sống ở nhà thống lý pá Tra là để trừ nợ dần, là một thứ nô lệ bị giày xéo cả về thể xác lẫn tinh thần.

* Phân tích đoạn trích:

- A Sử trói mị: dòng tâm trạng của Mị khi bị A Sử trói.

- Hành động trói Mị diễn ra rất chặt chẽ ,bài bản.

=>  Đây không phải lần đầu tiên Mị bị trói, những người đàn bà ở đây cũng thế .

- Diễn ra lạnh lùng, không quan tâm đến cuộc sống của Mị ,trói xong thì đi ra.

=> Sự cường quyền của nhà Thống Lý Pá Tra.

- Sức sống trong tâm hồn của mị: chập chờn giữa hai thế giới quá khứ và hiện tại ,tiếng sáo đưa Mị trở về với những cuộc chơi, với không gian tươi đẹp, êm đềm.

- Tiếng chân ngựa đạp vào vách đưa Mị trở về với hiện thực bởi hiện thực phũ phàng là mình cũng chỉ là một con trâu con ngựa, thậm chí mình còn không bằng con ngựa=> khóc.

- Mị khóc: Khóc khi nhớ về quá khứ khi nhận thức được thực tại , nó là một biểu hiện của sự hối tiếc và xót xa cho cuộc đời cho tuổi trẻ của mình khi bị trói. Mị chập chờn giữa hai thế giới lúc mê lúc tỉnh, dù bị trói về thể xác nhưng Mị hoàn toàn tự do về tâm hồn=> chứng tỏ khi sức sống của con người trỗi dậy thì không có thế lực nào ngăn cản được.

=> Đây cũng chính là sự chuẩn bị cho hoạt động nổi loạn của Mị sau này khi cắt dây trói cứu A Phủ.

- Liên hệ: 

+ Chí Phèo: buổi sáng hôm sau khi chí phèo tỉnh rượu.

+ Vợ nhặt: buổi sáng khi quét sân cho Tràng.

3. Kết bài

* Nội dung:

- Giá trị hiện thực: 

+ Xã hội phong kiến chúa đất ở vùng Tây Bắc (giai cấp thống trị ).

+ Hiện thực về cuộc sống thống khổ của người lao động.

- Giá trị nội dung:

+ Đồng cảm với số phận bất hạnh của con người.

+ Lên án tố cáo giai cấp thống trị với các thủ đoạn tàn nhẫn đã đẩy người dân vào cuộc sống khốn khổ.

+ Trân trọng và khám phá sức sống tiềm tàng trong con người.

+ Đồng tình với khát vọng và con đường tự giải phóng của người lao động.

* Nghệ thuật:

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Xây dựng nhân vật thông qua diễn biến tâm lý.

- Lựa chọn và xây dựng chi tiết đặc sắc: Thổi sáo, Mị cắt dây trói, tiếng chân ngựa đạp vào vách.
Giọng điệu: Đồng cảm trân trọng.


Cảm nhận về đoạn trích Mày muốn đi chơi à....không biết sáng từ bao giờ

Tô Hoài sinh ra tại vùng đất Hà Thành, nơi những tâm hồn thi sĩ lãng mạn được bồi đắp. Trần Đăng Khoa từng nhận xét về Tô Hoài rằng: “Tô Hoài như một pho sách sống ông như một cuốn bách khoa toàn thư mà không viện sĩ nào, không học giả nào có thể sánh được”. Tác giả là người cần cù, chăm chỉ với sức viết dồi dào. Ông đã viết gần 200 đầu sách thể loại khác nhau và là một người kỹ tính, ông rất trăn trở trong việc lựa chọn con chữ. Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” là kết quả của chuyến đi thực tế dài 8 tháng của Tô Hoài cùng bộ đội lên giải phóng Tây Bắc năm 1952. Trong chuyến đi này, Tô Hoài cùng ăn, cùng ở với đồng bào, được nghe đồng bảo kể chuyện về cuộc sống của họ trước khi có bộ đội lên giải phóng. Từ đó để “ mảnh đất và con người miền Tây để thương, để nhớ cho tôi nhiều lắm”. In trong tập truyện cùng tên năm 1953, Vợ chồng A Phủ đã tạo nên được tiếng vang lớn trong mọi thời đại. 

Nhân vật trong tác phẩm văn học có thể là con người hoặc không phải con người, nhưng thể hiện thế giới của con người và thông qua đó thể hiện cái nhìn của nhà văn đối với cuộc sống. Trong “ Vợ chồng A Phủ”, nhân vật Mị trở thành trung tâm mang biểu tượng cho số phận , cuộc sống và nhận thức về con đường đi theo cách mạng của đồng bào vùng cao Tây Bắc. Mị là một cô gái xinh đẹp tài hoa, có tài thổi sáo, thổi lá. Vì thế mà trai làng đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị. Nhưng vì món nợ truyền kiếp của cha, Mị bị bắt đi làm con dâu gạt nợ cho nhà thống Lý Pá Tra. Cô bị mất quyền của con người, chai lì cảm xúc, trở nên chai lì, lầm lũi, ít nói. Ta thấy một cô gái nhỏ nhắn nhưng phải chịu rất nhiều đau đớn và bất công của cuộc đời, bị giày vò méo mó cả thể xác lẫn tinh lần. Nhưng từ đó ta cũng thấy được một cô gái nhỏ nhắn mạnh mẽ, dám vùng dậy thay đổi vì cuộc đời của mình.

Mở đầu đoạn trích bằng hình ảnh của bóng tối, bước chân A Sử vang nhẹ trên nền nhà đất cằn cỗi. Ánh đèn le lói vội vã, chỉ đủ để làm sáng bừng bóng dáng của hai con người: A Sử và Mị. Mị, một người con gái đang ở giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời, nhưng bị cuộc sống đẩy vào vòng xoáy của nghịch cảnh và bất công. "Mày muốn đi chơi à?" - A Sử lặng lẽ hỏi, nhưng Mị không đáp lại. Sự im lặng của cô chỉ khiến cho không khí trở nên cứng nhắc, nhưng A Sử cũng không quan tâm đến điều đó. Anh ta tiến lại gần, bắt lấy tay Mị rồi nhanh chóng lấy dây thừng để trói cô vào cột nhà, không cho phép cô có bất kỳ sự di chuyển nào. Tóc dài của Mị xõa xuống nhưng A Sử không tha cho cô, hắn ta quấn chặt tóc của Mị lên cột làm cho Mị không thể cúi xuống hay nghiêng đầu. Sau khi trói xong, A Sử bước ra khỏi buồng, mặc kệ sống chết của Mị.Hành động trói Mị diễn ra rất chặt chẽ ,bài bản chứng tỏ đây không phải lần đầu tiên mị bị trói, những người đàn bà ở đây cũng thế mà chẳng thua kém gì. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Mị bị trói, nhưng sự lạnh lùng và không quan tâm của A Sử đến cuộc sống của cô khiến cho tình thế trở nên càng đau đớn hơn. Điều này là minh chứng rõ ràng cho sự cường quyền của nhà Thống Lý Pá Tra đối với những người dân nghèo khổ trong xã hội phong kiến. Trong căn phòng tối om, Mị đứng im lặng, không biết phải làm gì vì đã bị trói chặt. 

Tuy bị trói buộc về thể xác, nhưng trong tâm hồn, Mị vẫn giữ được sự tự do và sức mạnh. Cô chập chờn giữa hai thế giới: quá khứ và hiện tại. Tiếng sáo đưa Mị trở về với những kỷ niệm về cuộc sống tự do và hạnh phúc của mình, trong khi tiếng chân ngựa đạp vào vách khiến cô nhận ra sự thực đau đớn và khắc nghiệt của hiện tại. Hơi rượu còn tỏa ra từ cơ thể, nhưng trong đầu cô vẫn vang lên những giai điệu sáo nhẹ nhàng, những kỷ niệm về những cuộc chơi, những giây phút hạnh phúc nhưng sự thật khắc nghiệt lại phá vỡ đi những ảo mộng đó. Tiếng chân ngựa đạp vào vách nhà như một lời nhắc nhở, một tiếng động kéo nàng về thực tại cho Mị thấy sự thật phũ phàng: cô không phải là gì cả, chỉ là một phần nhỏ bé trong thế giới đầy đau khổ này, thậm chí còn không bằng con trâu, con ngựa. Tiếng chó sủa từ xa, tiếng đàn của trai trong rừng làm cho Mị nín khóc trong tuyệt vọng. Mỗi tiếng đập của trái tim cô như là một hồi chuông đau đớn, nhắc nhở cô về cuộc sống đầy khổ đau mà cô phải chịu đựng. Cả đêm qua, Mị phải chịu đựng sự trói buộc, sự đau đớn từ những sợi dây cứng và lạnh lẽo, nhưng cũng phải lòng với những kỷ niệm về quá khứ, về những tháng ngày hạnh phúc khi được làm chính mình, được sống như một con người.

Cảm nhận về đoạn trích Mày muốn đi chơi à....không biết sáng từ bao giờ (ảnh 2)

Rồi Mị khóc, khóc vì Mị vẫn còn là con người, khóc khi nhớ về quá khứ, khi nhận thức được thực tại. Nó là một biểu hiện của sự hối tiếc và xót xa cho cuộc đời, cho tuổi trẻ của mình. Những giọt nước mắt của Mị không chỉ là biểu hiện của sự hối tiếc và xót xa về cuộc đời và tuổi trẻ của mình, mà còn là dấu hiệu cho thấy sức mạnh và ý chí của con người khi đối mặt với những khó khăn. Mặc dù bị trói buộc về thể xác, nhưng Mị vẫn hoàn toàn tự do trong tâm hồn, chứng tỏ rằng khi sức sống của con người được thức tỉnh, không có thế lực nào có thể ngăn cản được. Từ những sự dãy dụa nhỏ nhoi này, có thể nói đây chính là những tiền đề để chuẩn bị cho hoạt động nổi loạn của Mị sau này khi cắt dây trói cứu A phủ, cắt đi thứ dây trói giải cứu cho chính mình. Cuộc đời của Mị trong "Vợ Chồng A Phủ" là một bi kịch đầy gian truân, nhưng cũng là một câu chuyện về sức mạnh và ý chí phi thường của con người trước những thử thách của cuộc sống. Mị, một người phụ nữ bị trói buộc về thể xác, nhưng không bao giờ chịu khuất phục tinh thần. Đó là biểu hiện của một tâm hồn mạnh mẽ, đầy hy vọng và quyết tâm.

Ta có thể đã từng thấy điểm tương đồng sự bừng tỉnh của "Vợ chồng A Phủ" thông qua tác phẩm "Chí Phèo". Trong cảnh buổi sáng sau khi Chí tỉnh rượu, trải qua cơn say, hắn cảm thấy mệt mỏi và đau đớn về cuộc đời mình, khi men rượu đi mất cũng là lúc Chí trở về thực tại đau đớn. Đây là thời điểm mà hắn đối diện với sự thực tế khắc nghiệt và nhận ra sự khổ đau của mình, bi kịch mà giai cấp cầm quyền bắt hắn phải hứng chịu. Cũng giống như trong "Vợ chồng A Phủ", Mị tỉnh ngộ khỏi trạng thái mơ màng của sự trói buộc. Đây là khoảnh khắc Mị nhận thức rõ hơn về sự hiện hữu của mình, cảm nhận rõ bi kịch và thực tại nhưng cũng là thời điểm Mị tìm thấy sức mạnh và quyết tâm trong tâm hồn để đấu tranh cho tự do của mình trong tương lai. Một khi Mị nhận ra bi kịch của mình, khi biết đau, biết buồn, biết khóc tức là Mị đã tỉnh ngộ khỏi sự mê muội trong sự điều khiển của nhà Thống Lý Pá Tra, Mị đã trở lại làm người.

Trong "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài, nội dung của tác phẩm không chỉ phản ánh hiện thực đau thương về xã hội phong kiến chúa đất ở vùng Tây Bắc, mà còn là một lời kêu gọi đồng cảm và tố cáo về sự tàn nhẫn của giai cấp thống trị. Tác giả không ngần ngại khám phá sức sống tiềm tàng trong con người, thông qua việc xây dựng nhân vật Mị qua các diễn biến tâm lý sâu sắc. Những chi tiết đặc sắc như việc Mị thổi sáo, cắt dây trói hay tiếng chân ngựa đạp vào vách đều được tác giả lựa chọn và xây dựng một cách tỉ mỉ, từ đó tạo nên một bức tranh đầy tính nghệ thuật và sâu sắc về cuộc sống. Giọng điệu của tác phẩm chứa đựng sự đồng cảm và trân trọng, góp phần làm nổi bật những giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Tác phẩm không chỉ là một câu chuyện về cuộc sống khốn khổ và hy vọng tự giải phóng của người lao động, mà còn là một lời kêu gọi đến những ý thức về công bằng và nhân quyền trong xã hội. Đồng thời, thông qua việc xây dựng nhân vật và các chi tiết tinh tế, Tô Hoài đã tạo nên một tác phẩm văn học đầy cảm xúc và ý nghĩa, góp phần làm sâu sắc thêm hiểu biết về cuộc sống và con người miền núi Việt Nam. Với sự kết hợp tinh tế giữa một cốt truyện sâu sắc và nghệ thuật văn học, "Vợ chồng A Phủ" không chỉ đơn thuần là một tác phẩm văn học mà còn là một biểu tượng sáng trong việc lên án sự bất công và mong muốn hòa bình cho con người. Tô Hoài đã khắc sâu vào tâm trí của độc giả những suy tư về ý nghĩa của cuộc sống và giá trị của tự do.

“Bản chất của văn chương Tô Hoài là phong cách, bút pháp đậm đà bản sắc dân tộc. Phẩm chất ấy là sự tích tụ của cả một đời gắn bó với đất nước và nhiều miền quê hương, trân trọng và yêu thương những con người lao động mang tâm hồn và tính cách của người Việt Nam” - Hà Minh Đức.

Hoàng Thảo
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question