image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận về hình ảnh người bà trong đoạn trích Chuyện của Điệp

icon-time2/6/2023

Hướng dẫn Cảm nhận về hình ảnh người bà trong đoạn trích Chuyện của Điệp. Đây là một trong những truyện ngắn xuất sắc, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Điệp sống với ngoại ngay từ lúc lọt lòng. Mười tuổi, cha Điệp đi không thấy quay về. Bên nội Điệp cũng nhiều khi bắn tin qua chuyện của cha, Điệp làm lơ không thèm biết. Điệp mười hai tuổi, má Điệp cũng bỏ đi làm ăn, nghe nói là buôn chuyến trên tàu đò Khánh Hội, rồi má lấy chồng. Điệp đi học. Lớp một, thầy Nam dạy ở trường, về nhà ngoại gò tay cho Điệp viết chữ a, b. Có bữa, Điệp nghe mồ hôi từ ngực ngoại ướt đẫm lưng mình. Vậy là Điệp nghe thương ngoại. Bà ngoại không dạy Điệp học chữ nhưng dạy nhiều thứ khác ở đời, biết Điệp thích ăn tép, bao nhiêu tép bạc, tép đất đặt đó ở dưới sông đều dành cho Điệp. Ngoại bồi dưỡng dữ lắm nhưng Điệp không lớn nổi. Da thịt cứ nóng hôi hổi làm sao mà lớn. Có lần ngoại hỏi:

- Nhớ má hôn con...

Điệp hồn nhiên:

- Hỏng nhớ ngoại à, má thương chồng má hơn thương ngoại, thương con.

(............)

Điệp thấy ngoại rớt nước mắt. Từ đó về sau Điệp luôn nói nhớ má, nhớ má quá. Má lâu lâu mới về một lần. Có khi về có bầu, có khi về ẳm em bé. Điệp đi đoàn, ít gặp má. Thôi không nhắc má nữa. Điệp thờ ơ, coi như đó là một cách hành hạ má. Nghĩ cũng lạ, ở đời tưởng đâu người ta chửi mắng, xâu xé nhau là mất tình. Lợt lạt nhau cũng có tình gì đâu.

Điệp mê hát, đi hát. Ngoại không cản. Ngoại dạy: "Con muốn diễn hay thì phải sống nhân ngãi trước đã. Mình sống có tình đóng vai nào cũng dễ, con à". Ngoại già nên ngoại nói câu này thấm thía quá.

(Trích Chuyện của Điệp - Nguyễn Ngọc Tư)


Cảm nhận về hình ảnh người bà trong đoạn trích Chuyện của Điệp - Mẫu 1.

Cảm nhận về hình ảnh người bà trong đoạn trích Chuyện của Điệp

    Những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư luôn dạt dào, ấm nóng tình đời, thể hiện khả năng phân tích tâm lý nhân vật bậc thầy của ngòi bút chắc tay. Trong số những truyện ngắn thành công của bà thì Chuyện của Điệp là một tác phẩm tiêu biểu. Truyện ngắn vẫn sử dụng lối viết đặc trưng của nhà văn khi sử dụng tình tiết đời thường, xây dựng tuyến nhân vật đời thường, không có quá nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn; song lại gửi gắm được rất nhiều bài học thấm thía về cuộc sống. Đặc biệt là xây dựng thành công các tuyến nhân vật người phụ nữ tiêu biểu là hình ảnh người bà. Xuất hiện trong một đoạn trích nhỏ nhưng hình ảnh người bà ngoại của Điệp đã để lại những cảm xúc ngọt ngào trong lòng người đọc. Đó là người phụ nữ tảo tần, yêu con, thương cháu hết mực. Nuôi con nay phải nuôi cả cháu ngoại bà của Điệp vừa làm mẹ, vừa làm bà, vừa làm thầy, dạy dỗ cháu tập viết từ những con chữ a, b, c. Mỗi lần nhìn bà dạy mình học, những giọt mồ hôi thấm đẫm ngực, Điệp càng thấy thương ngoại nhiều hơn. Không chỉ có vậy bà ngoại còn chăm chút, yêu chiều cháu gái cưng bằng sự quan tâm rất đời thường. Vùng quê nghèo chẳng có nhiều cao lương mỹ vị nhưng ngoại luôn chịu khó đi sông, đi suối bắt từng con tép bạc để dành cho cháu ăn. Ngoại chăm Điệp kỹ lắm vì ngoại thương con bé thiếu thốn tình yêu thương của gia đình. Ấy thế mà Điệp vẫn gầy, ngoại càng xót hơn. Không chỉ có vậy bà ngoại còn dạy Điệp nhiều điều hay, lẽ phải trong cuộc sống. Từng lời dạy dỗ của ngoại như thấm thía vào gan ruột của cô cháu gái bé nhỏ, lời nào cũng đầy chứa chan ân tình "Con muốn diễn hay thì phải sống nhân ngãi trước đã. Mình sống có tình đóng vai nào cũng dễ, con à" Qua đó chúng ta cảm nhận được tình yêu thương con cháu, sự tận tâm của người bà, đại diện cho vẻ đẹp của những người phụ nữ Việt Nam.


Cảm nhận về hình ảnh người bà trong đoạn trích Chuyện của Điệp - Mẫu 2.

Cảm nhận về hình ảnh người bà trong đoạn trích Chuyện của Điệp

     Ngoài xây dựng thành công hình tượng nhân vật Điệp, bà ngoại - nhân vật phụ trong tác phẩm “Chuyện của Điệp” cũng để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc. Trước tiên chúng ta cảm nhận được đây là một người phụ nữ chịu thương, chịu khó, cả đời hy sinh vì con, vì cháu. Mẹ đi lấy chồng khác, bố cũng bỏ nhà ra đi, một tay bà ngoại đã chăm bẵm, dạy dỗ và nuôi nấng Điệp lên người. Tuổi cũng đã nhiều nhưng ngoại không quản mệt nhọc, dạy dỗ Điệp từ những điều nhỏ nhất. Ngoại bắt tay Điệp nắn nót viết từng con chữ a, b, c. Những lần như vậy mồ hôi lại ướt đầm trên ngực ngoại. Đó là những giọt mồ hôi mặn mòi của đất, của trời, là sự lam lũ, vất vả của ngoại. Điệp lại càng thấy thương ngoại nhiều hơn. Dù có trách con đã bỏ cháu đi lấy chồng xa, chẳng đoái hoài đến con lấy một lần nhưng trong sâu thẳm ngoại vẫn rất thương con gái của mình. Đã nhiều lần ngoại hỏi Điệp về chuyện của mẹ, mỗi lần như vậy Điệp thấy những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt ngoại. Đó là những giọt nước mắt đau khổ, cảm thông và yêu thương con của ngoại. Nuôi Điệp ngoại vừa là bà, vừa là mẹ, lại vừa là người thầy. Mọi thứ tốt đẹp nhất ngoại đều dành cho con cho cháu cả. Biết Điệp thích ăn tép bạc, mỗi lần ra đồng ngoại đều bắt hết cho Điệp. Ngoại thương Điệp vì thiếu thốn tình cảm của bố mẹ nên chăm chút cẩn thận. Không những thế ngoại còn ủng hộ ước mơ trở thành diễn viên của Điệp, dạy dỗ Điệp từ những điều giản dị nhất trong cuộc sống “Con muốn diễn hay thì phải sống nhân ngãi trước đã. Mình sống có tình đóng vai nào cũng dễ, con à" Với ngôi kể thứ ba đoạn trích đã khắc hoạ thành công hình ảnh người phụ nữ tần tảo, chịu thương, chịu khó, luôn dành mọi sự yêu thương cho con cháu. Hình ảnh người bà trong đoạn trích đã để lại trong lòng người đọc những tình cảm thật tốt đẹp.

---------------------------------- 

Trên đây Topbee đã hướng dẫn Cảm nhận về hình ảnh người bà trong đoạn trích Chuyện của Điệp. Mong rằng qua bài viết các em sẽ khám phá được vẻ đẹp của nhân vật người bà trên trang văn của Nguyễn Ngọc Tư.

Phạm Liên
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question