image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn trích "Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau"... "Đến bao giờ chết thì thôi"

icon-time18/1/2024

Đề bài: Cảm nhận của anh/ chị về nhân vật Mị trong đoạn trích “Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau... Đến bao giờ chết thì thôi”. Từ đó, nhận xét chiều sâu hiện thực và nhân đạo của ngòi bút Tô Hoài.

Topbee xin gửi đến các bạn tham khảo nhân vật Mị qua đoạn trích “Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau... Đến bao giờ chết thì thôi” để thấy rõ hơn chiều sâu hiện thực và giá trị nhân đạo của Tô Hoài. Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhiều hơn trong quá trình học và ôn luyện nhé.


Dàn ý Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn trích "Lần lần, mấy năm qua" Đến “bao giờ chết thì thôi”

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Nêu vấn đề cần nghị luận

- Nêu vấn đề phụ

II. Thân bài

1. Giới thiệu khái quát về tác giả: sự nghiệp văn học, phong cách sáng tác,…

2. Nêu hoàn cảnh tác phẩm ra đời

3. Phân tích đoạn trích

* Trước khi về làm dâu gạt nợ:

- Là một cô gái xinh đẹp 

- Mị trẻ trung, yêu đời, giàu lòng tự trọng và khao khát tự do 

- Là một cô gái tài hoa với tài thổi sáo rất giỏi 

=> Dưới chế độ thực dân phong kiến miền núi, phải gánh chịu món nợ từ đời cha mẹ, những phẩm chất tốt đẹp của Mị lại mang đến cho cô nỗi bất hạnh của kiếp sống tủi nhục.

* Những tháng ngày ở nhà thống lí:

- Mị dường như bị tê liệt không còn tinh thần phản kháng: “Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen rồi”

Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn trích Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau... Đến bao giờ chết thì thôi (ảnh 1)

- Mị bị mất hết ý niệm về thời gian, không gian nàng sống như con trâu, con ngựa trong nhà thống lý.

- Mị trở thành công cụ lao động vắt kiệt sức mình làm việc không kể thời gian, không gian: “Trong đầu Mị lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mắt, mỗi năm, mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại”.

- Có lúc còn khổ hơn cả trâu ngựa.

- Cái buồng Mị nằm “kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”=> ngục thất giam cầm, là chốn địa ngục nơi trần gian khiến Mị mất hết tri giác về cuộc sống.

* Đánh giá nội dung, nghệ thuật đoạn trích

- Tái hiện lại bức tranh cuộc sống đầy khốn khổ của người dân miền núi Tây Bắc trước sự đầy đọa chà đạp của chế độ phong kiến miền núi.

- Khắc họa nhân vật Mị với sự thay đổi tâm lý đầy tinh tế đặc sắc.

- Sử dụng ngôn ngữ mộc mạc giàu chất thơ, miêu tả thiên nhiên cách sinh hoạt và phong tục của người dân miền núi.

4. Nhận xét chiều sâu hiện thực và nhân đạo

- Tố cáo bọn địa chủ và thần quyền hủ tục miền núi, bọn chúng đã chà đạp những người dân Tây Bắc vào tình cảnh khốn cùng không còn cảm nhận được sự sống, mất dần ý niệm về cuộc đời.

- Sự tàn bạo ấy thể hiện ở việc Mị bị bắt cướp về nhà thống lý cúng trình ma mà không được sự ưng thuận, cho đến việc cuộc đời của Mị và những người phụ nữ trong ngôi nhà ấy quanh năm suốt tháng chỉ biết làm lụng, bị bóc lột đến tận cùng như trâu ngựa, thậm chí còn không bằng.

- Tô Hoài thể hiện tấm lòng đồng cảm, xót thương với những kiếp người dân khốn khổ.

- Ngòi bút Tô Hoài thấm nhuần tinh thần nhân đạo thể hiện trong niềm tin sự trân trọng đối với con người, những người bị đày đọa với khát khao tìm đến ánh sáng của cuộc đời. 

III. Kết bài

- Khái quát giá trị đoạn trích


Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn trích "Lần lần, mấy năm qua" Đến “bao giờ chết thì thôi”

      “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đầy đọa đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực”- Nguyễn Minh Châu. Tác phẩm “vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài là tiếng nói thương cảm với số phận con người, vì vậy tác phẩm đã chạm đến tim nhiều độc giả. Hình tượng nhân vật Mị làm nổi bật lên cả trang văn, qua đó thể hiện giá trị chiều sâu hiện thực và nhân đạo của nhà văn Tô Hoài. Điều đó được tác giả thể hiện cụ thể qua đoạn trích:

“Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau... Đến bao giờ chết thì thôi”

      Tô Hoài là nhà văn lớn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Sau hơn 60 năm lao động nghệ thuật Tô Hoài đã có hơn 200 đầu sách được xuất bản với số lượng kỷ lục. Các sáng tác của ông thiên về diễn tả những sự thật đời thường. Ông có một vốn hiểu biết phong phú và sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng miền trên đất nước. Văn Tô Hoài hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, bởi vốn từ giàu có được sử dụng một cách đắc địa và tài ba. “Vợ chồng A Phủ” được in trong tập truyện Tây Bắc là thành quả của chuyến đi tám tháng theo chân bộ đội lên giải phóng vùng đất Tây Bắc. Tại đây nhà văn có dịp tiếp xúc với những phong tục và tập quán của người dân vùng đất này, từ đó nhân vật Mị hiện lên hết sức chân thực, mang đến thành công cho tác phẩm. Trước khi bị bắt về làm con dâu gạt nợ, Mị từng là một cô gái xinh đẹp như bông hoa rực rỡ của núi rừng Tây Bắc. Mị trẻ trung, yêu đời, giàu lòng tự trọng và khao khát tự do. Hơn thế nữa Mị còn là một cô gái tài hoa với tài thổi sáo rất giỏi. Nàng xứng đáng có được một cuộc sống hạnh phúc thế nhưng dưới chế độ thực dân phong kiến miền núi, sinh ra trong một gia đình nghèo khổ phải gánh chịu món nợ từ đời cha mẹ, những phẩm chất tốt đẹp của Mị lại mang đến cho cô nỗi bất hạnh của kiếp sống tủi nhục trong nhà thống lý.

      Mị dường như bị tê liệt không còn tinh thần phản kháng. Nếu như trước đây nàng còn có thể tìm đến lá ngón để chấm dứt cuộc đời mình thì giờ đây sau nhiều năm bị đày đọa đến cái chết Mị cũng chẳng thèm nghĩ đến nữa: “Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen rồi”. Tác giả nói điều đó để minh chứng cho tình trạng bị đầy đọa đến mức phải câm nín, mụ mị. Mị bị mất hết ý niệm về thời gian, không gian nàng sống như con trâu, con ngựa trong nhà thống lý. Mị trở thành công cụ lao động vắt kiệt sức mình làm việc không kể thời gian, không gian: “Trong đầu Mị lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mắt, mỗi năm, mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại”. Điều đáng chú ý hơn nhà văn đã nhiều lần so sánh Mị hoặc để Mị tự so sánh mình với con vật. Thậm chí có lúc còn khổ hơn cả trâu ngựa: “con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn đứng gãy chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày”. Những so sánh ấy đã tô đậm thêm nỗi đau khổ, cùng cực của Mị.

      Mị âm thầm như “một cái bóng mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa trong xó cửa”. Chịu nhiều tầng áp bức của cường quyền và hủ tục phong kiến lạc hậu tâm hồn Mị dần bị tê liệt. Căn buồng của Mị ở nhà thống lý chỉ là một thứ ngục thất giam cầm, là chốn địa ngục nơi trần gian khiến Mị mất hết tri giác về cuộc sống. Ở cái buồng Mị nằm “kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”. Hình ảnh căn buồng ấy chính là ẩn dụ cho cuộc đời tăm tối của Mị, một cuộc đời bị giam hãm bế tắc không lối thoát.

Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn trích Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau... Đến bao giờ chết thì thôi (ảnh 2)

      Qua những chi tiết chân thực về cuộc đời Mị, Tô Hoài đã tái hiện lại bức tranh cuộc sống đầy khốn khổ của người dân miền núi Tây Bắc trước sự đầy đọa chà đạp của chế độ phong kiến miền núi. Tô Hoài đã khéo léo khắc họa nhân vật Mị với sự thay đổi tâm lý đầy tinh tế đặc sắc. Cùng việc sử dụng ngôn ngữ mộc mạc giàu chất thơ, miêu tả thiên nhiên cách sinh hoạt và phong tục của người dân miền núi. Nhân vật Mị đã hiện lên thật chân thực xót xa thể hiện tấm lòng đồng cảm thương xót của nhà văn đối với nhân vật.

      Thông qua việc miêu tả cuộc sống làm dâu gạt nợ của Mị trong nhà thống lý Pá Tra, Tô Hoài đã gián tiếp tố cáo bọn địa chủ và thần quyền hủ tục miền núi, bọn chúng đã chà đạp những người dân Tây Bắc vào tình cảnh khốn cùng không lối thoát. Sự tàn bạo ấy thể hiện ở việc Mị bị bắt cướp về nhà thống lý cúng trình ma mà không được sự ưng thuận, cho đến việc cuộc đời của Mị và những người phụ nữ trong ngôi nhà ấy quanh năm suốt tháng chỉ biết làm lụng, bị bóc lột đến tận cùng như trâu ngựa, thậm chí còn không bằng. Người dân Tây Bắc đã phải chịu áp bức chà đạp một cách tàn nhẫn cả về thể xác và tinh thần đến mức tê liệt không còn cảm nhận được sự sống, mất dần ý niệm về cuộc đời. Bên cạnh đó Tô Hoài thể hiện tấm lòng đồng cảm, xót thương với những kiếp người dân khốn khổ. Ngòi bút Tô Hoài thấm nhuần tinh thần nhân đạo thể hiện trong niềm tin sự trân trọng đối với con người, những người bị đày đọa với khát khao tìm đến ánh sáng của cuộc đời. 

      Qua việc khắc họa cuộc sống và số phận của Mị Tô Hoài mở ra bức tranh hiện thực đầy tăm tối của những người dân miền núi dưới chế độ phong kiến. Qua đó thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc đồng cảm với số phận con người.

Hoàng Thảo
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question