image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận về nhân vật người vợ nhặt trong đoạn: Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong

icon-time23/5/2024

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật người vợ nhặt trong đoạn trích sau:

…Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói:

- Điêu! Người thế mà điêu!

Hắn giương mắt nhìn thị, không hiểu. Thật ra lúc ấy hắn cũng chưa nhận ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.

- Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt.

À, hắn nhớ ra rồi, hắn toét miệng cười:

- Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu đã.

- Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu.

Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.

- Đấy, muốn ăn gì thì ăn.

Hắn vỗ vỗ vào túi:

- Rích bố cu, hở!

Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả:

- Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn sợ gì.

Thế là thị ngồi sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở:

- Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.

Hắn cười:

- Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.

Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật…”

 (Trích Vợ nhặt- Kim Lân, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục, 2007, tr.26-27)

Từ đó, anh/chị nhận xét về giá trị hiện thực của tác phẩm.

DÀN Ý

1. Mở bài

-  Kim Lân là một trong những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về nông thôn và những con người dân quê, lam lũ hồn hậu, chất phác mà giàu tình yêu thương. 

- Vợ nhặt là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông. Tác phẩm đã khắc hoạ tình cảnh thê thảm của nhân dân ta trong nạn đói năm 1945 đồng thời khẳng định, ca ngợi tình yêu thương, đùm bọc, khát khao hạnh phúc, hướng đến tương lai của những người dân lao động. Trong đó nhân người vợ nhặt được nhà văn khắc hoạ rất sinh động, tinh tế.

- Dẫn vào vấn đề cần nghị luận: Người vợ nhặt -  nạn nhân cái đói, luôn tìm cách vượt qua cái đói hướng đến sự sống  và giá trị hiện thực của tác phẩm ( Trích lược đoạn văn nêu ở đề bài)

2. Thân bài:

2.1 Khái quát chung: 

- Nạn đói khủng khiếp 1945 gây ra hơn hai triệu người chết đói, người chết như rơm như rạ, xác chết đầy đường, người dân phải bồng bế, dắt díu nhau chạy đói… Trong hoàn cảnh ấy, thân phận con người rẻ rúng như cọm rơm cọng rác, có thể dễ dàng nhặt được ngoài đường xó chợ…

- Người vợ nhặt là nạn nhân bi thảm của hoàn cảnh xã hội, là một trong những con người đói khát đang hướng đến sự sống.

2.2 Cảm nhận về người vợ nhặt - nạn nhân cái đói, luôn tìm cách vượt qua cái đói hướng đến sự sống:

 - Dáng vẻ bên ngoài của thị:

+ Lần đầu gặp Tràng, thị còn mang vẻ trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch đầy sức sống.

+ Lần thứ hai gặp Tràng ở chợ, thị đã mang chân dung của một con con ma đói, một người đang cận kề cái chết: “áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”.

→ Sự biến đổi vẻ ngoài của thị là hậu quả tai hại của cái đói, chân dung thảm hại thể hiện con người đang ở bên bờ vực chết đói.

- Thị là người phụ nữ đanh đá, chao chát, chỏng lỏn

+ Thị, bằng mọi cách đòi cho được một bữa ăn ở Tràng mà quên đi sự ý tứ cần có của một người phụ nữ: hành động “sầm sập”, “cong cớn” khi đến tìm Tràng; vẻ mặt “sưng sỉa” cùng lời nói đanh đá đề cập trực tiếp không ngại ngần về miếng ăn “Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu”, “Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn sợ gì”.

+ Thái độ sung sướng, hân hoan khi được Tràng chấp nhận mời một bữa ăn: “Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả”.

+ Cách ăn thô tục, mất hết nữ tính, ý tứ của thị là cách ăn của một người đang ở trong tận cùng của cái đói, chỉ nghĩ đến ăn làm sao cho nhiều, cho no: “Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quẹt ngang miệng, thở: Hà, ngon!”.

→ đó là một hình ảnh đáng thương hơn là đáng giận.

- Thị gạt bỏ cả lòng tự trọng, danh dự của người con gái để chấp nhận làm “vợ nhặt”:

+ Chỉ có bốn bát bánh đúc, chỉ vì một lời khoe hão: “Rích bố cu, hở!”, thị nhất quyết bám vào một lời nói đùa của Tràng, trở thành vợ một anh chàng mới gặp tầm phơ tầm phào ở giữa đường.

+ Người phụ nữ đã gạt bỏ phẩm giá vốn có để bám vào Tràng với hi vọng tìm được miếng ăn, hi vọng được tiếp tục sống.

+ Hành động biến mình thành “vợ nhặt” là đỉnh cao nhất của bi kịch con người phải gạt bỏ lòng tự trọng, danh dự chỉ vì miếng ăn.

2.3. Nhận xét về giá trị hiện thực của tác phẩm      

- Tác giả đã tái hiện chân thực, ám ảnh bức tranh hiện thực ảm đạm, thê lương trong những ngày đói. Cảnh chết chóc, đói khát diễn ra như một cơn ác mộng kinh hoàng khiến con người liều lĩnh, đánh mất cả nhân phẩm. Giá trị của con người giữa khung cảnh tối sầm lại vì đói khát bỗng như rơm, như rác, có thể nhặt một cách dễ dàng giữa đường, giữa chợ.

- Kim Lân đã miêu tả tác động ghê gớm của cá đói. Theo chiều rộng, cái đói bao trùm cả không gian và thời gian, bốc lên mùi tử khí đầy ám ảnh, vang lên thành âm thanh báo hiệu cái chết. Theo chiều sâu, cái đói khiến con người biến dạng về nhân hình, biến chất về nhân cách, và nó cũng tạo nên một cảnh “đám cưới” đầy thảm hại.

2.4 Đánh giá chung:

- Xây dựng tình huống độc đáo; khắc họa nhân vật sinh động qua cách miêu tả đặc sắc về vẻ ngoài, hành động; ngôn ngữ đối thoại của nhân vật hấp dẫn, ấn tượng thể hiện rõ trạng thái, tâm lí con người…

-  Qua nhân vật người vợ nhặt, Kim Lân đã thể hiện thân phận rẻ rúng, tội nghiệp con người trong bối cảnh đau thương của đất nước. Từ đó, nhà văn ngầm tố cáo tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật đã gây ra nạn đói khủng khiếp, đẩy người dân Việt Nam đến bao nỗi đau khổ. Ấn tượng về người vợ nhặt trong lần gặp thứ hai với Tràng ở ngoài chợ này là phông nền để nhà văn khẳng định những phẩm chất, vẻ đẹp cao đẹp bất diệt của con người khi thể hiện nhân vật từ lúc theo Tràng về nhà. 

3. Kết luận:

Nhân vật người vợ nhặt đã góp phần hiện thực hóa ý tưởng của Kim Lân khi viết truyện: 

+ Trong sự túng đói quay quắt, con người không nghĩ tới cái chết mà chỉ nghĩ tới cái sống. 

+ Thái độ trân trọng, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người lao động ngay cả khi họ bị đẩy vào cảnh ngộ thê thảm; 

+ Thông điệp: thẳm sâu trong mỗi con người có bao điều đẹp đẽ mà nếu chỉ thoáng nhìn ta không thấy được; vì vậy muốn đánh giá con người phải tìm hiểu để thấy những điều còn tiềm ẩn trong họ.

Trần Thùy Dương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question