image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận về nhân vật "tôi" trong đoạn trích Trong đêm đông

icon-time11/4/2024

Đoạn trích “Trong đêm đông” trích trong tác phẩm “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng đã thành công khắc hoạ nhân vật “tôi”- đứa trẻ thiếu thốn tình yêu thương từ gia đình và một khát khao mãnh liệt về hạnh phúc. Dưới đây là bài văn Cảm nhận về nhân vật "tôi" trong đoạn trích Trong đêm đông do Topbee biên soạn sẽ là tài liệu hữu ích cho bạn


Dàn ý Cảm nhận về nhân vật "tôi" trong đoạn trích Trong đêm đông

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát tác giả Nguyên Hồng 

- Giới thiệu đoạn trích “Trong đêm đông”

- Cảm nhận nhân vật “tôi” trong đoạn trích.

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh sáng tác

- Tập hồi ký “Những ngày thơ ấu” viết về tuổi thơ bất hạnh của chính nhà văn.

- Đoạn trích “Trong đêm đông” là một trong những đoạn trích tiêu biểu của tác phẩm.

- Đoạn trích thể hiện nỗi khát khao mãnh liệt về hạnh phúc. 

Cảm nhận về nhân vật "tôi" trong đoạn trích Trong đêm đông (ảnh 1)

b. Luận điểm 1: Nhân vật “tôi” không nhận được sự yêu thương của gia đình 

- Luôn phải chịu sự mắng nhiếc tồi tệ và ghẻ lạnh của người thân.

- Chịu sự ấm ức nhưng không biết nói với ai.

- Muốn thoát khỏi những giày vò, đau khổ ở hiện tại.

c. Luận điểm 2: Giấc mơ biểu trưng cho niềm tin về hạnh phúc 

- Giấc mơ về cô bé thể hiện sự ấm áp và thân thiết 

- Những xúc cảm trong sáng và gần gũi

- Luôn khao khát, tìm kiếm hạnh phúc 

- Cô bé đó như tia sáng trong cuộc đời cậu bé.

d. Đánh giá nghệ thuật

- Những dòng hồi ức đầy chân thật, sinh động.

- Đoạn trích thể hiện nỗi khát khao mãnh liệt về hạnh phúc.

3. Kết bài

- Khẳng định lại nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.

- Cảm nhận của bản thân 


Cảm nhận về nhân vật "tôi" trong đoạn trích Trong đêm đông

Khi nhận định về văn chương, Lê Ngọc Trà cho rằng: “Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giải bày và gửi gắm tâm tư”. Bởi lẽ bao đời nay, văn chương luôn gắn liền với cuộc sống của con người, lấy con người làm tâm điểm. Có lẽ vì vậy mà mọi cung bậc cảm xúc, những tâm tư, tình cảm của con người đều được soi chiếu qua lăng kính văn học. Và Nguyên Hồng đã gửi gắm những tâm tư cùng với tình cảm và nỗi niềm khát khao được yêu thương được thể hiện qua nhân vật “tôi” trong đoạn trích “Trong đêm đông” trích trong tác phẩm “Những ngày thơ ấu”. 

Trải qua một tuổi thơ bất hạnh, cay đắng, thiếu thốn tình thương từ gia đình. Có lẽ vì thế mà các tác phẩm của Nguyên Hồng đều viết về các tầng lớp thấp kém, người nghèo, phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt ông có sự đồng cảm sâu sắc với số phận của những người bất hạnh. Chất liệu chính trong các tác phẩm của ông thường là tư liệu về cuộc đời của chính mình. Ông chính là nhà văn của niềm tin và ánh sáng, luôn khám phá những nét đẹp con người trong những cái khổ đau, bất hạnh. “Những ngày thơ ấu” là tập hồi ký viết về tuổi thơ bất hạnh của chính nhà văn. Đoạn trích “Trong đêm đông” là một trong những đoạn trích tiêu biểu trong tác phẩm. Bằng tài năng của mình, Nguyên Hồng đã thành công thể hiện được khát khao về tình yêu thương mãnh liệt qua những dòng hồi ức đầy sinh động và chân thật.

Cảm nhận về nhân vật "tôi" trong đoạn trích Trong đêm đông (ảnh 2)

Mở đầu đoạn trích, hình ảnh nhân vật “tôi” hiện lên trong mắng nhiếc và ghẻ lạnh, là một đứa trẻ bất hạnh không nhận được tình yêu thương từ gia đình. Không giống như những đứa trẻ đồng trang lứa được bao bọc trong sự yêu thương, chăm sóc thì nhân vật “tôi” lại phải chịu sự lạnh nhạt và mắng nhiếc tồi tệ từ chính những người thân, có những lúc “tôi uất ức thầm thì khóc tới một hai giờ”. Đứa trẻ ấy phải chịu đựng sự hắt hủi, ghẻ lạnh từ người thân và điều đó dường như đã khiến cho nhân vật “tôi” chỉ muốn thoát khỏi những giày vò, khổ đau của hiện tại. Chính “những sự đau tủi giày vò” đã khiến “tôi” muốn quên đi những điều ở thực tại, để rồi “tâm hồn tôi lại trở nên thư thái đi vào một cảnh mộng rất tươi sáng”.  Con người thường mơ về những điều mà mình mong ước, những điều tốt đẹp mà ở hiện tại vốn không thể thực hiện được. Và rồi đứa trẻ ấy chìm vào giấc ngủ để mơ về một mong ước nhỏ nhoi, đó là được yêu thương. Mong ước ấy tưởng chừng là đơn giản nhưng đối với nhân vật ấy có lẽ đó chính là điều mà suốt cuộc đời này cậu theo đuổi. Bằng giọng kể chân thật và sinh động như khiến ta hoá thân thành nhân vật và đồng cảm sâu sắc cùng nhân vật ấy. Khát vọng được yêu thương hiện hữu ngay cả trong giấc mơ của đứa trẻ đáng thương. Phải chăng khi quá mệt mỏi với thực tại, con người ta thường tìm đến những giấc mơ để mong muốn xoa dịu phần nào những đau khổ ở hiện tại? Và nhân vật “tôi” trong đoạn trích cũng không ngoại lệ. Một tâm hồn luôn khát khao về tình yêu thương mãnh liệt nhưng có lẽ sẽ không bao giờ thành hiện thực. 

Bằng ngòi bút của mình, Nguyên Hồng đã vẽ nên một bức tranh hạnh phúc dường như chỉ tồn tại trong những phút giây ngắn ngủi của giấc mơ. Và có lẽ bức tranh về sự hạnh phúc ấy cũng là điều mà suốt cuộc đời nhà văn luôn tìm kiếm. Giấc mơ tuy ngắn ngủi nhưng có lẽ là khoảng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời của đứa trẻ. Khung cảnh dưới ánh trăng hiện lên, bóng người mảnh dẻ của một người con gái xuất hiện. Người con gái ấy đưa đôi tay đón “tôi”, dường như đó là lần đầu tiên, nhân vật “tôi” cảm nhận được sự quan tâm, âu yếm. Những mộng cảnh đã khiến cho đứa trẻ ấy thoát khỏi những đau khổ đang giày vò mình ở thực tại. Cô bé với dáng người mảnh khảnh ấy chính là tia sáng duy nhất trong cuộc đời tăm tối của cậu bé. Cô bé ấy đã mang đến sự ấm áp mà lần đầu tiên “tôi” cảm nhận được. Tuy chỉ là một người xa lạ nhưng cô gái ấy lại mang đến cho nhân vật “tôi” một cảm giác được quan tâm, yêu thương và được bầu bạn. Phải chăng vì không nhận được sự yêu thương từ những người thân nên đưa trẻ ấy luôn khát khao nhận được sự yêu thương từ một ai đó. Giấc mơ ấy chính là điều mà cậu luôn tìm kiếm và khát khao. Nhưng những điều đẹp đẽ thường chỉ xuất hiện trong chốc lát rồi cũng tan biến, nhân vật “tôi” cũng sẽ phải quay trở về với thực tại, với những đau khổ mà mình đang phải chịu đựng. Hạnh phúc dù cho có ngắn ngủi nhưng cũng đã phần nào xoa dịu được trái tim lạnh lẽo đang phải chịu những tổn thương. Qua lời văn của Nguyên Hồng, ta cũng cảm nhận được phần nào sự hạnh phúc xen lẫn sự ngại ngùng, run sợ của nhân vật. Tất cả những cảm xúc ấy đã thành công chạm đến trái tim độc giả. 

Bằng lời kể chân thật, Nguyên Hồng đã thể hiện được nỗi khát khao của nhân vật “tôi” qua những dòng hồi ức về tuổi thơ bất hạnh. Tuy bị ghẻ lạnh, hắt hủi nhưng dường như nhân vật “tôi” vẫn giữ được vẻ đẹp trong sáng của bản thân, vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng và ngây thơ của một đứa trẻ. Đoạn trích đã bày tỏ được sự đồng cảm sâu sắc và thương xót đối với những số phận bất hạnh. Và có lẽ, chỉ khi trải qua những xúc cảm ấy trong quá khứ, ông mới có thể viết nên những áng văn sâu sắc, làm lay động lòng người. 

Những trang văn khép lại nhưng những cảm xúc đọng lại trong lòng người đọc vẫn còn mãi. Đoạn trích “Trong đêm đông” trích trong tác phẩm “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng đã thành công khắc hoạ nhân vật “tôi”- đứa trẻ thiếu thốn tình yêu thương từ gia đình và một khát khao mãnh liệt về hạnh phúc. Qua đó, nhà văn còn cho ta thấy dù cho có sống trong sự bất hạnh hay hắt hủi thì con người vẫn luôn tin vào một tương lai tươi sáng, một niềm tin luôn hướng về những điều tốt đẹp. 

Hoàng Thảo
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question