image hoi dap
image hoi dap

Cảm xúc của nhân vật trữ tình trong đoạn : Tôi ngồi tôi ngóng ngày xưa….Nghe thương nhớ rịn cay cay mắt mình

icon-time30/3/2024

Tình mẫu tử vốn luôn là thứ tình cảm thiên liêng và đáng trân trọng. Có mẹ trên đời là điều đáng quý nhất, được ở cùng mẹ là món quà tuyệt vời nhất. Hôm nay, hãy cùng Topbee tìm hiểu bài viết Cảm xúc của nhân vật trữ tình trong đoạn “ Tôi ngồi ngóng những ngày xưa... Nghe thương nhớ rịn cay cay mắt mình” để càng biết trân quý hơn những điều giản đơn mà mẹ đã làm cho chúng ta nhé!


Dàn ý phân tích Cảm xúc của nhân vật trữ tình trong đoạn : Tôi ngồi tôi ngóng ngày xưa….Nghe thương nhớ rịn cay cay mắt mình

a. Mở bài : 

+ Giới thiệu tác giả, tác phẩm

+ Dẫn dắt vấn đề nghị luận

b. Thân bài: Phân tích mạch cảm xúc của tác giả trong tác phẩm

+ Bốn câu thơ đầu: Kỉ niệm về hình ảnh người mẹ sau mỗi buổi chợ, luôn mang về những thức quà cho đàn con thơ, những thức quà chan chứa đầy tình thương, tình mẫu tử thiêng liêng khiến tác giả nhớ mãi.

+ Bốn câu thơ tiếp: Sự hoài niệm về những đêm hè ngủ trong vòng tay của mẹ, bên chiếc quạt mo, những con đom đóm lập lòe và lời ru đầy mộc mạc, khó quên của mẹ.

+ Bốn câu thơ tiếp: Cảm xúc, sự đổ vỡ trong sâu thẳm trái tim tác giả khi người mẹ kính yêu đã chằng còn tại thế. Nỗi mất mát đau thương, cô đơn khôn siết, chẳng thể nào diễn tả hết bằng lời.

+ Hai câu thơ cuối: Sự kìm nén nỗi đau, nỗi nhớ về mẹ trong đêm dài của tác giả

+ Đánh giá chung về nghệ thuật và nội dung

c. Kết bài: Nêu cảm xúc của em về bài thơ trên.


Cảm xúc của nhân vật trữ tình trong đoạn : Tôi ngồi tôi ngóng ngày xưa….Nghe thương nhớ rịn cay cay mắt mình


“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời...”

Ôi những câu hát ru đầy da diết của mẹ những ngày ấu thơ, có ai lớn lên mà chưa nghe những lời ru ấy – những lời ru chất chứa đầy tình yêu thương dành cho đứa con thơ đang nằm say giấc trong lòng mẹ. Và không chỉ có lời ru, câu hát, đọc thi phẩm “Ca dao nhớ mẹ’ của thi sĩ Đặng Toán, người đọc còn được tái hiện thêm nhiều kỉ niệm về mẹ, những điều đơn sơ, giản dị nhưng lại tràn ngập yêu thương. Bài thơ còn là nỗi lòng, nỗi nhớ nhung khôn siết của Đặng Toán dành cho mẹ mình:

“Tôi ngồi tôi ngóng ngày xưa
Xa xa dáng mẹ chợ trưa đường làng
Bánh đa bánh đúc rộn ràng
Tiếng cười con trẻ ngô rang bếp lò
Tôi ngồi tôi nhớ quạt mo
Bàn tay mẹ dỗ giấc mơ đêm hè
Có con đom đóm lập lòe
Thắp miền thơ ấu đến giờ còn vui...
Tôi ngồi tôi khóc mồ côi
Mới tươi nắng sớm đã bời bời mưa
Cái cò run rẩy bờ khuya
Rồi ra ai đón ai đưa những ngày...
Tôi ngồi tôi nhấp đêm dài
Nghe thương nhớ rịn cay cay mắt mình...”

Đến với bài thơ, ta thấy được thi sĩ sử dụng phép điệp cấu trúc “ Tôi ngồi tôi...” để liệt kê từng kỉ niệm khác nhau, nỗi nhớ về mẹ của mình. Đầu tiên, thi sĩ dùng động từ “ngóng” để kể về những ngày đợi mẹ đi chợ về. Khi ta trưởng thành, chẳng món ăn nào ngon bằng cái bánh, viên kẹo nho nhỏ mà mẹ mua cho khi đi chợ về, tuy bé nhỏ những đó là tuổi thơ, là vị ngọt, là tình thương của mẹ. Sơn hào hải vị chẳng thể nào bằng “bánh đa bánh đúc”, bằng “ngô rang” của mẹ. Để có những thức quà ấy, mẹ đã phải quên đi những món mẹ thích, bỏ qua niềm vui riêng của mẹ để đổi lấy nụ cười của các con, bởi với mẹ, chẳng gì tuyệt vời hơn nụ cười, niềm hạnh phúc của những đứa con thơ đang trông ngóng ở nhà. Những thức quà mẹ mang về không đơn giản là cái bánh hay viên kẹo mà là tình yêu thương, sự dỗ dành vô bờ bến, là biểu hiện của tình mẫu tử thiêng liêng, là thứ tình cảm mà đi khắp thế gian này chẳng có gì có thể thay thế được.

Cảm xúc của nhân vật trữ tình trong đoạn : Tôi ngồi tôi ngóng ngày xưa….Nghe thương nhớ rịn cay cay mắt mình

Mẹ không những lo cho ta đầy đủ về miếng ăn, mà trong từng giấc ngủ, mẹ cũng chăm chút kĩ lưỡng cho đàn con. Tác giả sử dụng động từ “nhớ” để mở ra một miền kí ức tươi đẹp. Ông tả về những giấc ngủ bên mẹ, không lầu son gác tía, không đèn điện, nhà lầu mà là “quạt mo”, “đom đóm”, nhưng lại tràn ngập niềm vui “Thắp miền thơ ấu đến giờ còn vui”, đó là bởi có bàn tay mẹ. Lời thơ và hình ảnh, ngôn từ mộc mạc biết bao nhưng lại vẽ nên một bức tranh tình mẫu tử đầy sáng chói, đẹp đẽ. Cơn gió ru con ngủ đôi khi chẳng phải từ chiếc quạt mo cũ kĩ mà là cơn gió của lòng mẹ, con gió ấy ấm vào mùa đông, mát lạnh mà mùa hè. Cùng những lời ru da diết mẹ hát hằng đêm, những câu ru êm ả con nghe đến thuộc nhưng chẳng bao giờ chán bởi nó như dòng nước mát nuôi sống tâm hồn thơ trẻ của con. Tác giả sử dụng hình ảnh “đom đóm lập lòe” như muốn nói rằng mặc dù cuộc sống chẳng đủ đầy như hiện tại nhưng mọi kí ức về mẹ đều là niềm vui, ông vẫn luôn luôn ấp ủ và trân trọng. Qua bốn câu thơ ấy, ta thấy được cảm xúc nhớ nhung, sự trân quý những điều mộc mạc, giản dị, ôm ấp những kỉ niệm thơ ấu về mẹ của nhà thơ.

Đến với bốn câu thơ tiếp, người đọc không khỏi xúc động và vỡ òa khi biết rằng người mẹ thân yêu của tác giả đã chẳng còn tại thế “ Tôi ngồi tôi khóc mồ côi”. Động từ “khóc” nghe thật não nề, như có gì đó đang sụp đổ trong lòng người thi sĩ. Nhưng yêu thương từ mẹ, hình bóng giản dị thân thương của mẹ giờ đây chỉ còn lại trong kí ức. Mới đây thôi mà mẹ đã chẳng còn nữa, các cặp từ “ nắng – mưa” , “tươi – bời bời” như muốn thể hiện những chuyển biến, những đổi thay, mất mát quá nhiều trong lòng, trong cuộc sống của tác giả. Sau những mất mát to lớn ấy, đọng lại là hình ảnh thật xót xa : “Cái cò run rẩy bờ khuya/ Rồi ra ai đón ai đưa những ngày...”, hình ảnh gợi lên sự cô đơn đầy nao lòng, chênh vênh. Chỉ vỏn vẹn bốn câu thơ, mà độc giả dường như cảm nhận rất rõ và đầy đủ sự mất mát, đau lòng đến cùng cực của tác giả. Ta thấy được sự chênh vênh, thiếu thốn về mặt tình cảm của ông, cuộc sống chẳng còn mẹ trên đời đầy tăm tối, mù mịt như những ngày “ bời bời mưa”. Qua đây, ta thấy rằng cho dù cuộc sống có đủ đầy đến đâu mà không có mẹ thì cũng chẳng thể nào trọn vẹn, niềm vui chẳng thể nào viên mãn.

Đặng Toán đã kết thúc bài thơ bằng hai câu thơ đầy xúc cảm : “ Tôi ngồi tôi nhớ đêm dài/ Nghe thương nhớ rịn cay cay mắt mình” . Sau các động từ “ ngóng – nhớ - khóc”, Đặng Toán sử dụng động từ “nhấp” kết hợp với hình ảnh “đêm dài” đầy mới lạ, gợi lên hình ảnh người con cõm cõi thức trắng đêm nhớ về mẹ. Nhưng không có mẹ, màn đêm đối với con thật dài, nó cứ trôi đi từ từ từng canh, từng canh đầy não nề. Tác giả cùng màn đêm nhớ về mẹ, cảm xúc cứ trực trào dâng qua khóe mắt : “ cay cay mắt mình”. Tiếng khóc ở câu thơ thứ chín là sự vỡ òa trong đau khổ, còn ở đây, ta cũng bắt gặp hình ảnh giọt nước mắt nhưng nó lại bị kìm nén trong lòng đầy đau đớn, xót xa, so với những dòng cảm xúc được thể hiện ra ngoài thì nó còn day dứt hàng vạn lần. Sở dĩ tác giả kìm nén những đau thương, mất mát ấy phải chăng là vì ông đang dặn lòng mình phải mạnh mẽ, bởi giờ đây đã chẳng có mẹ trên đời, chẳng có nơi nào ấm êm hơn là ở bên mẹ, chỗ dựa tinh thần của con đã mất, con phải càng vững vàng để bước tiếp chặng đường gian nan phía trước.... Hai câu thơ cuối khép lại bài thơ, để lại bao bồi hồi trong lòng người đọc, xót xa thay cho những nỗi lòng của tác giả.

Bằng thể thơ lục bát, phép điệp cấu trúc, những từ ngữ, hình ảnh có chọn lọc, vô cùng giản dị và gần gũi, lời thơ da diết, cảm xúc sâu lắng đã đưa người đọc đi vào miền kí ức của tác giả về mẹ, đồng thời, đi sâu vào niềm thương, nỗi nhớ của ông về người mẹ quá cố của mình. Từ đó, nhắc nhớ cho độc giả biết yêu thương, trân trọng mẹ mình, biết quý những điều giản dị, nhỏ nhặt mẹ dành cho mình mà thường ngày ta không để tâm đến, phải biết hiếu thuận bằng cả trái tim.

Thi sĩ Đặng Toán đã có những dòng cảm xúc thật sự sâu sắc về mẹ, ông gửi gắm nó đầy chân thật vào bài thơ: “Ca dao nhớ mẹ”, từ đó tạo nên giá trị và thành công to lớn cho bài thơ. Cũng qua tác phẩm này, ta thấy rằng cho dù xã hội có vận động và phát triển như thế nào, vạn vật có đổi thay đến đâu thì tình mẫu tử vẫn luôn là thứ tình cảm thiêng liêng mà chẳng gì có thể sánh được, hình ảnh và kí ức về mẹ trong lòng mỗi người vẫn luôn trường tồn vĩnh cửu trong lòng mỗi người con. 

Ngọc Ánh
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question