Cảm xúc về nội dung và nghệ thuật bài thơ Nắng hồng của Bảo Ngọc
Thơ là một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm. Đứng trước hiện thực về một vấn đề trong cuộc sống, người nghệ sĩ bắt tay vào làm thơ, hòa quyện tâm hồn để thơ được bay cao và bay xa. Sau đây, mời các bạn cùng Topbee theo dõi bài viết Cảm xúc về nội dung và nghệ thuật bài thơ Nắng hồng của Bảo Ngọc
Cảm xúc về nội dung và nghệ thuật bài thơ Nắng hồng của Bảo Ngọc – Mẫu 01
“Nắng hồng” – bài thơ được trích từ tập thơ “Gõ cửa nhà trời” của tác giả Bảo Ngọc. Bài thơ miêu tả về cảnh sắc thiên nhiên khi giao mùa và hình ảnh người mẹ mang đến hơi ấm xua tan sự lạnh lẽo trong tiết trời băng giá. Qua lời thơ của thi sĩ “Mặt trời trốn đi đâu / Câu khoác tấm áo nâu / Áo trời thì xám ngắt”, mặt trời đã chuyển biến từ vẻ ngoài vốn dĩ đỏ ngầu nay khoác lên mình màu “xám ngắt” gợi lên một mùa đông tê tái. Thời tiết này dường như làm ngưng đọng mọi hoạt động thường ngày. Chim se sẻ “giấu” đi tiếng hát hay “ngất ngưởng” của mình mà núp sâu trong mái nhà trú ẩn; những chú ong chăm chỉ cũng không còn đến vườn hoa nữa… Khung cảnh mịt mù trong làn sương mờ mờ ảo ảo cùng những hạt mưa phùn lất phất. Nhà thơ Bảo Ngọc đặc biệt khắc họa thời tiết mùa đông lạnh giá qua cụm hình ảnh “Bếp nhà ai nhóm lửa / Khói lên trời đung đưa”. Cảnh vật lẫn con người đều muốn được sưởi ấm. Và khi mẹ đến “Mang theo giọt nắng hồng / Trong nụ cười của mẹ / Cả mùa xuân sáng bừng” đã khắc họa chân dung người mẹ lan tỏa sự ấm áp. Nụ cười của mẹ đã làm bừng sáng cả một khoảng trời. Có mẹ, cuộc sống dù có lạnh lẽo đến đâu cũng được bừng tỉnh trong sức sống. Những dòng thơ gần gũi, giản dị, cô đọng, súc tích kết hợp với biện pháp nghệ thuật nhân hóa, so sánh, ẩn dụ… đã làm nổi bật tình mẫu tử thiêng liêng đầy ý nghĩa. “Nắng hồng” – đúng như tên gọi của nó, quả thực, tình yêu thương của mẹ hệt như những tia nắng hồng ấm áp sưởi ấm trái tim người bạn nhỏ trong bài thơ.
Cảm xúc về nội dung và nghệ thuật bài thơ Nắng hồng của Bảo Ngọc – Mẫu 02
Đề tài về tình mẫu tử vốn là chủ đề quen thuộc trong thi ca mà người nghệ sĩ thường xuyên lựa chọn sáng tác. Mỗi một bài thơ đều để lại những dấu ấn riêng về nội dung, hình thức và chính cả sự sáng tạo trong phong cách văn chương của tác giả. Đến với bài thơ “Nắng hồng” của Bảo Ngọc, chúng ta được hòa mình vào tình mẫu tử thiêng liêng rất đỗi đặc biệt và đầy ý nghĩa bởi cách chuyển biến “mượt mà” từ cảnh sắc thiên nhiên sang hình ảnh người mẹ. Thời tiết đang bước vào độ giao mùa. Bức tranh thiên nhiên hiện lên với gam màu lạnh lẽo. Mùa đông, ông mặt trời khoác lên mình bộ cánh màu “xám ngắt”, chim sẻ ngừng cất tiếng ca cho đời, bầy ong chẳng đến vườn hoa hái mật. Thậm chí cả tiết trời cũng không chiều lòng người. Trời ngoài kia mây mù giăng lối, mưa phùn lất phất tạo sự cô đơn, buồn tẻ, thiếu sức sống. Bạn nhỏ trong câu chuyện chợt thấy “Bếp nhà ai nhóm lửa / Khói lên trời đung đưa”. Và rồi, hình ảnh người mẹ xuất hiện đã thay đổi khung cảnh sang diện mạo mới. Mẹ mang đến nguồn sáng lấp lánh, ấm áp, sưởi ấm con tim giá lạnh của con. Mẹ là tia nắng mặt trời tỏa rực rỡ trong trái tim con. Bạn nhỏ trong câu chuyện đã không giấu nổi lòng mình mà vui sướng. Bài thơ năm chữ hồn nhiên, dễ thương cho người đọc cảm nhận thứ tình cảm trong sáng, thiêng liêng, cao cả. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, chỉ cần mẹ xuất hiện thì ngay lập tức, mọi thứ trong con đều trở nên có màu sắc tươi mới, tràn trề năng lượng và giàu sức sống.
----------------------------------
Trên đây là bài viết Cảm xúc về nội dung và nghệ thuật bài thơ Nắng hồng của Bảo Ngọc do Topbee biên soạn. Hi vọng bài viết giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn học tốt môn Văn!