image hoi dap
image hoi dap

Cấu trúc thơ là gì? Có những đặc điểm nào

icon-time28/5/2024

Cấu trúc của thơ

- Mỗi bài thơ là một cấu trúc ngôn ngữ đặc biệt. Sự sắp xếp các dòng (câu) thơ, khổ thơ, đoạn thơ làm nên một hình thức có tính tạo hình. Đồng thời, sự hiệp vần, xen phối bằng trắc, cách ngắt nhịp vừa thống nhất vừa biến hóa tạo nên tính nhạc điệu. Hình thức ấy làm nên vẻ đẹp nhịp nhàng, trầm bổng, luyến láy của văn bản thơ. 

- Vần điệu là một trong những đặc trưng quan trọng về mặt cấu trúc. Không có vần điệu là không phải là thơ ca. Ví dụ:

“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

(Nguyễn Du)

Hai câu thơ dù có mượn ý từ hai câu thơ Đường “Phương thảo thiên biên bích/ Lê chi sổ điểm hoa. (“Cỏ thơm liền với trời xanh/ Trên cành lê có mấy bông hoa.”) thì bậc thầy thơ ca Nguyễn Du chỉ sáng tạo thêm chữ “trời”; chữ “tận” và chữ “trắng” cộng với vần điệu lục bát của Việt Nam đã tạo được hai câu…? Và mùa xuân cuối của câu sáu, gieo vần vài là chữ thứ sáu của câu tám. Sự gieo vần như vậy cùng phối hợp về thanh điệu, ngữ điệu giữa các chữ tạo thành cấu trúc có vần điệu chính đã tạo ra câu thơ rất hay.


Vần điệu và niêm luật trong một bài thơ Đường luật

+ Niêm nghĩa đen là dán dính lại bằng chất hồ. Trong thơ, niêm là cách xếp đặt các câu thơ cho dính lại với nhau về nhịp thanh bằng thanh trắc và gây sự liền lạc mật thiết về âm điệu.

+ Vần ở vào chữ chót câu đầu và các câu chẵn (như vậy bài thơ có 5 vần và chỉ dùng vần cước). Cả bài gieo một vần (độc vần). Vần bằng (thuộc thanh bằng)

+ Thanh luật là luật chỉ định trong một câu thơ, chữ nào phải thanh bằng, thanh trắc. Chữ thanh bằng là chữ có dấu huyền hoặc không dấu, chữ thanh trắc là chữ có các dấu: Ngã, hỏi, nặng, sắc.

+ Trong thơ Đường luật, câu thơ nào cũng có 7 chữ, thanh luật áp dụng cho các chữ trong câu như sau: 

 1) Chữ cuối (chữ thứ 7) tùy thuộc vị trí câu thơ đối với vần thơ. Nếu câu thơ mang vần (câu 1,2,4,6,8) thì chữ ấy bằng, nếu câu thơ không mang vần (câu 3,5,7 thì chữ ấy trắc).

2) Chữ 2,4,6 theo phép Nhị tứ lục phân minh, nghĩa là 3 chữ này phải bằng, trắc, bằng hoặc trắc, bằng, trắc.

3) Chữ 1,3,5 theo phép Nhất tam ngũ bất luận nghĩa là không kể đến luật bằng trắc, được tự do. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ chữ 1 và 3 được bất luận, còn chữ thứ 5 phải khác thanh với chữ chót của câu thơ.

Ta thấy ở luật bằng trắc này, luật lệ cốt yếu nhằm vào các chữ 2,4,6. Nhịp thanh của câu thơ dựa vào đó mà thay đổi lên xuống. Cho nên bài thơ nào bắt đầu với một câu thơ luật bằng thì gọi là bài thơ luật bằng. Bài thơ nào bắt đầu với câu thơ luật trắc gọi là bài thơ luật trắc. Ví dụ bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu:

“Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ
Thử địa không dư hoàng hạc lâu
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”

Dịch thơ:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn thơ
Hạc vàng bay mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai ?
(Tản Đà - dịch)

+ Về mặt hình thức, dễ nhận biết đây là bài thơ Đường luật thể thất ngôn bát cú (bảy chữ, tám câu) nhưng ngay trong mấy câu mở đầu, đã thể hiện một cú pháp rất đặc biệt, bởi sự phá hết niêm luật và thi pháp của thơ Đường. Về luật bằng trắc, câu 1 và câu 3 là những câu thể hiện sự phá cách táo bạo nhất. Theo luật thơ Đường, các vị trí nhị tứ lục thất trong câu thơ phải tuân thủ theo đúng quy định bằng trắc. Các vị trí 1,6,8 trong câu thơ thứ nhất đã hoàn toàn biến đổi ngược lại với quy định. Luật bằng trắc của bài thất ngôn bát cú, thơ vần bằng trong câu đầu lẽ ra phải là: BBTTTBB (Ví dụ: “Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn” - Bà Huyện Thanh Quan) thì câu thơ đầu của Hoàng Hạc Lâu biến thành TBTBBTT (“Tích nhân dĩ thừa Hoàng hạc khứ”). Tiếp đến, câu thứ 3 được cấu tạo với một loạt 6 thanh trắc đi với nhau, gợi lên một niềm xót xa trước sự nghiệt ngã của thời gian, của cuộc đời con người BTTTTTT (“Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản.”)

+ Thơ Đường vốn trọng sự cô đọng của câu chữ, đặc biệt tránh việc phải dùng những hư từ, trong bài thơ này được dùng một từ lặp lại nhiều lần “Hoàng Hạc” được 3 lần. “không” được 2 lần, tạo nên hiệu quả sự ám ảnh khôn nguôi về Hạc vàng. Hoàng Hạc Lâu là một kiệt tác của Trung Hoa và cũng là đỉnh cao chói lọi của thơ Đường nói riêng và của văn học Trung Hoa nói chung, ngàn năm không ai vượt qua nổi. Thi tiên Lý Bạch đứng trước Hoàng Hạc Lâu cũng phải gác bút mà thốt lên rằng: "Đình tiền hữu cảnh đạo bất đắc/ Thôi Hiệu đề thi tại thương đằn" (trước mắt có cảnh đẹp nhưng không sao nói được, vì đã có thơ của Thôi Hiệu sừng sững ở trên đầu).


Gieo vần trong thơ mới và thơ hiện đại

+ Vần liền: Vần theo những cặp gián cách, từng cặp vần bằng trắc theo nhau liền, ví dụ trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ:

“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan,
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới,
Đâu những cảnh bình minh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng,
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới.”

+ Vần chéo: Là cách gieo vần bắt chéo, câu 1 vần xuống câu câu 3, câu 2 vần xuống câu 4, ví dụ trong thơ Huy Cận:

“Hạnh phúc rất đơn sơ.
Nhịp đời đi chậm rãi,
Mái nhà in bóng trưa,
Ong hút chùm hoa cải.”

+ Vần ôm: Là cách gieo vần để cho vần câu 1 với câu 4, ôm lấy vần câu 2 với câu 3. Ví dụ trong bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư:

“Em nghe mùa thu,
Dưới trăng mờ thổn thức,
Em không nghe rạo rực,
Hình ảnh kẻ chinh phu”

+ Vần hỗn tạp: Là cách tham dụng tất cả các lối vần trên trong một bài, không theo một định lệ nào cả. Ví dụ trong bài thơ sau đây của Thế Lữ:

“Tiếng địch thổi đâu đây.
Cớ sao mà réo rắt ?
Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt.
Mây bay, gió quyến, mây bay...
Tiếng vi vu như khuyên van như dìu dặt
Ánh chiều thu
Lướt mặt hồ thu.
Sương hồng lam nhẹ tan trên sóng biếc.
Rặng lau già xao xác tiếng reo khô,
Như khuấy động nỗi nhớ nhung thương tiếc.
Trong lòng người đứng bên hồ”


Về thể thơ của thơ mới và thơ hiện đại

+ Thể năm chữ: Mỗi câu có 5 chữ. Số câu không hạn định, thường chia làm khổ 4 câu. Vần có thể theo các kiểu vần liền, vần chéo, vần ôm hoặc vần hỗn tạp. Thường cứ gián cách vần trắc với vần bằng. Nhưng chỉ có vần cước không có vần yêu. Thể thơ này phân làm khổ 4 câu như thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt. Ví dụ như bài thơ Đi chùa hương của Nguyễn Nhược Pháp, Khách lạ đường rừng của Nguyễn Bính.

+  Thể bảy chữ: Mỗi câu thơ có 7 chữ. Số câu không có hạn định, có thể chia thành khổ 4 câu. Tất cả phép niêm luật đối của thơ Đường luật đều bị bỏ qua, nhưng có khi vẫn được duy trì một phần, nhất là luật bằng trắc vẫn còn. Gieo vần theo các kiểu thơ Pháp, giống như kiểu tứ tuyệt cũ 4 câu 2 vần, hay 4 câu 3 vần. Ví dụ như trong bài thơ Trăng của Xuân Diệu.

+  Thể tám chữ: Mỗi câu có 8 chữ (hoặc xen vào ít câu 7 chữ hay 9, 10 chữ). Số câu không hạn định, thường dài, nhưng cũng có thể chia làm khổ 4 câu 6, 8 câu.. Về thanh bằng trắc trong câu, thường chỉ áp dụng luật hoán thanh tổng quát vào các chỗ ngắt đoạn. Vần thường theo kiểu vần liền, có khi có cả vần liền, có khi có cả vần yêu, câu thơ có giọng như Hát nói. Ví dụ như bài Cây đàn muôn điệu của Thế Lữ.

+ Thể sáu tám: Tuy là loại thơ cũ, trước kia người ta thường dùng để sáng tác truyện liên hồi hàng ngàn câu. Trên cơ sở này người ta sáng tác ngắn đi và theo lối gieo vần truyền thống. Ví dụ bài thơ Ngậm ngùi của Huy Cận:

Nắng chia nửa bãi chiều rồi,
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau,
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này,
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em mộng bình thường,
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ,
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau.
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.

Trần Thùy Dương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question