Top 15 Dẫn chứng về lòng hiếu thảo
Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên: Hoàng Thị Dung
Cử nhân sư phạm Ngữ Văn
Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên: Hoàng Thị Dung
Cử nhân sư phạm Ngữ Văn
“Con hiếu thảo, cha mẹ vui, nhà hoà thuận, muôn việc thành" – Thái Công. Mỗi một gia đình là nền tảng, nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước, và mỗi người con chúng ta phải luôn ý thức về sự hiếu thảo, để góp phần xây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc. Sau đây, hãy cùng Topbee tham khảo bài viết Dẫn chứng về lòng hiếu thảo nhé!
Biểu hiện về Lòng hiếu thảo
Lòng hiếu thảo là gì?
- Lòng hiếu thảo là tình yêu thương, tôn trọng, kính trọng hay những hành động, sự biết ơn, quan tâm, chăm sóc của con cháu dành cho bề trên, người thân trong gia đình, cha mẹ, ông bà.
- Lòng hiếu thảo là phẩm chất quý giá nên có và cần có đối với mỗi người, bên cạnh đó còn là tấm gương phản ảnh nhân cách, con người của chúng ta.
Biểu hiện về lòng hiếu thảo
- Có thái độ tôn trọng, nghe lời, biết ơn, quan tâm chăm sóc gia đình
- Biết giúp đỡ và chăm sóc ông bà, cha mẹ
- Tôn vinh, nhớ ơn công lao của tổ tiên
- Có thái độ, hành động, cư xử đúng mực và biết ơn, biết báo đáp công ơn
- Có đạo đức đúng đắn và tôn trọng người khác
- Biết sẻ chia, hỗ trợ khi gia đình gặp khó khăn
- Giữ hòa khí gia đình êm ấm, hạnh phúc, ấm no
- Lên tiếng, bảo vệ những truyền thống và danh tiếng của gia đình.
Ý nghĩa của lòng hiếu thảo
- Có lòng hiếu thảo sẽ được mọi người yêu quý, tin tưởng, tôn trọng
- Góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên
- Hoàn thiện nhân cách, đạo đức con người: giúp phát triển và củng cố cách phẩm chất đẹp khác như: lòng biết ơn, tôn trọng, trung thực, giữ lời hứa, có trách nhiệm,…
- Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp
- Xây dựng và phát triển đất nước, xã hội, cộng đồng văn minh, hòa bình
Cần làm gì để rèn luyện lòng hiếu thảo
- Đặt chữ “Hiếu” lên đầu.
- Tôn trọng và chăm sóc gia đình
- Sống văn minh, hòa nhã, biết giúp đỡ người khác
- Dành thời gian lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ những điều nhỏ nhất như việc nhà,… để giữ hòa khí gia đình, hỗ trợ nhau trong công việc, khó khăn.
- Không phân biệt đối xử hay kì thị
- Thường xuyên thăm ông bà, cha mẹ để gắn kết tình cảm
15 dẫn chứng về Lòng hiếu thảo
1. Nguyễn Trãi đã từng viết tác phẩm “Gia huấn ca” để đề cao đạo đức, sự công bằng, luân lí trong mối quan hệ giữa bản thân và gia đình, xã hội như sau:
“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy,
Đừng tranh giành bên ấy, bên này,
Cù lao đội đức cao dày,
Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng”
Hay
“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc
Xem cháo cơm thay thế mọi bề
Ra vào thăm hỏi từng khi
Người đà vô sự ta thì an tâm”
Có thể nói, Nguyễn Trãi là một người con luôn đề cao chữ “Hiếu” lên đầu. Dù trong các mối quan hệ như thế nào thì cũng phải công bằng, lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng. Phận làm con phải biết yêu thương chăm sóc, thăm hỏi cha mẹ.
2. Vua Thuấn là một trong Ngũ Đế thời thượng cổ. Tuy nhiên tuổi thơ của ông khá đau khổ, khi phải lớn lên trong sự mắng chửi của người cha vừa mù vừa điếc lại vô cùng nóng nảy, và sự nhỏ nhen, ích kỉ, tàn ác, hãm hại của mẹ kế và em trai.Mẹ kế Thuấn vì sợ Thuấn thừa kế một nửa gia nghiệp nên đã luôn hãm hại, thường xuyên nói xấu Thuấn với cha với mục đích để cha thất vọng, căm ghét Thuấn và đánh đập Thuấn.
Dù đã phải trải qua bao sự ghẻ lạnh, mắng chửi nhưng Thuấn vẫn không hề có một lời oán trách gia đình của mình, thậm chí ông vẫn luôn hiếu thuận với họ và nhường nhịn, chăm sóc em trai chu đáo. Đến những năm 20 tuổi, sự hiếu thuận ấy của ông đã vang danh khắp vùng, nhà vua lúc bấy giờ vì yêu quý và nể trọng sự hiếu thảo ấy của ông nên đã gả con gái cho.
Bên cạnh đó, sự hiếu thảo của ông còn giúp thuần hóa sự tàn ác trong con người mẹ kế và em trai, khiến họ vô cùng cảm động và từ đó gia đình sống hạnh phúc cùng nhau. Sau này, Thuấn được vua truyền ngôi, và ông đã trở thành một vị vua lừng lẫy, một vị Thánh đế nổi tiếng lịch sử, góp phần xây dựng nên một thời thịnh trị và thái bình cho dân thời Nghiêu – Thuấn
3. Chủ Đồng Tử được biết đến là một vị thánh nổi tiếng vào những năm thế kỉ thứ IV – III TCN. Ông nổi tiếng là một người con hiếu thảo. Thời thơ ấu, gia đình ông vô cùng nghèo khó, hai cha con sống nương tựa vào nhau, chỉ có một chiếc khố chia nhau mà dùng chung. Đến khi cha mất, ông đã nói với Chủ Đồng Tử rằng: “Cha chết đi, con giữ lại cái khố mà che thân, cho thiên hạ khỏi chê cười. Con cứ tang trần cho cha là được”. Vì thương cha, ông đã không làm theo lời cha dặn, duy chiếc khố duy nhất ấy để an táng cha yên nghỉ. Còn mình thì ở trần, cô độc tiếp tục cuộc hành trình của mình.
4. Vào những ngày tháng 10 năm 2015, có lẽ chúng ta đều không thể quên được hình ảnh, câu chuyện cảm động về một cô bé 9 tuổi chạy ngược chạy xuôi tại hành lang bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội, để lấy cơm, chăm sóc cho người cha thân yêu của mình. Cô bé ấy là Tô Thị Bích Ngọc, sinh sống và học tập tại Yên Ý, Nam Định. Một gia đình 4 người nhưng lại vô cùng khó khăn, khi người mẹ lại bị tâm thần, cha bệnh nặng phải nhập viện, hai anh em nương tựa vào nhau để sinh sống và chăm sóc cha mẹ. Người anh đang học lớp 8 phải nghỉ học, hàng ngày phải làm thêm ở chợ để có thêm một miếng cơm, tiền đong gạo cho gia đình. Người em học lớp 4 cũng đành phải tạm dừng đến trường để lên Hà Nội chăm sóc cha người cha bị xơ gan, sỏi niệu quản, cuộc sống của ông, từ việc nhỏ đến lớn đều phải nhờ vào cô con gái bé nhỏ của mình. Tuy khó khăn là vậy, mỗi khi có thời gian, em đều mang sách vở ra hành lang ngồi học, cô bé nhỏ luôn mang trong mình niềm tin và hy vọng cha sẽ mau chóng khỏi bệnh, còn mình thì có thể tiếp tục cắp sách đến trường, theo đuổi ước mơ của mình.
5. Ở thôn Toán Thọ, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, cô bé Trịnh Thị Lan tuy đang ở độ tuổi trẻ thơ nhưng đã phải bươn chải, chăm lo cuộc sống của cả gia đình. Em sinh ra thì đã không biết mặt cha, mẹ thì lại bị bệnh tâm thần, bà thì đã lớn tuổi. Khi tiểu học, các bạn khác thường được bố mẹ đến đón về, nhưng em thì khác, em có cuộc sống vô cùng nghèo khó, mỗi khi tan học lại vội chạy về làm việc nhà, chăm sóc mẹ. Cả nhà 3 người con gái sống nương tựa vào nhau trong một căn nhà xập xệ, dột nát.
Đến 10 tuổi, em đã bắt đầu những công việc đồng áng để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, hết cấy gặt giúp người ta lại đến lượm ve chai khắp nơi, kiếm tiền mua thuốc lo cho người mẹ tâm thần và tiền thuốc cho người bà tuổi đã gần 90
Dù khó khăn là vậy, vất vả, khổ cực, đơn độc gánh vác là vậy, nhưng em lại không hề có một lời nào oán trách gia đình nhỏ của mình. Có những lúc mẹ phát bệnh đi lang thang khắp nơi, em liền nước mắt lưng tròng mà đi tìm kiếm mẹ. Tuổi còn nhỏ nhưng đã là lao động chính trong gia đình, nhưng em vẫn luôn giữ niềm đam mê học tập và tiếp tục theo học giữa cuộc sống khó khăn.
6. Vua Tự Đức là một tấm gương sáng về lòng hiếu thảo, tuy là vua của một nước nhưng ông sẵn sàng dâng roi cho mẹ đánh đòn khi mắc lỗi. Hai ngày trước ngày giỗ vua cha, ông lại rảnh việc nước nên đã đi ngự săn bắn, nhưng lại gặp phải lũ lụt lớn không thể về. Đức Từ Dũ (mẹ vua) vì nóng lòng, nên đã sai quan đại thần Nguyễn Tri Phương đi tìm và rước nhà vua về. Vừa về đến hoàng cung, vua liền lên kiệu đi thẳng sang cung Diên Thọ để lạy, cúi đầu xin tội, sẵn sàng dâng roi mây cho mẹ rồi nằm phục xuống sàn xin chịu đòn. Đức Từ Dũ vì thương con nên đã không trách phạt nhà vua, bên cạnh đó còn dặn dò nhà vua phải ban thưởng cho quan quân đi hầu ngự. Có thể thấy Vua Tự Đức là một người con có hiếu với mẹ, không ngại ngần nhận phạt dù cho chức vị có lớn như thế nào.
7. Tấm lòng hiếu thảo vốn đã là phẩm chất tốt đẹp của nhân dân ta từ xưa đến nay. Xưa có nàng Kiều từ bỏ mối tình đẹp với Kim Trọng, vì chữ Hiếu mà đã bán mình chuộc cha, hay chàng Lục Vân Tiên, vì quá khóc thương cho sự ra đi của mẹ mà mù hai mắt. Ngày nay lại có Cao Ngọc Hùng – một chàng trai tật nguyền, nhưng vì thương mẹ nên cậu đã luôn cố gắng, nỗ lực, phấn đấu dành các huy chương trong Paragame để có tiền thưởng mua thuốc cho mẹ. Có thể thấy, dù thời gian có trôi qua bao lâu, thì lòng hiểu thảo vẫn luôn là phẩm chất thấm sâu trong mỗi con người.
8. Câu chuyện về cậu bé ba tuổi Nguyễn Gia Huy kiến người đọc phải suy ngẫm và cảm thương. Bố mẹ ly hôn từ nhỏ, nhưng cậu vẫn được lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của mẹ. Nhưng trong một buổi chiều năm cậu ba tuổi định mệnh đã khiến cuộc sống cậu đổi thay. Trong một lần đi đón cậu đi học về ở trưởng, mẹ em đã bị va quẹt vào một chiếc xa tải, ngã xuống và không may bị xe dằn qua, từ đó bà phải sống một cuộc đời tàn phế. Tai nạn đến quá bất ngờ, khiến một cậu bé ba tuổi – một độ tuổi vô tư, hồn nhiên nhất, phải được sống trong tình yêu thương, che chở của cha mẹ, nhưng lại phải là lao động chính, là chỗ dựa duy nhất cho người mẹ của mình. Tuy tuổi còn nhỏ, nhưng cậu đã thành thục những công việc chăm sóc mẹ như: đút cơm cho mẹ, đấm bóp, xoa nắn chân tay cho mẹ,… Câu nói của cậu bé đã khiến nhiều người phải rơm rớm nước mắt, thương cho cuộc đời đáng thương của cậu bé: “Mẹ cháu không chết đâu, sau này con sẽ chăm ngoan, học thật giỏi, kiếm thật nhiều tiền để chắp lại tay cho mẹ. Mẹ không được chết, mẹ phải sống với con”. Có thể thấy, dù không còn được lớn lên trong sự chở che của mẹ nữa, nhưng cậu vẫn luôn yêu thương, trân quý mẹ, mong muốn học giỏi để có thể cứu chữa tay mẹ.
9. Có lẽ chúng ta đều biết đến nàng Vũ Nương nhân vật trong câu chuyện Người con gái Nam Xương, nàng được biết đến là một người vợ chung thủy, hết mực đợi chồng. Nhưng bên cạnh đó, nàng còn là một nàng dâu, một người con hiếu thảo. Khi mẹ chồng đau ốm vì mong nhớ con trai, thì nàng vô cùng thấu hiểu, cảm thông nỗi nhớ ấy, “hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào, khôn khéo khuyên lơn”, chăm sóc cho cả sức khỏe tinh thần và thể chất của bà được tốt hơn.
Khi mẹ chồng qua đời, Vũ Nương đã một thân một mình lo liệu ma chay của bà, tế lễ chu đáo như mẹ đẻ của mình. Nàng hết mình, hết lòng, làm mọi việc đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ lòng hiếu thảo của một người con dâu.
Người mẹ chồng cũng vì cảm động trước tình cảnh và tình cảm ấy của con dâu, trước khi qua đời đã chứng giám cho tấm lòng đáng trọng ấy: “Sau này trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.
10. Lòng hiếu thảo là phẩm chất cao quý, tốt đẹp được ông cha ta truyền từ đời này sang đời khác qua những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ như:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
“Dạy con, con nhớ lấy lời,
Trọng cha, kính mẹ, suốt đời chớ quên”
“Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Hòa,
Hỏi trong ba chữ, thờ cha chữ nào?
Chữ Trung, thì để thờ cha,
Chữ Hiếu thờ mẹ, chữ Hòa thờ anh”
Công cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời mang nặng đẻ đau!
11. Khổng Từ dạy rằng: “Ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài tôn kính người hơn tuổi, cẩn thận giữ điều tín, gần gũi thân cận với người nhân đức, được như vậy mà còn dư sức thì học tập tri thức nữa.”
12. Đặng Thị Thúy Hảo được biết đến là một người con hiếu thảo. Bố đẻ của chị bị tai nạn, mất khả năng lao động từ 25 năm trước, còn mẹ chồng cao tuổi mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 3. Chồng làm nghề tự do, hoàn cảnh gia đình neo người. Là giáo viên mầm non, dù công việc hằng ngày bận rộn nhưng chị vẫn dành thời gian chăm sóc cha mẹ hai bên, cùng hai con nhỏ. Hằng tháng, chị chở mẹ chồng ra bệnh viện để lấy thuốc điều trị bệnh.
13. Em Nguyễn Thúy Hường, học sinh lớp 12A3 Trường Trung học phổ thông Liên Hà (huyện Đông Anh) cũng là tấm gương hiếu thảo với bố mẹ và bà nội. Gia đình thuộc hộ cận nghèo, khi Hường học lớp 6, bố em bị tai biến, suy thận và không còn khả năng lao động. Bà nội cũng đau ốm thường xuyên, một mình mẹ em phải bươn chải gánh vác lo cho cả gia đình. Hường vừa đi học, vừa phụ mẹ, chăm sóc bà nội, bố và 3 em nhỏ chu đáo. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng em luôn nỗ lực vươn lên trong học tập, 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi và vừa trở thành sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội.
14. Anh Phạm Thanh Bình (Công ty TNHH một thành viên Kinh Đô). Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài làm tốt công việc ở công ty, anh còn chạy xe công nghệ để phụ giúp kinh tế gia đình và trực tiếp chăm sóc bố bị tai biến. Anh còn là đoàn viên xuất sắc, được các cấp, ngành khen thưởng.
15. Đỗ Thị Hồng Nhung, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bố của Nhung từng là bộ đội, trong quá trình tham gia kháng chiến, bị nhiễm chất độc màu da cam, phát bệnh nặng và mất vào năm 2019. Mẹ em phải làm nhiều công việc từ đồng áng, dọn nhà, rửa bát thuê… để lo cho cuộc sống gia đình. Để có thêm chi phí trang trải cuộc sống, Nhung tranh thủ đi làm thêm nhưng cũng chỉ đi làm khu vực gần trường học vì không có phương tiện đi lại. Cứ cuối tuần, Nhung tranh thủ về nhà làm thêm cùng mẹ, hỗ trợ các công việc khác và trở lại trường học tập vào mỗi sáng thứ 2 hàng tuần. Dù vậy, Đỗ Thị Hồng Nhung vẫn luôn đạt được thành tích học tập tốt và tích cực tham gia nhiều hoạt động phong trào Đoàn, Hội ở trường.
NLXH về Lòng hiếu thảo
Khổng Tử đã dạy rằng: “Ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài tôn kính người hơn tuổi, cẩn thận giữ điều tín, gần gũi thân cận với người nhân đức, được như vậy mà còn dư sức thì học tập tri thức nữa”. Thật vậy, ông cha ta có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, để có thể nên người, mỗi chúng ta cần phải mang trong mình, học tập những phẩm chất tốt đẹp, đúng đắn. Một trong những phẩm chất cao quý ấy không thể không kể đến lòng hiếu thảo.
Lòng hiếu thảo là tình yêu thương, tôn trọng, kính trọng hay những hành động, sự biết ơn, quan tâm, chăm sóc của con cháu dành cho bề trên, người thân trong gia đình, cha mẹ, ông bà. Lòng hiếu thảo là phẩm chất quý giá nên có và cần có đối với mỗi người, bên cạnh đó còn là tấm gương phản ảnh nhân cách, con người của chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy rèn luyện cho mình phẩm chất cao quý ấy.
Người có lòng hiếu thảo là người biết biết ơn những vất vả, khó khăn mà ông bà, cha mẹ đã chở che, bảo vệ cho mình suốt những năm tháng tuổi thơ. Từ đó, ta sẽ được mọi người tin tưởng, yêu mến, tôn trọng, góp phần xây dựng một gia đình, xã hội, cộng đồng, đất nước văn minh, phát triển. Người có lòng hiếu thảo sẽ là tấm gương sáng cho mọi người, đặc biệt là những người thân cận nhất như con, cháu học tập và noi theo. Khi ta có lòng hiếu thảo, ta sẽ nhận lại, học hỏi thêm được những phẩm chất tốt đẹp khác như: lòng khiêm tốn, sự biết ơn, biết giữ lời hứa,… Đấy đều là những phẩm chất đáng quý, góp phần xây dựng, hoàn thiện nhân cách con người.
Vào những ngày tháng 10 năm 2015, có lẽ chúng ta đều không thể quên được hình ảnh, câu chuyện cảm động về một cô bé 9 tuổi chạy ngược chạy xuôi tại hành lang bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội, để lấy cơm, chăm sóc cho người cha thân yêu của mình. Cô bé ấy là Tô Thị Bích Ngọc, sinh sống và học tập tại Yên Ý, Nam Định. Một gia đình 4 người nhưng lại vô cùng khó khăn, khi người mẹ lại bị tâm thần, cha bệnh nặng phải nhập viện, hai anh em nương tựa vào nhau để sinh sống và chăm sóc cha mẹ. Người anh đang học lớp 8 phải nghỉ học, hàng ngày phải làm thêm ở chợ để có thêm một miếng cơm, tiền đong gạo cho gia đình. Người em học lớp 4 cũng đành phải tạm dừng đến trường để lên Hà Nội chăm sóc cha người cha bị xơ gan, sỏi niệu quản, cuộc sống của ông, từ việc nhỏ đến lớn đều phải nhờ vào cô con gái bé nhỏ của mình. Tuy khó khăn là vậy, mỗi khi có thời gian, em đều mang sách vở ra hành lang ngồi học, cô bé nhỏ luôn mang trong mình niềm tin và hy vọng cha sẽ mau chóng khỏi bệnh, còn mình thì có thể tiếp tục cắp sách đến trường, theo đuổi ước mơ của mình.
Trong thời đại xã hội đang phát triển một cách nhanh chóng, vẫn có không ít người có ý thức và nhận thức vô cùng kém, đạo đức suy đồi, chữ hiếu suy giảm. Họ có một lối sống thực dụng, không biết trọng tình trọng nghĩa, không nhận thức được tầm quan trọng của gia đình và trân trọng những công lao mà cha mẹ đã giúp đỡ ta, mà lại có nhận thức sai lầm, trách móc hay vô lễ với bề trên, bố mẹ khi không làm điều gì theo ý mình, tranh chấp tài sản khi gia đình lâm nguy. “Một con sâu làm rầu nồi canh”, mỗi cá nhân như vậy cần nhận được hình phạt thích đán vì thái độ vô lễ, không biết trên dưới như vậy. Mỗi chúng ta hãy có nhận thức đúng đắn và tránh để bản thân có thể tiếp xúc với những điều xấu xa, không tốt như vậy.
Bên cạnh đó, để có thể rèn luyện lòng hiếu thảo, mỗi chúng ta cần phải có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của gia đình. Ông bà, cha mẹ là những người sinh thành, nuôi ta khôn lớn, luôn dành cho ta những điều tốt đẹp nhất trên đời. Vì thế, mỗi người chúng ta phải biết yêu thương, biết ơn những công lao to lớn ấy. Biết kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu. Học cách cư xử đúng mực không chỉ ở bên ngoài mà còn ở trong gia đình, góp phần mang đến những danh tiếng tốt cho cha mẹ và tổ tiên. Hỗ trợ, giúp đỡ công việc nhỏ như dọn về sinh nhà cửa sạch sẽ, giữ gìn của cải,… là ta cũng đã góp phần giúp cha mẹ bớt gánh nặng, lo âu cuộc sống. Thể hiện tình cảm, sự tôn trọng dành cho ông bà, cha mẹ, hòa thuận với anh em, đặt chữ “Hiếu” lên đầu. Những việc làm ấy tuy nhỏ nhưng đều là một mảnh ghép quan trọng, không thể thiếu trong hành trình trưởng thành, hoàn thiện nhân cách, bản thân mỗi người.
Có thể thấy, lòng hiếu thảo là một phẩm chất, đức tính, nét đẹp truyền thống vô cùng cao quý và quý giá. Cuộc đời dài rộng nhưng cũng chỉ có bố mẹ là người yêu thương ta vô điều kiện, để có thể đáp lại tình yêu thương đó, mỗi người con chúng ta phải luôn ý thức về sự hiếu thảo.
“Khi bạn đang uống coca giải khát, hãy nghĩ xem bố mẹ thường uống gì. Khi bạn mặc những bộ quần áo đắt tiền hàng hiệu, xin hãy nghĩ xem bố mẹ bạn thường mặc ra sao. Khi bạn thoải mái tiêu pha, hãy nghĩ đến những thứ đồ bố mẹ bạn hay dùng như thế nào. Bố mẹ đã vì chúng ta mà bỏ bao công sức? Rơi bao hạt mồ hôi, đều chỉ vì mong chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những thứ chúng ta đang dùng đều là do hai bàn tay cha mẹ đem về cho. Xin hãy yêu quý bố mẹ của riêng mình, làm một người con hiếu thuận”.
(Khuyết danh)