image hoi dap
image hoi dap

Đọc hiểu bài Hoa cỏ may (2 đề)

icon-time13/6/2023

Đọc hiểu bài Hoa cỏ may: Khung cảnh mùa thu được phác họa qua những chi tiết nào? Qua đó, mùa thu hiện lên như thế nào? Từ “xao xuyến” trong câu “Không gian xao xuyến chuyển sang mùa” có giá trị biểu đạt như thế nào. Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của 02 biện pháp tu từ trong hai câu thơ cuối “Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay?”

Đọc đoạn trích sau:

HOA CỎ MAY 

“Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ,  

Không gian xao xuyến chuyển sang mùa.  

Tên mình ai gọi sau vòm lá,  

Lối cũ em về nay đã thu.  

Mây trắng bay đi cùng với gió,  

Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ.  

Đắng cay gửi lại bao mùa cũ,  

Thơ viết đôi dòng theo gió xa.  

Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may  

Áo em sơ ý cỏ găm đầy  

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói,  

Ai biết lòng anh có đổi thay?” 

(Xuân Quỳnh) 

Đọc hiểu bài Hoa cỏ may (2 đề)

Đọc hiểu bài Hoa cỏ may - Đề số 1

Câu 1. Khung cảnh mùa thu được phác họa qua những chi tiết nào? Qua đó,mùa thu hiện lên như thế nào? 

Câu 2. Từ “xao xuyến” trong câu “Không gian xao xuyến chuyển sang mùa” có giá trị biểu đạt như thế nào? 

Câu 3. Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của 02 biện pháp tu từ trong hai câu thơ cuối “Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay?” 

Câu 4. Tâm trạng của nhân vật trữ tình lúc giao mùa là tâm trạng như thế nào? Những yếu tố nào cho anh/chị nhận ra điều đó?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1.

Khung cảnh mùa thu được phác họa qua những chi tiết: cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ, không gian xao xuyến, mây trắng bay, hoa cỏ may.

Qua đó, mùa thu hiện lên: thơ mộng, mơ màng với vẻ đẹp nhẹ nhàng, êm dịu của thiên nhiên tiết trời thu.

Câu 2. 

Từ “xao xuyến” trong câu “Không gian xao xuyến chuyển sang mùa” có giá trị biểu đạt cảm giác bỡ ngỡ khi thu sang với nhiều chuyển biến và lưu luyến về ngày hè đã qua.

Câu 3. 

“Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay?”

* Trong hai câu thơ cuối này, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật: So sánh và nhân hoá. Cụ thể:

- So sánh "Lời yêu mỏng manh" với "màu khói" 

- Nhân hóa "lời yêu mỏng manh"

* Tác dụng của hai biện pháp nghệ thuật trên: Giúp những câu thơ tăng sức gợi hình, gợi cảm, tạo nhịp điệu giữa các câu thơ. Nhấn mạnh về cảm xúc xốn xang, tâm trạng nhiều suy tư của người con gái trong tình yêu. Sự nhạy cảm, nỗi lo âu, suy tư trong lòng tác giả được bộc lộ gắn với nhiều dự cảm về một tình yêu tan vỡ, chia lìa.

Câu 4. 

- Tâm trạng của nhân vật trữ tình lúc giao mùa là tâm trạng suy tưu, lo âu và cũng rất đỗi trăn trở, băn khoăn, nghi ngờ về tình yêu.

- Những yếu tố giúp em nhận ra điều đó là:

+ Những từ ngữ: ngẩn ngơ, xao xuyến, đắng cay, mỏng manh 

+ Cảm xúc trong bài gắn với dự cảm, lo âu về tình yêu tan vỡ, chia lìa.  


Đọc hiểu bài Hoa cỏ may - Đề số 2

Câu 1. Hãy xác định phương thức biểu đạt?

Câu 2. Biện pháp tu từ chính của bài thơ? Tác dụng của các biện pháp nghệ thuật ấy?

Câu 3. Hai khổ thơ đầu cỏ vẻ không liên quan đến chủ đề bài thơ (viết về hoa), nhưng chứa đựng rất rõ nỗi lòng của nhà thơ, nỗi lòng ấy là gì?

Câu 4. Tại sao hoa cỏ may xám ngắt, vô duyên, chỉ là một thứ hoa vô sắc, vô hương, thứ cỏ mọc hoang dại, nhạt nhoà, heo hút nơi triền đê, bờ ruộng… được chọn làm ý tưởng gợi ý cho thơ?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1.

Phương thức biểu đạt: Miêu tả, biểu cảm.

Câu 2. 

- Biện pháp tu từ chính của bài thơ là so sánh, nhân hoá và câu hỏi tu từ. 

- Tác dụng:

+ So sánh "lòng như trời biếc lúc nguyên sơ", "Lời yêu mỏng manh" với "màu khói": thể hiện sự thanh cao, trong sạch của một tâm hồn đã nếm trải nhiều mất mát, lời yêu mỏng mảnh như màu khói cảm nhận về sự mong manh của lời yêu, sự thay đổi, mất mát trong tình yêu.

+ Nhân hóa sự vật, đối tượng "lời yêu mỏng manh" khiến chúng trở thành những chủ thể có hồn, mang đầy tâm trạng.

+ Câu hỏi tu từ "Ai biết lòng anh có đổi thay?”: bộc lộ nỗi bâng khuâng, sự trách móc nhẹ nhàng trước dự cảm lo âu về những xáo động trong tình yêu đôi lứa.

Câu 3. 

Hai khổ thơ đầu cỏ vẻ không liên quan đến chủ đề bài thơ (viết về hoa), nhưng chứa đựng rất rõ nỗi lòng buồn tủi, xao xuyến vu vơ của nhà thơ. Đó là những đớn đau khắc khoải trong dự cảm xót xa về những biến suy, mất mát, những đắng cay đã qua. Giọng thơ có vẻ chậm rãi như một câu hỏi bâng quơ, thoảng qua như một tiếng thở dài. 

Câu 4. 

Hoa cỏ may xám ngắt, vô duyên, chỉ là một thứ hoa vô sắc, vô hương, thứ cỏ mọc hoang dại, nhạt nhoà, heo hút nơi triền đê, bờ ruộng… được chọn làm ý tưởng gợi ý cho thơ vì: Đây chính là hiện thân của cõi sống trong hoang dại. Nó vừa là vẻ đẹp, vừa là nỗi đau, vừa quan trọng nhưng cũng lại tầm thường, chẳng là gì. Nó nhọn như kim và tua tủa như gai khiến người ta cảm giác gợi nên một cái gì nhói lên khe khẽ như có mũi kim châm nhẹ vào da thịt, một chút tác động bất ngờ. Chỉ vậy thôi cũng đủ gợi lên trong tâm hồn người một nỗi đau nhè nhẹ. Những tác động bé nhỏ như thế của cuộc sống, cũng tựa như một sợi dây đàn mỏng manh chỉ cần một gợn nhỏ cũng đủ ngân lên những vần thơ buồn mênh mang.

---------------------------------- 

Trên đây Topbee đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu bài Hoa cỏ may. Những câu trả lời dựa trên ngữ liệu văn bản, được chắt lọc kỹ càng đảm bảo chính xác nhất. Hy vọng bài đọc hiểu sẽ giúp các em học tốt môn Ngữ Văn!

Đoàn Thị Thu Huyền
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question