image hoi dap
image hoi dap

Đọc hiểu Chiều thu của Nguyễn Bính

icon-time6/12/2023

Những mùa trong năm nối tiếp nhau sinh trưởng, thay đổi, chúng trang hoàngcho bản thân chiếc áo xinh đẹp nhất mang đậm chất riêng của bản thân để khoe sắc, khoe hương, làm cho đời thêm xinh. Cùng Topbee trả lời câu hỏi đọc hiểu Chiều thu của Nguyễn Bính nhé!

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi

CHIỀU THU

Thăm thẳm trời xanh lộng đáy hồ,
Mùi hoa thiên lý thoảng chiều thu.
Con cò bay lả trong câu hát,
Giấc trẻ say dài nhịp võng ru.

Lá thấp cành cao gió đuổi nhau,
Góc vườn rụng vội chiếc mo cau.
Trái na mở mắt, nhìn ngơ ngác,
Đàn kiến trường chinh tự thuở nào.

Lúa trổ đòng tơ, ngậm cốm non,
Lá dài vươn sắc lưỡi gươm con.
Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín,
Điểm nhạt da trời những chấm son. (...)

(Trích Chiều thu, Nguyễn Bính, NXB Văn học, 1993)


Đọc hiểu Chiều thu của Nguyễn Bính - Đề 1

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản:

A. Tự do

B. Thất ngôn (bảy chữ)

C. Thất ngôn bát cú

C. Song thất lục bát

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là:

A. Miêu tả

B. Biểu cảm

C. Tự sự

D. Nghị luận

Câu 3: Bài thơ chủ yếu được ngắt nhịp như thế nào?

A. Nhịp 3/4

B. Nhịp 5/2

C. Nhịp 4/3

D. Nhịp 2/5

Câu 4: Các biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ hai là:

A. Nhân hóa, liệt kê

B. Nhân hóa, so sánh

C. Điệp từ, điệp ngữ

D. Đối lập, tương phản

Câu 5: Đề tài của bài thơ là:

A. Đề tài cuộc sống thôn quê

B. Đề tài vẻ đẹp đồng quê

C. Đề tài cảnh đẹp đất nước

D. Đề tài vẻ đẹp thiên nhiên

Câu 6: Chủ đề của bài thơ là:

A. Tâm trạng bâng khuâng thương nhớ quê nhà của người con xa quê

B. Tâm trạng lưu luyến của con người khi rời xa quê hương

C. Vẻ đẹp thơ mộng, đầy sức sống của bức tranh thiên nhiên chiều thu

D. Vẻ đẹp của cuộc sống lao động bình dị nơi quê nhà

Câu 7: Bức tranh mùa thu được miêu tả trong bài thơ là bức tranh như thế nào?

A. Bức tranh buồn, hiu hắt

B. Bức tranh tươi tắn, đầy sức sống

C. Bức tranh kì vĩ, tráng lệ

D. Bức tranh bí ẩn, kì thú

Câu 8: Phân tích tác dụng của 1 biện pháp nghệ thuật tiêu biểu sử dụng trong khổ thơ cuối.

Câu 9: Nhận xét về nét đặc sắc của tác giả trong cách cảm nhận vẻ đẹp của mùa thu.

Câu 10: So sánh bức tranh mùa thu trong bài thơ trên với bức tranh mùa thu trong hai câu thơ sau đây của Xuân Diệu:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng 

( trích: Đây mùa thu tới)

Trả lời câu hỏi

Câu 1: B → Thể thơ của văn bản là thất ngôn (bảy chữ)

Câu 2: A →  Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích:  Miêu tả

Câu 3: C →  Bài thơ chủ yếu được ngắt nhịp  4/3

Câu 4: A →  Các biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ hai: Nhân hóa, liệt kê

Câu 5: D →  Đề tài của bài thơ là về vẻ đẹp thiên nhiên

Câu 6: C → Chủ đề của bài thơ là vẻ đẹp thơ mộng, đầy sức sống của bức tranh thiên nhiên chiều thu

Câu 7: B →  Bức tranh mùa thu được miêu tả trong bài thơ là bức tranh tươi tắn, đầy sức sống

Câu 8: 

- Biện pháp tu từ tiêu biểu được sử dụng trong khổ thơ cuối là nhân hóa (lúa - ngậm; lá - vươn, chim - mách lẻo)

- Tác dụng: nhằm tăng tính gợi hình, biểu cảm cho bài thơ tạo ấn tượng về bức tranh thiên nhiên mùa thu thật tươi tắn, sinh động, tràn đầy sức sống; và giúp cho người đọc cảm nhận thấy các sự vật xuất hiện trong bài đang dần trở nên gần gũi, thân quen.

Câu 9: 

- Nét đặc sắc của tác giả trong cách cảm nhận vẻ đẹp của mùa thu:

Nhà thơ Nguyễn Bính đã dùng chính giác quan của bài thân để cảm nhận sâu sắc hơn về vẻ đẹp của mùa thu, thị giác cho cái nhìn toàn vẹn về bức tranh sinh động “trời xanh, gió lộng, cánh cò, là thấp cành cao,.." và dùng thính giác để lắng nghe cả một mùa thu bằng cả tâm hồn nhạy cảm, sâu lắng và tràn đầy tinh tế “tiếng câu hát, nhịp võng ru, tiếng chim mách lẻo”, cuối cùng nhà thơ còn sử dụng khứu giác của mình để ngửi được hương thơm chỉ có riêng ở mùa thu “Mùi thiên lí,..”

→ Qua đó, chúng ta thấy được rằng mùa thu nắm giữ vị trí đặc biệt trong lòng tác giả, bởi ông đã dùng hết sức bình sinh để khắc họa mọi nét đặc sắc chỉ có ở riêng mùa thu mà không phải ai cũng có thể cảm nhận được.

Câu 10:

- Hai bài thơ về mùa thu của Nguyễn Bính và Xuân Diệu đều chứa những khác biệt:

+ Mùa thu trong lòng Nguyễn Bính chính là một mùa sống động, tươi tắn, tràn đầy nhiệt huyết, thiên nhiên trong đôi mắt của chủ thể luôn căng tràn sức sống “gió lộng, mùi thiên lí thoảng bay, cánh cò bay lả, câu hát du dương,...”.

+ Đối với Xuân Diệu mùa thu trong lòng nhà thơ lại mang vẻ tang thương, đau buồn, u ám, không toát lên vẻ sôi động như mùa thu của Nguyễn Bính.

→ Cảm xúc của chủ thể có tác động rất lớn đối với khung cảnh thiên nhiên, dù cho thiên nhiên có xinh đẹp tới đâu, trạng thái của chủ thể như thế nào thì bức tranh sẽ lập tức thay đổi, có vui có buồn, có sôi động có u ám.

Đọc hiểu Chiều thu của Nguyễn Bính

Đọc hiểu Chiều thu của Nguyễn Bính - Đề 2

Câu 1. Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Cảnh vật trong đoạn thơ đầu tiên được cảm nhận thông qua những giác quan nào? Chỉ ra.

Câu 3. Chỉ ra quy cách gieo vần và ngắt nhịp trong khổ thơ sau:

Lúa trổ đòng tơ, ngậm cốm non,

Lá dài vươn sắc lưỡi gươm con.

Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín,

Điểm nhạt da trời những chấm son.

Câu 4. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ nổi bật trong khổ thơ sau:

Lá thấp cành cao gió đuổi nhau,

Góc vườn rụng vội chiếc mo cau

Trái na mở mắt, nhìn ngơ ngác,

Đàn kiến trường chinh tự thuở nào.

Câu 5. Suy nghĩ của anh/ chị về hình ảnh của nhân vật trữ tình qua hai câu thơ:

Chiều con, cặm cụi đôi ngày phép,

Ngồi bẻ đèn sao, phất giấy vàng.

Trả lời câu hỏi

Câu 1.

- Văn bản trên được viết theo thể thơ thất ngôn (bảy chữ)

Câu 2.

- Cảnh vật trong đoạn thơ đầu tiên được cảm nhận thông qua những giác quan:

+ Thị giác: trời xanh lộng đáy hồ, con cò bay lả

+ Khứu giác: Mùi hoa thiên lý

+ Thính giác: tiếng hát, nhịp võng ru

Câu 3.

- Quy cách gieo vần trong khổ thơ là gieo vần chân “on” (non, con, son)

- Cách ngắt nhịp 4/3 : "Lúa trổ đòng tơ/, ngậm cốm non,"; “Lá dài vươn sắc/ lưỡi gươm con.”

Câu 4.

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ cuối là nhân hóa ( gió - đuổi nhau, trái na - mở mắt, đàn kiến trường chinh). Có tác dụng làm cho câu thơ trở nên sinh động, hấp dẫn người đọc và thể hiện được vẻ đẹp của mùa thu

Câu 5. 

- Nhân vật trữ tình qua hai câu thơ “Chiều con, cặm cụi đôi ngày phép,/Ngồi bẻ đèn sao, phất giấy vàng.” là một người cha thương con, sẵn sàng vì con mà xin nghỉ phép về nhà để làm đèn trung thu lấp lánh, giúp con có một tuổi thơ cùng kỷ niệm sâu đậm trong lòng và thêm yêu thích mùa thu.

Hoàng Như Quỳnh
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question