Đọc hiểu Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm của Thạch Lam (2 đề)
Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm của Thạch Lam trắc nghiệm và tự luận chính xác nhất, bám sát cấu trúc chấm điểm của các Đề thi Ngữ văn phần Đọc hiểu
Đọc hiểu Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm của Thạch Lam
[…] Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm của Thạch Lam thực ra chưa sâu sắc và mãnh liệt nếu đem so sánh với ngòi bút Ngô Tất Tố hay Nam Cao, nhất là khi cần phanh phui triệt để những mâu thuẫn gay gắt trong xã hội người bóc lột người đã dẫn đến nỗi bất hạnh của người dân lao động. Ông không phải không đề cập đến vấn đề ấy, nhưng trong nhiều trường hợp, ngòi bút ấy dường như vừa chạm đến đã vội dừng lại và chuyển hướng. Chẳng hạn như truyện “Đứa con”, mở đầu là mâu thuẫn giữa chủ và người ở (một phụ nữ), là áp chế tàn nhẫn giữa kẻ có tiền và người làm thuê. Sông kết thúc truyện thì mâu thuẫn đó lại bị xóa nhòa bởi một chuyển hướng hòa hợp, mà tác nhân là sự kích thích của tình mẫu tử – một thứ nhân tính muôn đời. Trong “Cái chân què” cũng tương tự như vậy. Chuyện tả một anh chàng vì nghèo mà cay cú với số phận, quyết tìm cách làm giàu. Nhưng khi được như ý, thì dần dần anh ta lại nhận thấy rằng đồng tiền không đem lại hạnh phúc. Sự tỉnh ngộ lần này của anh căn bản dựa trên cái triết lí về đồng tiền thường thấy ở một số tác giả khác trong Tự lực văn đoàn: triết lí của những con người chưa thực sự bị họa áo cơm ghì riết và hành hạ. Dù sao Thạch Lam cũng chưa hẳn đã sống chết với vấn đề này.
Tuy nhiên, đối với người lao động nghèo, cái nhìn của Thạch Lam nói chung là một cái nhìn hiện thực giàu tính nhân đạo. Bức tranh về cuộc sống của dân nghèo sau lũy tre, trong xóm chợ, nơi ngoại ô, ngõ hẻm không hề được phủ bằng màn sương thi vị. Những số phận nhọc nhằn, bi đát, với một viễc cảnh mờ mịt, đen tối, vẫn là kết cục chung cho hầu hết các tác phẩm viết về người dân lao động nghèo khổ của Thạch Lam. Cái chết của mẹ Lê để lại cả một đàn con gầy còm ngơ ngác là một cái kết bi thảm, gây nên “cái cảm giác lo sợ đè nén lấy tâm can” những người còn sống – những người mà “cái nghèo khổ cứ theo đuổi mãi không bao giờ dứt” (Nhà mẹ Lê). Có những gia đình trước đây đã có thời mát mặt, về sau cũng sa sút, khó khăn, và càng ngày cuộc sống càng thắt nghẹt họ mãi (Cô hàng xén, Đói, Hai đứa trẻ,…). Những kết thúc u ám như thế cứ trở đi trở lại trong nhiều truyện ngắn của Thạch Lam, tô đậm cái quá trình bần cùng không lối thoát của nhân dân lao động trong xã hội cũ. […].
(Trích Phong cách truyện ngắn Thạch Lam, Trần Ngọc Dung, in trong Thạch Lam – Tác phẩm và lời bình, Nxb Văn học, Hà Nội, 2013)
Đọc hiểu Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm của Thạch Lam - Đề 1
Câu 1. Văn bản trên bàn về vấn đề gì?
Câu 2. Văn bản trên có mấy luận điểm? Đó là những luận điểm nào?
Câu 3. Chỉ ra mục đích, thái độ của của tác giả được thể hiện ở văn bản trên?
Trả lời
Câu 1:
Văn bản trên bàn về vấn đề: Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm của Thạch Lam
Câu 2:
Văn bản trên gồm 2 luận điểm:
Luận điểm 1: Tác giả nhận định rằng: “ Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm của Thạch Lam thực ra chưa sâu sắc mãnh liệt”
Luận điểm 2: Tác giả nhận định rằng: “ Tuy nhiên, đối với người lao động nghèo, cái nhìn của Thạch Lam nói chung là một cái nhìn hiện thực giàu tính nhân đạo”
Câu 3:
Trong văn bản trên tác giả đã thể hiện mục đích, thái độ của bản thân:
- Mục đích : Tác giả sử dụng những lý lẽ và dẫn chứng hợp lý để thuyết phục người đọc, giúp người đọc thấy rằng: Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm Thạch Lam dù chưa thực sự mãnh liệt nhưng trong các tác phẩm của ông đều ẩn chứa một cái nhìn nhân đạo đối với những người dân lao động nghèo khó.
- Thái độ: Tác giả đã có một cách nhìn nhận nghiêm túc về chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm của Thạch Lam, từ đó kết luận rằng chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm của Thạch Lam là “chưa sâu sắc và mãnh liệt ”. Tác giả cũng thể hiện thái độ ngợi ca các sáng tác của Thạch Lam có một cái nhìn đầy thương cảm đối với người dân nghèo và đồng cảm với số phận của họ.
Đọc hiểu Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm của Thạch Lam - Đề 2
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên
A. Tự sự
B. Nghị luận
C. Thuyết minh
Câu 2: Nêu những biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn:
“ Cái chết của mẹ Lê để lại cả một đàn con gầy còm ngơ ngác là một cái kết bi thảm, gây nên “cái cảm giác lo sợ đè nén lấy tâm can” những người còn sống – những người mà “cái nghèo khổ cứ theo đuổi mãi không bao giờ dứt” (Nhà mẹ Lê). Có những gia đình trước đây đã có thời mát mặt, về sau cũng sa sút, khó khăn, và càng ngày cuộc sống càng thắt nghẹt họ mãi (Cô hàng xén, Đói, Hai đứa trẻ,…)”
Câu 3. Các luận điểm của bài viết trên có mối quan hệ như thế nào trong việc làm nổi bật luận đề của văn bản?
Câu 4. Từ nội dung văn bản, anh/ chị có suy nghĩ gì về vai trò của tư tưởng nhân đạo đối với một tác phẩm văn học?
Trả lời
Câu 1: B. Nghị luận
Giải thích: Tác giả sử dụng những luận điểm luận cứ để chứng minh cho quan điểm của mình, là đặc điểm của phong cách biểu đạt nghị luận
Câu 2:
Những biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn trên là:
Liệt kê, Tự sự
Câu 3:
Các luận điểm của bài viết trên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong việc làm nổi bật luận đề của văn bản. Cả hai luận điểm đều nói về chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm của Thạch Lam, là một chủ nghĩa nhân đạo đối với người dân lao động tuy nhiên chưa sâu sắc mãnh liệt. Luận điểm đầu tiên đã chỉ ra cái hạn chế của Thạch Lam đó là chưa thực sự mãnh liệt, đem so sánh với những nhà văn hiện thực phê phán khác như Ngô Tất Tố hay Nam Cao…Đến luận điểm thứ hai tác giả đã chỉ ra cái “ hơn” của Thạch Lam khi nhìn vào cuộc sống của người dân lao động nghèo để chứng minh rằng, trong tác phẩm của Thạch Lam, tinh thần nhân đạo đối với người lao động nghèo vẫn là điều dễ thấy.
Câu 4:
Từ văn bản trên em thấy được vai trò quan trọng của tư tưởng nhân đạo đối với một tác phẩm văn học. Giá trị nhân đạo chính là linh hồn của một tác phẩm văn học, là sự đồng cảm của tác giả đối với một lớp người trong xã hội. Tư tưởng nhân đạo sẽ làm nên giá trị tư tưởng cho tác phẩm văn học. Sự đồng cảm của tác giả với con người chính là yếu tố then chốt tạo nên sức sống trường tồn với tác phẩm văn học.