Đọc hiểu Đất nước bốn ngàn năm (2 đề)
Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Đất nước bốn ngàn năm: Đoạn thơ được trích từ tác phẩm nào? Tác giả là ai? Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đặc sắc nhất được sử dụng trong hai câu thơ "Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
"Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến."
(Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam)
Đọc hiểu Đất nước bốn ngàn năm - Đề số 1
Câu 1. Đoạn thơ được trích từ tác phẩm nào? Tác giả là ai?
Câu 2. Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên.
Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đặc sắc nhất được sử dụng trong hai câu thơ "Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước
Câu 4. Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên.
Trả lời câu hỏi đọc hiểu
Câu 1.
Đoạn thơ trên được trích từ bài Mùa xuân nho nhỏ. Tác giả Thanh Hải.
Câu 2.
- Thể thơ: 5 chữ
- Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.
Câu 3.
Câu thơ “Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước”
- Biện pháp tu từ: so sánh. Tác giả so sánh “Đất nước” với “vì sao”.
- Tác dụng: giúp cho hình ảnh “đất nước” được miêu tả sinh động hơn, người đọc dễ dàng hiểu được sự thiêng liêng và tự hào về đất nước như những ngôi sao sáng lấp lánh trên bầu trời. ==> Khẳng định sự trường tồn của dân tộc.
Câu 4.
Nội dung chính của đoạn thơ là thể hiện niềm tự hào và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Đọc hiểu Đất nước bốn ngàn năm - Đề số 2
Câu 1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? Nội dung là gì?
Câu 2. Các hình ảnh "con chim", một cành hoa", "một nốt trầm" trong đoạn thơ có những đặc điểm gì giống nhau?
Câu 3. Các biện pháp nghệ thuật trong đoạn thơ?
Câu 4. Đoạn thơ gợi cho em suy nghĩ gì về cuộc sống có ý nghĩa của mỗi người?
Trả lời câu hỏi đọc hiểu
Câu 1.
- Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ 5 chữ.
- Nội dung: Ca ngợi đất nước dù phải trải qua gian lao vất vả vẫn tươi đẹp, tráng lệ, trường tồn vẫn vươn lên phía trước.
Câu 2.
Những đặc điểm giống nhau của hình ảnh "con chim", một cành hoa", "một nốt trầm" trong đoạn thơ là:
- Đây đều là những hình ảnh rất đỗi bình dị và thân thuộc của mùa xuân.
- Những hình ảnh này đều tượng trưng cho những ước nguyện được hòa mình vào thiên nhiên đất trời, được cống hiến cho đất nước của nhà thơ:
+ Muốn làm con chim để dang tiếng hót.
+ Làm nhành hoa để khoe sắc hương thơm
+ Làm nốt trầm để tạo dư âm trầm bổng cho bản hòa ca cuộc sống.
Câu 3.
Các biện pháp nghệ thuật:
- Ẩn dụ và nhân hóa: “Đất nước bốn ngàn năm/ Vất vả và gian lao” Tác giả đã ẩn dụ, nhân hóa đất nước như con người phải trải qua vất vả và đau thương.
- So sánh: “Đất nước như vì sao" tỏa sáng chói lọi trên bầu trời. Sao là vẻ đẹp vĩnh hằng vượt qua mọi không gian và thời gian. Đất nước ta cũng sẽ tỏa sáng rực rỡ trong tương lai.
Câu 4.
Qua đoạn thơ trên, tác giả đã thể hiện niềm yêu cuộc đời, đất nước thiết tha và ước nguyện được sống cống hiến cho đất nước. Qua đó nhắc nhở thế hệ trẻ hãy sống giản dị, tích cực, cống hiến sức trẻ cho sự phát triển của đất nước.
----------------------------------
Trên đây Topbee đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Đất nước bốn ngàn năm. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập.