image hoi dap
image hoi dap

Đọc hiểu kiến và ve sầu (trắc nghiệm)

icon-time17/10/2023

“Kiến và ve sầu” là câu truyện ngụ ngôn nói về sự chăm chỉ, biết tính toán và có kế hoạch cho những hành động, công việc trong tương lai. Hãy cùng Topbee trả lời những câu hỏi đề Đọc hiểu kiến và ve sầu (trắc nghiệm) nhé!

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

KIẾN VÀ VE SẦU

   Ngày xưa, Kiến và Ve Sầu là đôi bạn rất thân. Chúng cùng ở với nhau trên một cành cây khô. Thời ấy, thức ăn trên mặt đất còn thừa thãi nên ngày ngày chúng ăn xong lại rong chơi, tối lại cùng nhau ngủ trên cành cây.
   Một đêm, trời bỗng dưng nổi cơn mưa bão, cây cối ngả nghiêng. Nước trút xuống như thác. Cành cây khô bị gãy, văng đi rất xa, văng cả đôi bạn thân xuống đất. Chúng phải cố sống cố chết bám lấy rễ cây để khỏi bị nước mưa cuốn đi. Sáng hôm sau, trời lại quang đãng. Kiến và Ve đều ướt lướt thướt, mình mẩy đau như dần. Kiến bỗng nảy ra một ý nghĩ: “Phải làm tổ để tránh mưa gió”. Kiến bàn bạc với Ve Sầu, Ve Sầu mỉm cười:
– Chúng ta từ trước tới giờ vẫn sống trên cành cây. Gió bão năm thì mười họa mới có một lần, hơi đâu mà làm tổ cho mệt xác.
   Nhưng Kiến vẫn lo gió bão. Nó tìm môt gốc cây khá chắc để làm nhà, ngày ngày nó đi tìm mùn lá, đem lên xây đắp một kiểu nhà mới. Dưới ánh nắng hè gay gắt, công việc làm rất vất vả, nhưng Kiến không nản lòng. Còn Ve Sầu đã không làm với bạn thì chớ, lại còn chế nhạo bạn.
   Mặc cho bạn chế giễu, Kiến cứ hì hục ngày này sang ngày khác và một tháng sau thì ngôi nhà xinh xắn đã hoàn thành. Nó nghĩ thương Ve Sầu, ngày nắng đêm sương, nên tha thiết mời Ve Sầu về cùng ở. Lúc đầu, vì không bỏ sức lao động ra, Ve Sầu cũng thấy ngượng ngùng thế nào ấy. Nhưng thấy Kiến khẩn khoản, mà ngôi nhà thì xinh xắn quá, nên nó cũng đồng ý.
    Ve ở cùng Kiến, Ve Sầu chẳng chịu làm gì. Đến bữa thì đi kiếm ăn, ăn xong lại nằm hát nghêu ngao, mặc cho Kiến một mình hì hục quét dọn, xếp đặt nhà cửa cho ngăn nắp.
     Kiến thường lo lắng đến mùa đông tháng giá, thức ăn khó kiếm, nên bàn với Ve Sầu: “Chúng ta đã có nhà ở rồi, nhưng chúng ta còn phải kiếm thức ăn để dành, khi mưa rét khỏi phải nhịn đói”.
    Ve Sầu nói: “Thức ăn khối ra đấy, tích trữ làm gì cho mệt xác”. Kiến bực mình, để mặc Ve Sầu ở nhà ca hát, ngày ngày xuống đất kiếm mồi. Chẳng bao lâu, nhà Kiến đầy ăm ắp thức ăn dùng trong cả mùa đông chưa chắc đã hết. Nhưng trong khi Kiến đi tìm mồi, Ve Sầu ở nhà một mình thấy buồn, đi múa hát với đàn bướm, tối lại về nhà ngủ.
    Một hôm, trời tối đã lâu, Kiến nóng lòng chờ bạn mà không thấy bạn về. Sáng sớm hôm sau, Kiến đi tìm Ve Sầu, nghe thấy Ve Sầu đang nghêu ngao trên cành lá, Kiến bò tới:
– Anh đi đâu mà cả đêm hôm qua không về nhà? Về đi thôi. Về mà xem, nhà rất nhiều thức ăn. Ta không lo gì mùa đông tháng giá nữa.
    Ve Sầu đã không về thì thôi, lại còn mắng bạn:
– Anh ngu lắm. Thức ăn đầy rẫy thế này tội gì mà hì hục cho mệt xác. Anh xem tôi có chết đâu. Thôi từ nay anh mặc tôi. Ai lo phận nấy.
   Kiến buồn bã ra về.
    Ít lâu sau, lá rừng dần dần ngả màu vàng, chỉ hơi có gió nhẹ là thi nhau rụng tới tấp. Trời trở rét. Mưa tầm tã suốt ngày, gió bấc thổi từng cơn. Rét thấu xương. Ve Sầu không có chỗ trú, ướt như chuột lột, run như cầy sấy. Ve Sầu ngượng quá, không dám lại nhà Kiến nên lần mò đến nhà Ong xin ăn.
    Nó vừa lò dò đến cửa thì Ong tưởng ve vào ăn cướp vội xông ra đốt. Ve Sầu đau quá, vừa chạy, vừa kêu khóc ầm ĩ. Bị Ong đốt nên mắt Ve Sầu lồi ra, mũi sưng vù lên và vì quá đói bụng nên bụng ve tuy to nhưng rỗng tuếch.

(Truyện ngụ ngôn La Phông ten – Kiến và Ve Sầu – TruyenDanGian.Com –)


Đọc hiểu kiến và ve sầu (trắc nghiệm)

Câu 1. Các nhân vật trong văn bản trên có đặc điểm:

A. Là con người, không có tên riêng, từ suy nghĩ, hành động, lời nói của nhân vật có thể rút ra bài học sâu sắc

B. Là đồ vật, không có tên riêng, được xây dựng bằng biện pháp nhân hóa.

C. Là loài vật, không có tên riêng, từ suy nghĩ, hành động, lời nói của nhân vật có thể rút ra bài học sâu sắc

D. Là con người và loài vật, không có tên riêng, từ suy nghĩ, hành động, lời nói của nhân vật có thể rút ra bài học sâu sắc.   
Câu 2. Chỉ ra phép liên kết trong đoạn văn: “Nhưng Kiến vẫn lo gió bão. Nó tìm môt gốc cây khá chắc để làm nhà, ngày ngày nó đi tìm mùn lá, đem lên xây đắp một kiểu nhà mới. Dưới ánh nắng hè gay gắt, công việc làm rất vất vả, nhưng Kiến không nản lòng. Còn Ve Sầu đã không làm với bạn thì chớ, lại còn chế nhạo bạn.”

A. Phép nối, phép thế

B. Phép lặp, phép thế

C. Phép nối, phép liên tưởng

D. Phép thế, phép liên tưởng

Câu 3: Đề tài của truyện ngụ ngôn trên là:

A.Ve sầu và kiến                                                   B. Ve sầu lười biếng

C. Bài học về lao động chăm chỉ và biết lo xa       D. Bài học về tình bạn

Câu 4: Câu văn: “Phải làm tổ để tránh mưa gió.” là ý nghĩ của ai?

A.Ve Sầu

B. Kiến

C. Ong

D. Người kể chuyện

Câu 5. Vì sao Ve Sầu không cùng dự trữ thức ăn với Kiến:

A. Vì Ve Sầu nghĩ rằng Kiến sẽ kiếm thức ăn cho cả phần của mình.

B. Vì Ve Sầu nghĩ sẽ đi xin thức ăn của Ong

C. Vì Ve Sầu nghĩ thức ăn đầy ra đấy, không hết được nên không cần dự trữ

D. Vì Ve Sầu thấy Kiến phiền hà, không biết hưởng thụ cuộc sống.

Câu 6. Tính từ nào đúng nhất khi nói về Kiến trong câu chuyện trên:

A. Tốt bụng, vị tha

B. Kiên trì, dũng cảm

C. Hiền lành, thông minh

D. Chăm chỉ, lo xa

Câu 7. Câu nào sau đây chứa phó từ:

A. Kiến buồn bã ra về.

B. Ve ở cùng Kiến, Ve Sầu chẳng chịu làm gì.

C. Ve Sầu không có chỗ trú, ướt như chuột lột, run như cầy sấy.

D. Nhưng Kiến vẫn lo gió bão.

Câu 8. Tại sao đến cuối truyện, khi bị mưa, đói và rét, Ve Sầu lại không đến nhờ sự giúp đỡ của Kiến?

A. Vì Kiến đã đuổi Ve Sầu đi

B. Vì Ve Sầu không muốn bị mất mặt trước Kiến

C. Vì Ve Sầu ngượng, không dám đến nhà Kiến

D. Vì Ve Sầu thích đến nhà Ong hơn

Câu 9. Chỉ ra và phân tích tình huống truyện của văn bản trên.

Câu 10. Câu chuyện đem đến cho em bài học gì? Viết đoạn văn 3-5 câu bàn luận về bài học đó

Đọc hiểu kiến và ve sầu (trắc nghiệm)

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu

Câu 1. C => Kiến, Ve sầu, Ong

Câu 2. A => “Nó”, “bạn” thế cho “Kiến”. Nối bằng từ “nhưng”

Câu 3. C => Dựa trên bài học rút ra được sau khi đã đọc câu truyện

Câu 4. B => Kiến bỗng nảy ra một ý nghĩ: “Phải làm tổ để tránh mưa gió”.

Câu 5. C => Anh ngu lắm. Thức ăn đầy rẫy thế này tội gì mà hì hục cho mệt xác. Anh xem tôi có chết đâu. Thôi từ nay anh mặc tôi. Ai lo phận nấy.

Câu 6. D => Những hành động của Kiến khi liên tục bị bạn nói khiến cậu buồn đã cho thấy được đức tính tốt đẹp của cậu

Câu 7. D => Phó từ “vẫn” chỉ hoạt động đang tiếp diễn

Câu 8. C => Ve Sầu ngượng quá, không dám lại nhà Kiến nên lần mò đến nhà Ong xin ăn.

Câu 9.

- Tình huống truyện: Xoay quanh chuyện làm nhà cũng như đi tìm kiếm thức ăn dự trữ cho mùa đông của Kiến và Ve Sầu.

- Phân tích tình huống truyện: Kiến rủ Ve Sầu làm nhà để chống mưa bão nhưng Ve Sầu lười biếng không chịu làm cùng Kiến. Sau đó, Kiến rủ Ve Sầu kiếm thức ăn dự trữ cho mùa đông nhưng Ve Sầu cho rằng thức ăn rất nhiều, không cần dự trữ.

=> Tình huống nhằm làm nổi bật tính cách lười biếng, không biết lo xa của Ve Sầu và tính cách chăm chỉ, biết suy nghĩ, lo xa và tiết kiệm của Kiến. Từ đó, làm nổi bật bài học đạo đức của văn bản.

Câu 10.

Bài học em rú ra được sau khi đọc truyện ngụ ngôn “Kiến và Ve sầu” là chúng ta cần phải chăm chỉ lao động và biết lo xa cho cuộc sống của mình. Phải luôn cố gắng, chăm chỉ làm việc để bản thân được hưởng những điều kiện tốt nhất. KHông chỉ vậy, tuy chúng ta đang sống trong sự sung túc cũng không nên tiêu sài hoang phí mà phải biết tiết kiệm. Bởi vì, khi lỡ gặp phải khó khăn, vất vả thì chúng ta vẫn có thể làm chủ được cục diện cuộc sống của mình

Hoàng Thùy Phương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question