image hoi dap
image hoi dap

Đọc hiều Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử (Trắc nghiệm)

icon-time11/3/2024

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử chính xác nhất, bám sát cấu trúc chấm điểm của các đề thi Ngữ văn phần Đọc hiểu

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

MÙA XUÂN CHÍN

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây...

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
- “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”

(Hàn Mặc Tử)


Đề Đọc hiểu Mùa xuân chín (Trắc nghiệm)

Câu 1. Bài thơ trên thuộc thể thơ nào

A. Thơ sáu chữ

B. Thơ bảy chữ

C. Thơ lục bát

D. Thơ tự do

Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ trên là?

A. Biểu cảm

B. Tự sự

C. Miêu tả

D. Thuyết minh

Câu 3. Thiên nhiên và con người trong bức tranh mùa xuân được thể hiện như thế nào trong bài?

A. Mang vẻ đẹp cổ điển

B. Ảm đạm, cô đơn, đườm đượm buồn

C. Tâm trạng buồn tủi

D. Trẻ trung, hồn nhiên và tràn đầy sức sống

Câu 4. Trạng thái “chín” của mùa xuân trong bài thơ được thể hiện bằng những từ ngữ nào sau đây

A. Làn nắng ửng, khói mơ tan

B. Lấm tấm vàng, bóng xuân sang

C. Sóng cỏ xanh tươi, mùa xuân chín

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 5. Con người trong bài thơ được thể hiện qua những hình ảnh nào? Hình ảnh nào gắn với nhân vật trữ tình?

Câu 6. Ngôn từ của bài thơ đã gợi lên một khung cảnh mùa xuân như thế nào

Câu 7. Chỉ ra và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ đầu tiên?

Câu 8. Từ bài thơ trên, em có suy nghĩ gì về trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ thiên nhiên

Đọc hiểu Mùa xuân chín ( Hàn Mặc Tử)

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: B. Thơ bảy chữ

Câu 2: A. Biểu cảm

Câu 3: D. Trẻ trung, hồn nhiên và tràn đầy sức sống

Câu 4: D. Tất cả các đáp án trên

Câu 5:

 - Con người trong bài thơ thể hiện qua những hình ảnh: cô thôn nữ, tiếng ca vắt vẻo, ai ngồi dưới trúc, khách xa, chị ấy.

- Hình ảnh gắn liền với nhân vật trữ tình: khách xa.

Câu 6: 

Ngôn từ được sử dụng trong bài thơ là: khói mơ tan, bóng xuân sang, sóng cỏ, tiếng ca vắt vẻo, mùa xuân chín. Chỉ bằng những ngôn từ giản đơn ấy đã làm cho khung cảnh mùa xuân trở nên rực rỡ, lấp lánh, tươi mát,  tràn đầy sức sống, vừa có một chút huyền ảo của làn khói vừa có những giai điệu của thiên nhiên đang đung đưa trong không khí đưa người đọc đến với bức tranh mùa xuân tràn ngập màu sắc, tươi đẹp, sống động. 

Câu 7:

- Các biện pháp tu từ:

+ Nhân hóa: gió (trêu)

+ Câu đặc biệt: Trên dàn thiên lí

+ Đảo ngữ: Sột soạt gió trêu tà áo biếc.

- Hiệu quả nghệ thuật: Gợi cái nhìn tinh tế về sự chuyển mùa, nhà thơ như nhìn thấy sự hiện diện trong mỗi bước xuân sang. Qua đó khung cảnh đầy sức sống, gửi gắm niềm yêu đời của nhà thơ.

Câu 8:

Trong bối cảnh hiện nay, trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ thiên nhiên trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc bảo vệ thiên nhiên không chỉ là trách nhiệm của chính phủ và các tổ chức môi trường, mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Con người cần chung tay bảo vệ môi trường, như vậy cũng chính là bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta. Bài thơ “Mùa xuân chín” của tác giả Hàn Mặc Tử đã nhắc nhở chúng ta cần nhìn nhận đúng giá trị của thiên nhiên để bảo vệ và duy trì sự sống cho tương lai.

Ngọc Hương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question