image hoi dap
image hoi dap

Đọc hiểu Mùa xuân trên cánh đồng Xuân Quỳnh (3 đề)

icon-time20/9/2023

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Mùa xuân trên cánh đồng Xuân Quỳnh: Đoạn trích trên viết theo thể loại nào, vì sao em biết điều đó?Xác định phương thức biểu đạt chính, ngôi kể và nhân vật chính của đoạn trích?…Hãy cùng Topbee đi trả lời các câu hỏi đọc hiểu Mùa xuân trên cánh đồng Xuân Quỳnh nhé!

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

"Bơi càng lên mặt ao thấy càng nóng, cá Chuối mẹ bơi mãi, cố tìm hướng vào bờ. Mặt ao sủi bọt, nổi lên từng đám rêu. Rất khó nhận ra phương hướng. Chuối mẹ phải vừa bơi vừa nghếch lên mặt nước để tìm hướng khóm tre, trời bức bối ngột ngạt. Lắm lúc Chuối mẹ muốn lặn ngay xuống đáy cho mát, nhưng nghĩ đến đàn con đang đói, chờ ở vùng nước đằng kia, Chuối mẹ lại cố bơi. Khóm tre bên bờ đã gần đây rồi. Khi tới thật gần, Chuối mẹ chỉ còn trông thấy gốc tre, không thấy ngọn tre đâu. Chuối mẹ bơi sát mép nước rồi rạch lên chân khóm tre. Tìm một chỗ mà Chuối mẹ đoán chắc là có tổ kiến gần đó. Chuối mẹ giả vờ chết, nằm im không động đậy. Trời nóng hầm hầm. Hơi nước lá ải cùng với mùi tanh trên mình Chuối mẹ bốc ra làm bọn kiến lửa gần đó thèm thuồng. Bọn chúng thi nhau đi kiếm mồi. Vừa bò loằng ngoằng vừa dò dầm về phía cỏ mùi tanh cá. 

Đầu tiên Chuối mẹ cảm thấy buồn buồn ở khắp mình, sau đó đau nhói trên da thịt. Biết kiến kéo đến đã đông, Chuối mẹ liền lấy đuôi quẩy mạnh, rồi nhảy tũm xuống nước. Bọn kiến không kịp chạy, nổi lềnh bềnh trên mặt ao. Đàn Chuối con ùa lại tranh nhau đớp tới tấp. Thế là đàn Chuối con được mẻ no nê. Chuối mẹ bơi quanh nhìn đàn con đớp mồi, vui quá nên quên cả những chỗ đau bị kiến đốt." 

Trích Mùa xuân trên cánh đồng Xuân Quỳnh

Đọc hiểu Mùa xuân trên cánh đồng Xuân Quỳnh

Đọc hiểu Mùa xuân trên cánh đồng Xuân Quỳnh (Tự luận) - Đề 1

Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo thể loại nào? Vì sao em biết điều đó?

Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt chính, ngôi kể và nhân vật chính của đoạn trích?

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong câu văn: “ Chuối mẹ giả vờ chết, nằm im không động đậy”

Câu 4: Hãy giải thích nghĩa từ “rạch” trong câu: “ Chuối mẹ bơi sát mép nước rồi rạch chân lên khóm tre”

Câu 5: Tìm các từ láy trong đoạn trích

Câu 6: Vì sao “trời bức bối, ngột ngạt” nhưng chuối mẹ không lặn xuống đáy cho mát mà "lại cố bơi… rồi rạch chân lên khóm tre"?

Câu 7: Qua đoạn trích trên em rút ra được những bài học ý nghĩa nào cho bản thân?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1:

- Đoạn trích được viết theo thể loại: Truyện đồng thoại

- Bởi vì nhân vật chính ở đây là cá Chuối mẹ có suy nghĩ và hành động được nhân hóa nhưng vẫn giữ đặc điểm của giống loài.

Câu 2:

- Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

- Ngôi kể: Ngôi kể ở góc nhìn thứ ba

- Nhân vật chính: Cá Chuối mẹ

Câu 3: 

- Biện pháp tu từ: Nhân hóa

- Tác dụng:

+ Làm cho câu văn trở nên sinh động, tăng sức gợi hình, gợi cảm.

+ Làm cho câu văn tăng nhịp điệu.

+ Gây ấn tượng cho độc giả về hành động của cá Chuối mẹ.

Câu 4:

- Từ “rạch” trong câu này có nghĩa là: sử dụng đồ vật để cứa ra, cắt ra tạo nên một vết cắt trên bề mặt khác.

u 5:

- Các từ láy trong đoạn trích: bức bối; ngột ngạt; hầm hầm; loằng ngoằng; dò dẫm; buồn buồn; lềnh bềnh; no nê. 

Câu 6: 

- Tuy trời “ bức bối, ngột ngạt” nhưng cá mẹ không lặn xuống đáy xong vì vẫn còn đàn cá con đang chờ để được ăn một bữa “no nê”. Nếu cá mẹ lặn xuống đáy thì cá con sẽ bị đói.

Câu 7: 

- Qua đoạn trích trên, em thấy rằng tình yêu thương của cha mẹ dành cho chúng ta vô cùng lớn lao. Cá Chuối mẹ vô cùng yêu thương con mình nên dù có phải chịu đau đớn thì cá mẹ vẫn cam tâm để cho các con mình có một bữa ăn no. Cá Chuối mẹ giống như cha mẹ chúng ta, dù có phải hy sinh tất cả thì cũng luôn mong muốn con cái mình sẽ có được những điều tốt đẹp nhất. Đoạn trích trên đã đưa đến cho chúng ta một bài học về tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả.

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

“Mùa xuân đã về trên cánh đồng. Bên kia đồi, tiếp với đồng, là rừng cây. Hoa cánh kiến nở vàng trên rừng, hoa sở và hoa kim anh trắng xóa.Những bầy ong từ rừng bay xuống đồng cỏ như những đám mây mỏng lấp lánh .Trên cánh đồng, cỏ ống cao lêu đêu, đong đưa trước gió.Cỏ gà , cỏ mật, cỏ tương tư xanh nõn. Ban mai nắng dịu, chi hót líu lo. Gió ngào ngạt mùi thơm của mật và phấn hoa. Mùa xuân ngày nào cũng là ngày hội.”

(Mùa xuân trên những cánh đồng - Xuân Quỳnh)


Đọc hiểu Mùa xuân trên cánh đồng Xuân Quỳnh (Tự luận) - Đề 2

Câu 1: Hãy tóm tắt nội dung đoạn văn trên bằng một câu văn ngắn gọn?

Câu 2. Đoạn văn trên miêu tả cảnh gì? Tác giả đã cảm nhận cảnh đó bằng những giác quan nào? Vì sao?

Câu 3. Trong câu văn: “Những bầy ong từ rừng bay xuống đồng như những đám mây trắng mỏng lấp lánh”.

a. Tìm một cụm danh từ có trong câu văn trên. Phân tích mô hình cấu tạo của cụm danh từ đó.

b. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn trên và cho biết tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Trả lời đọc hiểu 

Câu 1:

Đoạn văn trên là vẻ đẹp của những cánh đồng xuân, cánh đồng với vẻ đẹp trong sáng, cảnh sắc vô cùng tươi đẹp của rừng cây, các loài hoa, bầy ong, cỏ cây, chim, nắng, gió…

Câu 2:

Đoạn văn trên miêu tả cảnh mùa xuân trên cánh đồng với vẻ đẹp trong sáng được tác giả cảm nhận bằng cả thị giác và khứu giác. Một cánh đồng xuân rực rỡ với trăm hoa đua nở, các loài sinh vật đang bừng tỉnh sau mùa đông lạnh lẽo, ánh nắng chan hòa, gió thổi nhè nhẹ.

Câu 3:

Câu văn “Những bầy ong từ rừng bay xuống đồng như những đám mây trắng mỏng lấp lánh”.

a, Cụm danh từ có trong câu trên là : “ những bầy ong từ rừng”

b, Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu trên là so sánh “Những bầy ong từ rừng bay xuống đồng" được so sánh "như những đám mây trắng mỏng lấp lánh”.

Biện pháp tu từ so sánh trong câu này có tác dụng khiến cho câu văn trở nên gợi hình,gợi cảm, đàn ong bay theo đàn dưới ánh nắng trở nên sinh động, chân thực, chúng trở nên tươi sáng, lấp lánh như những đám mây mỏng. 


Đọc hiểu Mùa xuân trên cánh đồng Xuân Quỳnh (Trắc nghiệm) - Đề 3

Câu 1: Điều gì báo hiệu mùa xuân đã về trên cánh đồng

A. Sự thay đổi về hình dáng, màu sắc của các sự vật

B. Sự thay đổi về hương thơm của các loài cây

C. Âm thanh náo nhiệt hơn khi mùa xuân đến

Câu 2: Chọn từ ngữ chỉ đặc điểm của cảnh vật vào chỗ chấm để hoàn thành đoạn văn sau:

Mùa xuân đã về. Trên rừng, hoa cánh kiến …………….., hoa sở và hoa kim anh …………………….Trên đồng, cỏ ống ………………………, cỏ gà, cỏ mật …………………

A. xanh nõn, nở vàng, cao lêu đêu, trắng tinh.

B. trắng tinh, nở vàng, cao lêu đêu, xanh biếc.

C. nở vàng, trắng xóa, cao lêu đêu, xanh nõn.

Câu 3: Mỗi ngày khi mùa xuân đến đều được so sánh với ngày nào?

A. Ngày sinh nhật

B. Ngày hội

C. Ngày mùa

Câu 4: “Các anh sáo đá kêu rối rít, vút lên cao rồi lại sà xuống thấp.” là câu kiểu?

A. Ai làm gì?

B. Ai thế nào?

C. Ai là gì?

Trả lời đọc hiểu

Câu 1: A

Giải thích :Hoa cánh kiến nở vàng, hoa sở và hoa kim anh trắng xóa. Trên đồng, cỏ ống cao lêu đêu đong đưa trước
gió. Cỏ gà, cỏ mật xanh nõn.

→ Chọn đáp án A.

Câu 2: C

Giải thích: Hoa cánh kiến nở vàng, hoa sở và hoa kim anh trắng xóa. Trên đồng, cỏ ống cao lêu đêu đong đưa trước
gió. Cỏ gà, cỏ mật xanh nõn.

Câu 3: B

Giải thích :

Mùa xuân, ngày nào cũng là ngày hội.

→ Chọn đáp án B

Câu 4: A

Giải thích

Câu hỏi: Các anh sáo đá làm gì?

Trả lời: Các anh sáo đá kêu rối rít, vút lên cao rồi lại sà xuống thấp.

→ Chọn đáp án A.

Hoàng Thùy Phương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question