image hoi dap
image hoi dap

Đọc hiểu Mùi rơm rạ quê mình

icon-time26/9/2023

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Mùi rơm rạ quê mình: Chỉ ra yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình trong văn bản. Phân tích tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố đó trong các đoạn (3), (4), (5) của văn bản. Xác định cách giải thích nghĩa của từ “ngan ngát” trong văn bản. Phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ được dùng trong đoạn (4). Xác định chủ đề của văn bản. Em nhận xét như thế nào về chủ đề ấy? 

Đọc văn bản sau:

MÙI RƠM RẠ QUÊ MÌNH…

(1) Tôi sinh ra từ một vùng sâu vùng xa ở bưng biền Đồng Tháp, lớn lên giữa hương đồng cỏ nội. Nơi tôi sống ruộng lúa không hẳn là thẳng cánh cò bay mà đủ ngan ngát mùi rơm rạ sau mỗi mùa gặt.

(2) Đối với những người sinh ra và lớn lên ở thôn quê thì dường như cánh đồng đã trở thành một phần ký ức chẳng thể nào quên, bởi nó gắn liền với tuổi thơ - phần thời gian trong trẻo nhất của một đời người.

(3) Trong ký ức của tôi, bức tranh đồng quê sống động một cách kỳ lạ. Đó là những sân phơi trải đầy lúa vàng, tụi con nít vẫn hay đi tới đi lui trên những thảm lúa ngoài sân để lúa mau khô, những bước chân nhỏ xinh in ngang dọc trên đệm lúa vàng. Chúng bước nhanh thật nhanh để tránh cái nắng trên đầu và cái nóng hừng hực dưới chân. Ngày mùa trong tôi còn là những ụ rơm, nhánh rạ trơ ra sau vụ gặt. Đâu đâu cũng thấy rơm rạ ngút ngàn, vàng những lối đi.

(4) Tôi thương cái mùi rơm rạ quê mình. Nó cứ thoang thoảng rồi loang dần, quấn chặt vào sống mũi. Mùi rơm rạ là mùi của đồng ruộng, mùi của mồ hôi ba ngày vác cuốc ra đồng, mùi của niềm vui mùa lúa trúng, mùi nỗi buồn nơi khoé mắt mẹ sau mỗi vụ thất thu.

(5) Nồi cơm mới thơm lừng, không những thơm bởi hạt gạo mà còn vì được đun bằng bếp rơm, lửa cháy bùng, cơm sôi ùng ục. Đó là cái mùi cứ phảng phất theo tôi, để rồi những tháng năm sau đóm tôi đi khắp mọi miền, đi qua những đồng lúa xanh tít mắt bất chợt nhớ đến mùi thơm ấy, mùi hương của rơm rạ và mùi của chén gạo thơm hương lúa mới. Cái mùi ấy ngan ngát trong lồng ngực không dễ quên của biết bao con người lớn lên từ ruộng đồng như tôi.

(6) […] Tôi lớn lên giữa mùi rơm rạ quê hương, mấy đứa bạn tôi giờ mỗi đứa một nơi. Có đứa qua xứ Tây Đô lập nghiệp, có đứa đi làm dâu tận vùng miệt thứ Cà Mau. Còn tôi… sống và làm việc ở phố thị xa hoa, đêm đêm nhớ nhà, nhớ mùi rơm rạ mà bật khóc. Chao ôi, cái mùi rạ nồng nồng khó tả.

(7) Mỗi lần về nhà đúng mùa gặt lúa, tôi hít lấy một hơi thật sâu như muốn nuốt hết cái không khí ấy, nhớ về mình còn là đứa trẻ của những tháng năm xưa. Những tháng năm đầu trần ngồi máy kéo ra đồng nghịch rơm, những tháng năm còn được nằm trọn trong vòng tay của ba mẹ.

(8) Có sợi rơm nào bay theo gió vương qua cành lá non, phảng phất hương vị của mùa mới, mùa của yêu thương, ước vọng và hy vọng. Tôi mang theo những khát khao, những ước mơ của mình gửi vào hương vị đó để thấy ấm áp, góp nhặt yêu thương cho riêng mình.

(9) Những kí ức tuổi thơ gắn liền với mùi rơm rạ quê hương bỗng chốc ùa về làm cho con đường đến sân bay trở nên ngắn ngủi. Tôi và anh tài xế công nghệ kia tạm gác lại những ký ức miền Tây thân thương của mình để hoà vào nhịp sống hối hả. Tôi tin là nó chỉ tạm lắng lại trong tâm thức mỗi người rồi đến khi gặp người “rà đúng tần số” hoặc đôi khi chỉ cần nhắc về hai tiếng miền Tây thì những ký ức thân thương ấy lại ào ạt ùa về. Đã là tuổi thơ, là quê hương thì làm sao mà quên cho được.

(Nhiều tác giả, Nghĩa tình miền Tây, NXB Hồng Đức, 2022, tr. 41-44)


Đọc hiểu Mùi rơm rạ quê mình - Đề 1

Đọc hiểu Mùi rơm rạ quê mình

Câu 1. Chỉ ra yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình trong văn bản. Phân tích tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố đó trong các đoạn (3), (4), (5) của văn bản.

Câu 2. Xác định cách giải thích nghĩa của từ “ngan ngát” trong văn bản. 

Câu 3. Phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ được dùng trong đoạn (4). 

Câu 4. Xác định chủ đề của văn bản. Em nhận xét như thế nào về chủ đề ấy? 

Câu 5. Em có đồng ý với quan điểm của tác giả rằng: những ký ức “chỉ tạm lắng lại trong tâm thức mỗi người” bởi “đã là tuổi thơ, là quê hương thì làm sao mà quên cho được”? Vì sao? 

Câu 6. Trong văn bản, tác giả đã gửi vào ký ức tuổi thơ “những khát khao, những ước mơ” để “thấy ấm áp, góp nhặt yêu thương cho riêng mình”. Còn với em, kí ức tuổi thơ có ý nghĩa gì trong cuộc sống con người? Hãy viết câu trả lời từ 8 - 10 dòng. 


Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Đọc hiểu Mùi rơm rạ quê mình (ảnh 2)

Câu 1. 

Yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình trong văn bản. 

+ Yếu tố tự sự: “Đó là những sân phơi trải đầy lúa vàng, tụi con nít vẫn hay đi tới đi lui trên những thảm lúa ngoài sân để lúa mau khô, những bước chân nhỏ xinh in ngang dọc trên đệm lúa vàng. Chúng bước nhanh thật nhanh để tránh cái nắng trên đầu và cái nóng hừng hực dưới chân.”

+ Yếu tố trữ tình: “Tôi thương cái mùi rơm rạ quê mình. Nó cứ thoang thoảng rồi loang dần, quấn chặt vào sống mũi.”

→ Tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố đó trong các đoạn (3), (4), (5) của văn bản là: 

+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho đoạn văn.

+ Giúp tái hiện những kí ức tuổi thơ gắn với cánh đồng quê của tác giả.

Câu 2. 

Từ “ngan ngát” trong văn bản có nghĩa là một mùi thơm dễ chịu và lan toả ra xa. 

Câu 3. 

Biện pháp tu từ được dùng trong đoạn (4) là liệt kê (đồng ruộng, mồ hôi ba, niềm vui mùa lúa trúng, nỗi buồn nơi khoé mắt mẹ) và điệp từ “mùi”. 

→ Tác dụng:

+ Làm cho câu văn sinh động hấp dẫn hơn đồng thời tạo sức gợi hình, gợi cảm cho văn bản.

+ Nhấn mạnh những kỉ niệm gắn với mùi rơm rạ của tác giả.

Câu 4. 

Chủ đề của văn bản là: Tình yêu thương, tình yêu với quê hương, đất nước.

Nhận xét về chủ đề: Tuy không phải chủ đề mới lạ nhưng vẫn luôn là chủ đề hay, nhiều người yêu thích.

Câu 5. 

Em đồng ý với quan điểm của tác giả rằng: những ký ức “chỉ tạm lắng lại trong tâm thức mỗi người” bởi “đã là tuổi thơ, là quê hương thì làm sao mà quên cho được”. Vì tuổi thơ và quê hương là thứ mà ai cũng có và chỉ có một mà thôi. Việc quên đi hai thứ đó chính là quên mất con người của mình.

Câu 6. 

Kí ức tuổi thơ đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của mỗi con người, không một ai là có kí ức giống nhau cả. Kí ức tuổi thơ tác động đến tính cách và lối sống của mỗi con người. Tuy nhiên, kí ức có thể là những kỉ niệm vui tươi, hồn nhiên nhưng cũng có thể là những kí ức đau buồn mà con người muốn quên đi hoặc không muốn nhớ. Những đứa trẻ có tuổi thơ tươi đẹp sẽ lớn lên một cách hạnh phúc, biết sống sẻ chia, yêu thương còn những đứa trẻ có tuổi thơ kém may mắn hơn có thể lớn lên sẽ hạnh phúc nhưng những kỉ niệm thơ ấu sẽ luôn là những kỉ niệm mà chúng không muốn nhắc lại.


Đọc hiểu Mùi rơm rạ quê mình - Đề 2

Câu 1: Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt chính là?

A. Tự sự, nghị luận

B. Miêu tả, biểu cảm

C. Tự sự

D. Nghị luận

Câu 2: Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn 4

A. liệt kê và điệp từ

B. Liệt kê

C. Điệp từ

D. So sánh, nhân hóa

Câu 3: Đâu không phải chủ đề của văn bản trên? 

A. Tình yêu thương, tình yêu với quê hương, đất nước.

B. Nỗi nhớ mong kỉ niệm xưa, đồng thời bộc lộ tình yêu quê hương, đất nước.

C. Sự yêu thương, những tình cảm trân quý của tác giả dành cho quê hương đất nước

D. Mong ước của tác giả về sự bình an cho quê hương đất nước.

Câu 4: Em hãy nêu tác dụng của yếu tố trữ tình sau đây: “Tôi thương cái mùi rơm rạ quê mình. Nó cứ thoang thoảng rồi loang dần, quấn chặt vào sống mũi.”

A. Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho diễn đạt

B. Tái hiện những kí ức tuổi thơ gắn với cánh đồng quê, vừa bộc lộ trực tiếp tâm tư, tình cảm của tác giả.

C. Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho diễn đạt đồng thời tái hiện những kí ức tuổi thơ gắn với cánh đồng quê, vừa bộc lộ trực tiếp tâm tư, tình cảm của tác giả.

D. Giúp người đọc trực tiếp hiểu được tâm tư tình cảm của tác giả dành cho quê hương đất nước.

Câu 5: Từ văn bản trên, em đã rút ra những bài học gì về tình yêu quê hương đất nước?

A. Hãy trân trọng những giá trị thực tại của quê hương đất nước .

B. Luôn lưu giữ, gìn giữ và phát huy truyền thống cao đẹp của quê hương đất nước.

C. khuyên con người phải biết ghi nhớ cội nguồn, cho dù ở bất cứ nơi đâu quê hương đất nước vẫn luôn tồn tại trong tâm trí mỗi người.

D. Tất cả phương án trên.


Trả lời đọc hiểu

Câu 1: C. Tự sự

Giải thích: Tự sự hay còn được gọi là phương thức biểu đạt tự sự (kể chuyện) là phương thức trình bày, tường thuật một chuỗi các sự việc, hiện tượng bằng cách nói, viết, vẽ.

Câu 2: A. liệt kê và điệp từ

Giải thích: 

- Liệt kê: đồng ruộng, mồ hôi ba, niềm vui mùa lúa trúng, nỗi buồn nơi khoé mắt mẹ

- Điệp từ “mùi”

Câu 3: D. Mong ước của tác giả về sự bình an cho quê hương đất nước.

Câu 4: C. Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho diễn đạt đồng thời tái hiện những kí ức tuổi thơ gắn với cánh đồng quê, vừa bộc lộ trực tiếp tâm tư, tình cảm của tác giả.

Câu 5: D. Tất cả phương án trên.

---------------------------------- 

Trên đây Topbee đã mang tới cho các em các câu hỏi giải đáp cho đề Đọc hiểu Mùi rơm rạ quê mình. Hy vọng các câu trả lời trong bộ đề sẽ giúp ích cho quá trình học tập của các em.

Phương Linh
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question