Đọc hiểu Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu (Vũ Nho)
Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu (Vũ Nho): Xác định hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng của văn bản. Nêu luận đề của văn bản. Dựa trên cơ sở nào em xác định như vậy? Tìm câu văn thể hiện bằng chứng khách quan và ý kiến, đánh giá chủ quan của người viết trong đoạn văn sau:
Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi:
THIÊN NHIÊN VÀ HỒN NGƯỜI LÚC SANG THU
(Vũ Nho)
Với các thi nhân, mùa thu lưu dấu ấn của mình trong những vần thơ đượm một vẻ riêng trong trẻo. Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi,… đều có những câu thơ, bài thơ tuyệt đẹp. Đến lượt mình, Hữu Thỉnh lại làm cho mùa thu có thêm hương sắc mới.
Mùa thu đến với anh khá đột ngột và bất ngờ, không hẹn trước. Bắt đầu không phải là những nét đặc trưng của trời mây hay sắc vàng hoa cúc như trong thơ cổ điển. Bắt đầu là hương ổi thơm náo nức. Một chữ “phả” kia đủ gợi hương thơm như sánh lại. Nó sánh bởi vì hương đậm một phần, sánh còn bởi tại hơi gió se. Hương thơm luồn vào trong gió được tinh lọc, được cô đặc thêm. Gió mùa thu hào phóng đem chia hương mùa thu – bấy giờ là hương ổi chín – tới khắp nơi trong vũ trụ. Tại một vùng quê nhỏ, trong một giây phút nào đó, người viết chợt bắt gặp hương thu và bỗng sững sờ.
Đã cảm được “hương ổi”, đã nhận ra “gió se”, hơn thế nữa mắt lại còn nhìn thấy sương đang “chùng chình qua ngõ”. Những dấu hiệu đặc trưng của mùa thu đều hiện diện. Thế mà sao tác giả lại viết: “Hình như thu đã về”? Còn điều chỉ nữa mà ngờ? Thu đã về thật đấy rồi, sao còn nghi hoặc? Như đã nói ở trên, cái chính là sự bất ngờ, đột ngột. Do bất ngờ nên cả khứu giác (hương ổi), cả xúc giác (hơi gió se), cả thị giác (sương chùng chình) đều mách bảo thu về mà vẫn chưa thể tin, vẫn chưa dám chắc. Cái bảng lảng mơ hồ chính trong cảm giác “hình như” ấy đã tôn thêm vẻ sương khói lãng đãng lúc thu sang. Đó là một nguyên nhân. Nhưng sâu xa hơn, ở đây còn bộc lộ nét sang thu trong hồn người mà sau chúng ta sẽ nói tới.
Đó là một ấn tượng tổng hợp từ những cảm giác riêng về hương, về gió, về sương. Từ hương nhận ra gió. Từ gió nhận ra sương. Nhưng khi phát hiện “sương chùng chình qua ngõ” thì trong sương cũng có hương, trong sương cũng có gió, và trong sương dường như có cả tình. “Chùng chình” hay chính là sự lưu luyến, bâng khuâng, ngập ngừng, bịn rịn? Cái ngõ mà sương đẫm hương, sương theo gió đang ngập ngừng đi qua vừa là cái ngõ thực, vừa là cái ngõ thời gian thông giữa hai mùa. Phút giao mùa của thiên nhiên ấy, nhìn thấy rồi, cảm thấy rồi mà sững sờ tưởng khó tin. Do đó, “hình như thu đã về” còn như là một câu thầm hỏi lại mình để có một sự khẳng định.
(Trích SGK Văn 8 CTST trang 62 - 65)
Đọc hiểu Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu (Vũ Nho)
Câu 1: Xác định hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng của văn bản.
Câu 2: Nêu luận đề của văn bản. Dựa trên cơ sở nào em xác định như vậy?
Câu 3: Tìm câu văn thể hiện bằng chứng khách quan và ý kiến, đánh giá chủ quan của người viết trong đoạn văn sau:
Với các thi nhân, mùa thu lưu dấu ấn của mình trong những vần thơ đượm một vẻ riêng trong trẻo: Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh. Nguyễn Đình Thi,... đều có những câu thơ, bài thơ tuyệt đẹp. Đến lượt mình, Hữu Thỉnh lại làm cho mùa thu có thêm hương sắc mới.
Câu 4: Em có đồng ý với nhận định: " Nhan đề Sang Thu vừa bao trùm lại vừa thấm vào từng từ ngữ, cảnh vật" hay không? Vì sao?
Câu 5: Viết đoạn văn (từ bảy đến chín câu) để trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của thiên nhiên lúc giao mùa.
Trả lời câu hỏi đọc hiểu
Câu 1:
Hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng của văn bản là:
* Luận điểm 1: Mùa thu đến một cách đột ngột và bất ngờ:
- Bắt đầu là hương ổi thơm nao nức.
- Sương chùng chình qua ngõ.
* Luận điểm 2: Cảm nhận thực về mùa thu:
- Tác giả quan sát thiên nhiên ở không gian rộng lớn hơn.
- Thấy được sự đổi thay của các sự vật:
+ Dòng sông khác ngày thường.
+ Chim bắt đầu vội vã.
+ Đám mây chuyển mình.
* Luận điểm 3: Những dấu hiệu rõ ràng của mùa thu.
- Mùa thu được cảm nhận bằng cả kinh nghiệm lẫn suy ngẫm.
- Sự khác thường của mưa, nắng, sấm, chớp...
* Luận điểm 4: Cảm nhận, suy nghĩ, tình cảm của tác giả đối với mùa thu.
- Sự thay đổi của con người khi sang thu.
Câu 2:
- Luận đề của văn bản: Cảm nhận về thiên nhiên và hồn người lúc sang thu.
- Dựa vào những luận điểm, luận cứ đã nêu ở câu 1.
Câu 3:
- Câu văn thể hiện bằng chứng khách quan: Với các thi nhân, mùa thu lưu dấu ấn của mình trong những vần thơ đượm một vẻ riêng trong trẻo: Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh. Nguyễn Đình Thi,... đều có những câu thơ, bài thơ tuyệt đẹp.
- Ý kiến, đánh giá chủ quan của người viết trong đoạn văn: Đến lượt mình, Hữu Thỉnh lại làm cho mùa thu có thêm hương sắc mới.
Câu 4:
Em đồng ý với nhận định: " Nhan đề Sang Thu vừa bao trùm lại vừa thấm vào từng từ ngữ, cảnh vật". Vì, nhan đề này của bài thơ đã giúp tác giả truyền tải chủ đề tác phẩm, thành công trong việc thể hiện sự lựa chọn tuyệt vời của khoảnh khắc thời gian, tạo nên một sự kết hợp đầy tinh tế giữa sự mơ hồ và cái có, tạo ra cho tâm hồn của người đọc cảm giác đong đầy của mùa thu. Đó chính là sự nhạy cảm, nhẹ nhàng, vừa lạ vừa quen, đã đánh thức những cảm xúc sâu thẳm nhất trong ta. "Sang thu" cũng thể hiện sự chuyển biến của cuộc đời, khi đời người sang thu, đã trải qua nhiều thăng trầm.
Câu 5:
Tiết trời đã bắt đầu chuyển từ cái oi nồng, nóng bức của mùa hạ sang vẻ dịu nhẹ, gió thu se sẽ, thay vào cái nóng gắt của mùa hè là một bầu trời trong xanh, lộng gió. Nhịp sống chậm rãi khiến em cảm nhận sâu sắc khoảnh khắc tiết trời chuyển mình từ cuối hạ sang đầu thu. Còn đâu những trưa hè nắng đổ lửa, dát vàng những con đường. Thay vào đó là tia nắng dịu êm, chờn vờn từng góc phố, hàng cây. Gió heo may bao trùm khắp con ngõ nhỏ. Những đám mây trắng lãng đãng như vẫn còn ấm màu nắng của mùa hạ. Đâu đó màu hoa cúc nở rộ bỗng nhuốm đầy không gian hòa vào với khung cảnh thơ ca êm đềm, thơ mộng. Không khí se lạnh khiến mọi người phải vội tìm cho mình một chiếc áo khoác mỏng, một bàn tay ấm. Thiên nhiên, con người như hòa quyện vào nhau. Chính vì thế mà em càng thêm yêu và say đắm khoảnh khắc chớm thu.
----------------------------------
Trên đây Topbee đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu (Vũ Nho). Những câu trả lời dựa trên ngữ liệu văn bản, được chắt lọc kỹ càng đảm bảo chính xác nhất. Hy vọng bài đọc hiểu sẽ giúp các em học tốt môn Ngữ Văn!