

Đọc hiểu thương nhớ mùa xuân
“Thương nhớ mùa xuân” là đoạn trích trích từ tác phẩm “Thương nhớ mười hai” của tác giả Vũ Bằng. Hãy cùng Topbee trả lời những câu hỏi đề Đọc hiểu thương nhớ mùa xuân nhé!
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng Giêng là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân.
Ởi ơi người em gái xoã tóc bên cửa sổ! Em yêu mùa xuân có phải vì nghe thấy rạo rực nhựa sống trong cành mai, gốc đào, chồi mận ở ngoài vườn?
… Tôi yêu sông xanh, núi tím; tôi yêu đôi mày ai như trăng mới in ngần và tôi cũng xây mộng ước mơ, nhưng yêu nhất mùa xuân không phải là vì thế.
Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huệ tình của cô gái đẹp như thơ mộng.
… Anh có thể đạp cỏ trên Hồ Gươm, đợi đến sâm sẩm tối ra ngồi ở Thuỷ Tạ nhìn các cô gái đẹp như tiên mặc áo nhung, áo len trăm màu ngàn sắc, in bóng hình xuống đáy nước lung linh; anh có thể vào một nhà hát thưởng vài khẩu trống”, “mở quả mứt” phong bao cho các chị em, rồi uống với mỗi em một li rượu “lấy may”; anh có thể đi vào một ngôi chùa khỏi nhang nghi ngút, dưa mắt nhìn xem có cô nào thực xinh thì quỳ ngay xuống bên cạnh cầu Trời khẩn Phật cho cô càng ngày càng đẹp và trong năm lấy được một người chồng xứng ý như... anh vậy.
Đẹp quá đi, mùa xuân ơi — mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến. Nhưng tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng Giêng,
Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu Giêng, nhưng trái lại, lại nức một mùi hương man mát. Thường thường, vào khoảng đó trời đã hết nồm, mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời dùng đục như màu pha lê mờ. Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ở trên trời, mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa. Trên giàn hoa lí, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa. Chỉ độ tám, chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve sầu mới lột.
Ấy là lúc thịt mỡ dưa hành đã hết, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị có cả om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng. Cánh màn điều treo ở trước bàn thờ ông vải đã hạ xuống từ hôm “hoá vàng” và các trò vui ngày Tết cũng tạm thời kết thúc để nhường chỗ cho cuộc sống êm đềm thường nhật.
( “Thương nhớ mùa xuân” - trích “Thương nhớ mười hai” - Vũ Bằng)
Đọc hiểu thương nhớ mùa xuân
Câu 1: Cảnh sắc và con người Hà Nội vào mùa xuân có đặc điểm gì?
Câu 2: Liệt kê một số câu văn cho thấy sự hiện diện cái “tôi” của tác giả trong văn bản?
Câu 3: Chỉ ra yếu tố tự sự, yếu tố trữ tình và tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố đó trong đoạn trích trên?
Câu 4: Biện pháp nghệ thuật và tác dụng được sử dụng trong đoạn:
Anh có thể đạp cỏ trên Hồ Gươm, đợi đến sâm sẩm tối ra ngồi ở Thuỷ Tạ nhìn các cô gái đẹp như tiên mặc áo nhung, áo len trăm màu ngàn sắc, in bóng hình xuống đáy nước lung linh; anh có thể vào một nhà hát thưởng vài khẩu trống”, “mở quả mứt” phong bao cho các chị em, rồi uống với mỗi em một li rượu “lấy may”; anh có thể đi vào một ngôi chùa khỏi nhang nghi ngút, dưa mắt nhìn xem có cô nào thực xinh thì quỳ ngay xuống bên cạnh cầu Trời khẩn Phật cho cô càng ngày càng đẹp và trong năm lấy được một người chồng xứng ý như... anh vậy.

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu thương nhớ mùa xuân
Câu 1:
- Cảnh sắc và con người Hà Nội vào xuân đều rất tươi đẹp, khiến ai cũng phải mê mẩn ngắm nhìn
Câu 2:
- Một số câu văn cho thấy sự hiện diện cái “tôi” của tác giả trong văn bản:
+ Tôi yêu sông xanh, núi tím; tôi yêu đôi mày ai như trăng mới in ngần và tôi cũng xây mộng ước mơ, nhưng yêu nhất mùa xuân không phải là vì thế.
+ Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội.
+ Nhưng tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng Giêng.
Câu 3:
- Yếu tố tự sự:
+ Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu Giêng, nhưng trái lại, lại nức một mùi hương man mát… Chỉ độ tám, chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve sầu mới lột.
+ Anh có thể đạp cỏ trên Hồ Gươm, đợi đến sâm sẩm tối ra ngồi ở Thuỷ Tạ nhìn các cô gái đẹp như tiên mặc áo nhung, … lấy được một người chồng xứng ý như... anh vậy.
+ Ấy là lúc thịt mỡ dưa hành đã hết,… nhường chỗ cho cuộc sống êm đềm thường nhật.
- Yếu tố trữ tình:
+ Ởi ơi người em gái xoã tóc bên cửa sổ! Em yêu mùa xuân có phải vì nghe thấy rạo rực nhựa sống trong cành mai, gốc đào, chồi mận ở ngoài vườn?
+ Tôi yêu sông xanh, núi tím; tôi yêu đôi mày ai như trăng mới in ngần và tôi cũng xây mộng ước mơ, nhưng yêu nhất mùa xuân không phải là vì thế.
+ Đẹp quá đi, mùa xuân ơi — mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến. Nhưng tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng Giêng,
- Tác dụng của việc kết hợp hai biện pháp:
+ Tăng tính gợi hình, gợi cảm cho đoạn trích
+ Làm đoạn trích trở nên có vần điệu nhịp nhàng
+ Vừa kể lại cho độc giả thấy được những nét đẹp, những giá trị văn hóa truyền thống chỉ tới Tết mới xuất hiện của Hà thành, cũng vừa cho thấy được những suy nghĩ, tình cảm của tác giả dành cho mùa xuân ấy nhiều tới mức nào.
Câu 4:
- Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn: Biện pháp điệp cấu trúc
“Anh có thể…”
- Tác dụng của biện pháp:
+ Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho đoạn văn
+ Khiến đoạn văn trở nên có vần điệu hơn
+ Giới thiệu cũng như gây ấn tượng cho độc giả bằng những hoạt động phong phú có thể thực hiện trong ngày Tết