5 câu hỏi trong 1 đề Đọc hiểu Tôi tự học (Mục đích của sự học là gì?)
Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên: Hoàng Thị Dung
- Giáo viên Ngữ Văn với 3 năm kinh nghiệm
Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên: Hoàng Thị Dung
- Giáo viên Ngữ Văn với 3 năm kinh nghiệm
Đọc văn bản sau:
TÔI TỰ HỌC
(Nguyễn Duy Cần)
Mục đích của sự học là gì? Học là để mưu cầu hạnh phúc, nghĩa là làm cho mình ngày càng mới, càng cao, càng rộng... Học là để gia tăng sự hiểu biết của mình, mở rộng tâm hồn của mình bằng cách thu nhận sự hiểu biết cùng những kinh nghiệm của người khác. Cũng giống như một đứa trẻ mới sinh nặng chưa đầy ba kí, thế mà càng ngày càng lớn đến năm, sáu chục kí trong khoảng vài mươi năm sau, phải chăng nhờ rút lấy không khí, đồ ăn, đồ uống... mà tiến từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh, nghĩa là càng ngày càng mới, càng cao, càng lớn. Bởi vậy tôi cho rằng học cũng như ăn.
Ăn mà không tiêu thì có hại cho sức khoẻ. Học mà không hóa thì có hại cho tinh thần. Cỏ con cừu ăn mà được tiêu, sẽ không còn là cỏ nữa mà là bộ lông mượt đẹp của nó. Dâu con tằm ăn mà được tiêu, sẽ không còn là dâu nữa mà là sợi tơ mịn màng tươi tốt của nó. Người có học thức là người đã thần hóa những cái học của mình. Bởi vậy họ dường như không biết gì cả mà không có cái gì là không biết.
Học mà đến mức quên hết cả sách vở của mình đã học thì cái học ấy mới là “nhập diệu ”. Một điều gì học mà mình còn cố nhớ là nó chưa được nhập vào tâm. Chỉ khi nào mình không cần nhớ mà nó vẫn tự nhiên hiển hiện trong tâm trí thì cái học ấy mới gọi là đã được tiêu hóa. Người học đánh máy chữ mà còn để ý tìm từng con chữ, cố nhớ vị trí của từng con chữ là người đánh máy chưa tinh. Người học đi xe đạp mà còn cố để ý đến bàn đạp, cách đạp là người đạp xe chưa thạo. Tôi nhớ lúc còn nhỏ, gần đến ngày thi, tôi băn khoăn nói với cha: “Sao con học nhiều thế mà nay dường như không còn nhớ gì cả. Lòng con như quên hết, không biết lúc thi có nhớ được gì không? Con sợ quá!” Cha tôi cười bảo: “Đấy là con học đã chín muồi rồi. Quên tức là nhớ nhiều rồi đó. Con hãy yên tâm...” Thật đúng như lời cha, đến ngày thi, giám khảo hỏi đâu, tôi trả lời liền đó một cách dễ dàng hết sức.
Và Herriot cũng từng nói: “Học thức là cải còn lại khi mình đã quên tất cả.” Đó chính là cái điệu pháp của phép học.
(Trích, Tôi tự học, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2022, tr.29-30)
Thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 5:
1. Văn bản trên thuộc loại văn bản nào?
Văn bản trên thuộc văn bản nghị luận xã hội.
2. Văn bản bàn về vấn đề gì?
Văn bản trên bàn về việc học/mục đích, yêu cầu của việc học.
3. Các câu sau có mối liên hệ như thế nào với luận điểm của văn bản?
“Cỏ con cừu ăn mà được tiêu, sẽ không còn là cỏ nữa mà là bộ lông mướt đẹp của nó. Dâu con tằm ăn mà được tiêu, sẽ không còn là dâu nữa mà là sợi tơ mịn màng tươi tốt của nó.”
Các câu này là những bằng chứng minh họa gần gũi, tiêu biểu được thể hiện một cách logic, sinh động góp phần làm sáng tỏ khía cạnh luận điểm của văn bản học phải thật nhuần nhuyễn, phải biến tri thức học được thành “tài sản” có giá trị của mình.
4. Nhận xét về tác dụng của một số yếu tố miêu tả và tự sự được sử dụng trong văn bản
- Yếu tố miêu tả (một đứa trẻ mới sinh, bộ lông mướt đẹp của cừu, sợi tơ mịn màng tươi tốt của tằm, người đánh máy tính, người đi xe đạp).
- Yếu tố tự sự trong văn bản (cuộc trò chuyện với người cha);
=> Tác dụng của các yếu tố đó là những bằng chứng thực tế để chứng minh, làm rõ cho luận điểm, giúp cho nội dung nghị luận trở nên sinh động, rõ ràng, góp phần làm tăng tính thuyết phục của văn bản.
5. Anh/ Chị tâm đắc nhất với mục đích nào của sự học mà tác giả đề cập ở phần đầu văn bản? Vì sao?
Ví dụ: Một trong những mục đích quan trọng nhất của việc học là để bồi dưỡng tâm hồn, khơi dậy trong ta những khát vọng cao đẹp, làm cho bản thân “ngày càng mới, càng cao, càng rộng.” Và khi khát vọng được thắp lên, con người sẽ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, nỗ lực nhiều hơn để đạt được điều mình ấp ủ. Mỗi ngày đến với chúng ta là mỗi ngày vui vẻ bởi sự nảy nở của những cảm xúc tích cực, mong muốn được sẻ chia, được yêu thương và thấu hiểu. Cuộc sống tinh thần của chúng ta vì vậy mà trở nên “giàu có” và thi vị hơn.