image hoi dap
image hoi dap

Em hãy phân tích bản chất của lối học đối phó để nêu lên những tác hại của nó

icon-time31/1/2024

Học tập là quá trình không ngừng nghỉ, nỗ lực của con người. Vì thế hãy thay đổi cách học, cùng Topbee nghị luận về lối học đối phó để hiểu biết rộng hơn qua bài phân tích bản chất của lối học đối phó để nêu lên những tác hại của nó nhé !


Dàn ý phân tích bản chất của lối học đối phó

a. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề nghị luận qua cách mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp.

b. Thân bài

- Giải thích: "Học đối phó" là học với thái độ chống đối, chỉ cốt học cho xong mà không hề có đam mê hay hứng thú với việc học. Học đối phó gây hệ lụy lớn đến tương lai của học sinh, khiến học sinh trở nên lười suy nghĩ và để lại nhiều hậu quả xấu khó lường.

- Thực trạng:

+ Tình trạng học đối phó đang tồn tại rất phổ biến và dễ dàng nhận ra ở thế hệ học sinh ngày nay.

+ Nhiều học sinh dùng phương pháp này để đối phó với thầy cô với châm ngôn “học cho có” để qua mắt thầy cô.

- Biểu hiện:

+ Bài tập được giao về nhà không sử dụng đầu óc để suy nghĩ mà nhanh chóng chép mạng và sử dụng thời gian đó để làm những công việc vô bổ.

+ Thiếu nghiêm túc trong giờ học

- Nguyên nhân: 

+ Ý thức tự giác trong học tập của học sinh chưa cao, không có mục tiêu học tập rõ ràng, dễ nản chí khi gặp khó khăn,

+ Áp lực từ phía bạn bè, gia đình, thầy cô về điểm số hoặc những vấn đề khác.

- Hậu quả:

+ Hạn chế khả năng tư duy của học sinh, chỉ ỉ lại vào những tài liệu có sẵn mà không chịu động não suy nghĩ ra vấn đề.

+ Cản trở sự phát triển của học sinh, cản bước tới con đường vinh quang của mình.

+ Chất lượng giáo dục nước nhà sẽ bị giảm sút, không đánh giá đúng được học lực thực tế của học sinh.

- Dẫn chứng: Do lối học thụ động của nhiều học sinh mà nhiều trường Đại học đã không còn chú trọng sử dụng kết quả kì thi THPT QG mà thay vào đó là sử dụng kỳ thi Đánh giá năng lực để đánh giá chính xác về chất lượng và tăng khả năng tư duy, logic học sinh.

- Biện pháp: 

+ Học sinh cần tự giác trong việc học xác định mục tiêu và kế hoạch học tập rõ ràng, ý thức tầm quan trọng của việc tự học.

+ Gia đình và nhà trường cần sát sao đối với việc học ở nhà và trên trường của học sinh, không gây sức ép quá lớn để tránh mất hứng thú với việc học.

c. Kết bài

- Nêu một số suy nghĩ của mình về lối học đối phó và một số lời khuyên

- Rút ra bài học bản thân.


Phân tích bản chất của lối học đối phó – Mẫu 1

“Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là là giống của hạnh phúc” – Ngạn ngữ Gruzia. Quả đúng như vậy, học tập là con đường ngắn nhất dẫn tới thành công, là hạt giống gieo mầm hạnh phúc. Tuy nhiên, hiện tượng học đối phó lại tồn tại rất nhiều ở học sinh. 

"Học đối phó" là học với thái độ chống đối, chỉ cốt học cho xong mà không hề có đam mê hay hứng thú với việc học. Học đối phó gây hệ lụy lớn đến tương lai của học sinh, khiến học sinh trở nên lười suy nghĩ và để lại nhiều hậu quả xấu khó lường. Học tập là nền tảng vững chắc nhất để đưa bạn tới thành công. Học tập không chỉ đơn thuần là nhận thông tin từ sách vở, mà còn là quá trình kết hợp giữa "học" và "hành". Nếu bạn chỉ coi việc học là cách để đạt điểm cao, mà không quan tâm đến việc hiểu và thực hành, thì đó là một điều đáng tiếc vì đó chính là học đối phó. 

Những người học đối phó là những người không trung thực trong học tập, không tự giác làm bài khi được giao mà  mà chỉ chờ đợi để sao chép từ bạn bè hoặc tìm lời giải trên mạng để đạt điểm số cao. Khi bài tập được giao về nhà không sử dụng đầu óc để suy nghĩ mà nhanh chóng chép mạng và sử dụng thời gian đó để làm những công việc vô bổ. Khiến đầu óc bị chậm chạp, thụ động, mất sự linh hoạt, nhanh nhẹn, không còn tư duy logic, phản biện nữa. Trong giờ học làm việc riêng, nói chuyện, ăn uống, chơi điện tử,… những điều ấy không chỉ thể hiện đó là học sinh học đối phó mà còn là học sinh không tôn trọng giáo viên, cha mẹ và các bạn bè đang chăm chú nghe giảng.

Nguyên nhân của vấn đề này có lẽ phần đa là do học sinh thiếu ý thức học tập, coi thường tương lai của chính bản thân không có mục tiêu học tập rõ ràng, dễ nản chí khi gặp khó khăn,… điều này cũng dễ hiểu vì các em còn đang trong một độ tuổi bồng bột, dễ thay đổi khi sống trong một xã hội đang phát triển kéo theo rất nhiều vấn đề nảy sinh. Hơn ai hết, bố mẹ, thầy cô, nhà trường là những người theo sát đôi khi lại trách cứ, thờ ơ, vô tâm vô tình khiến các em trở nên áp lực và nhạy cảm hơn. 

Hậu quả của việc học này khiến học sinh trở nên thụ động, không chủ động cho việc học, trở thành học sinh cá biệt, dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội,… Cản trở sự phát triển của học sinh, cản bước tới con đường vinh quang của mình. Chất lượng giáo dục nước nhà sẽ bị giảm sút, không đánh giá đúng được học lực thực tế của học sinh.

Vì vậy, để khắc phục tình trạng học chống đối và đưa Việt Nam trở thành một cường quốc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, mỗi học sinh cần có thái độ nghiêm túc trong học tập, xác định mục tiêu và kế hoạch học tập rõ ràng. Họ cần nhận thức về tầm quan trọng của việc tự học để đạt hiệu quả học tập tối đa, không chỉ là những điểm số trên giấy. Chúng ta cần tự chuẩn bị và làm bài tập trước khi đến lớp để tự tin thể hiện kết quả của mình. Sự quan tâm, giám sát và sự hỗ trợ từ gia đình và nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để giúp học sinh cảm thấy học không còn là gánh nặng mỗi khi đến trường.

Bên cạnh những người học đối phó thì có rất nhiều người học tập chăm chỉ, phấn đấu vì mục tiêu, trở thành người có ích cho xã hội, Đất nước. Vậy nên, mỗi học sinh cần có phương pháp học tập, rèn luyện đúng đắn để mang nền giáo dục nước nhà đến cánh cửa thành công.

Em hãy phân tích bản chất của lối học đối phó để nêu lên những tác hại của nó

Phân tích bản chất của lối học đối phó – Mẫu 2

"Sự thiếu kiến thức không đáng xấu hổ bằng việc từ chối học hỏi". Quả đúng như vậy, nếu bạn không sẵn lòng học hỏi, chắc chắn bạn sẽ bị tụt lại phía sau trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, hiện tượng học đối phó đang trở nên phổ biến đối với học sinh ở mọi cấp và đã để lại nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống giáo dục của quốc gia.
Học tập là nền tảng vững chắc nhất để đưa bạn tới thành công. Học tập không chỉ đơn thuần là nhận thông tin từ sách vở, mà còn là quá trình kết hợp giữa "học" và "hành". Nếu bạn chỉ coi việc học là cách để đạt điểm cao, mà không quan tâm đến việc hiểu và thực hành, thì đó là một điều đáng tiếc vì đó chính là học đối phó. "Học đối phó" là học với thái độ chống đối, chỉ đơn thuần học để hoàn thành, không có đam mê hay hứng thú với việc học. Học đối phó khiến học sinh trở nên lười suy nghĩ và ảnh hưởng đến khả năng tư duy.

Vì vậy, khi đối mặt với các bài thi khó, những người có thói quen học đối phó thường trở nên bối rối và không thể tập trung để làm bài, dẫn đến kết quả thi khác hoàn toàn so với kết quả kiểm tra hàng ngày. Người học đối phó là những người không trung thực trong học tập, không tự giác làm bài khi được giao mà chỉ chờ đợi để sao chép từ bạn bè hoặc tìm lời giải trên mạng để đạt điểm số cao. Hơn nữa, những người học đối phó còn thiếu nghiêm túc trong lớp học, học một cách thụ động hoặc dành thời gian riêng trong lớp, khiến khi bị giáo viên gọi lên trả lời câu hỏi, họ phải nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè xung quanh. Học đối phó sẽ khiến học sinh ngày càng dựa vào tài liệu có sẵn mà không chịu tư duy.
Hơn nữa, học đối phó còn làm giảm chất lượng giáo dục của trường học, vì không thể đánh giá đúng năng lực thực tế của học sinh, giáo viên khó nhận biết được những điểm yếu kiến thức để giảng dạy chi tiết, dẫn đến sự lớn lên của những khoảng trống kiến thức của người học. Một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học chống đối là do ý thức tự giác trong học tập của một số học sinh chưa cao. Họ thiếu mục tiêu học tập rõ ràng, dễ nản chí khi gặp phải những bài tập khó mà không nỗ lực tìm giải pháp. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khách quan từ phía gia đình và nhà trường góp phần tạo ra sự chống đối trong học tập. Áp lực về điểm số từ gia đình đã trở thành rào cản khiến học sinh cảm thấy chán nản, bởi vì các bậc phụ huynh đều mong muốn con cái của mình thành công, nhưng lại ép buộc con học mà không để thời gian nghỉ ngơi. Đối với nhà trường, việc không xử lý triệt để khi học sinh chống đối hoặc giao quá nhiều bài tập về nhà cũng làm nhiều học sinh nản chí và chỉ muốn chép bài để hoàn thành nhanh. Vì vậy, để khắc phục tình trạng học chống đối và đưa Việt Nam trở thành một cường quốc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, mỗi học sinh cần có thái độ nghiêm túc trong học tập, xác định mục tiêu và kế hoạch học tập rõ ràng. Họ cần nhận thức về tầm quan trọng của việc tự học để đạt hiệu quả học tập tối đa, không chỉ là những điểm số trên giấy. Chúng ta cần tự chuẩn bị và làm bài tập trước khi đến lớp để tự tin thể hiện kết quả của mình. Sự quan tâm, giám sát và sự hỗ trợ từ gia đình và nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để giúp học sinh cảm thấy học không còn là gánh nặng mỗi khi đến trường.

Tại sao quá trình "trồng người" lại mất hàng thế kỷ? Bởi vì con người là những chủ nhân xây dựng đất nước. Một quốc gia phát triển phụ thuộc vào hệ thống giáo dục phát triển nhằm đào tạo nhiều tài năng ở nhiều lĩnh vực. "Cây trồng kiến thức có mùi vị đắng nhưng quả ngọt ngào" nên chúng ta cần cố gắng trau dồi kiến thức, chăm chỉ học tập để thu hoạch những thành tựu ngọt ngào trong cuộc sống.


Phân tích bản chất của lối học đối phó – Mẫu 3

Hiện nay, trong xã hội, học vấn là một vấn đề quan trọng. Nó ảnh hưởng đến mọi vấn đề trong thời đại. Vì vậy đi học là con đường ngắn nhất giúp ta chinh phục được kiến thức vững vàng. Nhưng rất nhiều trường hợp, phải nói là rất hy hữu và phổ biến trong giới học sinh chúng ta là vấn đề học đối phó.

Chúng ta, mà không hãy nói về bản thân tôi trước. Tôi đi học đôi khi chỉ ở trong trạng thái đối phó. Nhưng kể từ khi tôi nhận định tương lai cho bản thân mình là “học vấn và tiền bạc là 2 con đường ngắn nhất đi đến thành công” thì suy nghĩ học đối phó đã biến mất. Học là tương xứng với việc mình có trách nhiệm với bản thân mình, có trách nhiệm với những người nuôi và có công sinh mình ra trên cõi đời này. Học không phãi là đi để điểm danh, không phãi là có mặt là được. Đó là một nhận thức quá sai làm với nhiều người hiện nay. Họ đi học không có chủ đích, không có chí tiến thủ, họ cứ nghĩ đi học là việc bắt buộc. Nhưng thực sự, học là cho bản thân họ chứ không phải cho ai khác. Họ cứ nghĩ rằng đi học là cho ba mẹ, cho người khác, đi học thật nặng nề. Tại sao họ không nghĩ sâu sắc cho tương lai mình rằng “nếu cứ đà này sau này lớn lên họ sẽ là gì trong một thế giới mà toàn bộ là tri thức, hiện đại hóa”, “ họ sẽ là ai? Sẽ làm gì để sống”.
Không biết những người đó có bao giờ tự hỏi mình như thế không nhĩ? Họ cứ học đối phó với bản thân, với gia đình, với thầy cô,…làm tốn nhiều thời gian vô bổ tới trường nhưng trong đầu óc không có gì ngoài một mớ hỗn độn. Làm cho bản thân trở thành khổ chủ bị kéo theo những thói quen xấu làm hư hỏng con người đó. Họ tự biến mình thành nô lệ của sự hư hỏng. Làm kiến thức ta bị một lỗ hổng thật to và nó nuôi dưỡng sự lười nhác, ngu đần, tự tin trong ta. Làm cho ta mất tự tin trước cuộc sống, trước một tương lại không mấy sáng lạng đối với ta. Nói chung học đối phó là một kết quả hình thành từ sự ỷ lại, ham chơi, hay một số lý do nào đó không mấy tế nhị.

Đó là ý kiến của riêng tôi, còn các bạn thì sao? Các bạn đã định hướng cho tương lại mình chưa? Từ bây giờ hãy vực bản thân và ý thức chúng ta dậy nếu bạn đã sai với việc học đối phó đó. Hãy nhận định rằng việc học là một ân huệ chứ không phãi là cực hình và cũng không phãi là bắt buộc mà dựa trên cơ sở tự nguyện của bản thân.


Phân tích bản chất của lối học đối phó – Mẫu 4

Học qua loa, đối phó là cách học chuộng hình thức như lời nói của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp trong văn bản Bàn về phép học. Học qua loa là cách học có các biểu hiện học không có đầu có đuôi, không đến nơi đến chốn, cái gì cũng biết một tí nhưng không có kiến thức cơ bản, hệ thống sâu sắc.

Học cốt là để khoe mẽ có bằng nọ bằng kia, nhưng thực ra đầu óc trống rỗng, chỉ quen “nghe lỏm, học mót, nói dựa, ăn theo ” người khác, không dám bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề có liên quan đến học thuật. Học qua loa ngược lại với cách học tìm hiểu sâu, kĩ càng từ đầu đến cuối từ hiện tượng tới bản chất ẩn sâu bên trong của nó. Học qua loa là vậy, còn học đối phó là cách học chỉ cốt để thầy cô không quở trách, cha mẹ không rầy la, chỉ lo giải quyết việc trước mắt như thi cử, kiểm tra không bị điểm kém. Học đối phó là cách học chỉ dùng để đưa ra khi cần mà không phải mục đích của việc học là lấy kiến thức. Học đối phó thì kiến thức nông cạn, hời hợt. Nếu cứ lặp đi lặp lại kiểu học này thì người học ngày càng trở nên dốt nát, trí trá, hư hỏng, vừa lừa dối người khác, vừa tự huyễn hoặc mình. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng “ tiến sĩ giấy” đang bị xã hội lên án gay gắt. Trước hết, đối với bản thân cách học qua loa, đối phó không hề mang lại cho bản thân người học bất cứ tri thức nào. Vì với cách học này, các em sẽ không hiểu bài, không hiểu được bản chất của vấn đề, vì vậy, các em không thể nắm được những kiến thức cần thiết. Bên cạnh đó, những kẻ học đối phó sẽ không có hứng thú trong học tập và do đó hiệu quả học tập ngày càng thấp. Đây là một hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Vì nếu như một người đã đánh mất hứng thú học tập, thì việc học đối với họ đã trở nên quá nhàm chán. Như vậy, họ sẽ không thu được một kết quả tốt đẹp gì. Cách học này sẽ khiến đầu óc con người ù lì, chai nạn, không hình thành được thói quen tìm hiểu và suy nghĩ vấn đề. Nó sẽ giết chết óc khám phá, sự sáng tạo vô cùng to lớn của con người. Vì thế, cách học này vô cùng nguy hiểm đối với bản thân của mọi người.

Hoàng Khánh Nhi
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question