Giá trị văn học là gì? Các giá trị cơ bản của văn học
Giá trị văn học là gì?
Giá trị văn học là sản phẩm kết tinh từ quá trình văn học, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cuộc sống con người, tác động sâu sắc tới cuộc sống và con người. Ở đây chỉ nói về ba giá trị cơ bản của văn học.
Các giá trị cơ bản của văn học
1. Giá trị nhận thức
- Xét về thực chất, tác phẩm văn học là kết quả của quá trình nhà văn khám phá, lí giải hiện thực đời sống rồi chuyển hoá những hiểu biết đó vào nội dung tác phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu nhận thức của con người. Vì sao con người lại có nhu cầu đó? Bởi vì mỗi người thường chỉ sống trong một khoảng thời gian nhất định, ở một địa điểm nhất định, với những mối quan hệ nhất định trong gia đình và xã hội. Văn học chính là một phương tiện có khả năng phá vỡ giới hạn tồn tại trong không gian và thời gian thực tế của mỗi cá nhân, đồng thời đem lại cho họ khả năng sống cuộc sống của nhiều người khác, sống ở nhiều thời đại, sống ở nhiều xứ sở. Như vậy, giá trị nhận thức là khả năng của văn học có thể đáp ứng được yêu cầu của con người muốn hiểu biết rõ hơn, sâu hơn cuộc sống xung quanh và chính bản thân mình, từ đó tác động vào cuộc sống có hiệu quả hơn.
- Trước hết, văn học có thể mang tới cho người đọc những nhận thức mới mẻ và sâu rộng về nhiều mặt của cuộc sống trong những khoảng thời gian và không gian khác nhau. Những tác phẩm của một thời đã xa như Truyện Kiều, Hoàng Lê nhất thống chí, ... có thể đưa con người trở về với quá khứ của dân tộc và nhân loại, khi đó “văn học là tiếng nói của các thời đại, là cuộc đối thoại chứa chan tình nghĩa giữa người xưa và người nay” (Nguyễn Khánh Toàn).
- Đồng thời chính từ cuộc đời của người khác, mỗi người đọc có thể liên hệ, so sánh, đối chiếu để hiểu chính bản thân mình hơn với tư cách là một con người cá nhân. Đó chính là quá trình tự nhận thức mà văn học mang tới cho mỗi người.
2. Giá trị giáo dục
- Trong sự tồn tại của văn học, giá trị nhận thức luôn là tiền đề của giá trị giáo dục. Không có nhận thức đúng đắn thì văn học không thể giáo dục được con người. Ngược lại, giá trị giáo dục làm sâu sắc thêm giá trị nhận thức của văn học đối với đời sống, bởi vì người ta nhận thức không phải chỉ để nhận thức mà nhận thức là để hành động. Do đâu mà văn học có giá trị giáo dục? Có lẽ bởi vì con người không chỉ có nhu cầu hiểu biết mà còn có nhu cầu hướng thiện, con người luôn khao khát một cuộc sống tốt lành, chan hoà tình yêu thương giữa người với người; mặt khác còn bởi vì trong khi phản ánh hiện thực, dù trực tiếp hay gián tiếp bao giờ nhà văn cũng bộc lộ một thái độ tư tưởng - tình cảm, một sự nhận xét, đánh giá của mình,... tất cả đều ít nhiều tác động tới người đọc và đó cũng chính là giáo dục.
- Giá trị giáo dục của văn học trước hết biểu hiện ở khả năng đem đến cho con người những bài học quý giá về lẽ sống để họ tự rèn luyện bản thân mình ngày một tốt đẹp hơn. Về tư tưởng, văn học hình thành trong người đọc một lí tưởng tiến bộ, giúp cho họ có thái độ và quan điểm đúng đắn về cuộc sống. Có thể thấy những ý nghĩa đó trong câu tục ngữ “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, trong lời thơ của Trần Quang Khải: “Thái bình nên gắng sức - Non nước ấy ngàn thu”. Về tình cảm, văn học giúp con người biết yêu ghét đúng đắn, làm cho tâm hồn con người trở nên lành mạnh, trong sáng, cao thượng hơn; chẳng hạn câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng” khơi dậy biết bao thuỷ chung ân nghĩa của tình cảm đồng bào. Về đạo đức, văn học nâng đỡ cho nhân cách của con người phát triển, giúp cho họ biết phân biệt phải - trái, tốt - xấu, đúng - sai, có quan hệ tốt đẹp và biết gắn bó cuộc sống của cá nhân mình với cuộc sống của mọi người. Tóm lại, giá trị giáo dục là khả năng của văn học có thể thay đổi hoặc nâng cao tư tưởng, tình cảm của con người theo chiều hướng tích cực, tốt đẹp, tiến bộ, đồng thời làm cho con người ngày càng hoàn thiện về đạo đức.
- Cũng cần thấy rằng đặc trưng giáo dục của văn học hoàn toàn khác với những nguyên tắc áp đặt của luật pháp hay những lời giáo huấn trực tiếp trong những bài giảng đạo đức, bởi văn học giáo dục con người bằng con đường từ cảm xúc tới nhận thức, bằng cái thật, cái đúng, cái đẹp của những hình tượng sinh động, đầy sức thuyết phục. Có lẽ vì thế tác dụng giáo dục của văn học không phải ngay lập tức mà dần dần, thấm sâu nhưng rất lâu bền, nó gợi những cảm nghĩ sâu xa về con người và cuộc đời, nó gián tiếp đưa ra những bài học, những đề nghị về cách sống. Tác dụng đó vẫn phát huy ngay cả khi văn học miêu tả cái xấu, cái ác, nếu như người viết có cái tâm trong sáng, biết đứng vững trên lập trường của cái tốt, cái thiện, biết nhân danh công lí và những giá trị nhân bản cao đẹp của con người.
Như vậy, văn học chính là một phương tiện hiệu nghiệm để tạo nên ở con người tất cả những gì mang tính nhân đạo chân chính. Với khả năng ấy, văn học không chỉ góp phần hoàn thiện bản thân con người, mà còn hướng họ tới những hành động cụ thể, thiết thực, vì một cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn.
3. Giá trị thẩm mĩ
- Giá trị nhận thức và giá trị giáo dục của văn học chỉ có thể phát huy một cách tích cực nhất, có hiệu quả cao nhất khi gắn với một giá trị tạo nên đặc trưng của văn học, đó là giá trị thẩm mĩ. Con người luôn có nhu cầu cảm thụ, thưởng thức cái đẹp và trong sự tồn tại của mình, con người không những muốn cuộc sống tốt hơn mà còn đẹp hơn. Nói đúng ra, bản thân nhiều sự vật, hiện tượng trong thế giới hiện thực đã có sẵn vẻ đẹp, nhưng không phải ai cũng có thể nhận biết và cảm thụ được những vẻ đẹp ấy. Do vậy, giá trị thẩm mĩ là khả năng của văn học có thể phát hiện và miêu tả những vẻ đẹp của cuộc sống một cách sinh động, giúp con người cảm nhận được và biết rung động một cách tinh tế, sâu sắc trước những vẻ đẹp đó.
- Giá trị thẩm mĩ của văn học được thực hiện trong một phạm vi hết sức rộng lớn, phong phú. Văn học mang tới cho con người những vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ của cuộc đời: vẻ đẹp trong thiên nhiên, trong cảnh vật của đất nước (chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến), vẻ đẹp của những cảnh đời cụ thể trong cuộc sống hằng ngày, vẻ đẹp hào hùng của chiến trận (sử thi I-li-át của Hô-me-rơ, truyện Thánh Gióng). Đặc biệt, văn học đi sâu miêu tả vẻ đẹp của con người từ hình thể bên ngoài đến những diễn biến sâu xa của tư tưởng - tình cảm và những hành động gây ấn tượng thật khó quên với mọi người: Thuý Kiều với tài sắc vẹn toàn, hành động bán mình cứu cha và nỗi lòng đau xót, nhớ thương khi ở lầu Ngưng Bích). Văn học có thể phát hiện ra vẻ đẹp của những sự vật rất nhỏ bé, bình thường và cả vẻ đẹp của một dân tộc suốt trường kì lịch sử:
“Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững,
Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa
Trong và thật: sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hoà.”
(Đi trên mảnh đất này, Huy Cận)
- Cái đẹp trong văn học không chỉ thể hiện ở nội dung mà còn ở hình thức, chỉ như thế văn học mới có tác dụng sâu sắc trong việc thoả mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người. Hình thức đẹp là những thủ pháp làm cho hình tượng văn học trở nên sinh động, hấp dẫn, nghệ thuật kết cấu tác phẩm một cách chặt chẽ, hợp lí, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ một cách điêu luyện,... Chẳng hạn, nghệ thuật điển hình hoá rất đặc sắc của Nam Cao trong Chí Phèo, cách hùng biện pháp nhân hoá, đảo ngữ và các từ láy trong câu thơ rất tài hoa của Xuân Diệu “Những luồng run rẩy rung rinh lá” v.v... Với cả nội dung đẹp và hình thức đẹp, văn học làm cho con người thêm mến yêu cuộc sống, thêm khao khát hướng tới những gì là đẹp đẽ, tốt lành.
Kết luận
Ba giá trị trên đây của văn học có mối liên hệ rất mật thiết. Không thể quan niệm rằng bộ phận này của tác phẩm đưa lại những thông tin nhận thức, bộ phận kia có ý nghĩa giáo dục và bộ phận còn lại thì thoả mãn nhu cầu thẩm mĩ, mà thực ra cả ba giá trị này cùng tác động tới người đọc. Cũng cần lưu ý, khi đề cập đến ba giá trị trên của văn học là nói theo thuật ngữ hiện đại, chứ thực ra từ xa xưa ông cha ta đã bàn tới những giá trị chân, thiện, mĩ của văn chương. Văn chương hướng tới chân, thiện, mĩ bao giờ cũng là văn chương cho mọi người và là văn chương của muôn đời.