Liên hệ mở rộng bài Người lái đò sông Đà
Tuỳ bút Người lái đò sông Đà được Nguyễn Tuân sáng tác nhân dịp đi thực tế cuộc sống của vùng Tây Bắc rộng lớn, xa xôi. Tác phẩm không chỉ thỏa mãn thú vui xê dịch mà còn là niềm say sưa, hứng khởi của Nguyễn Tuân khi được hòa nhập vào cuộc sống của người dân Tây Bắc, được thăm thú những vùng đất mới. Vậy khi Liên hệ mở rộng bài Người lái đò sông Đà thì có thể sử dụng những tác phẩm nào?
Liên hệ mở rộng bài Người lái đò sông Đà với những tác phẩm nào?
1, Hình ảnh con sông Đà hung bạo và trữ tình có điểm tương đồng và khác biệt với con sông trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận hay con sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Điểm tương đồng đều là những con sông lớn, giữ vị trí quan trọng đối với cuộc sống của con người nơi đây. Sự khác biệt đến từ tính chất độc đáo của con sông Đà ở vùng núi cao Tây Bắc.
2, Khi phân tích hình ảnh của người lái đò trên sông Đà có thể liên hệ với hình ảnh Huấn Cao trong Chữ người tử tù. Ở họ đều có nét đẹp của cốt cách, khí phách, tài năng, ở khả năng chiến thắng hoàn cảnh. Nhưng mỗi người lại có nét đẹp riêng do sự khác nhau ở thời kỳ sáng tác.
Liên hệ mở rộng bài Người lái đò sông Đà
Hình ảnh con sông Đà hung bạo và trữ tình không phải lần đầu tiên xuất hiện trong thơ ca. Nhưng qua cái nhìn tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân con sông Đà trong Tùy bút người lái đò sông Đà lại có vẻ đẹp độc đáo, có một không hai trong lịch sử văn học. Nhờ tài năng của mình Nguyễn Tuân đã mang đến một thi phẩm đặc sắc, đóng đinh trong sự nghiệp văn học của ông.
Con sông Đà được khai thác trên hai phương diện hung bạo và trữ tình. Đằng sau sự hùng vĩ của con sông Đà là những câu văn ấn tượng về sự hung bạo của nó trên ghềnh Hát Loong “Dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm…” Việc lựa chọn những từ ngữ giàu hình ảnh, cô đọng, chính xác, thanh điệu, từ ngữ trùng điệp đã miêu tả chính xác sự hung dữ, hiểm ác của con sông Đà. Đó là một con sông độc đáo với vẻ đẹp có một không hai “mọi con sông đều chảy về hướng đông chỉ có sông Đà là chảy về hướng bắc”, hình ảnh gió, đá, nước, sóng của con sông Đà tạo cảm giác rùng rợn, hãi hùng, gây ấn tượng mạnh với thị giác của con người.
“Sóng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt” động từ gùn ghè kết hợp với hình ảnh so sánh táo bạo đã nhân hoá con sông Đà giống như một con người thực tế hung bạo, ngang ngược. Những câu văn tả cảnh sông Đà của Nguyễn Tuân làm người đọc chợt liên tưởng đến hình ảnh con sông Hương trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường “bản hùng ca rừng rú, rạo rực dưới bóng đại ngàn cây lao qua thác nước, những dòng xoáy huyền bí, gợi lên trong trí tưởng tượng của người đọc về hai dòng sông mạnh mẽ, dữ dội của đất nước”.
Bên cạnh vẻ đẹp của sự hung bạo, con sông Đà còn có một nét tính cách nữa trái ngược với sự hung bạo ấy chính là trữ tình. Tưởng rằng hai tính cách này trái ngược nhau nhưng thực sự lại bổ sung cho nhau, làm nên vẻ đẹp đa chiều của con sông Đà. Nét trữ tình của sông Đà được thể hiện qua những quãng sông êm ả, khi đá, sóng, ghềnh đã được chinh phục. “Thuyền tôi trôi trên sông Đà… con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai” Lúc này sông Đà mang vẻ đẹp dịu dàng, hiền hậu giống như một thiếu nữ vùng cao e ấp trước ánh mắt của kẻ si tình. Lại có lúc sông Đà được nhà văn cảm nhận giống như được gặp lại cố nhân. Vẻ đẹp mềm mại của con sông Đà có điểm tương đồng với con sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường “Người ta nhìn bao giờ cũng thấy sông như mềm mại tấm lụa, với những con thuyền ngược xuôi, nhỏ như con thoi”, “ở đây như tìm được đúng đường về, sông càng vui giữa biển khơi”. Rồi lại có nét trầm buồn như con sông trong bài “Tràng Giang” của Huy Cận:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Chất trữ tình đã thấm sâu vào trong từng con chữ khiến hình ảnh của những con sông hiện lên đầy tâm sự, giống như một con người. Những câu văn hay câu thơ bay bổng thể hiện sự thăng hoa của tâm hồn con người, người viết như đưa chất thơ lãng mạn vào sông nước khiến con sông mang vẻ đẹp tuyệt mỹ lạ thường.
Một hình ảnh chiếm vị trí quan trọng trong tuỳ bút này không thể không nhắc đến người lái đò sông Đà. Đó là một người đàn ông đã lớn tuổi nhưng sự khỏe mạnh, vạm vỡ và rắn chắc của cơ bắp chẳng kém những thanh niên tuổi đôi mươi. Quá nửa đời người gắn bó với con sông Đà này người lái đò đã thuộc lòng những trận đá, những con thác, những ngón đòn hung bạo của con sông Đà. Mỗi lần vượt thác của ông là một lần chinh phục con sông tử thần. Phẩm chất tài hoa của ông đã được khắc họa rõ nét thông qua khung cảnh vượt thác sông Đà. Trước sự hung bạo và hiểm ác của con sông Đà, người lái đò vẫn giữ được sự bình tĩnh, tỉnh táo để chinh phục được ma trận, trước cái thạch trận ấy người lái đò vẫn chẳng hề nao núng. Ông giữ chặt tay chèo cho thuyền khỏi bị hất lên, giữa vòng vây trùng điệp của sóng ông lái đò vẫn bình tĩnh chỉ huy để con thuyền cập bến an toàn. Vẻ đẹp trong lao động của người lái đò sông Đà có nét gần gũi với vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù”. Nguyễn Tuân đã cho thấy khát khao chinh phục những nét đẹp tiềm tàng của con người, trân trọng giá trị của con người.
Với tuỳ bút người lái đò sông Đà người đọc thực sự ấn tượng với những trang văn đậm chất thơ, chất hội hoạ, phóng sự và của nhiều lĩnh vực khác nữa. Tác phẩm đã cho thấy tài năng, nhân cách cùng vẻ đẹp của tâm hồn Nguyễn Tuân, con người suốt đời đi tìm cái đẹp của con người.
-----------------------------------------------------------------------
Trên đây là bài viết Liên hệ mở rộng bài Người lái đò sông Đà. Việc liên hệ mở rộng với những tác phẩm khác sẽ giúp các em hiểu sâu thêm về tác phẩm và khám phá ra được những nét tài hoa của tác giả Nguyễn Tuân. Hy vọng với bài văn này Topbee sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!