image hoi dap
image hoi dap

Liên hệ mở rộng bài Vợ chồng A Phủ

icon-time27/5/2023

Vợ chồng A Phủ là một trong những thi phẩm xuất sắc của Tô Hoài. Truyện ngắn đã phản ánh chân thực cuộc sống của người nông dân miền núi trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Thông qua tác phẩm người đọc thấy được sức sống mạnh mẽ, tiềm tàng của con người miền núi. Hãy cùng Liên hệ mở rộng bài Vợ chồng A Phủ với một số tác phẩm có cùng đề tài chủ đề để thấy được vẻ đẹp cùng những điểm tiến bộ của Tô Hoài khi giải quyết số phận của người lao động nhé.


Liên hệ mở rộng bài Vợ chồng A Phủ với những tác phẩm nào?

1. Khi phân tích hình tượng nhân vật Mị trong buổi sáng mùa xuân đầu tiên ở Hồng Ngài có thể liên hệ đến cảnh buổi sáng đầu tiên khi Chí Phèo tỉnh rượu để thấy được cách khai thác, khám phá vẻ đẹp tâm hồn con người lao động của hai nhà văn.

2. Phân tích sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân giải cứu cho A Phủ và tâm trạng của chị em Liên trong cảnh đợi tàu ở phố huyện nghèo để có thể cảm nhận sâu sắc hơn về tình cảm của những nhà văn dành cho người lao động trong xã hội cũ.

3. Cảnh Mị dứt khoát cởi trói cho A Phủ rồi hai người cùng chạy thoát khỏi Hồng Ngài có thể liên hệ đến cảnh Chị Dậu vùng dậy thoát khỏi vòng tay của cụ Lý và dò dẫm lao về phía đêm tối. Để thấy được cách giải quyết số phận khác nhau giữa các nhân vật trong cùng thời kỳ.


Liên hệ mở rộng bài Vợ chồng A Phủ với bài Chí Phèo

      Tô Hoài là một trong số những nhà văn lớn, có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại với một phong cách nghệ thuật rất riêng, độc đáo và hấp dẫn. Và có thể nói, Vợ chồng A Phủ là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông. Tác phẩm có đề tài về số phận người nông dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Một đề tài khá quen thuộc trong mảng văn học hiện thực Việt Nam. Tuy vậy với cảm hứng và cách khai thác mới, Tô Hoài vẫn có điểm riêng trong tác phẩm của mình. Với sự đồng cảm sâu sắc và khát khao giải quyết số phận cho những người nông dân nghèo, Tô Hoài đã góp thêm tiếng nói mới cho việc giải quyết số phận của những người nông dân.

      Mị xuất thân là một cô gái nhà nghèo xinh đẹp, nết na, thuỳ mị và có nhan sắc. Mỗi đêm tình mùa xuân đến trai làng đứng nhẵn đầu vách nhà Mị để thổi sáo, gọi mời tình yêu. Nhưng vì cảnh nhà nghèo phải bán mình gán nợ cho nhà thống lý pá tra. Mị có biết đâu từ ngày đặt chân vào làm dâu nhà địa chủ ấy, cuộc đời Mị đã hoàn toàn thay đổi, sang một trang mới nhưng không phải sung sướng, hạnh phúc hơn mà là đau khổ đến tột cùng.

Liên hệ mở rộng bài Vợ chồng A Phủ

      Ở nhà địa chủ Mị bị đối xử chẳng khác con trâu, con bò, suốt ngày làm lụng quần quật từ tối đến sáng, rồi từ sáng đến tối nhưng vẫn bị đánh đập, nguyền rủa, dù là phận làm dâu nhưng là cảnh làm dâu gán nợ nên Mị bị coi chẳng khác nào đứa con ở trong nhà, thậm chí không bằng đứa con ở. Sống lâu trong cảnh áp bức đến tù túng ở nhà thống lí Mị quen dần với nó. Dần dần Mị lầm lũi, ít nói, suốt ngày lủi thủi như một bóng ma, như con rùa chỉ biết làm quần quật, không biết nghỉ ngơi, không biết ngoài kia thế nào, là ngày hay là đêm. Với Mị cuộc sống lúc này chỉ là bóng tối.

      Trong đêm tình mùa xuân khi nghe tiếng sáo dìu dặt, gọi mời ngoài đầu ngõ, Mị như sống lại trong những ký ức ngọt ngào của tuổi trẻ “Em yêu người nào, em bắt pao nào…” Bên trong hình ảnh “con rùa nuôi trong xó cửa” vẫn đang còn một con người khát khao tự do, hạnh phúc. Gió rét dữ dội cũng không ngăn được sức xuân tươi trẻ trong thiên nhiên và con người, tất cả đánh thức tâm hồn Mị. Mị nhớ lại những đêm tình mùa xuân khi trai làng đứng chật vách nhà Mị để thổi sáo. Phải rồi Mị vẫn còn trẻ lắm, còn đẹp lắm, cớ gì Mị lại phải chôn vùi tuổi trẻ, tương lai, mùa xuân ở cái địa ngục trần gian này

      Mị uống rượu để quên hiện tại đau khổ. Mị nhớ về thời con gái, Mị sống lại với niềm say mê yêu đời của tuổi trẻ.Tiếng sáo (biểu tượng của tình yêu và khát vọng tự do) từ chỗ là hiện tượng ngoại cảnh đã đi sâu vào tâm tư Mị, chập chờn rồi văng vẳng vào tai. Mị thắp đèn như thắp lên ánh sáng chiếu rọi vào cuộc đời tăm tối. Mị chuẩn bị đi chơi nhưng bị A Sử trói lại; tuy bị trói nhưng Mị vẫn tưởng tượng và hành động như một người tự do, Mị vùng bước đi nhưng than ôi hiện thực phũ phàng quá Mị càng vùng đi thì lại càng bị dây trói của A Sử thít chặt lại da thịt vô cùng đau đớn.

      Sự trỗi dậy của Mị trong đêm tình mùa xuân có điểm tương đồng với cảnh Chí Phèo trong buổi sáng đầu tiên khi tỉnh rượu. Sau khi gặp Thị Nở và được người đàn bà khốn khổ ấy chăm sóc, yêu thương, Chí Phèo lần đầu tiên tỉnh rượu sau những cơn say triền miên và đã có sự chuyển biến sâu sắc trong tâm trạng. Từ tỉnh rượu đến tỉnh ngộ: Tỉnh rượu: lần đầu tiên – từ khi ra tù, Chí hết say và cảm nhận được thời gian và âm thanh hằng ngày của cuộc sống. Âm thanh cuộc sống đang từng tiếng một gõ nhịp vận hành cùng với sự thức tỉnh của Chí Phèo. Những âm thanh này ngày nào mà chẳng có, nhưng đây lại là lần đầu tiên Chí mới nhận ra. Tỉnh ngộ : nhận thức và nhìn lại cuộc đời mình trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Lúc này là lúc Chí Phèo khát khao được sống lương thiện hơn bao giờ hết. Nam Cao đã cho thấy bản tính tốt đẹp còn sót lại trong một kẻ bị lưu manh hoá, tha hoá. 

      Hai nhân vật Mị và Chí Phèo của nhà văn Tô Hoài, Nam Cao là những hình tượng điển hình cho số phận con người lao động dám vượt lên sự đè nén của cường quyền và thần quyền để khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của con người. Mỗi nhà văn có sự sáng tạo riêng nhưng khi khai thác vẻ đẹp tâm hồn của con người thì đều trân trọng những phẩm chất đáng quý của người nông dân.

Liên hệ mở rộng bài Vợ chồng A Phủ ảnh 2

      Sau đêm tình mùa xuân nổi loạn qua đi, Mị lại trở về như trước đây lầm lũi như con rùa nơi xó cửa, cả ngày chẳng nói câu nào. Thế nhưng có một bước ngoặt lớn đã thay đổi cuộc đời Mị đó là khi Mị thấy cảnh A Phủ bị trói đánh ở giữa cột nhà, cả người khô khốc và chỉ chờ chết. Đêm đến khi đang đốt lửa, Mị thoáng thấy giọt nước mắt lăn dài trên má người đàn ông khốn khổ ấy. Những giọt nước mắt lặng lẽ của A Phủ làm Mị nhớ lại cảnh mình bị trói hôm nào, cùng thế đau đớn và bất lực. Nếu không được cứu thì người đàn ông sớm muộn cũng chết không hôm nay thì ngày mai. Mị nghĩ vậy và táo bạo với hành động cầm dao cởi trói cho A Phủ cũng là cởi trói cho cuộc đời mình.  Hành động cầm dao cởi trói cho A Phủ không phải là hành động bột phát mà là sự suy nghĩ chín chắn, là sự đấu tranh để thoát khỏi cuộc đời tù túng, là sự giải thoát cho chính Mị. Thế là A Phủ được cởi trói, A Phủ vùng chạy về phía trước và Mị trong vô thức cũng chạy theo A Phủ để giải phóng cuộc đời mình. Hành động của Mị làm người đọc liên tưởng đến cảnh Chị Dậu trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố cũng xô đẩy cụ lý đang dở trò hãm hiếp mình để lao vào bóng tối. Nhưng cảnh chị Dậu lao vào bóng tối giống như tiền đồ của chị không hứa trước được những điều tốt đẹp, số phận của chị Dậu vẫn vô cùng bế tắc. Ngược lại cách giải quyết số phận của Mị đã có bước ngoặt tiến bộ hơn rất nhiều.

      Với một dung lượng tương đối lớn, tập truyện Vợ chồng A Phủ là một trong những tác phẩm đặc sắc đánh dấu tài năng của Tô Hoài trên địa hạt văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Với tác phẩm này người đọc hiểu thêm về con người Tô Hoài, một tâm hồn đẹp, một nhà văn lớn với khát khao thay đổi cuộc sống cho con người.


Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng nhân vật Mị trong cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài (“Vợ chồng A Phủ” - Tô Hoài). Từ đó liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong cảnh buổi sáng đầu tiên khi tỉnh rượu (“Chí Phèo” – Nam Cao), để nhận xét về cách khám phá vẻ đẹp tâm hồn con người lao động của hai nhà văn?

1. Giới thiệu chung

- Giới thiệu về tác giả Tô Hoài; Nhân vật Mị trong cảnh đêm tình mùa xuân.
- Giới thiệu về tác giả Nam Cao; Nhân vật Chí Phèo trong cảnh buổi sáng đầu tiên khi tỉnh rượu.
Hai nhà văn đều đi sâu khám phá vẻ đẹp tâm hồn con người lao động.

2. Cảm nhận hình tượng nhân vật Mị trong cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài

- Mị có phẩm chất tốt đẹp nhưng bị đày đọa cả về thể xác và tinh thần

+ Mị là một thiếu nữ xinh đẹp, tài hoa, hồn nhiên, yêu đời; chăm chỉ làm ăn, yêu tự do, ý thức được quyền sống của mình.
+ Mị là giàu lòng vị tha, đức hi sinh.
+ Là con dâu gạt nợ, Mị bị đối xử như một nô lệ. Mị sống khổ nhục hơn cả súc vật, thường xuyên bị A Sử đánh đập tàn nhẫn. Mị sống như một tù nhân trong căn buồng chật hẹp, tối tăm.
+ Sống trong đau khổ, Mị gần như vô cảm “ngày càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”.

- Tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

+ Bên trong hình ảnh “con rùa nuôi trong xó cửa” vẫn đang còn một con người khát khao tự do, hạnh phúc. Gió rét dữ dội cũng không ngăn được sức xuân tươi trẻ trong thiên nhiên và con người, tất cả đánh thức tâm hồn Mị.
+ Mị uống rượu để quên hiện tại đau khổ. Mị nhớ về thời con gái, Mị sống lại với niềm say mê yêu đời của tuổi trẻ.
+ Tiếng sáo (biểu tượng của tình yêu và khát vọng tự do) từ chỗ là hiện tượng ngoại cảnh đã đi sâu vào tâm tư Mị.
+ Mị thắp đèn như thắp lên ánh sáng chiếu rọi vào cuộc đời tăm tối. Mị chuẩn bị đi chơi nhưng bị A Sử trói lại; tuy bị trói nhưng Mị vẫn tưởng tượng và hành động như một người tự do, Mị vùng bước đi.

- Khái quát nghệ thuật

+ Bút pháp hiện thực sắc sảo, nghệ thuật phân tích tâm lí tinh tế, Tô Hoài đã xây dựng thành công nhân vật Mị.
+ Có áp bức, có đấu tranh; Mị chính là điển hình sinh động cho sức sống tiềm tàng, sức vươn lên mạnh mẽ của con người từ trong hoàn cảnh tăm tối hướng tới ánh sáng của nhân phẩm và tự do.

3. Liên hệ nhân vật Chí Phèo trong cảnh buổi sáng đầu tiên khi tỉnh rượu

a. Liên hệ nhân vật Chí Phèo trong cảnh buổi sáng đầu tiên khi tỉnh rượu:

- Sau khi gặp Thị Nở và được Thị chăm sóc, yêu thương, Chí Phèo lần đầu tiên tỉnh rượu sau những cơn say triền miên và đã có sự chuyển biến sâu sắc trong tâm trạng:
+ Từ tỉnh rượu đến tỉnh ngộ: Tỉnh rượu: lần đầu tiên – từ khi ra tù, Chí hết say và cảm nhận được thời gian và âm thanh hằng ngày của cuộc sống. Âm thanh cuộc sống đang từng tiếng một gõ nhịp vận hành cùng với sự thức tỉnh của Chí Phèo. Những âm thanh này ngày nào mà chẳng có, nhưng đây lại là lần đầu tiên Chí mới nhận ra. Tỉnh ngộ : nhận thức và nhìn lại cuộc đời mình trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
+ Khát khao hoàn lương và mong ước hạnh phúc. Chí mong muốn trở lại làm người lương thiện.
Nam Cao cho cho ta thấy được bản tính tốt của con người có ngay trong con người bị tha hoá. Bản tính ấy sẽ trỗi dậy khi có chất xúc tác.

b. Nhận xét về cách khám phá vẻ đẹp tâm hồn con người lao động của hai nhà văn

- Hai nhân vật Mị và Chí Phèo của nhà văn Tô Hoài, Nam Cao là những hình tượng điển hình cho số phận con người lao động vượt lên sự đè nén của cường quyền và thần quyền để khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của con người.
+ Mị: Tưởng chừng như đã trở thành vật vô tri, vô giác trong nhà thống lý, nhưng vẫn tiềm tàng sức sống mãnh liệt trong đêm tình mùa xuân.
+ Chí Phèo: Dù bị hủy hoại cả về nhân hình lẫn nhân tính nhưng Chí vẫn khao khát hướng đến cuộc sống lương thiện.
Mỗi nhà văn có một cách sáng tạo riêng, nhưng khi viết về người nông dân thì các tác giả đều hướng tới khám phá vẻ đẹp tâm hồn của họ. Từ đó, đề cao, trân trọng những phẩm chất đáng quý của người nông dân.

 -----------------------------------------------------------------------

Trên đây là bài viết Liên hệ mở rộng bài Vợ chồng A Phủ. Đây là một tác phẩm văn học xuất sắc của nhà văn Tô Hoài, tác phẩm viết về số phận người nông dân ở miền núi dưới ách áp bức của địa chủ. Hy vọng với bài văn này Topbee sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

Phạm Liên
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question