image hoi dap
image hoi dap

Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật mẹ Sơn trong Gió lạnh đầu mùa

icon-time28/1/2024

Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” là tác phẩm tiêu biểu để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về nhân vật mẹ Sơn – nhân vật có cuộc sống nghèo khổ nhưng ấm áp tình người. Hãy cùng đến với bài văn cảm nhận về nhân vật mẹ Sơn trong Gió lạnh đầu mùa để hiểu rõ hơn về nhân vật này nhé!


Nhân vật Mẹ Sơn trong Gió lạnh đầu mùa

- Hoàn cảnh nhân vật: Nghèo khổ, thiếu thốn giữa thời tiết mùa đông lạnh lẽo, cùng vú già nuôi 3 chị em.

- Mẹ Sơn là người mẹ hết mực yêu thương con, giàu đức hi sinh, chịu đựng.

- Mặc dù nghèo khổ nhưng luôn cố gắng hết mình để nuôi con, tỉ mỉ chăm chút cho con, dảnh cho con những gì tốt đẹp nhất...

- Là người ấm áp tình thương với hàng xóm, láng giềng, dạy con lòng nhân ái, thương người.


Dàn ý Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật mẹ Sơn trong Gió lạnh đầu mùa

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả Thạch Lam (vị trí văn học, quan điểm nghệ thuật, phong cách sáng tác...)

- Giới thiệu tác phẩm Gió lạnh đầu mùa ( xuất xứ, nội dung chính...)

- Giới thiệu nhân vật mẹ Sơn và cảm nhận chung về nhăn vật.

2. Thân bài:

- Hoàn cảnh nhân vật: Nghèo khổ, thiếu thốn giữa thời tiết mùa đông lạnh lẽo, cùng vú già nuôi 3 chị em.

- Mẹ Sơn là người mẹ hết mực yêu thương con, giàu đức hi sinh, chịu đựng. 

- Kí ức xưa trong thời tiết rét mướt hơn bây giờ nhưng mẹ Sơn vẫn đi cân gạo bên sông từ lúc sớm. 

- Nghe thấy Sơn gọi chị vì lạnh liền bảo Lan mang thúng quần áo ấm ra.

- Tỉ mỉ chọn những chiếc áo còn lành lặn nhất cho con mặc để không bị lạnh.

- Cầm chiếc áo của Duyên - đứa con đã mất năm lên bốn và rơm rớm nước mắt. 

- Cẩn thận vuốt áo lại cho Sơn một cách phẳng phiu trước khi đi chơi. 

- Mặc dù nghèo khổ nhưng luôn cố gắng hết mình để nuôi con, tỉ mỉ chăm chút cho con, dảnh cho con những gì tốt đẹp nhất...

* Là người ấm áp tình thương với hàng xóm, láng giềng, dạy con lòng nhân ái, thương người. 

- Quan tâm hỏi han Hiên – con chị hàng xóm nghèo khổ khi thấy Hiên không có đồ ấm mặc

- Cho bác Hiên vay 5 hào về may áo cho con

- Không những không trách mắng Sơn và chị Lan vì cho Hiên áo mà không xin phép, ngược lại  con vào lòng và vô cùng tự hào. 

=> Mặc dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, nghèo khổ nhưng mẹ Sơn vẫn ấm áp tình làng nghĩa xóm, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với láng giềng, cảm thấy tự hào khi con mình biết yêu thương, sẻ chia với bạn bè... 

* Nghệ thuật: xây dựng tình huống truyện đặc sắc, không có xung đột căng thẳng nhưng nhân vật vẫn bộc lộ rõ nhâm cách, phẩm chất; giọng văn nhẹ nhàng, mang âm hưởng buồn man mác; hình ảnh gần gũi, quen thuộc, giản dị; ngòi bút nhân đạo sâu sắc, khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn trong những thân phận nghèo khổ, dưới đáy xã hội... 

3. Kết bài

- Khái quát lại những giá trị mà tác phẩm mang lại.


Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật mẹ Sơn trong Gió lạnh đầu mùa

Thạch Lam là một trong những cây bút văn xuôi đặc sắc của nền văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến trước năm 1945. Nhận xét khái quát về sự nghiệp văn chương của ông, Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam có đoạn viết “Thạch Lam là một cây bút thiên về tình cảm, hay ghi lại cảm xúc của mình trước số phận hẩm hiu của những người nghèo, nhất là những người phụ nữ trong xã hội cũ, sống vất vả, thầm lặng, chịu đựng, giàu lòng hi sinh”. Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” là tác phẩm tiêu biểu để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về nhân vật mẹ Sơn – nhân vật có cuộc sống nghèo khổ nhưng ấm áp tình người. 

Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật mẹ Sơn trong Gió lạnh đầu mùa

Mẹ Sơn xuất hiện qua lời kể của nhân vật Sơn, giữa buổi sáng mùa đông rét mướt đang cùng chị và vú già ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Mẹ Sơn là người hết mực yêu thương con, giàu đức hi sinh, chịu đựng. Qua cảm nhận của Sơn, thời tiết sau đêm mưa có sự chuyển biến rõ rệt, cái lạnh bao trùm khắp cảnh vật và lạnh đến mức Sơn phải trùm chăn kín đầu. Vậy mà trong lời kể của vú già, cái năm mẹ Sơn đi cân gạo bên sông còn rét lạnh hơn. Mẹ đã không quản thời tiết khắc nghiệt để kiếm tiền nuôi chị em Sơn, năm ấy rét đến mức bây giờ Sơn vẫn còn nhớ. Khi nghe Sơn thức dậy gọi chị, vì sợ con lạnh, mẹ đã bảo chị Lan mang thúng quần áo ấm ra, mẹ cũng không quên dặn dò Sơn đi nhẹ nhàng để em bé không bị tỉnh giấc. Mẹ tỉ mỉ chọn những chiếc áo nguyên vẹn và đẹp nhất để Sơn mặc không bị lạnh. Khi cầm chiếc áo của Duyên - đứa con đã mất năm lên bốn tuổi, mẹ đã không kìm nổi xúc động mà rơm rớm nước mắt. Sự cẩn thận, chăm chút của mẹ đối với Sơn còn được thể hiện ở việc mẹ để Sơn quay đi quay lại ba, bốn lần để mẹ Sơn ngắm áo. Sau cùng, mẹ Sơn vuốt các tà áo cho phẳng phiu trước khi để Sơn đi chơi. Mẹ thương mấy chị em Sơn vô cùng, dù khó khăn thiếu thốn nhưng mẹ luôn muốn dành cho chị em những điều tốt đẹp nhất.

Mẹ là người ấm áp tình thương với hàng xóm, láng giềng, dạy con lòng nhân ái, thương người. Khi thấy Hiên – cô bé hay chơi cùng chị em Sơn ở ngõ – phải đứng nép một bên vì quá lạnh và không còn áo nguyên vẹn để mặc, hai chị em đã quyết định vè nhà lấy chiếc áo bông để cho Hiên. Thế nhưng chưa có sự xin phép của mẹ, hai chị em đã lo sợ mẹ mắng khi nghe vú già nói. Sơn với chị đã cùng nhau đi tìm bé Hiên để lấy lại áo nhưng không thấy, phải trở về nhà trong sự lo lắng. Về đến nhà, hai chị em lập tức nghe tiếng mẹ, bác Hiên và Hiên. Mẹ có nghiêm giọng hỏi tại sao tự tiện lấy áo bông mà không xin phép nhưng sau đó lập tức hỏi han bé Hiên. Biết rằng Bác Hiên không có tiền để may áo cho con, mẹ Sơn đã không ngần ngại với cái âu đồng lấy tiền cho bác Hiên vay mượn. Mặc dù có thể nói nhà Sơn có chút “khá giả” so với bác Hiên nhưng vẫn thiếu thốn và nghèo khổ. Vậy mà mẹ Sơn vẫn lo lắng, đồng cảm, giúp đỡ mẹ con bác Hiên, tình người ấm áp dường như đang xóa nhòa sự nghèo đói, gắn kết những thân phận bất hạnh lại với nhau. Đúng với phong cách Thạch Lam, ông luôn hướng về cái đẹp và miêu tả con người với tấm lòng cảm thông, nhân đạo – những nét đẹp của mẹ Sơn hiện lên như tia sáng giữa hoàn cảnh đói rét, thiếu thốn. Cuối tác phẩm, hình ảnh mẹ ôm hai chị em Sơn vào lòng khiến người đọc phải xúc động, ngưỡng mộ. Tưởng chừng sẽ bị mắng khi tự tiện mang áo cho Hiên nhưng ngược lại, mẹ Sơn vô cùng ngạc nhiên, tự hào trước hành động ấm áp của con: Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư? Mẹ đã cho Sơn và chị Lan thấy được lòng nhân ái, yêu thương, chia sẻ với mọi người dù trong hoàn cảnh éo le nhất, là tấm gương sáng để hai chị em noi theo. 

Bằng nghệ thuật kể chuyện độc đáo: xây dựng tình huống truyện đặc sắc, không có xung đột căng thẳng nhưng nhân vật vẫn bộc lộ rõ nhâm cách, phẩm chất; giọng văn nhẹ nhàng, mang âm hưởng buồn man mác; hình ảnh gần gũi, quen thuộc, giản dị; ngòi bút nhân đạo, tinh tế - khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn trong những thân phận nghèo khổ, dưới đáy xã hội, Thạch Lam đã tái hiện cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn của nông thôn Việt Nam trước cách mạng Tháng 8. Đồng thời ông cũng phát hiện, trân trọng, nâng niu những nét đẹp phẩm chất cao quý của con người trong xã hội ấy.

Mai Hồng Nhung
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question