Nghị luận phân tích bài thơ Thuật hứng 24
Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên: Hoàng Thị Dung
Cử nhân sư phạm Ngữ Văn
Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên: Hoàng Thị Dung
Cử nhân sư phạm Ngữ Văn
Thuật hứng 24 là bài thơ nằm trong tập 25 bài thơ Thuật hứng của Nguyễn Trãi. hãy cùng Topbee viết bài Nghị luận phân tích bài thơ Thuật hứng 24 nhé!
Dàn ý Nghị luận phân tích bài thơ Thuật hứng 2
a. Mở bài: Giới thiệu tác phẩm
b. Thân bài:
- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi và bài thơ “Thuật hứng 24”
- Phân tích bài thơ “Thuật hứng 24”
- Đặc sắc nghệ thuật và nội dung trong bài thơ
c. Kết bài: Mở rộng và kết lại vấn đề
Nghị luận phân tích bài thơ Thuật hứng 24
Không chỉ là một nhà văn hóa, thi nhân Nguyễn Trãi còn là một nhà thơ lớn của dân tộc. Những sáng tác của thi nhân thường chạm đến cảm xúc của độc giả bằng sự bình dị, thân thuộc trong cuộc sống thường ngày. Bài thơ “Thuật hứng 24” cũng là một trong số ấy.
"Thuật hứng" là chùm thơ gồm 25 bài trong "Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi. Bài thơ số 24 được viết trong những ngày tác giả về ở ẩn Côn Sơn hòa mình vào với thiên nhiên. Bài thơ đã miêu tả cho chúng ta vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, qua đó giúp chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên, yêu đất nước to lớn của thi nhân. Đó cũng là quan niệm sống tốt đẹp mà Nguyễn Trãi muốn gửi gắm cho hậu thế.
Mở đầu bài thơ, thi nhân đã viết:
"Công danh đã hợp về nhàn
Lành dữ âu chi thế nghị khen"
Điều đó đã cho chúng ta thấy được lựa chọn của thi nhân sau những cống hiến của mình cho việc non nước. Là mưu sĩ của Lê Lợi trong 10 năm kháng chiến chống giặc Minh “viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời”, từng làm chánh chủ khảo khoa thi Tiến sĩ đầu tiên của triều Lê, ông là người anh hùng dân tộc văn võ song toàn, đúng là “công danh đã được”. Dành gần như cả cuộc đời mình để cống hiến, phò tá sự phát triển của đất nước, đúng là ông đã “hợp về nhàn”. Lui về Côn Sơn sống ẩn dật với cuộc đời, tránh xa chốn kinh đô náo nhiệt, đầy rẫy mưu tính. Cuộc sống thanh nhàn, vui vẻ, trở lại với những điều bình yên nhất trong tâm hồn khi hòa mình vào với thiên nhiên hoang sơ. Trong thời đại đó, việc có công danh vẻ vang là điều mà ai ai cũng mong muốn, cũng theo đuổi. Thế nhưng, Nguyễn Trãi từ bỏ những vinh quang đó, để lui về sống với những điều mà bản thân mình mong muốn. Ông không quan tâm “lành dữ” mà người đời bàn tán, soi xét về bản thân mình. Có thể thấy, phong thái ung dung, tự tại với cuộc sống của thi nhân đã thể hiện quan điểm sống của không màng danh lợi, vật chất mà xưa nay hiếm khi ta được chứng kiến.
Ở hai câu tiếp theo, ta đã thấy được cuộc sống giản dị, dân dã của thi nhân Nguyễn Trãi tại nơi quê nhà:
"Ao cạn vớt bèo cấy rau muống
Đìa thanh phát cỏ ương sen"
Không còn hình ảnh một vị quan quyền cao chức trọng ngày ngày đều có kẻ hầu người hạ. Giờ đây, thi nhân có một cuộc sống giản dị và gần gũi giống như những người dân thường kia biết bao nhiêu. Mỗi câu thơ chỉ có 6 từ , cấu trúc câu thơ cân xứng cho thấy phép đối được vận dụng thần tình. “Ao cạn” với “đìa thanh”, “vớt bèo cấy muống” với “phát cỏ ương sen” đối nhau chặt chẽ làm hiện lên một cuộc đời cần mẫn, thanh bạch đáng tự hào. Chẳng phải là sơn hào hải vị, chỉ là bữa cơm với rau muống nhưng cũng đủ khiến thi nhân cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống của mình. Không chỉ sống lối sống giản dị, Nguyễn Trãi còn mang tâm hồn nhạy cảm, gắn bó thân thiết với thiên nhiên:
"Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vậy then"
Đây là hai câu “luận”, làm ý thơ được mở rộng về tâm hồn của Ức Trai. Thi nhân lấy “phong”, lấy “nguyệt” bầu bạn; lấy “yên", lấy "hà” làm nguồn vui. Có mấy ai trong thiên hạ có đời sống tinh thần phong phú và thanh cao như vây? Phép đối kết hợp cùng biện pháp tu từ thậm xưng diễn tả chiều sâu một tâm hồn, cái cao sang của một nếp sống đẹp. Làm bạn với gió trăng, có lẽ vì vậy mà thi nhân thấm đượm cái hồn của đất trời, của nhựa sống đang âm thầm chảy trôi trong cuộc đời. Dường như nơi đây là cuộc sống hoàn toàn tách biệt với những bộn bề ngoài kia, chỉ có thiên nhiên bầu bạn với thi nhân. Cảm tưởng như, nhà thơ đang một mình cảm nhận hết những vẻ đẹp bình dị mà cuộc đời mang đến.
Tuy đã từ bỏ chốn quan trường đầy rẫy mưu tính, thế nhưng tâm trí của Nguyễn Trãi vẫn luôn suy nghĩ về việc dân, việc nước:
"Bui có một lòng trung lẫn hiếu
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen"
Cuộc đời thi nhân như gắn liền với hai tiếng “trung hiếu” và “ưu ái” thật sáng ngời, đẹp đẽ và chung thủy biết bao. Tư tưởng của hai từ ấy luôn được thể hiện xuyên suốt qua những tác phẩm của Nguyễn Trãi từ khi còn ở chốn quan trường hay khi đã về sống ẩn dật tại nơi quê nhà. Hai câu thơ cuối như là một lời khẳng định cho tấm lòng của ông dành cho việc dân, việc nước. Tuy có ở nơi đâu, có ra sao thì tấm lòng ấy vẫn trong trắng, ngay thẳng như ban đầu. Không có gì thay đổi được suy nghĩ, tình cảm trung với quốc, hiếu với dân của thi nhân.
Bài thơ được viết theo thể thất ngôn xen lục ngôn bát cú, kết hợp cùng với ngôn ngữ Nôm dễ hiểu, bình dị nhưng lại đầy tầng ý nghĩa. Các thi liệu: ao, bèo, muống, đĩa, cỏ, sen, kho, thu, phong, nguyệt, thuyền, yên, hà - tạo nên cốt cách bài thơ vừa dân dã, mộc mạc vừa cổ điển thanh cao. Giọng điệu tâm tình, tha thiết đã mang lại cho độc giả đầy những cảm xúc, suy nghĩ khi đọc bài thơ “Thuật hứng 24” của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Bài thơ “Thuật hứng 24” có nghĩa là bày tỏ sự hứng thú riêng của mình. Cho dù đã qua nhiều năm, thế nhưng “Thuật hứng” vẫn là ánh sao sáng trên nền trời văn học nước nhà. Bài thơ đã cho chúng ta thấy một thi nhân yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên yên bình nhưng trong tâm trí luôn nghĩ đến việc lớn của đất nước.
Bài làm của bạn Mai Hà - Học sinh chuyên văn Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Trãi