Nghị luận phân tích đánh giá về bài thơ Mưa của Anh Thơ
Anh Thơ là ngòi bút đậm chất tình cảm, trữ tình với những vần thơ nhẹ nhàng, lay động trái tim của người đọc. Bài thơ Mưa nằm trong mạch cảm hứng về thiên nhiên, đất nước, thể hiện tình yêu tha thiết của người nghệ sĩ với những cơn mưa đầu mùa. Qua Nghị luận phân tích đánh giá về bài thơ Mưa của Anh Thơ dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận được tình yêu đó của thi sĩ.
Dàn ý nghị luận phân tích đánh giá về bài thơ Mưa của Anh Thơ.
1, Mở bài.
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Đánh giá khái quát về bài thơ: cảm nhận sức sống của những cơn mưa mang đến cho thiên nhiên, vạn vật. Qua đó bày tỏ tình yêu tha thiết của tác giả với cuộc sống và những thứ bình dị quanh ta.
2, Thân bài.
- Phân tích chủ đề, cảm hứng của bài thơ.
- Phân tích hình ảnh những cơn mưa (khổ 1), cuộc sống của thiên nhiên, vạn vật và con người dưới những cơn mưa (khổ 2+ khổ 3).
- Sử dụng thể thơ 8 chữ, hình ảnh chọn lọc, giàu sức gợi, biện pháp liệt kê, so sánh, đảo ngữ.
- Khẳng định giá trị của bài thơ: vẻ đẹp của những cơn mưa, cuộc sống bình dị của con người => nhắc nhở mỗi chúng ta hãy trân trọng những điều giản dị của cuộc sống, hoà mình với thiên nhiên, đất trời.
3, Kết bài.
- Đánh giá chung về tác phẩm.
- Liên hệ, mở rộng.
Nghị luận phân tích đánh giá về bài thơ Mưa của Anh Thơ.
Sáng tác rất nhiều, ghi dấu ấn trên nhiều thể loại song người đọc đặc biệt ấn tượng với những vần thơ của nữ sĩ Anh Thơ. Đó là những vần thơ giản dị, được cất lên từ chính những thứ đời thường xung quanh ta, nhưng lại có sức gợi thật lạ. Bài thơ Mưa là một thi phẩm như thế.
Bài thơ giống như là một thước phim quay chậm, đặc tả cảnh đất trời dưới những cơn mưa rào đầu mùa. Sở dĩ tôi khẳng định đó là những cơn mưa rào đầu mùa vì tính chất của những cơn mưa, hình ảnh mưa được miêu tả trong bài thơ. Mở đầu bài thơ là hình ảnh làng quê yên bình ẩn hiện sau những cơn mưa:
Tre lả lướt nghiêng đầu cho nước gội
Cau thẳng mình dang lá đón mưa rơi,
Đồng chìm xuống bông lúa vàng rũ rợi,
Ao rềnh lên bè rau muống xanh tươi.
Tính từ lả lướt gợi dáng vẻ yểu điệu, thướt tha của những cây tre dưới cơn mưa. Nhờ biện pháp nhân hoá người đọc cảm tưởng như cây tre cũng giống như con người biết nghiêng ngả làm duyên, tắm mưa giống như cô gái đang gội đầu. Tre điệu đà là thế, hàng cau thì thẳng mình, dang lá đón lấy mưa rơi mát lành từ đất trời. Dưới cơn mưa rào mọi sự vật như được bừng tỉnh, được tắm mát, trở nên dồi dào sức sống hơn.
Cái nhìn của nhà thơ rộng hơn, bao quát từ không gian nhỏ hẹp ở khu vườn ra đến ngoài ruộng. Đồng chìm xuống với những bông lúa vàng rũ rượi, nước mưa chảy đầy nên ao rềnh lên bè rau muống xanh tươi.
Dưới cái nhìn của thi sĩ sự sống thật muôn hình vạn trạng dưới cơn mưa. Như được tiếp thêm nguồn sinh khí, cơn mưa mang đến cho vạn vật sự tươi tốt. Biện pháp nhân hoá kết hợp với cái nhìn đặc tả, thiên nhiên trở nên sinh động, gần gũi với con người. Mưa đã mang đến sự đổi thay kỳ diệu cho cây cối, mưa cũng mang đến niềm vui và sức sống cho vạn vật, con người:
Trên nhà vắng gió lùa hơi ướt át,
Cu bé ngồi nhào đất nặn tò te.
Dưới bếp lạnh, lũ gà vào bới rác
Mặc đàn ruồi, đàn nhặng lượn vo ve.
Phép liệt kê trên nhà, dưới bếp, gà, ruồi, nhặng… dưới cái nhìn cận cảnh của thi sĩ cho thấy cuộc sống thật giản dị, bình yên của làng quê Việt Nam. Vì mưa to nên các bác nông dân phải vất vả, bận bịu với công việc thu hoạch lúa ngoài đồng. Căn nhà cũng trở nên vắng lặng, hơi gió lùa đến ướt át. Lũ trẻ nhỏ rảnh rỗi hơn ngồi nhào đất nặn tò he trong bếp. Đàn ruồi, đàn nhặng vì mưa ẩm thấp nên lượn vo ve trong sân thềm… những hình ảnh giản dị đi vào thơ ca cho thấy cuộc sống bình yên, ấm áp của con người, gợi đến một niềm nhớ nhung tha thiết.
Ngoài đường lội một vài người về chợ
Trĩu gánh hàng như trĩu quang mưa.
Yên ổn nhất trong gian chuồng êm cỏ
Lũ lợn nằm mát mẻ ngủ quên trưa.
Cái nhìn sự vật dưới cơn mưa lại được bao quát rộng hơn, xa hơn. Không gian không chỉ có trong nhà, gian bếp mà được nhìn ra ngoài đường. Vì mưa nên đường phố lầy lội hơn, thấp thoáng từ xa có một vài người đang lội trên đường về chợ, vội vã cho bữa cơm cuối ngày. Phép so sánh đắt giá qua hình ảnh “Trĩu gánh hàng như trĩu quang mưa” vừa gợi sự khó nhọc, vất vả của người lao động lại có cái gì đó rất thơ, rất tình. Để rồi bài thơ khép lại bằng một hình ảnh ấm áp, vui mắt:
Yên ổn nhất trong gian chuồng êm cỏ
Lũ lợn nằm mát mẻ ngủ quên trưa.
Bài thơ Mưa sử dụng thể thơ 8 chữ quen thuộc, gần gũi trong thơ ca Việt Nam, hình ảnh giản dị, thân thuộc. Qua bài thơ mỗi chúng ta đều thấy thêm yêu mến và gắn bó với con người, làng cảnh Việt Nam. Những thứ bình thường của cuộc sống nhưng lại có sức gợi rất mãnh liệt trên trang thơ của thi sĩ Anh Thơ.
-----------------------------------------------------------------------
Trên đây là bài viết Nghị luận phân tích đánh giá về bài thơ Mưa của Anh Thơ . Đây là một bài thơ xuất sắc trong mạch cảm hứng ca ngợi về quê hương đất nước. Những điều bình dị của cuộc sống đã đi vào trong thơ ca với sức gợi lớn. Hy vọng bài viết trên của Topbee sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!