image hoi dap
image hoi dap

Nghị luận: Vạn vật đều có vết nứt, đó là nơi ánh sáng đi vào

icon-time28/1/2024

Trong cuộc sống, bên cạnh những niềm vui, điều may mắn, thuận lợi thì nhiều lúc ta bắt gặp những điều không như mong muốn, những nỗi lo hay khiếm khuyết khiến ta trượt ra khỏi quỹ đạo mà mình mơ ước. Bạn nên nhớ rằng “Vạn vật đều có vết nứt, đó là nơi ánh sáng đi vào”. Hãy cùng đến với bài Nghị luận: Vạn vật đều có vết nứt, đó là nơi ánh sáng đi vào sau đây nhé!


Dàn ý Nghị luận: Vạn vật đều có vết nứt, đó là nơi ánh sáng đi vào  

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và quan điểm của bản thân đối với vấn đề. 

2. Thân bài: 

- Giải thích: 

* Nghĩa đen:

- “Vết nứt”: những chỗ không hoàn hảo của một sự vật, là những đường, rãnh tạo ra các khoảng trống, làm bề mặt đồ vật không nguyên vẹn, hoàn chỉnh. 

- “Ánh sáng”: những tia, đường có màu sắc sáng từ Mặt Trời hoặc những sự vật phát ra ánh sáng.

=> Vạn vật đều có những vết nứt bên cạnh những vẻ đẹp của nó, tuy nhiên nhờ những vết nứt mà ánh sáng mới có thể xem kẽ, chiếu rọi vào.

* Nghĩa bóng:

- “Vết nứt”: những khiếm khuyết, thiếu hụt của con người về vật chất, tinh thần.... 

- “Ánh sáng”: những hi vọng, sự trưởng thành, trải nghiệm nhận được từ những điên không hoàn hảo đó

=> Ý nghĩa: Mỗi con người ai cũng có những khuyết điểm, thiếu sót, không ai hoàn hảo cả. Chính những chỗ trống ấy làm mỗi con người trưởng thành, tìm được giá trị bản thân... 

* Bình luận:

- Mỗi con người sinh ra cũng như vạn vật, không ai cũng không có gì hoàn hảo.

- Những chỗ không hoàn hảo ấy là cơ hội để chúng ta khám phá bản thân, tìm được giá trị đích thực của mình...

- Nếu mỗi người không biết cách chấp nhận những “vết nứt” mà quá đề cao sự hoàn hảo  áp lực, mệt mỏi, tự ti, mặc cảm... 

- Ngược lại nếu thiếu đi những “vết nứt” thì con người giống như một đồ vật bị bịt kín, tối tăm, không vận động, phát triển...

* Dẫn chứng: Ludwig van Beethoven -  nhà soạn nhạc cổ điển người Đức, Nick Vujicic...(phân tích ví dụ)

3. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề, liên hệ bản thân.


Nghị luận: Vạn vật đều có vết nứt, đó là nơi ánh sáng đi vào  

Chắc hẳn ai cũng muốn cuộc sống của mình luôn tràn ngập những niềm vui, điều may mắn, thuận lợi. Tuy nhiên thực tế nhiều lúc ta bắt gặp những điều không như mong muốn, những nỗi lo hay khiếm khuyết khiến ta trượt ra khỏi quỹ đạo mà mình mơ ước. Bạn sẽ ghét bỏ, gục ngã, tự ti, chán nản, suy nghĩ tiêu cực về nó ư? Bạn nên nhớ rằng “Vạn vật đều có vết nứt, đó là nơi ánh sáng đi vào”.

Đối với một đồ vật vết nứt là những đường, rãnh tạo ra các khoảng trống làm bề mặt đồ vật không còn nguyên vẹn, hoàn chỉnh nữa. Đặc biệt đối với các đồ vật bằng thủy tinh, gốm sứ thì những đồ vật ấy gần như là sản phẩm lỗi và không còn khả năng sử dụng được. Tuy nhiên nhờ những chỗ khiếm khuyết ấy mà ánh sáng có thể chiếu rọi vào, len lỏi qua vết nứt ấy. Con người cũng vậy, sinh ra không ai có thể hoàn hảo mà phải không ngừng nỗ lực, phát triển bản thân. “Vết nứt” ở mỗi con người là những thiếu sót, những khuyết điểm cả ở ngoại hình và năng lực, tính cách. Câu nói muốn khẳng định chúng ta luôn có những “vết nứt” mà chính những phần không hoàn hảo ấy khiến chúng ta trưởng thành, không ngừng hoàn thiện và khẳng định giá trị bản thân. 

Nghị luận: Vạn vật đều có vết nứt, đó là nơi ánh sáng đi vào

Vậy nếu chúng ta không chấp nhận những vết nứt ấy mà luôn theo chủ nghĩa hoàn hảo thì sẽ ra sao? Yêu cầu đặt ra với bản thân quá cao sẽ khiến chúng ta mệt mỏi, căng thẳng, áp lực mà không nhận ra giá trị đích thực của mình. Những vết nứt ấy chính là cơ hội để mỗi người nhìn nhận lại bản thân. Những nỗi buồn, sự lo âu, khó khăn ta gặp phải sẽ là bậc thang để ta nỗ lực và hoàn thiện mình. Mặt khác những “vết nứt” luôn đặt con người trước những thử thách, ngưỡng cửa buộc con người phải không ngừng tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng để vượt qua. Sau mỗi lần như vậy, “ánh sáng” sẽ đến với mình, bản thân thêm bước trưởng thành mới. Ngược lại nếu không có những “vết nứt”, con người sẽ giống như đồ vật trong trạng thái không vận động, bị bịt kín, không có cơ hội thấy ánh sáng. Không có những thử thách, áp lực, con người sẽ không nhận thấy năng lực bản thân, cá nhân sẽ không khác biệt gì với mọi người và mọi người sẽ là các phiên bản “hoàn hảo” giống nhau. Quá trình chữa lành “vết nứt” chúng ta sẽ tìm kiếm được những mối quan hệ, bạn bè...làm cuộc sống thêm ý nghĩa hơn. Giống như quy luật bốn mùa vậy, muốn có mùa xuân tươi đẹp thì phải trải qua mùa hè nóng nực, mùa thu héo úa và mùa đông lạnh giá. Do vậy những thiếu sót, điểm không hoàn hảo là một trong những bộ phận tạo nên chúng ta, giúp chúng ta khám phá và phát huy hết khả năng của bản thân. Nhạc sĩ  Ludwig van Beethoven là một trong những tấm gương tiêu biểu. Mặc dù khiếm khuyết về giác quan - khiếm thính, nhưng chính khiếm khuyết ấy càng khiến ông yêu âm nhạc hơn, không ngừng nỗ lực, sáng tạo và trở thành nhà soạn nhạc vĩ đại trên thế giới. 

Là học sinh em sẽ cố gắng học tập tích lũy kinh nghiệm để khắc phục nhược điểm, phát huy điểm mạnh của mình. Bên cạnh đó cũng biết nhìn nhận đúng về bản thân, tự tin thể hiện giá trị của mình, đón nhận những thử thách, khó khăn một cách chủ động và vượt chúng bằng khả năng bản thân.

Mai Hồng Nhung
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question