image hoi dap
image hoi dap

Nghị luận về 8 câu đầu bài thơ Tây Tiến

icon-time1/11/2023

Tây Tiến là bài thơ lính nhưng rất thơ của tác giả Quang Dũng. Hãy cùng Topbee viết bài Nghị luận về 8 câu đầu bài thơ Tây Tiến nhé!


Dàn ý Nghị luận về 8 câu đầu bài thơ Tây Tiến

a. Mở bài: Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm

- Quang Dũng là nhà thơ thuộc thế hệ nhà thơ miền Bắc trưởng thành và nổi danh sau Cách mạng Tháng Tám

- Bài thơ “Tây Tiến” được sáng tác vào cuối năm 1948 tại Phù Lưu Chanh, khi này tác giả Quang Dũng đã chuyển về đơn vị khác và nhớ về đơn vị cũ là đoàn quân Tây Tiến.

b. Thân bài:

- Giọng thơ tha thiết, như đang bật ra những tích tụ bấy lâu nay trong lòng. “Tây Tiến ơi!”, tiếng gọi thật thân thương làm sao.

- Tính từ “xa rồi” tạo ra một khoảng không gian xa xăm, vời vợi, mênh mông vừa gợi một nỗi bâng khuâng, man mác, một nỗi hụt hẫng trong lòng.

- Từ nỗi nhớ “chơi vơi”, giờ đây nỗi nhớ đã được hiện thực hóa khi nhớ về những địa danh thực tế cũng như những hoạt động của con người, mà cụ thể ở đây là người lính Tây Tiến.

-  Hai câu thơ thật thơ đã đưa chúng ta tới mảnh đất miền Tây thật thơ mộng, trữ tình.

-  “khúc khuỷu”, “thăm thẳm” cảm tưởng như chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi cũng có thể khiến người lính mất mạng.

- “Dốc khúc khuỷu” đã miêu tả những chặng đường nhiều núi đèo hiểm trở, gập ghềnh, lúc hiện ra quanh co đèo dốc, lúc lại chìm ẩn đi trong cái thăm thẳm, mênh mông. 

- “Súng ngửi trời” chính là sự ngạo nghễ, tinh nghịch mà tác giả Quang Dũng đưa vào thơ của mình.

- Dốc núi đột ngột lên cao rồi lại đột ngột gãy gập, đổ xuống một cách bất ngờ đầy hiểm nguy tưởng như đỉnh núi bị đứt gãy giữa không trung. Và rồi mưa như trắng xóa trời, khiến cảnh vật bị xóa nhòa trên nền mưa ấy. 

c. Kết bài: Đánh giá và nêu cảm nhận

Nghị luận về 8 câu đầu bài thơ Tây Tiến

Nghị luận về 8 câu đầu bài thơ Tây Tiến

Được mệnh danh là “nhà thơ của xứ Đoài mây trắng” - Quang Dũng đã trở thành một biểu tượng của hồn thơ vừa lãng mạn nhưng cũng đậm chất lính của làng thơ Việt Nam. Ông bước vào chiến trận mà như bước chân phiêu lãng giang hồ, say mê hồ hởi đến lạ. Chính cái tâm thế lãng mạn ấy, với hiện thực cách mạng khắc nghiệt đã giúp hồn thơ Quang Dũng bay cao, mà Tây Tiến chính là đỉnh cao. Tám câu thơ đầu của bài thơ đã khắc họa cho chúng ta thấy vẻ đẹp thiên nhiên của vùng đất phía Bắc, tuy hoang dã, hiểm trở nhưng cũng đầy chất đẹp thơ mộng và giản dị đến xiêu lòng.

Quân đoàn Tây Tiến là một quân đoàn có thật trong lịch sử. Vào những ngày đầu kháng chiến nổ ra, họ nhận được nhiệm vụ là cùng nhau tuyên truyền, thăm dò địa hình của vùng cũng như liên lạc và phối hợp chiến đấu cùng với bộ đội Lào. Bài thơ “Tây Tiến” chính là những kỉ niệm, những mong nhớ của tác giả Quang Dũng khi được sống và chiến đấu cùng với những người đồng đội tại quân đoàn Tây Tiến. Chắc cũng vì vậy, mà ngay từ hai câu thơ đầu tiên, ông đã thể hiện tình cảm nhớ thương của mình:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.”

Giọng thơ tha thiết, như đang bật ra những tích tụ bấy lâu nay trong lòng. “Tây Tiến ơi!”, tiếng gọi thật thân thương làm sao. Như đang tâm tình, đang bộc lộ ra những tình cảm, những suy nghĩ cho khắp núi rừng Tây Bắc cùng nghe vậy. “Sông Mã” vừa là hình ảnh thiên nhiên miền Tây gắn liền với bao ngày tháng gian khổ của đoàn binh Tây Tiến, cũng lại vừa là nhân chứng đã chứng kiến toàn bộ những buồn vui, những khó khăn vất vả của cuộc đời người lính. Nhắc về “Sông Mã” cũng như là đang nhắc về “Tây Tiến” đầy yêu thương và ngược lại. Hai hình ảnh tưởng như không có điểm chung mà lại giao thoa nhau, gắn liền với nhau thật hài hòa, thật gắn kết biết bao. Nhưng mà buồn thay, những cảnh vật, những kỉ niệm thân thương kia giờ đây lại “xa rồi”. “xa” ở đây không chỉ để chỉ về khoảng cách địa lí, mà xa ở đây còn như chỉ về quá khứ về thời gian đã qua trước đây. Tính từ “xa rồi” tạo ra một khoảng không gian xa xăm, vời vợi, mênh mông vừa gợi một nỗi bâng khuâng, man mác, một nỗi hụt hẫng trong lòng. Có lẽ, cũng bởi vậy mà nỗi nhớ dường như bị hẫng lại, lửng lơ trong lòng. Nhớ về quá khứ, nhớ về thiên nhiên rừng núi hoang vu đã khiến cho Quang Dũng dường như “chơi vơi” trong chính nỗi nhớ của mình.

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”

Từ nỗi nhớ “chơi vơi”, giờ đây nỗi nhớ đã được hiện thực hóa khi nhớ về những địa danh thực tế cũng như những hoạt động của con người, mà cụ thể ở đây là người lính Tây Tiến. Hai câu thơ thật thơ đã đưa chúng ta tới mảnh đất miền Tây thật thơ mộng, trữ tình. “sương lấp” và “hoa về” đã đưa hồn người như được thả mình vào trong không gian mơ hồ, kì ảo của núi rừng. Ru hồn người ngủ say giữa những mệt mỏi của cuộc hành quân gian khổ. Cảm tưởng như người lính đang mơ trong thế giới thật, đang chứng kiến những vẻ đẹp không có thật trong cuộc sống. Sau những khó khăn, nhọc nhằn, giờ đây như những giây phút hiếm hoi họ được thả mình theo vẻ đẹp của thiên nhiên.

Thế nhưng, những nguy hiểm của vùng “rừng thiêng nước độc” là không thể phủ nhận. Những câu thơ phía sau như đối lâp lại hoàn toàn với vẻ thơ mộng, trữ tình của hai câu thơ trên:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha luông mưa xa khơi.”

Những từ láy dường như đã thể hiện cho chúng ta thấy sự nguy hiểm, khó khăn của cung đường hành quân. “khúc khuỷu”, “thăm thẳm” cảm tưởng như chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi cũng có thể khiến người lính mất mạng. “Dốc khúc khuỷu” đã miêu tả những chặng đường nhiều núi đèo hiểm trở, gập ghềnh, lúc hiện ra quanh co đèo dốc, lúc lại chìm ẩn đi trong cái thăm thẳm, mênh mông. "Dốc thăm thẳm" là cách viết độc đáo của Quang Dũng, vừa gợi tả chiều cao, vừa gợi tả chiều sâu, như một con dốc không có điểm đáy, đầy hoang sơ và hiểm trở.

“Súng ngửi trời” chính là sự ngạo nghễ, tinh nghịch mà tác giả Quang Dũng đưa vào thơ của mình. Chi tiết này khiến chúng ta nhớ đến hình ảnh “Đầu súng trăng treo” trong bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu. Có lẽ rằng đó chính là mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên. Trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời, những giây phút căng thẳng nhất, thiên nhiên vẫn ở bên bầu bạn với chúng ta. Tạo ra vẻ đẹp cho tâm hồn con người, cho con người được thư giãn, thoát mình ra khỏi những giây phút căng thẳng của cuộc chiến.

Nhưng, những khó khăn chưa dừng lại ở đó. Câu thơ tiếp như nhân lên gấp bội sự thử thách, khốc liệt của thiên nhiên:

“Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”

Ngàn thước là ước từ chỉ số lượng không xác định. Dốc núi đột ngột lên cao rồi lại đột ngột gãy gập, đổ xuống một cách bất ngờ đầy hiểm nguy tưởng như đỉnh núi bị đứt gãy giữa không trung. Và rồi mưa như trắng xóa trời, khiến cảnh vật bị xóa nhòa trên nền mưa ấy. 

Tám câu thơ đầu dường như đã thể hiện được nỗi nhớ da diết của tác giả Quang Dũng với thiên nhiên miền Tây cũng như với quân đoàn Tây Tiến gắn liền với kỉ niệm của mình. Tây Tiến không chỉ là nỗi nhớ đơn thuần, đó đã trở thành một phần tinh thần, tâm hồn của những người lính đã chiến đấu và bảo vệ cho vùng đất này.

Hoàng Thùy Phương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question