image hoi dap
image hoi dap

Nghị luận về cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Thời gian của Văn Cao

icon-time6/11/2023

Để hiểu hơn về sự tàn khốc của thời gian cũng như góc nhìn của nhà văn Văn Cao. Hãy cùng Topbee phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ “Thời Gian” của nhà thơ Văn Cao nhé!


Dàn ý nghị luận về cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Thời Gian của Văn Cao:

1. Mở bài: Khái quát về nhà thơ và bài thơ.

2. Thân bài:

- Tác động của thời gian lên vạn vật xung quanh.

- Kết cấu đặc biệt của những câu thơ.

- Những suy tư của tác giả về cuộc đời.

3. Kết bài: Cảm nhận của người đọc về dòng thời gian.

Nghị luận về cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Thời gian của Văn Cao

Nghị luận về cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Thời gian của Văn Cao

Có một nhà thơ được mọi người biết đến là một người nghệ sĩ đa tài, ông vừa là một nhạc sĩ, vừa là một họa sĩ và đồng thời cũng rất thành công về mảng thơ ca. Ông là Văn Cao, một tác phẩm nổi bật của ông có thể kể đến là bài thơ “Thời Gian” với cấu tứ và hình ảnh đặc biệt.
Văn Cao sinh ra ở Nam Định nhưng lớn lên ở Hải Phòng và ông cũng bắt đầu sự nghiệp của mình ở đây. Ông được nhiều người biết đến là một nhạc sĩ, họa sĩ và nhà thơ. Đọc thơ ông ta thấy rất ít chữ, nhưng qua đó lại toát lên nét nghệ thuật vô cùng độc đáo. Ông luôn biết tạo ra sự mới mẻ cho thơ ca của mình bằng cách thay đổi linh hoạt về hình thức và nội dung để làm cho những bài thơ có nét đặc trưng riêng của nó. Về bài thơ “Thời Gian” của Văn Cao, ông viết theo thể thơ tự do với hình thức câu từ và những hình ảnh vô cùng đặc biệt. Bài thơ là cảm nhận về thời gian qua góc nhìn của nhà thơ.

“Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước”

Với hai câu thơ đầu tiên, Văn Cao cảm nhận thời gian bằng xúc giác: thời gian lặng lẽ trôi qua kẽ tay của ông. Một cách cảm nhận thời gian vô cùng độc đáo. Một vật thể vô hình là “thời gian” được miêu tả cùng với một vật thể hữu hình là “kẽ tay”. Bằng cách đó, nhà thơ cho người đọc thấy được dòng chảy của thời gian, nó nhẹ nhàng và tĩnh lặng nhưng lại trôi tuột một cách nhanh chóng. Có thể nói thời gian trôi qua trong sự bất giác của con người. Thời gian thì cứ chạy, “làm khô những chiếc lá” và rồi khơi dậy “kỷ niệm trong tôi”. Sự hao mòn của vạn vật xung quanh chính là minh chứng rõ ràng nhất cho việc thời gian vẫn đang hoạt động, những chiếc lá, tán cây rồi sẽ khô héo, úa tàn. Thanh xuân, tuổi trẻ của con người cũng vậy, cũng sẽ trở thành quá khứ, kỉ niệm dưới dòng chảy của thời gian. Vạn vật chẳng có gì nguyên vẹn mãi mãi dưới sự tồn tại của thời gian. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh rất đặc biệt như “thời gian qua kẽ tay” hay “những chiếc lá”, “kỉ niệm” từ đó làm nổi bật tính chất của thời gian.

Đang trong mạch thơ, thì nhà thơ lại đột ngột xuống dòng với chỉ một từ “Rơi”. Cảm xúc bỗng nhiên tụt dốc, vỡ vụn. Văn Cao muốn nhắc nhở người đọc điều gì qua từ “rơi” này? Có lẽ con người luôn mãi mê chạy theo những mục tiêu những khát khao, mong muốn có được một thứ gì đó, mà bất giác quên đi mất những thứ thật sự quan trọng của cuộc đời mình. Đến khi nhận ra thì thời gian đã không còn lại là bao nhiêu, những cố gắng, nỗ lực, niềm vui, hạnh phúc đã “rơi” mất rồi. Mọi thứ “rơi” “như tiếng sỏi” cách so sánh vô cùng độc đáo, đặc tả âm thanh rất nặng nề, vụn vỡ. Sự vận động của sự vật xung quanh chính là điều mà tác giả muốn nhắn mạnh thông qua cách so sánh và cách ngắt dòng vô cùng mới lạ này. Tiếng sỏi rơi “trong lòng giếng cạn”, lòng giếng thì đen như mực, không gian bên trong u ám và mờ mịt. Từ “cạn” thể hiện sự cô đơn, lẻ loi kết hợp với không gian tối tăm trong lòng giếng là tâm trạng của con người trở nên tụt dốc. Ta có thể thấy, nhà thơ ngắt câu một cách rất ngẫu nhiên nhưng lại hoàn toàn có chủ đích. Từ đó làm cho bài thơ có kết cấu rất đặc biệt. 

Tiếp tục với hai câu thơ kế tiếp, nhà thơ đã sử dụng phép điệp cấu trúc “Riêng những...còn xanh” kết hợp với hình ảnh “câu thơ”, “bài hát” – đây vốn là những sản phẩm của sự sáng tạo trong nghệ thuật. Tác giả muốn nhấn mạnh về giá trị của những thành quả nghệ thuật sẽ luôn trường tồn theo thời gian, nó sẽ sống mãi và tốn tại trong nhận thức của con người, những bài học những giá trị mà nó để lại sẽ mãi mãi còn xanh. Một lần nữa nhà thơ đã sử dụng cách ngắt câu rất đặc biệt, nhằm mục đích tách ý thơ để thơ trở nên rõ ràng. Kết cấu bài thơ sẽ trở nên gọn ghẻ, rõ ràng giúp người đọc dễ dàng hình dung ý thơ.

Kết lại bằng câu thơ cuối cùng “Và đôi mắt em như hai giếng nước”. Sử dụng phép so sánh “đôi mắt” với “hai giếng nước”. Đó là một đôi mắt đen, sâu hút, những điều chất chứa bao nổi niềm, hoài bão của cuộc đời. Nhìn vào đôi mắt ấy ta như bị hút hồn, lạc vào trong chính những suy tư của con người. Nhà thơ đan xen những hình ảnh về con người với hình ảnh của những sự vật, hiện tượng xung quanh. Từ đó làm những hình ảnh được sử dụng trở nên thân thuộc và gần gủi hơn, ý thơ mà tác giả muốn truyền tải cũng rõ ràng hơn.

Qua phần phân tích trên, ta thấy được kết cấu và những hình ảnh trong xuyên suốt bài thơ được Văn Cao sắp xếp có chủ đích. Kết cấu rõ ràng, ngắt câu linh hoạt, ngắn gọn, súc tích, hàm súc, đi thẳng vào trọng tâm. Hình ảnh thì sinh động, kết hợp biện pháp nghệ thuật so sánh để làm nổi bật ngụ ý của nhà thơ.

Bài thơ “Thời gian” của Văn Cao đã để lại cho người đọc những cảm nhận riêng về dòng chảy của thời gian. Thời gian có thể chạy thật nhanh trong sự thay đổi của vạn vạn, nhưng cũng có thể trôi thật chậm dưới những giá trị bền vững mà con người để lại. Vì vậy, mỗi người hãy nên trân trọng quỹ thời gian của chính mình và hãy cống hiến để tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Hồ Nhật Huyền Trân
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question